Hôm nay,  

Để Hạnh Phúc Tăng 800%

30/09/200700:00:00(Xem: 8541)

Thiền sư Ricard Matthieu được các nhà khoa học khảo nghiệm và thấy hoạt động vỏ não vùng trước trán bên trái của ông ta, vùng an vui hạnh phúc, gia tăng đến tột đỉnh: 800% so với 175 sinh viên làm đối tác trong cuộc nghiên cứu kết quả thực hành thiền trong thời gian ngắn. Ông ta được các nhà thần kinh học xác nhận: Đây là người hạnh phúc nhất trên thế giới.  

Một Nhà Khoa Học Trở Thành Thiền Sư Hạnh Phúc Nhất Thế Giới 

Xuất thân từ một gia đình giàu có và danh tiếng ở Paris, Pháp quốc. Matthieu Ricard tốt nghiệp bằng tiến sĩ về sinh học và làm việc dưới sự hướng dẫn của giáo sư lãnh giải Nobel Francis Jacob thuộc viện Pasteur. Mẹ ông là một nghệ sĩ tài hoa Yahne Le Toumelin và cha ông là mà triết học nổi danh Pháp Jean-Francois Revel.

Lúc 16 tuổi ông đã có dịp gặp gỡ với rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ, các nhân vật nổi tiếng của nước Pháp. Đời sống thanh niên của ông cũng có rất nhiều thú vui: Có một chỗ ở riêng, bạn bè nam nữ tốt và vui vẻ, trượt tuyết, tiệc tùng, gặp gỡ các nhân vật thời danh, thông minh, học giỏi, có bằng cấp cao và một tương lai nghề nghiệp sáng chói. Tuy vậy, người thanh niên may mắn này vẫn cảm thấy cuộc đời mình chẳng có gì hào hứng lắm. Cho đến một hôm ông ta xem một cuốn phim do một người bạn trong gia đình thực hiện, ông Arnaud Desjardin, chiếu hình các vị thiền sư Tây Tạng tị nạn ở An Độ. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn phải lưu vong sau khi xứ sở bị xâm lăng, nét mặt của họ toả sáng sự tốt lành, sức mạnh nội tâm và trí tuệ. Trước mắt ông ta như đang có 20 vị thánh St Francis của Assisis hay 20 tiết gia giác ngộ Socrates đang sống trước mặt. Lập tức, lòng người thanh niên này phát ra ước mong mạnh mẽ muốn gặp gỡ các vị thầy tu Tây Tạng.  

Kể từ năm 1967, vào những ngày nghĩ hè người thanh niên giàu sang và trí thức Ricard Matthieu đến vùng Darjeeling ở An Độ tìm thầy học đạo. Ban đầu ông ta chưa biết gì về Phật giáo, nhưng các vị thầy Tây Tạng đã dần dần hướng dẫn cho ông toàn bộ giáo lý Phật Giáo Mật Tông về phương diện lý thuyết lẫn hành trì. Trong vùng chân núi Hy Mã lạp Sơn, ông gặp vị thầy đầu tiên là Kanyur Rinphoche. Mỗi năm ông trở lại trong những tháng hè để tiếp tục tu học.

Cho đến năm ông 26 tuổi thì ông quyết định từ giả nghề nghiệp, danh vọng, cuộc sống nơi thành phố Paris hào nhoáng, nhiều thứ để hưởng thụ, công việc làm chuyên môn cùng đời sống tiện nghi thoải mái để đi qua An Độ xuất gia và trở thành một tăng sĩ Phật Giáo dưới sự hướng dẫn các vị thầy Tây Tạng, trong đó có một vị thiền sư cư sĩ , Dilgo Khyentse Rinpoche.  Mattheu thật may mắn vì vị thiền sư cư sĩ này có gia đình, thuộc dòng Cổ Phái Mật Tông (Nyingmapa), đã nhập thất tu tập trên 30 năm, có sự giác ngộ cao vút và lòng từ bi bao la, là một vị thầy lớn được dân chúng Tây Tạng tôn kính, dạy đạo cho nhiều tăng ni thuộc cả bốn tông phái xứ này và cả các vui" cao tăng Tây Tạng, trong đó có cả ngài Đạt Lai Lạt Ma.

