Chính quyền Trump vào đầu tuần, thứ Hai (17/3), đã đẩy mạnh nỗ lực đóng cửa Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (U.S. Institute of Peace, USIP) – một tổ chức nghiên cứu chính sách được Quốc hội Hoa Kỳ bảo trợ, dẫn đến cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát liên bang và các thành viên hội đồng quản trị của tổ chức này.
Năm thành viên hội đồng quản trị của tổ chức này đã đệ đơn kiện vào thứ Ba, ngày 19/03, cáo buộc họ đã bị sa thải bất hợp pháp khỏi vị trí của mình. Họ kêu gọi phục chức cho họ, cũng như chấm dứt nỗ lực giải thể viện của chính quyền Trump.
Một thẩm phán liên bang, hôm thứ Tư đã bác bỏ yêu cầu chặn Bộ Hiệu Quả Chính phủ trong tiếp quản Viện Hòa Bình Hoa Kỳ mặc dù "bị xúc phạm" vì cách thức diễn ra sự việc. Thẩm phán Beryl Howell cho rằng đã có "sự nhầm lẫn" trong vụ kiện. Bà bày tỏ lo ngại về khả năng thành công của vụ kiện và liệu các thành viên hội đồng USIP có phải chịu tổn hại không thể khắc phục được hay không. Những điều kiện như vậy là cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn ban lệnh cấm tạm thời — hoặc lệnh dừng ngay lập tức và đảo ngược các hành động của chính quyền Trump.
Bà cũng cho biết vẫn còn những câu hỏi cơ bản về bản chất của USIP: liệu đó có phải là một cơ quan độc lập hay nằm dưới sự quản lý của nhánh hành pháp. Các luật sư của chính quyền Trump đã đưa ra ví dụ về lý do tại sao cơ quan này nằm dưới sự quản lý của nhánh hành pháp, bao gồm cả việc cơ quan này cung cấp báo cáo cho Quốc hội và quản lý các khoản tài trợ. Chủ tịch bị sa thải của cơ quan này đã lập luận rằng đây là một cơ quan độc lập không thuộc nhánh hành pháp.
Tuy nhiên, Thẩm phán Howell cũng cho biết bà "rất khó chịu" về cách các viên chức DOGE hành động tại viện và cách họ đối xử với nhân viên khi cố gắng tiếp cận tòa nhà của USIP tại D.C. Trong phiên điều trần, bà cũng lưu ý rằng những nỗ lực của chính phủ "có thể là đang khủng bố nhân viên".
USIP được thành lập thế nào?
USIP được thành lập thông qua một đạo luật của Quốc hội vào năm 1984, ngay sau cuộc đối đầu vũ khí nguyên tử với Liên Xô khi đó. Viện mang sứ mệnh thúc đẩy các nghiên cứu về giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới.
Trong suốt bốn thập niên qua, USIP đã trở thành một trung tâm nghiên cứu có tầm ảnh hưởng sâu rộng về quan hệ quốc tế, quy tụ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giải quyết xung đột. Đây cũng là một trong nhiều nền tảng mà Hoa Kỳ sử dụng để mở rộng sức mạnh ngoại giao của mình trên toàn cầu.
Tuy nhiên, vào tháng trước, Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh giải thể tổ chức này, khiến giới học thuật và chính trị quốc tế kinh hoàng.
USIP được thành lập để làm gì?
USIP là một phần trong chiến lược lâu dài của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy và bảo vệ các giá trị của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh.
Viện nghiên cứu này được thành lập với hai mục tiêu chính: một là hỗ trợ nghiên cứu và tư vấn chính sách để tránh các cuộc xung đột vũ trang; hai là củng cố ảnh hưởng của Hoa Kỳ thông qua các chương trình, chẳng hạn như huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình và nghiên cứu các kênh liên lạc với các đối thủ địa lý chính trị như TQ.
Cựu nhà ngoại giao George Moose, hiện đang giữ vai trò quyền chủ tịch USIP, khẳng định: “USIP là biểu tượng cho khát vọng kiến tạo hòa bình của người dân Mỹ,” và kiên quyết phản đối nỗ lực của chính quyền Trump trong việc thay đổi ban lãnh đạo tổ chức này.
