Câu Chuyện Thầy Lang: Ngày Thánh Mẫu 2010
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Một thị trấn nhỏ bé với trên 12,000 cư dân ở miền nam tiểu bang Missouri đã bị tràn ngập ngắn hạn bởi một khối người Việt đông gấp 5 lần vào tuần lễ đầu của tháng 8, đặc biệt từ ngày thứ Năm mồng 5 tới trưa ngày Chủ Nhật mồng 8 tháng 8 năm 2010. Đó là thị trấn Carthage với nickname Thị trấn Hoa Kỳ Lá Thích (America's Maple Leaf City). Hiện tượng tràn ngập này đã liên tục xảy ra đều đặn mỗi năm, từ hơn 30 năm vừa qua, trong sự hân hoan đón tiếp và hỗ trợ của từ các cấp chính quyền địa phương tới hơn 3000 gia đình tư nhân, các cơ sở thương mại, tôn giáo. Họ coi đây như là ngày vui chung của mọi người và chính quyển thị trấn tuyên dương “Ngày của Thành Phố”.
Đó là Ngày Thánh Mẫu (Marian Days), thường được gọi với tên quen thuộc là Đại Hội Thánh Mẫu Missouri, do Chi Dòng Đồng Công Việt Nam tổ chức hàng năm vào đầu tháng 8.
Dòng Đồng Công là dòng tu thuần túy Việt Nam do cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ sáng lập cho người Việt Nam từ ngày 4 tháng 4 năm 1941 tại miền Bắc Việt Nam và ngày 15-8-1948 được Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn chấp thuận cho lập Đoàn Đức Mẹ Đồng Công.
Ngày 2-2- 1953, Đức Cha Phạm Ngọc Chi ban sắc lệnh thành lập dòng tại Bùi Chu theo giáo luật. Phương châm của dòng là câu “Non Ministrari Sed Ministrarae” “Không đợi được phục vụ mà hãy phục vụ”. trong kinh thánh Mathew đoạn 20, câu 28. Tinh thần của dòng là “Bỏ Mình, Yêu Nhau và Tận Hiến”.
Cha sáng lập dòng thường nhắc nhở tu sĩ rằng "Hết mọi tu sĩ Đồng Công phải luôn cầu xin Chúa cho mình có một đức tin mạnh mẽ, vững chắc không lay chuyển. Để đạt mục đích đó, anh em phải tập cho quen đời sống hoàn toàn phó thác và cậy trông vào Chúa theo lời Chúa phán: ‘Hết mọi sợi tóc trên đầu các con đã được đếm cả’ (Mt 10,30; Lc 12,7).
Trước biến cố tháng 4 năm 1975, Dòng Đồng Công phát triển khá mạnh ở Việt nam với hơn hai chục linh mục, rất nhiều tu sinh. Dòng đảm trách công việc truyền giáo, mở trường dạy học, lập nhà thương, nhà tế bần giúp đỡ người nghèo khó. Dòng có các cơ sở tại Thủ Đức, Phan Rang, Quy Nhơn, cư xá Rạng Đông tại Đà Lạt, nhưng hiện nay các cơ sở này đều bị nhà nước tịch thu.
Vài tháng trước biến cố 75, Cha sáng lập dòng đã linh cảm rằng miền Nam Việt Nam sẽ gặp nạn lớn và ngài đã có ý định di tản toàn bộ thành viên của dòng ra nước ngoài. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có 8 linh mục và gần 160 tu sĩ tới được Hoa Kỳ. Ngài ở lại vì không muốn ra đi khi mà còn nhiều anh em không đi được.
Tới trại tạm cư Fort Chaffee, các linh mục tu sĩ được khuyên là nên phân tán mỏng chứ khó mà có thể tập trung một chỗ. Tuy vậy, các linh mục cũng vẫn cố gắng tìm mọi cách để kết hợp với nhau. Cùng dịp này, cha Nguyễn Đức Kiên (Thiệp), trước đây du học vừa mới hoàn tất tiến sĩ Thần học ở Roma cũng được sang Hoa Kỳ với tính cách refugee để hội nhập với anh em trong dòng.
May mắn khi đó dòng được Đức Cha Bernard Law đang là giám mục Giáo Phận Sprinfield Cape-Girardeau, Missouri giúp đỡ, đưa tất cả về một chủng viện của dòng các Cha Thừa Sai Vô Nhiễm ở Carthage đã ngưng hoạt động từ năm 1970. Giáo sĩ, tu sinh bắt đầu tổ chức lại cuộc sống, cử hành Thánh lễ cho giáo dân.
Ngày 25 tháng 10 năm 1980, Tòa Thánh chấp nhận cho thành lập Giám Tỉnh Đồng Công Missouri trực thuộc Tòa Thánh để phục vụ giáo dân Việt Nam khắp nước Mỹ.
Ngày lễ hội rộng lớn đầu tiên được tỉnh dòng tổ chức vào tháng 6 năm 1978 tại Missouri với mục đích khuyến khích giáo dân xem lễ, cử hành lễ bằng tiếng Việt và được gọi là Ngày Đền Tạ với khoảng 1500 giáo dân tham dự. Sau đó, danh xưng “Ngày Thánh Mẫu” được áp dụng. Tới năm 1983, Ngày được dời sang tháng 8, ít mưa hơn.