Suy ngẫm lại về quyết định xa lìa thế gian để trở thành tăng sĩ không chút ngại ngùng, thiền sư Ricard Matthieu cho biết đây là một quyết định tốt đẹp đem lại cho ông nhiều may mắn trên con đường tìm ra hạnh phúc lớn lao và chân thật.

Đời sống hai bên tại gia ở Paris và xuất gia ở Tu Viện bên An Độ thật khác xa nhau. Giờ đây, nơi vùng núi non hoang vắng ông ăn chay, bữa cơm thanh đạm với các loại rau, ngồi thiền nhập thất nhiều tháng một mình, sau đó phụ trách in các cổ thư Tây Tạng và thỉnh thoảng làm người thông dịch cho ngài Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng đến thập niên 1990 thì cuộc đời nhà tu này thay đổi nhiều. Ông hợp tác với người cha là triết gia Jean-Francois Revel bàn về ý nghĩa đời sống, trong cuốn sách ghi lại cuộc đối thoại của hai cha con có tựa đề là Tu Sĩ và Triết Gia, The Monk and the Philosopher. Sách này trở thành tác phẩm nổi tiếng trên thế giới và được dịch ra 21 thứ tiếng khác nhau.

Danh tiếng ông vang lên khắp nơi, nhiều báo chí, đài truyền hình mời gọi, phỏng vấn. Tuy bận bịu hơn với những sinh hoạt mới và công tác từ tiền do tiền lời từ các uốn sách, ông vẫn sống cuộc đời hạnh phúc, bình an và giản dị nơi tu viện Shechen ở Nepal, đó là xứ mà đức Phật Đản Sinh.

Ông viết cuốn sách khác Trái Tim Của Hạnh Phúc, Hướng Dẫn Cách Phát triển Kỹ Năng Quan Trọng Nhất Của Đời Sống, The Heart of Happiness: A Guide to Developing Life's Most Important Skill, trong đó ông cho biết chúng ta thường nhầm lẫn hạnh phúc thật sự với những khoái cảm thường ngày như có sự thoả mãn, thích thú, vui sướng khi có được chiếc xe mới, thắng được ai hay điều gì, ăn uống ngon miệng, nhà cửa lớn lao. Ông nhấn mạnh hạnh phúc không thể giới hạn trong vài cái vui sướng nhỏ bé, trong vài khoái cảm mạnh mẽ,  trong một niềm hân hoan bừng dậy, trong một cảm giác bình an trôi nhanh, trong một ngày vui hay trong một giây phút ngắn ngủi như có phép lạ làm đời sống chúng ta có mặt tràn đầy.  Những niềm vui trên tự thân của chúng không thể xây dựng được  một niềm hạnh phúc bền vững, rõ rệt và tràn đầy của niềm hạnh phúc chân thật. Vậy theo thiền sư Ricard Matthieu, con người được xác nhận là hạnh phúc nhất thế giới, thế nào là hạnh phúc thật sự. Ông giải thich rõ như sau:

"Theo tôi, hạnh phúc là một cảm nhận sâu thẳm của sự nở hoa từ một cái tâm lành mạnh vượt mức. Đây không phải chỉ là một cảm giác sung sướng, một cảm xúc chóng qua, một tính khí. Đây là một trạng thái tối ưu của hiện hữu đời sống.  Hạnh phúc cũng là một cách để chúng ta diễn tả thế giới. Chúng ta khó mà thay đổi thế giới nhưng chúng ta có thể thay đổi cái nhìn của chúng ta đối với thế giới."

Như vậy chỉ cần thay đổi cái nhìn của chúng ta là chúng ta thấy được sự mới mẽ. Điều này các nhà tâm lý trị liệu xử dụng liệu pháp nhận thức ứng xử (hay hành vi, cognitive behavioural therapy)hướng dẫn những người bị các chứng lo âu, sợ hãi, giận dữ, bi quan thấy phần tốt hơn tron gđời sống thay vì chỉ thấy phần tiêu cực. Tuy nhiên, muốn thay đổi cái nhìn thì tâm chúng ta phải thay đổi trước. Thật sự, trong sự huấn luyện tâm thường ngày, thiền sư Mattheu chỉ thực hành sự buông xả các cái thấy biết sai lầm, dính mắc đưa đến khổ đau thì cái tâm chân thật tự nhiên xuất hiện, như mây (trượng trưng cho tâm mê mờ) trôi qua thì mặt trời tỏa chiếu (trượng trưng cho sự thấy biết chân thật).