Ngoài USIP, hệ thống các tổ chức thúc đẩy ảnh hưởng của Hoa Kỳ còn có Viện Quốc Gia Thăng Tiến Dân Chủ (National Endowment for Democracy, NED) – tài trợ gần 300 triệu MK mỗi năm cho các chương trình thúc đẩy dân chủ ở hơn 100 quốc gia, và Trung tâm Wilson (Wilson Center) – một viện nghiên cứu độc lập chuyên cung cấp các phân tích sâu sắc về chính sách đối ngoại, đặc biệt trong mối quan hệ với Nga và Trung Á.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng mở rộng các chương trình viện trợ nhân đạo thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – được thành lập từ những năm 1960 nhằm đối phó với ảnh hưởng của chủ nghĩa CS, cũng như thông qua Bộ Ngoại Giao.
Thế nhưng, trong hai tháng gần đây, chính quyền Trump đã đóng cửa USAID, đóng băng nguồn tài trợ của NED, hủy bỏ một số khoản trợ cấp của Bộ Ngoại Giao và buộc Trung tâm Wilson thu hẹp quy mô hoạt động.
Vì sao chính quyền Trump muốn đóng cửa USIP?
Quyết định đóng cửa USIP được cho là bắt nguồn từ những chỉ trích của tổ chức The Heritage Foundation (một viện nghiên cứu bảo thủ tại Washington). Viện này từng công kích USIP vào năm ngoái, cho là USIP hoạt động thiếu minh bạch và bổ nhiệm quá nhiều nhân sự có quan điểm thiên về Đảng Dân Chủ.
Vào tháng 2, Trump đã ra lệnh đóng cửa USIP với lý do tinh giản bộ máy chính phủ, bỏ bớt những phần mà ông cho là “không cần thiết” trong chính phủ liên bang.
Sau đó, Trump ngang nhiên lột chức 11 trong số 15 thành viên hội đồng quản trị của USIP, với lý do (bịa ra) họ không tuân thủ sắc lệnh hành pháp của ông ta.
Liệu Tòa Bạch Ốc có quyền đóng cửa USIP không?
Các nhân viên của USIP cho rằng chính quyền liên bang không có thẩm quyền để đóng cửa hoặc cắt giảm ngân sách tổ chức của họ, bởi lẽ USIP không phải là một cơ quan của chính phủ liên bang, mà là một tổ chức nghiên cứu tư nhân, vô vụ lợi, được Quốc hội tài trợ trực tiếp.
Moose cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận với chính quyền trong nhiều tuần qua để chuẩn bị cho tình huống này. Đồng thời, chúng tôi cũng nhắc lại rằng USIP là một tổ chức tư nhân, vô vụ lợi, có trụ sở tại Washington, D.C., và không thuộc chính phủ liên bang. Do đó, chính quyền liên bang không có quyền tiếp quản trụ sở của chúng tôi hay can thiệp vào hoạt động của viện.”
Vì vậy, Moose đã kiên quyết từ chối rời khỏi văn phòng của mình khi bị chính quyền Trump lột chức (cùng với hầu hết các thành viên khác trong hội đồng quản trị).
Nhân viên USIP hiện đang chuẩn bị khởi kiện để ngăn chặn việc chính quyền Trump bổ nhiệm tân chủ tịch, vì quá trình sa thải và bổ nhiệm diễn ra một cách tùy tiện, không tuân thủ các quy định hiện hành của tổ chức.
George Foote, luật sư của USIP, tuyên bố: “Chúng tôi không thể chấp nhận một lãnh đạo được bổ nhiệm trái với quy định.”
Theo quy định nội bộ của USIP, đúng là Tổng thống Hoa Kỳ có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị, nhưng phải có sự đồng thuận từ đa số thành viên trong hội đồng hoặc được sự chuẩn thuận từ một số tiểu ban thuộc Thượng Viện.
VB biên dịch
Nguồn tham khảo: “What is the U.S. Institute of Peace and why is Trump trying to shut it down?” được đăng trên trang NPR.org.
Gửi ý kiến của bạn