Hôm nay,  

Tìm Ra Suối Nguồn Hạnh Phúc

17/06/200700:00:00(Xem: 8022)

Ngài Đạt Lai Lạt Ma Cùng Các Nhà Thần Kinh Học Tìm Ra Suối Nguồn Hạnh Phúc

Tiến sĩ Daniel Goleman, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về cảm xúc và cũng là người tiên phong trong phong trào phát triển thông minh cảm xúc, đã tâm sự là nhiều năm trước đây, khi còn là một sinh viên cao học ông ta đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về thiền và hạnh phúc vì thiền có thể làm giảm đi nhiều sự căng thẳng trong đời sống. Tuy nhiên, các giáo sự của ông nghi ngờ về sự nghiên cứu này, các dữ kiện ông ta thu thập lại yếu kém và đối tượng nghiên cứu chỉ là những sinh viên mới vào đại học. Do đó, kết quả những cuộc nghiên cứu này không lấy gì làm khả quan.

Con đường của ông ta khởi đầu về nghiên cứu thiền dù lúc đó chưa thành công nhưng đã chứng tỏ ông ta có một cái nhìn xa về khả năng trị liệu của thiền vì những năm kế tiếp chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho rất nhiều chương trình nghiên cứu thiền giúp chữa trị bệnh tật một cách nghiêm túc và bao trùm nhiều lãnh vực như thiền giúp chữa trị bệnh tật, phát triển trí nhớ, phát triển sức khỏe và phát triển hạnh phúc. Hàng ngàn cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện, trong đó vào đầu năm 2003, một cuộc nghiên cứu quan trọng đã có kết quả tốt đẹp và đưa đến một kết luận chắc chắn : Thiền làm gia tăng hạnh phúc.

TÌM SUỐI NGUỒN HẠNH PHÚC

Trên hai mươi thập niên qua, ngài Dạt Lai Lạt Ma đã hợp tác với các nhà khoa học để tìm hiểu tâm và bộ não. Có rất nhiều nhà tâm lý học cũng như thần kinh học thượng thặng tại Hoa Kỳ đã hợp tác với ngài trong chương trình này. Mỗi hai năm các nhà khoa học họp lại tại Dharamsala ở Ấn Độ, thủ đô lưu vong của ngài Đạt Lai Lạt Ma để hội luận về nhiều vấn đề khoa học tương quan với Phật giáo. Vào tháng ba năm 2000, các nhà thần kinh học, tâm lý gia, các vị tu sĩ và ngài Đạt Lai Lạt Ma họp  năm ngày để thảo luận về phương pháp kiểm soát các cảm xúc phá hoại trong đó thiền được xem là một phương pháp cụ thể và có ích lợi lớn. Tiến sĩ Daniel Goleman đã tường trình lại chi tiết kết quả phiên họp trong cuốn Các Cảm Xúc Phá Hoại, Destructive Emotion, được xuất bản vào năm 2003 tại Hoa Kỳ.

VÙNG GỐC CẢM XÚC TRONG NÃO

Một trong những người tham dự cuộc hội luận nói trên là tiến sĩ Richard Davidson, giám đốc phòng nghiên cứu thần kinh học về các cảm xúc, Laboratory for Affective Neuroscience, thuộc viện đại học University of Wisconsin. Tiến sĩ. Davidson, trong những cuộc nghiên cứu gần đây, đã dùng các máy móc tân kỳ như máy chụp hình cọng hưởng chức năng trong bộ não, Functional Magnetic Resonance Imaging (M.R.I.) cùng máy diện não kế, EEG, loại tối tân nhất để chụp và hoạ hình khu vực gốc của cảm xúc trong bộ não. Đây là vùng hay điểm định sẵn của tánh khí, trạng thái cảm xúc vui buồn của mỗi người.

Hai loại máy nói trên cho thấy khi người ta đau buồn, lo âu, giận dữ, sợ hãi, thì trong bộ não có những sự nối kết hoạt động giữa hạch Hạnh Nhân và vùng võ não trước trán bên phải. Những hoạt động trong mạch não nối kết hai vùng này hoạt động rất nhiều khi chúng ta bị căng thẳng do những cảm xúc nói trên gây ra. Ngược lại, khi chúng ta vui tươi, thích thúc, vui vẻ, hạnh phúc thì hai vùng nói trên, hạch Hạnh Nhân và vỏ não trước trán bên phải trở nên yên lặng, nhưng vùng vỏ não trước trán bến trái gia tăng hoạt động rất nhiều.