 Thiền sư nhắc nhở là khi tâm có sự thay đổi như trên thì nơi bộ não cũng có sự thay đổi theo như đã được chứng minh trong các cuộc nghiên cứu của các nhà thần kinh học. Và điều này cũng phù hợp với cái nhìn của Phật giáo: Thân tâm bất nhị, thân và tâm vốn không hai. Một bên biểu lộ qua nhận biết không vật chất (tâm hay ý thức), một bên biểu lộ qua các trạng thái vật chất (bộ não, các luồng điện tạo ra xung lực thuộc vô thức). Cái gì nhận biết được trên mặt ý thức như vui buồn, sướng khổ, thì đó là tâm hay ý thức (consciousness), cái gì không nhận biết được (như những luồng điện, những chất hóa học tác động vào nhau) trong bộ não thì đó là vô thức (unconsciousness).

Thiền sư Ricard Matthieu còn nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng hơn nữa là nơi mỗi người chúng ta đều có một "vùng gốc" (base line) mà chúng ta thấy mình sẽ trở về sau những cơn vui hay sau cơn buồn phát ra. Với sự huấn luyện hay thực hành thiền, "vùng gốc" này có thể tăng lên một cách tốt đẹp, hay nói khác đi, vùng gốc, vùng căn bản hạnh phúc của chúng ta có thể tăng lên qua sự huấn luyện. Điều này sẽ được đề cập chi tiết trong phần sau vì rất cần thiết cho sự huấn luyện làm thay đổi bộ não để gia tăng mức độ hạnh phúc nơi vùng gốc này. Điều quan trọng đó đã được giáo sư Richard Davidson thuộc ban nghiên cứu thần kinh học Laboratory for Affective Neuroscience của viện đại học University of Wisconsin-Madison cùng nhiều chuyên gia thần kinh khác xác nhận qua nhiều cuộc nghiên cứu nghiêm túc.

* Huấn Luyện Tâm Và Huấn Luyện Bộ Não

Khí Công Tâm Pháp bao gồm cách thực hành thiền tĩnh lặng và thiền hoạt động là một phương pháp huấn luyện cụ thể dùng tâm để làm cho bộ não phát triển tốt đẹp nhằm đạt được niềm hạnh phúc vững chắc và lâu dài.

Nói một cách cụ thể hơn: Thực hành các thế huấn luyện để làm "vùng gốc" của hạnh phúc tăng lên. Dĩ nhiên chúng ta không thể làm cho vùng gốc hạnh phúc này tăng lên 800% như thiền sư Matteu Ricard, nhưng với sự luyện tập đều đặng và đúng cách, chúng ta cũng có khả năng làm "vùng gốc" hạnh phúc này tăng lên từ từ 20%, 30%, 40%, 100%, 150% hay cao hơn nữa.

Phần đặc biệt nhất của Khí Công Tâm Pháp là không cần chúng ta phải ngồi thiền nhiều năm hay tập luyện lâu dài, chúng ta thực hành vài tuần cho đúng các thế tập là bắt đầu thấy có kết quả giúp cho chúng ta cảm nhận được sự khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc và thanh thản của mức ban đầu. Điều này cũng phù hợp với của nghiên cứu của tiến sĩ Kabat-Zinn và nhà thần kinh học Davidson đã chứng tỏ bộ não con người vốn mền dẽo, có thể huấn luyện để thay đổi được. Trong cuộc khảo cứu nhằm gia tăng sự hiểu biết rõ ràng hơn, tiến sĩ Kabat-Zinn hợp tác với một số chuyên gia trong đó có tiến sĩ Richard Davidson, một nhà khoa học về thần kinh học xuất thân từ đại học Harvard, thuộc viên đại học University of Wisconsin ở Madison, tuyển lựa những nhân viên làm việc cho công ty hóa học Promega, ở ngoài vùng Madison, tiểu bang Wisconsin, để nghiên cứu kết quả của Thiền Phật Giáo trên hệ thống thần kinh cũng như hệ miễn nhiễm của những người Hoa Kỳ bình thường làm việc trong văn phòng.