Ngoài việc thờ phụng Chúa, tôn vinh Đức Mẹ, tỉnh dòng phụ trách Đền Thánh Khiết Tâm Đức Mẹ, huấn luyện tu sĩ, tổ chức nhà Hưu dưỡng các linh mục, tái phát hành nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ tới khắp mọi nơi trên thế giới từ năm 1978. Nhắc lại là nguyệt san này được Dòng Đa Minh ấn hành ở miền Bắc từ trước năm 1954. Kịp tới khi đất nước chia đôi vào năm 1954, nguyệt san được dòng Đồng Công phụ trách tại miền Nam từ năm 1960 cho tới biến cố 1975.
Hiện nay tỉnh dòng có khoảng 70 linh mục và 60 tu sĩ. Các linh mục được gửi đi phục vụ tại giáo sứ khắp Hoa Kỳ. Đa số trong tám vị linh mục của dòng tới nước Mỹ vào năm 75 đã mãn phần, riêng hai cha Lê An Đại, Phan Tiến Đức được gửi về Việt Nam dạy học từ nhiều năm qua, cùng với cha Kiên.
Tình Dòng đã được sự viếng thăm nhiều lần của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Đức Giám mục Huỳnh Văn Của và là nơi an nghỉ cuối cùng của Đức Cha Ngô Đình Thục, quý cha Viện Trưởng Đại học Cao Văn Luận, Lê Văn Lý . Đức cha Thục đã chủ tọa ngày Thánh Mẫu vào tháng 8 năm 1984.
Trong nước thì cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ tiếp tục công việc tôn thờ Đức Mẹ tại quê hương với số giáo sĩ và tu sĩ còn ở lại. Các ngài làm đủ mọi công việc lao động, tự lực cánh sinh, phân tán tới các địa phương khác nhau để phục vụ. Theo cha nguyên Giám Tỉnh Dòng Đồng Công Missouri, linh mục Nguyễn Đức Kiên, hiện nay tại Việt Nam dòng có hơn 50 linh mục và gần 500 tu sĩ.
Cha Đaminh Thủ mất ngày 21 tháng 6 năm 2007 tại Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, quận 5 Sài Gòn, hưởng thọ 101 tuổi. Ngài bị tai biến não. Đám tang của ngài được cử hành long trọng với sự tham dự của gần 5000 giáo dân, gần 150 giáo sĩ và cả trăm công an áo vàng dẫn dường, theo sau giữ trật tự, đề phòng bất trắc. Ngài từng bị chính quyền mới kết án tù chung thân vì cho là chống lại nhà nước. Do sự can thiệp từ nước ngoài, án tù được giảm xuống là 20 năm rồi 6 năm. Ngài đã được coi là người Cha, người Anh Cả và người Bạn Đường của mọi thành viên Dòng Đồng Công trong, ngoài nước. Sự ra đi của Ngài đã để lại nhiều tiếc thương kính mến của các tu sinh, giáo sĩ theo chân ngài từ những năm thiếu thốn gian truân thành lập dòng ở Bùi Chu, miền Bắc, tới thời gian dài “nín thở qua sông” sau 75 ở miền Nam và của các linh mục, tu sĩ tỉnh dòng hải ngoại cũng như của giáo dân.
Năm nay, Ngày Thánh Mẫu XXXIII lại được chi Dòng Đồng Công Missouri tổ chức tại trụ sở của dòng với sự tham dự của gần 150 linh mục, 14 thầy Sáu vĩnh viễn (trong đó có Phó tế Tuyên úy Nhà Tù Nguyễn Mạnh San), hơn 100 nữ tu, 27 nam tu sĩ. Khoảng 45 linh mục và 25 nữ tu đến từ Việt Nam. Theo quý vị này thì chính quyền Việt Nam dành mọi dễ dàng cấp giấy thị thực xuất cảnh, nhưng sứ quán Hoa Kỳ lại hạn chế, e ngại nhập cảnh không về. Chủ tế các lễ lớn là 3 vị Giám mục Hoa Kỳ và Đức Giám Mục luôn luôn bình dị tươi cười Nguyễn Mạnh Hiếu, giáo phận Toronto.
Về phía dân chúng, theo sự ước lượng của sở Cảnh sát Carthage, có khoảng trên 60,000 người tham dự. Giáo dân tới từ khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ, có người tới từ Canada hoặc Âu Châu.
Ngày trọng đại chính thức khai mạc vào chiều thứ Năm, 5/8 nhưng nhiều bà con ta đã tới trước đó mấy ngày. Từng đoàn xe lớn nhỏ tiến vào thị trấn qua xa lộ 44. Họ trú ngụ tại khách sạn đã giữ từ 6 tháng trước, nhưng đa số ngủ tại lều trên bãi cỏ xanh rộng 27 mẫu của nhà dòng. Những mái lều đủ mầu, đủ cỡ được san sát dựng lên như bát úp. Cư dân địa phương quanh địa điểm hành lễ cũng sẵn lòng cho phép bà con căng lều, đậu xe trên vườn, dưới lề đường. Một thành phố mới được thành lập, mà báo chí địa phương gọi là “Thành phố Việt Nam”. Hội Thánh Tin Lành Baptist phục vụ khách hành hương với 2 xe bus, liên tuc chuyên chở miễn phí cho bà con từ nhà dòng tới trung tâm thương mại để mua sắm hoặc về khách sạn.