THIÊN ĐÀNG TRONG BỘ NÃO

Tiến sĩ Davidson đã có được chứng cứ chính xác về vùng gốc của cảm xúc, điểm định sẵn trong bộ não của mỗi người mà sau những cảm xúc vui hay buồn của hai bên vùng não trước trán bên trái và bên phải. Các cảm xúc thường lập đi lập lại nối tiếp không ngừng, chạy qua chạy lại vùng định sẵn hay vùng gốc này. Sau khi nghiên cứu hàng trăm bộ não, ông ta thấy rất rõ ràng gốt rễ của hạnh phúc và khổ đau và sau khi hợp tác với ngài Dạt lai Lạt Ma trong chương trình nghiên cứu bộ não của các vị thiền sư  hay Lạt Ma Tây Tạng ông đã kết luận : " Thiên đàng ở chính ngay trong bộ não " Thiên đàng theo ông ở đây là niềm hạnh phúc rất lớn lao của con người. Ông ta đã thiết lập chỉ số để tìm ra người nào hạnh phúc hay đau khổ một cách nhanh chóng và chính xác : Nhìn vào hình chụp các bộ não có nhiều hoạt động nơi vùng trái của vỏ não trước trán hay bên phải của vỏ não trước trán nhiều hay ít ông ta định rõ một cách chính xác mức độ hạnh phúc của họ nhiều hay khổ đau nhiều. Khi ông ta chụp và hoạ hình các bộ não của các vị thiền sư Tây Tạng thì thấy mức độ hạnh phúc của các vị này tăng tám trăm phần trăm (800%) so với 175 sinh viên Hoa Kỳ được tuyển chọn để làm đối tượng so sánh sau khi họ thực hành thiền một thời gian ngắn.

Tiến sĩ Davidson đã dùng một biểu đồ có hai đường cong để diễn tả mức độ khác biệt về hạnh phúc và khổ đau như thành của hai bên quả chuông: Bên trái là những người may mắn cực kỳ hạnh phúc, bên phải là những người bất hạnh cực kỳ sầu đau, còn đa số chúng ta là nhóm người ở giữa. Chỉ có một số người rất hiếm hoi ở phía trái (thiên đàng), một số khác rất buồn khổ ở bên phải, còn đa số buồn vui lẫn lộn ở giữa. Điểm ở giữa gọi là điểm gốc của cảm xúc hay điểm định sẵn, như khi chúng ta mua một tủ lạnh mới về, vặn nút định độ lạnh (định sẵn) cho tủ lạnh. Độ lạnh này nơi tủ lạnh thì chúng ta có thể cho tăng hay giảm được, vậy điểm định sẵn về cảm xúc hạnh phúc hay khổ đau nơi bộ não chúng ta có thể làm cho tăng lên hay giảm xuống được không"  Những cuộc nghiên cứu cho thấy những người trúng số độc đắc hay hững người bị tai biến não lúc đầu họ rất sung sướng hay khổ đau. Nhưng trong vòng một năm sau niềm vui cạn đi và nổi khổ vơi hết, họ trở về với mức độ cảm xúc bình thường trước đó. Tuy nhiên, nơi những người thực hành thiền, như các vị thiền sư thuộc các tông phái Phạt Giáo hay các vị Lạt Ma Tây Tạng thì hoạt động vùng não trước trán bên trái - tức là vùng biểu lộ hạnh phúc thâm sâu - càng lúc càng gia tăng với sự thực hành chứ không giảm đi theo thời gian.

CÁC CUỘC NGHIÊN CỨU BỘ NÃO

Trong phòng thí nghiệm tại viện đại học University of Wisconsin-Madison, giáo sư Richard Davidson, giảng dạy môn tâm lý và phân tâm học, xử dụng máy điện não kế để đo các hoạt động (các luồng điện) trong bộ não. Ngoài ra, nơi ông cũng sử dụng máy chụp hình cọng hưởng (Functional Magnetic Resonance Imaging) để ghi lại các hoạt động trong bộ não theo những đường lối riêng biệt, đặc biệt chú trọng vào tương quan hoạt động giữa hạch Hạnh Nhân và võ não phía trước trán.