Trong tám tuần lễ, cứ mỗi tuần một lần, tiến sĩ Kabat-Zinn đến hãng Promega hướng dẫn cho các nhân viên hãng này, gồm các nhà khoa học, các chuyên viên thị trường, những chuyên viên trong phòng thí nghiệm và ca những người điều hành cơ sở, ngồi thiền trên sàn của phòng họp trong vòng ba giờ. Như vậy họ thực hành thiền tám lần trong hai tháng. Khi thiền lần đầu tiên, họ được gắn các nút điện của máy điện não ký để đo mức độ hoạt động các khu vực trong bộ não. Sau khi chương trình hoàn tất, các chuyên gia tổng kết các thử nghiệm về các chức năng bộ não như an vui, chú ý, thoải mái cũng như mức độ phát triển của hệ miễn nhiễm. Kết quả cuộc nghiên cứu này được tường trình trên tờ báo chuyên môn về tâm lý trị liệu Psychosomatic Medecine và kết luận là thiền đã để lại một kết quả lâu dài và rõ ràng nơi các người thực hành thiền trong hai tháng, mỗi tuần một lần, mỗi lần ba giờ nói trên.

Các chuyên gia này nhận thấy ở hệ thần kinh những người tham dự khóa thiền, có hoạt động gia tăng tại nhiều nơi thuộc vùng vỏ não trước trán. Những hoạt động này kéo dài ít nhất là bốn tháng sau khi họ đã chấm dứt ngồi thiền. Cũng nên nhắc lại rằng vỏ não trước trán có liên quan đến chức năng trí nhớ, học hỏi, cư xử xã hội và cảm xúc. Ngoài ra, những người đã được ghi nhận về sự gia tăng mạnh mẽ nơi vùng vỏ não trước trán của bộ não thì cơ thể họ sản xuất nhiều kháng thể chống bệnh tật khi họ được chủng ngừa bệnh cúm.

Đó là sự phát triển phẩm chất trong bộ não, xác nhận được chỉ sau hai tháng thực hành. Còn như quý vị tăng ni Phật giáo hay các vị cư sĩ tu tập lâu ngày, thì kết quả là chắc chắn phải tăng hơn bội phần. Điều này cũng đã được nhà khoa học phân tử sinh học Michael Slater, người có tham dự khóa nghiên cứu về kết quả tốt của Thiền, nói rõ: "Tôi là một người nghi ngờ về giáo điều, chỉ chú tâm về thực nghiệm. Tôi thấy kết quả của sự thực hành thiền này là mức căng thẳng giảm đi, có nhiều khả năng chịu đựng áp lực hơn và vợ tôi thấy tôi dễ thân cận hơn trước."

* Một Cuộc Thực Nghiệm Khác

Khi khoa học đến với Thiền, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu kết quả cụ thể về sự thực hành này trong phạm vi y tế và giáo dục. Trên 30 năm qua, bác sĩ Herbert Benson có chương trình nghiên cứu về sự thư giãn Thân và Tâm mà ông ta gọi là The Relaxation Response, đã cho biết khi thực hành chú tâm thoải mái vào hơi thở thì tâm thần lắng dịu, huyết áp giảm xuống, nhịp thở chậm lại, tim đập chậm, các bắp thịt thư giản, từ đó nhiều bệnh tật cũng bớt đi.

Theo sự nghiên cứu của Viện Thân và Tâm (The Mind and Body Institute) thì có từ 60% đến 70% các bệnh tật là do Tâm hay tinh thần sinh ra. Cuộc nghiên cứu trên cũng cho thấy rõ các trẻ em thực hành Thiền giản dị thì học giỏi hơn, làm việc và phối công việc tốt đẹp hơn. Nhiều trường đại học y khoa và các trung tâm chữa trị các loại bệnh tật chú trọng đến khả năng đóng góp vào sự chữa trị bệnh tật của Thiền.

Nhiều chứng bịnh có gốc rễ nơi Tâm mà bác sĩ Herbert Benson nói trên cho biết có từ 60% đến 70%, hay có thể nhiều hơn nữa, người đi đến phòng mạch bác sĩ xin khám bệnh là do tâm sinh ra. Ngày nay người ta còn nghiên cứu có phải các chứng bệnh béo phì, hiếm muộn, chứng bịnh đường ruột là do Tâm sinh và cách ứng dụng Thiền vào việc làm cho đời sống người phụ nữ mãn kinh được an lạc hơn. Tóm lại, đó là hàng trăm cuộc nghiên cứu ích lợi về Thiền được đem ứng dụng vào nơi làm việc, trường học, nhà thương và các trung tâm giúp gia tăng sức khỏe tinh thần và thể chất.

