Hôm nay,  

Xét Nghiệm Pap Có Thể Giúp Làm Giảm Nguy Cơ: Mắc Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung Ở Phụ Nữ Mỹ Gốc Việt

14/01/200900:00:00(Xem: 6398)
Xét Nghiệm Pap Có Thể Giúp Làm Giảm Nguy Cơ: mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Mỹ gốc Việt
Bác sỹ Y khoa Sam Ho, trưởng ban y khoa, UnitedHealthcare
Một quan niệm sai lầm thường thấy là bệnh tật nghiêm trọng thường xảy ra một cách ngẫu nhiên. Khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, chúng ta thường cho đó là điều không may. Đối với một số trường hợp ngoại lệ thì ung thư và những bệnh tật khác phát triển bất kể yếu tố nhân khẩu học hay tính chất quốc gia mà chúng ta viện cớ.
Đối với nhiều bệnh tật thì có một số yếu tố làm cho chúng dễ phát triển hơn ở một số khu vực dân cư đã được chứng minh khá rõ ràng. Một trong số những bệnh tật đó là ung thư cổ tử cung, bệnh làm ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ Mỹ gốc Việt nhiều hơn bất cứ loại bệnh ung thư nào khác theo con số thống kê của Viện Ung Thư Quốc Gia (National Cancer Institute) và Hiệp Hội Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe Quốc Gia (National Institutes of Health).
Tháng Giêng là Tháng Nâng Cao Nhận Thức về Sức Khỏe Cổ Tử Cung (Cervical Health Awareness Month) và giờ là thời điểm tốt nhất để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về căn bệnh có thể ngăn ngừa được này và cách thức chúng ta có thể loại bỏ tác động xấu của nó đối với cộng đồng.
Hàng năm ở Hoa Kỳ có khoảng 11.000 phụ nữ ở mọi chủng tộc hoặc dân tộc, được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư cổ tử cung; trong đó con số tử vong là hơn một phần ba. Ung thư cổ tử cung hình thành trong các mô của cổ tử cung, một bộ phận nối tử cung và âm đạo. Hầu như tất cả các tế bào ung thư cổ tử cung là những tế bào phát triển quá nhanh sau khi phơi nhiễm vi-rút gây u nhú ở người lây lan qua đường tình dục. (viết tắt là HPV).
Theo Hiệp Hội Ung Thư Mỹ (American Cancer Society) thì những yếu tố rủi ro khác bao gồm hút thuốc lá, hệ thống miễn dịch kém, nhiễm vi khuẩn chlamydia (loại vi khuẩn gây bệnh ở người và chim muông), chế độ ăn ít trái cây và rau củ, sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài, mang thai nhiều lần, bệnh sử gia đình mắc bệnh ung thư cổ tử cung, và ít tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế phòng ngừa đầy đủ.
Mặc dù các triệu chứng ung thư cổ tử cung xuất hiện muộn nhưng những sự thay đổi đối với tế bào dẫn đến ung thư có thể được phát hiện ngay từ sớm - khi đó bệnh có thể chữa trị được - bằng các cuộc xét nghiệm Papincolaou (viết tắt là Pap), một quy trình trong đó các bác sĩ lấy các tế bào từ cổ tử cung và làm xét nghiệm dưới kính hiển vi. Điều không may là những người phụ nữ Mỹ gốc Việt đi làm xét nghiệm cổ tử cung ít hơn rất nhiều so với những nhóm phụ nữ khác, theo con số thống kê của Văn Phòng Vì Sức Khỏe Phụ Nữ của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ (U.S. Dept. of Health & Human Services' Office on Women's Health). Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là tính e thẹn, một quan niệm cho rằng chỉ những người phụ nữ đã có chồng mới cần phải đi khám/làm xét nghiệm Pap, và một quan điểm cho rằng nếu mà tử cung bị cạo lấy tế bào sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ngoài ra còn có những yếu tố khác. Một số phụ nữ gốc Việt cho rằng đem chuyện ung thư cổ tử cung ra bàn luận sẽ mang đến điều không may. Những người khác thì lại sợ rằng việc làm xét nghiệm sẽ làm thay đổi về mặt cấu trúc của cơ thể và như thế họ sẽ bị coi là không còn trinh trắng nữa. Ngoài ra còn có những người khác vẫn tin rằng tình trạng vệ sinh cá nhân kém làm phát triển bệnh ung thư cổ tử cung, hay đơn giản là họ thiếu kiến thức về cách ngăn ngừa bệnh tật.
Điểm mấu chốt để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao ở những người phụ nữ Mỹ gốc Việt là tuyên truyền giáo dục và biện pháp phòng ngừa. Cụ thể là, phụ nữ nên được hướng dẫn cách thức làm theo các khuyến nghị của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ để bắt đầu đi làm xét nghiệm sàng lọc trong khoảng ba năm kể từ khi có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, nhưng không muộn hơn 21 tuổi. Quy trình kiểm tra sàng lọc nên được thực hiện thường niên có thực hiện xét nghiệm Pap hoặc hai năm mỗi lần có thực hiện xét nghiệm Pap bằng môi chất mới hơn. Kể từ độ tuổi 30 trở đi, những người phụ nữ đã làm ba xét nghiệp Pap cho kết quả bình thường liên tiếp có thể thực hiện lịch biểu kiểm tra sàng lọc hai hoặc ba năm một lần.
Ngoài ra, Cơ Quan Quản Trị Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration) đã phê chuẩn một vắc-xin ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung dành cho phụ nữ ở độ tuổi từ 9 đến 26. Loại vắc-xin mới được đưa vào lịch chủng ngừa niên thiếu chính thức này được sản xuất nhằm bảo vệ cơ thể chống lại sự biến thể của vi-rút là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Tóm lại là: hãy trau dồi kiến thức, nói chuyện với bác sĩ, quyết định thời điểm cần chủng ngừa, và đi làm kiểm tra sàng lọc Pap đều đặn là một nỗ lực dò tìm những thay đổi về tế nào ngay từ sớm để từ đó có thể bắt đầu liệu pháp phòng ngừa cần thiết. Nếu quý vị phát hiện được những thay đổi ở cổ tử cung ngay từ sớm, quý vị có thể tránh được căn bệnh ung thư. Nếu quý vị phát hiện được bệnh ung thư ngay từ sớm thì quý vị có cơ hội duy trì cuộc sống tốt hơn rất nhiều.
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở thời niên thiếu không lớn, nhưng những người phụ nữ Mỹ gốc Việt luôn là những người có tỷ lệ mắc căn bệnh này cao hơn những người phụ nữ khác. Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa thì những người phụ nữ Mỹ gốc Việt có thể duy trì được cuộc sống khỏe mạnh hơn và không mắc căn bệnh này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.