Qua rất nhiều lần nghiên cứu, tiến sĩ Davidson nhận thấy hễ người nào có bộ não có nhiều hoạt động bên phía vỏ não (vùng chất xám) trán trước bên trái hơn là bên phải thì người đó vui vẻ và nhiệt tình hơn trong đời sống. Ngườc lại, những người nào có nhiều hoạt động nơi vỏ não phía trước trán bên phải hơn là bên trái thì thường kém vui vẻ và hay bị căng thẳng. Ông gọi đó là mức độ hạnh phúc căn bản của mỗi cá nhân. Thông thường, đa số chúng ta, hoạt động hai bên vỏ não trán tước thường gần giống nhau. Nếu vẽ thành biểu đồ thì không khác gì hai thành của hai bên cái chuông treo, hai đường hai bên  thành chuông giống nhau: đó là đường lối vận hành theo khuôn khổ tự nhiên của hai bên vỏ não trước trán bên trái và bên phải, và chúng biểu lộ thành nhưng cảm xúc tiêu cực và tích cực. Do đó, chúng ta thường nhận thấy sự thay đổi tiếp nối của các cảm giác nơi mình: hết vui lại đến buồn, hết sướng lại đến khổ tiếp nối không ngừng. Đạo Phật gọi đó là tính cách chuyển biến không ngường hay vô thường của mọi hiện tượng.

Những điều nói trên không những xuất hiện ơi người lớn mà còn có cả nơi những em bé mới sinh ra. Nhóm nghiên cứu cũng thấy những hoạt động theo đường lối cố định nói trên nơi vùng não của những em bé vui tính và những em bé khó tính: Những em bé 10 tháng khi mẹ rời xa trong chốc lát mà đòi khóc thì có những hoạt động phía vỏ nảo trước trán bên phải nhiều hơn các em không la khóc. Những em bé vui tươi hớn hở thường bày tỏ thái độ thích thú trước những hoàn cảnh mới và thoải mái, còn những em bé có nhiều hoạt động vỏ não trán tước bên phải thì hay sợ hãi và tỏ ra buồn rầu hay không giao tiếp với người khác khi pthấy nghe những điều mới lạ.

Những em bé này khi lớn lên mang những đặc tính đó nơi chúng: Em nào vui tươi hớn hở thì tiếp tục vui tươi hớn hở, em nào buồn rầu, lãnh đạm thì tiếp tục buồn rầu lãnh đạm. Tuy nhiên, điều này không phải là cố định: Có nhiều em nhờ sự thay đổi hoàn cảnh sinh sống, được cha mẹ và thầy giáo dạy dỗ tốt đẹp thì khi lớn lên, các em cũng thay đổi tánh tình từ buồn rầu, thờ ơ thành vui tươi, tích cực. Những em tánh tình vui vẻ cũng vậy: Tánh đó bẩm sinh nhưng nếu được nuôi dưỡng tốt đẹp thì càng ngày càng phát triển hơn, còn nếu bị chướng ngại như hoàn cảnh sinh sống trong gia đình không được vui vẻ, cha mẹ gây nhau, bị hiếp đáp ở nơi trường học thì hoạt động phía não trước trán bên phải sẽ gia tăng và làm giảm nhiều tánh tình tốt đẹp có lúc mới sinh.

Trong đạo Phật nói về các hạt giống, chủng tử, có sẵn nơi tâm và những hạt giống đó được tưới tẩm, huân tập, đễ trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Đó là sự liên hệ giữa thiên nhiên hay bẩm sinh và nuôi dưỡng hay huân tập. Điều này các nhà thần kinh học hôm nay cũng nhấn mạnh về sự liên hệ giữa tánh bẩm sinh và sự nuôi dưỡng, giáo dục tốt đẹp của cha mẹ và học đường để phát triển những điều tốt đẹp nơi trẻ em.