Những trung tâm thực hành Thiền để phát triển sức khỏe chỉ chú trọng cách thực hành thiền theo một phương pháp dễ dàng, cụ thể vào việc giúp cho bệnh nhân chóng lành bệnh và sống đời mạnh khỏe.

Như đã đề cập ở phần trên, có trung tâm khuyến khích thực hành chánh niệm để chữa trị bệnh tật như Center for Mindfulness in Medecine, Health Care and Society thuộc trường đai học y khoa Massachusetts đã áp dụng cách thực hành do đức Phật dạy trên 2500 năm trước đây để chữa trị hầu như mọi thứ bệnh tật từ áp huyết cao, các chứng đau nhức mãn tính, trầm cảm, béo phì cho đến các phản ứng phụ do sự chữa trị ung thư.

Trên 16,000 người đã ghi tên tham dự khóa thực hành thiền trong 8 tuần lễ dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Kabat-Zinn. Rất đông người khác đã tham dự chương trình tương tự tại nhiều trung tâm y khoa trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ với chương trình tương tự. Trong khi ngồi thiền 45 phút, các thiền sinh được hướng dẫn cách ngồi, thở, nhận biết các ý tưởng xuất hiện trong tâm, nhận biết tính chất mỗi cảm giác mà không để tâm chạy theo những ưa ghét. Nói khác đi: An trú trong chánh niệm và sống thoải mái trong hiện tại.

Bên cạnh những trung tâm đặc biệt nói trên, nhiều trường đại học y khoa tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, cả trường đại học nổi tiếng Stanford cũng có chương trình hướng dẫn thiền cho sinh viên hay cho bệnh nhân. Và như trong các cuộc khảo nghiệm nói trên, những người thực hành thiền trong một thời gian ngắn đã có tiến bộ khả quan về khả năng chú ý, gia tăng cảm xúc tích cực, giải trừ căng thẳng và gia tăn ghoạt động của hệ miễn nhiễm giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Như thế,  ngoài sự phát triển sức  khỏe, thực hành thiền còn có một mục đích tốt đẹp hơn nữa là đạt được niềm an vui kỳ diệu.

THIÊN ĐÀNG TRONG BỘ NÃO

Thiền sư Ricard Matthieu, như chúng ta đã biết, với kiến thức khoa học vững chắc, với sự thành tựu nơi chính bản thân cùng với kết quả các cuộc khảo cứu chính mình tham dự, đóng góp vào đề nghị cách nghiên cứu và làm đối tượng cho những cuộc nghiên cứu về sự phát triển các khu vực hạnh phúc trong bộ não khi thực hành thiền, đã nói với tất cả lòng tự tin là nhân loại đang ở vào giai đoạn mà chúng ta có thể nói về sự xuất hiện của khoa thiền-thần kinh học (contemplative neuroscience) giúp cho con người gia tăng hạnh phúc một cách vững chãi và khoa học, hay nói khác đi, phương pháp thực hành phải cụ thể và kết quả rõ ràng có thể dùng dụng cụ khoa học đo lường được. Điều nói trên, vào những thập niên cuối thế kỷ hai mươi, các nhà khoa học không mấy ai nghĩ tới, nếu họ có nghe đến thì họ cũng khước từ và cho là không có cơ sở khoa học nên không đáng nghiên cứu (thật ra, vào thời gian này, họ không dám nghiên cứu vì sợ bị chê cười hay chỉ trích là trí óc mù mờ, tin vào điều không có thật).

Tiến sĩ Daniel Goleman, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về cảm xúc và cũng là người tiên phong trong phong trào phát triển thông minh cảm xúc để có được sự thành công và hạnh phúc vững bền trong đời sống, đã tâm sự là nhiều năm trước đây, khi còn là một sinh viên cao học ông ta đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về thiền và hạnh phúc vì thiền có thể làm giảm đi nhiều sự căng thẳng trong đời sống. Tuy nhiên, các giáo sư của ông nghi ngờ về sự nghiên cứu này, các dữ kiện ông ta thu thập lại yếu kém và đối tượng nghiên cứu chỉ là những sinh viên mới vào đại học chứ không phải là các vị thiền sư thượng thặng. Do đó, kết quả những cuộc nghiên cứu này không lấy gì làm khả quan.

