Hôm nay,  

Y Dược Ngày Nay Tháng Tư: Tình Hình Dân Việt Bệnh Lao

12/04/200800:00:00(Xem: 5460)

Ngày 24 tháng 3 vừa qua là ngày Lao Thế giới nên trong tháng này có nhiều bài về bệnh lao. Bs Nguyễn Văn Đích viết: Chữ "lao" có nghĩa là hao mòn được dùng trong những từ như "lao tâm" "lao lực", do đó rất thích hợp để chỉ một bệnh nhiễm trùng làm cho người bệnh suy kiệt rồi chết. Lao vẫn là bệnh của người lao động, từ người làm việc bằng chân tay đến các thày cô giáo "bán cháo phổi", đổi lá phổi lấy bát cháo!

Ở Việt nam người ta xếp lao vào lọai các bệnh xã hội, cùng với các bệnh tình dục và nghiện xì ke ma túy. Xét cho cùng, sự xếp lọai này rất có lý vì cơ nguyên gây bệnh không phải chỉ ở vi khuẩn và người bệnh mà còn liên hệ đến môi trường và bối cảnh xã hội.

Năm 1948, trong chiến tranh, gia đình tôi tản cư về Cao xá, huyện Phù cừ, tỉnh Hưng yên. Được tin chú tôi ở Bùi chu tỉnh Nam định bị lao, Ba tôi tìm cách gửi mua từ trong "thành" (Hà nội) được một chai Glucocalcium 10 phân khối để cho chú tôi chữa bệnh. Hồi đó chưa có kháng sinh, người ta tin rằng tiêm calcium làm cho sang thương lao hóa vôi, giúp cho khỏi bệnh. Ba tôi để chai glucocalcium trong túi áo trước ngực, cùng gia đình đi bộ nhiều ngày trên con đường đã được đào lên và đắp mô hình chữ chi để cản xe tăng của Pháp, từ Cao xá đến Bùi chu hy vọng giúp chú tôi chóng khỏi nhưng khi đến nơi thì chú tôi đã từ trần.

Từ những năm 1950, ở Việt nam đã có PAS, Streptomycin, nên người bị lao đã có hy vọng đươc chữa khỏi. Cũng vì quá tin ở streptomycin nên người ta đã lạm dụng. Một số bác sĩ sợ tiêm penicillin bị sốc nên thay vì tiêm penicillin đã tiêm streptomycin; y tá cũng làm bác sĩ nên khi một số trẻ em bị ho sổ mũi cũng tiêm "és-strép"!

Khi ra trường tôi thấy rằng việc chữa lao thật khó khăn, chẩn đoán chủ yếu dựa vào phim phổi, thử đàm thường âm tính vì không nhân viên phòng thí nghiệm nào bỏ thời giờ nhìn dưới kính hiển vi đúng quy cách, cấy khuẩn lâu mới mọc và cũng không có đủ phương tiện để cấy cho mọi người. Nhiều bệnh nhân suy kiệt ho ra máu tưởng như có thể chết nhưng chỉ sau mươi tuần điều trị, họ đã lên cân, cảm thấy khỏe và tự ý ngưng thuốc dù đã được giải thích cặn kẽ. Những người đó đã bị bệnh trở đi trở lại, mỗi lần tái phát lai khó chữa hơn và cuối cùng họ đều chết.

Trong những năm 60-70, chiến tranh ác liệt. Đồng bào nông thôn đổ lên thành thị chen chúc trong các căn nhà ổ chuột. Vật giá leo thang, cuộc sống không có ngày mai, bệnh tật, xì ke ma túy, mãi dâm lan tràn. Năm 1978 tôi thăm khám một bệnh nhân đàn ông bị lao lâu ngày ho ra máu. Tôi nhận ra ông vì ông là võ sư vô địch nhu đạo đai đen đệ tứ đẳng đã từng giao đấu ở Nhật. Tôi không ngờ một người như vậy mà bây giờ lại gầy ốm hom hem đi xin từng viên thuốc mà không có, lo sợ vì biết vi khuẩn lao đang đục khoét phổi của mình. Một hôm có một bệnh nhân bị lao từ trần, y tá thu dọn quần áo người chết để lại, thấy anh còn cất dấu một bọc thuốc đầy chưa uống. Vì sợ không được tiếp tục điều trị khi ra viện nên anh đã để dành thuốc và đã chết! Thuốc chữa lao trên nguyên tắc được phát miễn phí nhưng trong thực tế lại khan hiếm. Vì khan hiếm nên nảy sinh ra nhiều tiêu cực. Theo tiêu chuẩn thì người thử đàm dương tính mới được chữa. Vì thử đàm thường âm tính nên đã có người bán đàm cho những người cần chứng tỏ bị bệnh lao đang họat động vì đàm của anh ta có nhiều vi khuẩn. Trong số bệnh nhân của tôi có một ông là đảng viên. Ông là người có chức có quyền, đã làm Giám đốc Xa Cảng Miền Tây, nhưng vì tham nhũng nên sa vào vòng lao lý phải vào tù, đã bị lao trong tù, và chết tại bệnh viện vì lao màng não. Đối với người thày thuốc thì chỉ có bệnh nhân và bệnh tật. Một bệnh nhân chết là một sự thất bại. Thầy thuốc ngày đêm làm việc bên giường bệnh nhưng nhiều khi thấy mình giống như con Dã Tràng chẳng làm nên công cán gì vì ngay cả khi chữa được, sau khi ra viện bệnh nhân lại bị bệnh trở lại.