THIỀN GIÚP CHỮA TRỊ BỆNH TẬT Ngoài ra, hiện nay các nhà khoa học chú trọng đến rất nhiều về khả năng của thiền đóng góp lớn lao vào các chương trình làm giảm bệnh tật và đau đớn. Trong những cuộc nghiên cứu các bệnh  nhân được hướng dẫn về cách thực hành Thiền buông thư, Viện Y Khoa Thân Tâm (Mind & Body Medical Institute) do bác sĩ Herbert Beson, ở Massachussetts đã thấy có các kết quả như sau:

- Các bệnh nhân bị đau kinh niên khỏi phải đi khám lại 36% (The Clinical Journal of Pain, Volume 2, pages 305-310, 199).

- Có sự giảm bớt đến 50% các cuộc chữa trị của bác sĩ sau  khi thực hành Thiền buông thư. (Behavioral  Medicine, Volume 16, pages 165-173, 1990).

- 80% những bệnh nhân cao huyết áp giảm bớt huyết áp  và bớt thuốc men, 16% có khả năng chấm dứt hoàn  toàn việc uống thuốc. Kết quả này kéo dài trong ba  năm. (Journal of Cardiopulmonary Rehabilitation,  Volume 9, pages 316-324, 1989).

- Những bệnh nhân mổ tim giảm bớt những chứng khó khăn sau khi mổ. (Behavioral Medicine, Volume 5, pages 111-117, 1989).

- 100% những người bị chứng mất ngủ cho biết đã gia  tăng ngủ được và 91% giảm hay cả chấm dứt uống  thuốc. (The American Journal of Medicine, Volume 100,  pages 212-216, 1996).

- Những phụ nữ bị chứng hiếm muộn có 42% thụ thai và 38% sinh  con cùng giảm bớt mức trầm cảm, lo âu và giận dữ.  (Journal of American Medical Women's Association.  Volume 54, pages 196-8, 1999).

- Những phụ nữ bị các hội chứng hậu mãn kinh nặng  giảm bớt 57% các triệu chứng thể chất và tâm thần.  (Obstetrics and Gynecology, Volume 75, pages 649-655,  April, 1990).

- Các học sinh trung học thực hành Thiền buông thư gia  tăng sự tự quý trọng đáng kể. (The Journal of Research  and Development in Education, Volume 27, pages 226231,  1994).

- Các học sinh trong thành phố gia tăng điểm số, sự hợp  tác với nhau và giảm bớt vắng mặt. (Journal of  Research and Development in Education, Volume 33,  pages 156-165, Spring 2000).

- Căng thẳng liên hệ nhiều đến bệnh tim mạch. ("Stress  in Cardiovascular Diseases" Esch, T., Stefano, G.,  Fricchione, G., Benson, H. Medical Science Monitor.  Vol. 8. No. 5: RA93-101, 2002).

- Thiền buông thư giúp giảm bớt các chứng bệnh do căng  thẳng tạo ra. ("The Therapeutic Use of Relaxation  Response in Stress-related Diseases" Esch, T.,  Fricchione, G., Stefano, G. Medical Science Monitor.  Vol. 9 No. 2: RA 23-34, 2003).

THIỀN HOẠT ĐỘNG

Thiền gồm có hai loại: Thiền tĩnh lặng và thiền hoạt động. Thiền tĩnh lặng là ngồi yên lặng trên gối thiền và theo dõi hơi thở, thiền hoạt động là chú tâm thoải mái vào hơi thở (10% sự chú ý, và 90% vào các hoạt động) khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, lái xe, ăn cơm, nói chuyện. Do đó, thiền ứng dụng vào các sinh hoạt bình thường để giúp phát triển sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong đời sống hàng ngày. Ký giả E.J. Mundell trong tờ HealDay Reporter, ngày 7 tháng 6 năm 2007, đã trình bày lại những khảo cứu về Yoga, phối hợp giữa chú ý, hơi thở và các động tác tập luyện. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu loại thiền hoạt động này, Yoga, có giúp gì cho những người bị chứng bớt lo âu, buồn rầu hay không.