Con đường của ông ta khởi đầu về nghiên cứu thiền dù lúc đó chưa thành công nhưng đã chứng tỏ ông ta có một cái nhìn xa về khả năng trị liệu của thiền vì những năm kế tiếp chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ ra hàng trăm triệu mỹ kim tài trợ cho rất nhiều chương trình nghiên cứu thiền giúp chữa trị bệnh tật một cách nghiêm túc và bao trùm nhiều lãnh vực như thiền giúp chữa trị bệnh tật, phát triển trí nhớ, phát triển sức khỏe và phát triển hạnh phúc. Hàng ngàn cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện trong nhiều năm qua tại nhiều quốc gia, trong đó vào đầu năm 2003, một cuộc nghiên cứu quan trọng đã có kết quả tốt đẹp và đưa đến một kết luận chắc chắn : Thiền làm gia tăng hạnh phúc.

Trên hai thập niên qua, ngài Dạt Lai Lạt Ma đã hợp tác với các nhà khoa học để tìm hiểu tâm và bộ não. Có rất nhiều nhà tâm lý học cũng như thần kinh học thượng thặng tại Hoa Kỳ đã hợp tác với ngài trong chương trình này. Mỗi hai năm các nhà khoa học họp lại tại Dharamsala ở Ấn Độ, thủ đô lưu vong của ngài Đạt Lai Lạt Ma để hội luận về nhiều vấn đề khoa học tương quan với Phật giáo. Vào tháng ba năm 2000, các nhà thần kinh học, tâm lý gia, các vị tu sĩ và ngài Đạt Lai Lạt Ma họp  năm ngày để thảo luận về phương pháp kiểm soát các cảm xúc phá hoại trong đó thiền được xem là một phương pháp cụ thể và có ích lợi lớn. Tiến sĩ Daniel Goleman đã tường trình lại chi tiết kết quả phiên họp trong cuốn Các Cảm Xúc Phá Hoại, Destructive Emotion, được xuất bản vào năm 2003 tại Hoa Kỳ.

Một trong những người tham dự cuộc hội luận nói trên là tiến sĩ Richard Davidson, giám đốc phòng nghiên cứu thần kinh học về các cảm xúc, Laboratory for Affective Neuroscience, thuộc viện đại học University of Wisconsin. Tiến sĩ. Davidson, trong những cuộc nghiên cứu gần đây, đã dùng các máy móc tân kỳ như máy chụp hình cọng hưởng chức năng trong bộ não, Functional Magnetic Resonance Imaging (M.R.I.) cùng máy diện não kế, EEG, loại tối tân nhất để chụp và hoạ hình khu vực gốc của cảm xúc trong bộ não. Đây là vùng hay điểm định sẵn của tánh khí, trạng thái cảm xúc vui buồn của mỗi người.

Hai loại máy nói trên cho thấy khi người ta đau buồn, lo âu, giận dữ, sợ hãi, thì trong bộ não có những sự nối kết hoạt động giữa hạch Hạnh Nhân và vùng võ não trước trán bên phải. Những hoạt động trong mạch não nối kết hai vùng này hoạt động rất nhiều khi chúng ta bị căng thẳng do những cảm xúc nói trên gây ra. Ngược lại, khi chúng ta vui tươi, thích thúc, vui vẻ, hạnh phúc thì hai vùng nói trên, hạch Hạnh Nhân và vỏ não trước trán bên phải trở nên yên lặng, nhưng vùng vỏ não trước trán bến trái gia tăng hoạt động rất nhiều.