Năm 2007 tôi đến thăm một phòng khám từ thiện giúp người bị nhiễm HIV/AIDS. Bác sĩ Phấn cho tôi biết 90% những người này bị lao nhưng vì lý do nào đó họ không đến bệnh viện lao mà lai đến đây. Nhìn số bệnh nhân ngồi ở một phòng khám không có tên, không có bảng hiệu, tôi hỏi anh lý do nào khiến cho họ biết mà tìm đến, anh cười trả lời: "Tình Thương lại gọi Tình Thương!". Những người cùng cực, không có tiền, thậm chí bị gia đình ruồng bỏ, đau ốm gần chết nhưng vẫn có nhân phẩm và biết tự trọng, họ vẫn không muốn bị la mắng, bị coi như kẻ đi xin. Công việc của những người làm từ thiện thật là đẹp, cho thấy rằng xã hội còn có tình thương và cần có tình thương. Khi đời sống vật chất được nâng cao, văn học nghệ thuật phát triển sẽ làm cho người ta biết đối xử với nhau có tình có nghĩa dù ở vị trí nào... (Bác sĩ Nguyễn Văn Đích)

Để tiếp theo chúng tôi xin điểm qua các bài đã được đăng tải.

Trong mục Tin Mới, Bs Nguyễn văn Thịnh cho biết nhiều tin đáng chú ý, như chủng ngừa viêm gan siêu vi B, thuốc giả từ Trung Quốc, nhiễm HIV, ung thư, lao kháng thuốc, xét nghiệm gắn vi khuẩn trên dải kháng thể để chẩn đoán nhanh bệnh lỵ trực khuẩn do viện Pasteur Paris thực hiện phối hợp với viện Pasteur TP HCM…, sự thay đổi hệ miễn dịch ở một bệnh nhân được ghép tạng, sang thương phẳng trong nội soi đại tràng…

Trong mục Thường Thức, Bs Nguyễn ý Đức viết về các thuốc chống trầm cảm, bệnh lao kháng thuốc, Bs Nguyễn văn Đức viết về chống cúm, Bs Nguyễn văn Đích nêu một số điểm thực tế trong điều trị cao huyết áp, Gs Vũ quý Đài và Bs Trần mạnh Ngô nêu những điểm đặc biệt về bệnh tim ở phụ nữ, Bs Nguyễn trần Hoàng viết về sức khỏe và tình yêu.

Trong mục Thực Hành, Ds Lê văn Nhân cảnh báo về lao kháng thuốc phổ rộng, Ts Lâm kim Cương cho biết về phương pháp PCR để chẩn đoán bệnh lao thay cho cấy vi khuẩn, Bs Nguyễn văn Thịnh nhắc lại về các bệnh nhiễm trùng trong cấp cứu trẻ em.

Trong mục Lâm Sàng, Bs Nguyễn tài Mai viết về u đa tủy, ung thư phổi, Bs Trần mạnh Ngô viết về một trường hợp viêm gan siêu vi B ở bệnh nhân bị thặng sư chất sắt, DS Christina Cao và Ds Lê văn Nhân nhắc nhở về sử dụng warfarin, các Ds Trịnh Nguyễn Đàm Giang, Lê văn Nhân và Mai Diễm Tuyết trình bày một trường hợp lao kháng rất nhiều thuốc ở một sinh viên dựợc ở Việt nam.

Trong mục Dược Phẩm Ds Lê văn Nhân lại đề cập đến vấn đề lao kháng nhiều thuốc, Ds Trịnh Nguyễn Đàm Giang cho các thông tin về các thuốc leucoleucovorin, lưu ý về cách sử dụng các thuốc tăng sinh hồng cầu và thuốc ho tussionex (thuốc đặc chế, ở Hoa kỳ).

Trong mục Khảo Cứu Bs Trần mạnh Ngô báo cáo về một xét nghiệm phóng xạ trong chẩn đoán tình trạng thiếu sinh tố B12.

Trong Y Sinh Học, đáng chú ý là bài của Ds Dương quang Nhàn về để rơi một nguồn phóng xạ ở Vũng tàu, và tác dụng của phóng xạ trong sinh vật học của Bs Trần mạnh Ngô.

Trong mục Hỏi Đáp , Bs Nguyễn thị Nhuận trả lời câu hỏi về mật ong ở trẻ sơ sinh, táo bón ở trẻ em, Ds Lê văn Nhân trả lời về cao dán Neupro, và  câu hỏi về diện tích dưới đường biểu diễn.

Mục Tham Khảo đáng chú ý là một lọat bài như nỗi lo về hóa chất và dược  phẩm từ Trung Quốc, công nghệ xanh, Ngày Nước Thế giới, Nhập cảng phế thải độc hại vào Việt nam của Ts Mai thanh Truyết; kế tiếp là giải đáp một số câu hỏi tò mò về một số vấn đề của Bs Thú y Nguyễn thượng Chánh, tiếp theo là vấn đề của những cặp vợ chồng lớn tuổi khi con cái đã trưởng thành rời bỏ gia đình đi ở riêng, và chất ngọt trong đời sống và bệnh tiểu đường của Bs Thú y Nguyễn thượng Chánh và Ds Nguyễn ngọc Lan, cuối cùng là bài công nghệ tái tạo phế thải điện tử của tác giả Lê ngọc Điệp.

Không kém quan trọng là mục Hình ảnh Y Dược khoa, Đố vui để học, dịch thuật, Từ điển Y học Anh-Việt-Pháp, Bảng Xếp lọai Quốc tế bệnh tật.do Bs Nguyễn Nguyên phụ trách.

Xin mời quý vị đọc và cho ý kiến.

Y Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.