Các nhà thần kinh học đã chụp và hoạ hình bộ não của những người tập và thấy sau một giờ tập luyện phối hợp động tác, sự chú tâm và hơi thở thì có sự gia tăng chất thần kinh dẫn truyền GABA (gamma-aminobutyric). Chất GABA thấp liên hệ đến chứng lo âu và trầm cảm, một trạng thái buồn rầu suy sụp tinh thần. Bác sĩ trưởng toán nghiên cứu Chris Streeter, phụ tá giáo sư thuộc phân khoa phân tâm và thần kinh học của trường đại học y khoa Boston University School of Medicine nhấn mạnh: "Tôi biết chắc đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên cho thấy có một sự thay đổi thật sự, có thể đo lường được về sự thay đổi của một chất thần kinh dẫn truyền quan trọng (GABA) khi có sự thực hành Yoga. Chúng tôi không khuyên các bệnh nhân không dùng thuốc men để chữa trị. Chúng tôi muốn khuyên họ tập Yoga để phụ vào việc chữa trị và xem kết quả ra sao." 

Bác sĩ Chris Streeter cho biết bà tin tưởng sự tập luyện này là một phương tiện tốt để chống lại bệnh lo âu và trầm cảm. Tờ báo HealthDay Reporter nói trên cũng nhắc đến ý kiến của bác sĩ Zindel Segal, khoa trưởng tâm lý trị liệu và cũng là giáo sư tâm lý và phân tâm học của đại học University of Toronto, đã nhiều năm nghiên cứu vấn đề tập luyện làm giảm bệnh tật này, ca ngợi cuộc nghiên cứu nói trên nhưng ông cũng nhấn mạnh phải nghiên cứu sâu hơn nữa về vấn đề này vì không phải chỉ có Yoga mới làm cho chất GABA gia tăng mà các vận động thể lực khác cũng có những kết quả tương tự. 

Hơn nữa, không phải chỉ có chất thần kinh dẫn truyền GABA mới liên hệ đến các chứng lo âu, trầm cảm, mà có những chất thần kinh dẫn truyền khác như serotonin có một vai trò lớn hơn trong các loại bệnh này. Bác sĩ  Segal cho biết chính ông cũng phụ trách một chương trình Liệu Pháp Nhận Thức Bằng Thiền (mindfulness-based cognitive therapy), dùng để chữa trị các chứng bệnh bằng tập Yoga và thực hành thiền.  Bác sĩ  Streeter đồng ý và cho rằng có những phương pháp tập luyện như thái cực quyền (một loại khí công nhẹ) và thiền khác cũng đưa đến những kết quả nói trên. Bà cũng nhấn mạnh cần phải nghiên cứu nhiều hơn về lãnh vực này vì qua những cuộc nghiên cứu sơ khởi đã cho thấy có sự liên quan giữa tập luyện và sự thay đổi các thành phần hoá chất trong bộ não làm cho bộ não lành mạnh hơn không khác gì dùng thuốc men cả..

CÁC CHƯƠNG TRÌNH TẬP LUYỆN

Chúng ta đã biết thiền gồm có thiền tĩnh lặng và  thiền hoạt động, sự tập luyện hai thứ thiền phối hợp này giúp gia tăng niền an vui hạnh phúc và  sức khỏe nơi mỗi người. Tiến sĩ Daniel Goleman, chuyên gia về thông minh  cảm xúc, nói về hạnh phúc xuất hiện trong bộ não và trong tâm như sau: "Nơi vùng võ não trước trán bên trái, nơi vùng phát sinh những cảm giác an lạc, chứa đựng  các tế bào thần kinh có khả năng làm im lặng những cảm  xúc khổ đau." Nói khác đi, khi an lạc gia tăng phía bên  trái thì những lo âu, giận hờn, buồn rầu liên hệ đến võ não  trước trán bên phải dịu xuống hay không xuất hiện.

Thực hành thiền giúp cho trạng thái này xuất hiện và trạng thái này có thể kéo dài từ sáng đến  chiều. Ngoài phần tập các thế chuyển động, chúng ta thực hành  thiền tĩnh lặng: Ngồi trên ghế hoặc trên gối tròn, chú tâm  thoải mái vào hơi thở vào và hơi thở ra rồi cảm nhận niềm  an lạc nơi Thân và nơi Tâm như đức Phật dạy trong kinh  Quán Niệm Hơi Thở.