Tiến sĩ Davidson đã có được chứng cứ chính xác về vùng gốc của cảm xúc, điểm định sẵn trong bộ não của mỗi người mà sau những cảm xúc vui hay buồn làm phát sinh những hoạt động của hai bên vùng não trước trán bên trái và bên phải thì hoạt động trong bộ não lại trở về vùng này. Các cảm xúc thường lập đi lập lại nối tiếp không ngừng, cùng với nhữn ghoạt động xuất hiện ở hai bên vùng định sẵn hay vùng gốc này. Sau khi nghiên cứu hàng trăm bộ não, ông ta thấy rất rõ ràng gốt rễ của hạnh phúc và khổ đau và sau khi hợp tác với ngài Dạt lai Lạt Ma trong chương trình nghiên cứu bộ não của các vị thiền sư  hay các vị Lạt Ma Tây Tạng ông đã kết luận : " Thiên đàng ở chính ngay trong bộ não " Thiên đàng theo ông ở đây là niềm hạnh phúc rất lớn lao của con người. Ông ta đã thiết lập chỉ số để tìm ra người nào hạnh phúc hay đau khổ một cách nhanh chóng và chính xác : Nhìn vào hình chụp các bộ não có nhiều hoạt động nơi vùng trái của vỏ não trước trán hay bên phải của vỏ não trước trán nhiều hay ít ông ta định rõ một cách chính xác mức độ hạnh phúc của họ nhiều hay khổ đau nhiều. Khi ông ta chụp và hoạ hình các bộ não của các vị thiền sư Tây Tạng thì thấy mức độ hạnh phúc của các vị này tăng tám trăm phần trăm (800%) so với 175 sinh viên Hoa Kỳ được tuyển chọn để làm đối tượng so sánh sau khi họ thực hành thiền một thời gian ngắn.

Tiến sĩ Davidson đã dùng một biểu đồ có hai đường cong để diễn tả mức độ khác biệt về hạnh phúc và khổ đau như thành của hai bên quả chuông: Bên trái là những người may mắn cực kỳ hạnh phúc, bên phải là những người bất hạnh cực kỳ sầu đau, còn đa số chúng ta là nhóm người ở giữa. Chỉ có một số người rất hiếm hoi ở phía trái (thiên đàng), một số khác rất buồn khổ ở bên phải, còn đa số buồn vui lẫn lộn ở giữa. Điểm ở giữa gọi là điểm gốc của cảm xúc hay điểm định sẵn, như khi chúng ta mua một tủ lạnh mới về, vặn nút định độ lạnh (định sẵn) cho tủ lạnh. Độ lạnh này nơi tủ lạnh thì chúng ta có thể cho tăng hay giảm được, vậy điểm định sẵn hay vùng gốc về cảm xúc như hạnh phúc hay khổ đau nơi bộ não chúng ta có thể làm cho tăng lên hay giảm xuống được như chúng ta điều chỉnh máy lạnh không"

Những cuộc nghiên cứu cho thấy những người trúng số độc đắc hay những người bị tai biến não lúc đầu họ rất sung sướng hay khổ đau. Nhưng trong vòng một năm sau niềm vui cạn đi hay nổi khổ vơi hết, họ trở về với mức độ cảm xúc bình thường trước đó. Tuy nhiên, nơi những người thực hành thiền, như các vị thiền sư thuộc các tông phái Phật Giáo hay các vị Lạt Ma Tây Tạng thì hoạt động vùng não trước trán bên trái - tức là vùng biểu lộ hạnh phúc thâm sâu - càng lúc càng gia tăng với sự thực hành chứ không giảm đi theo thời gian. Như vậy, vùng gốc cảm xúc của họ nằm rất xa ở phía bên trái vốn là thiên đàng hạnh phúc.

Cách Tập Luyện Làm Tăng Hạnh Phúc

Các vị thiền sư Tây Tạng nói trên thiền từ 10 ngàn giờ đến 50 ngàn giờ để có thể gia tăng hạnh phúc lên 800%. Chúng ta không có đủ khả năng và thì giờ ngồi thiền lâu dài như trên. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể tập luyện Khí Công Tâm Pháp (dùng tâm để điều hành bộ não) để gia tăng hạnh phúc bằng cách làm cho vỏ não trước trán bên trái gia tăng hoạt động, gia tăng sự bình an, thoải mái và ý nghĩa toàn diện của đời sống bằng cách làm cho vùng vỏ não vùng bụng dưới gia tăng hoạt động cùng phát triển khả năng chú ý và trí nhớ, làm cho sự lão hoá chậm lại, sức khỏe phát triển.  Khí Công Tâm Pháp phối hợp thiền tĩnh lặng và thiền hoạt động trong chương trình tập luyện hàng ngày. Nếu quý vị nào muốn tập để gia tăng hạnh phúc lên mức cao nhất của chính mình cùng phát triển sức khỏe, xin liên lạc bác sĩ Trịnh Văn Chính, điện thoại số (714) 636-6804.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.