Hiện nay tiến sĩ Kabat-Zinn phụ trách chương trình hướng dẫn thiền để chữa trị bệnh tật qua sự giảm căng thẳng Mindfullness-Based Stress Reduction  và qua chương trình này trên 16 ngàn bệnh nhân đã tham dự thực hành và có những kết quả rất tốt đẹp. Ngoài ra, có rất nhiều cuộc nghiên cứu thần kinh học cho thấy thực hành sự buông thư qua cách hành trì tôn giáo,  thiền thuần túy, hoặc những hoạt động lập đi lập lại của  tay chân hay phối hợp cả hai đưa đến sự gia tăng sức khỏe  (Medical Science, Sport and Exercise, 1995, số 27). Một  cuộc nghiên cứu tại Na Uy cho thấy các lực sĩ thực hành  thiền thì cơ thể họ giảm các chất lactate (đưa đến chứng  vọp bẻ) sau khi tập luyện (British Journal of Medecine,  2000, số 24) cùng nhiều cuộc nghiên cứu khác cho thấy  trạng thái vắng lặng nơi tâm hay bộ não xuất hiện khi:

1. Lập đi lập lại một câu (như trì chú).

2. Lập đi lập lại cử động chân tay (như 2 chân đạp đều xe đạp, hay tập hiếu khí aerobic hay cử động nhịp nhàng tay hoặc chân).

3. Phối hợp cả hai thứ: Vừa lập đi lập lại một câu (như trì  chú) trong tâm hay thành tiếng và cử động chân tay.

Phương pháp thứ 3 kết hợp cả hai thứ 1 và 2 nói trên  tức là cùng lúc thực hành thiền tĩnh lặng và thiền hoạt  động, làm gia tăng cảm giác an lạc và sự vắng lặng của  tâm. Điều này những người tập Yoga hay Khí Công Tâm Pháp thấy  rõ khi tập luyện Khí Công Thiếu Lâm, Dưỡng Sinh Tâm  Pháp phối hợp lời niệm Phật cũng như trong cách lạy Phật  theo Khí Công. Ngoài ra, nhiều người tham dự các chương  trình vận động thể lực phối hợp với âm nhạc, thiền niệm  chú và vận động chân tay cũng thấy có kết quả tốt đẹp.

Điều quan trọng hơn nữa, như trong cuộc khám phá của  các vị bác sĩ nói trên, là tâm trở về với sự buông thư trong  lúc thực hành. Từ đó, tâm trở nên vắng lặng. Khi tâm  vắng lặng thì niềm an vui bừng dậy tràn đầy. Trạng thái  vắng lặng và hạnh phúc đó không những có mặt khi thực  hành thiền hay trì chú mà còn kéo dài trong những hoạt  động trong ngày.

Khí Công Tâm Pháp là sự phối hợp của ba truyền  thống hiện nay:

(1) Tập luyện khí công vận chân khí vào  lục phủ ngũ tạng trên nền tảng lý thuyết Ngũ Hành Tương  Sanh của Đông Y cùng vận động thể lực để gia tăng sức  khỏe cùng làm cho bộ não duy trì các chức năng tốt đẹp,

(2) Phối hợp âm nhạc với tập luyện theo những khám  phá mới mẽ của Tây Y.

(3) Ngồi thiền trong yên lặng hay thiền tĩnh lặng giúp cho phát triển các khu vực  liên hệ đến phát triển hạnh phúc, chú ý và trí nhớ trong bộ não.

Sự tập luyện có mục đích phát triển niềm hạnh phúc, gia tăng hoạt động của vỏ não trước trán bên trái (vùng gốc của an vui) và làm cho khu vực cảm xúc (hệ bán tính) trở nên êm dịu. Bên cạnh đó, những người tập luyện phát triển sức khỏe và gia tăng trí nhớ (xin đọc thêm trong cuốn Khí Công Tâm Pháp 2)

(Những vị nào muốn thực hành Khí Công Tâm Pháp để phát triển sức khỏe và hạnh phúc xin vui lòng liên lạc với bác sĩ Trịnh Văn Chính, trưởng nhóm Khí Công Tâm Pháp tại Orange County (Quận Cam) ở số điện thoại (714) 636-6804 để ghi tên tập vào mỗi sáng thứ bảy, từ 9 giờ đến 11 giờ, nơi võ đường trước khu Phước Lộc Thọ. Vị nào muốn đọc cuốn sách Khí Công Tâm Pháp 2 xin vào mạng lưới www.quangduc.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.