Hôm nay,  

Hội Chợ Sách Montreal, Canada Vinh Danh LM Nguyễn Văn Lý

20/11/200700:00:00(Xem: 2710)

Ông Nguyễn Chính Kết, bà Lâm Thu Vân, Bà Ginette Hubert (Amnistie tại Sherbrooke), ông Roger Gilbert (Phó Chủ Tịch P.E.N. tại Québec), ông Guy Stern (nghiệp đoàn Montréal).

- Montréal, Canada, ngày 16/11/2007.

Như thường lệ mọi năm, Hội Chợ Sách Salon Du Livre de Montréal năm nay được tổ chức lần thứ 30 tại La Place Bonaventure, Montréal, suốt một tuần lễ, từ 14 đến 19/11/2007.

 Nhiều năm nay, hội Ân Xá Quốc tế Chi nhánh Pháp ngữ (Amnistie Internationale Section Francophone) phối hợp với hội Văn Bút Quốc tế tại Québec (Centre Québecois du P.E.N. International) và Liên Hiệp các Văn Sĩ Québec (Union des Écrivaines et des Écrivains Québecois) đã tổ chức một buổi lễ vinh danh và tặng sách cho các văn sĩ đang bị tù tội vì tranh đấu cho tự do và quyền làm người thuộc nhiều nước trên thế giới. Năm nay, có 10 văn sĩ bị tù tội được vinh danh tặng sách, trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý người Việt Nam.

Năm 2004, linh mục Lý đã được 3 tổ chức này tặng sách trong lúc ngài đang bị giam tại trại tù Ba Sao (Nam Định); sau đó nhờ sự vận động của những tổ chức này và các tổ chức khác trên thế giới mà linh mục Lý đã được thả khỏi tù năm 2005. Năm nay, 2007, họ lại chọn linh mục Lý để vinh danh và tặng sách lần thứ hai. Những năm trước đã có một số nhà văn tranh đấu tại Việt Nam được họ vinh danh và tặng sách như Bùi Ngọc Tấn, Bùi Minh Quốc, Trần Khuê, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Bình.

Thường thường trong các buổi lễ này, các nhà văn đang bị cầm tù được vinh danh và tặng sách không có mặt đã đành, mà cũng không có ai đại diện cho họ lãnh những cuốn sách được tặng cho họ. Nhưng đặc biệt năm nay, người tù nhân lương tâm Việt Nam Nguyễn Văn Lý có người đại diện để lãnh quyển sách và tìm cách chuyển về cho linh mục Lý. Đó là ông Nguyễn Chính Kết, một người đã sát cánh với linh mục Lý để tranh đấu cho tự do dân chủ tại quê nhà thuộc Khối 8406 hiện đang làm công tác vận động chính trị tại hải ngoại.

Lễ tặng sách năm nay diễn ra vào 4g00 chiều ngày 16/11/2007 chức tại hội chợ sách Salon du Livres 2007 trong khuôn khổ buổi lễ Livre comme LAir do ba hội kể trên tổ chức: Amnistie Internationale, P.E.N. International và Union des Écrivaines et des Écrivains Québecois (UNEQ). Các khách được mời hầu hết là các văn sĩ chủ yếu ở Québec…

Sau khi ba người đại diện cho ba tập thể tổ chức đọc diễn văn về ý nghĩa buổi lễ, bà Antonine Maillet thuộc hội Amnistie Internationale, người điều hành chương trình giới thiệu tên, tiểu sử và cuộc đấu tranh của từng nhà văn hiện đang bị giam cầm được vinh danh và tặng sách hôm nay.

Về linh mục Nguyễn Văn Lý, bà phát biểu:

“Cha Nguyễn Văn Lý, một linh mục Công Giáo 60 tuổi đã từng gửi lên mạng Intenet một thỉnh nguyện thơ yêu cầu chuyển đổi thể chế thành dân chủ, nên ngày 30/3/2007 ông đã bị kết án 8 năm tù về tội “tuyên truyền xuyên tạc” chống lại nhà nước.

“Việc kết án này cho thấy cha Lý sẽ là một tù nhân lương tâm bị giam lần thứ tư trong suốt 20 năm. Đây là một dấu hiệu đàn áp ngày càng thô bạo của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến, và ngày càng gia tăng kể từ hội nghị APEC vào năm 2006 tại Hà Nội. Cha Lý đã được nhà văn Fulvio Caccia nhận kết nghĩa trong chương trình ấn bản 2004 của “Livres comme lair”.

“Cha Lý đã trải qua 15 năm tù vì tội chỉ trích một cách hoà bình những chính sách về tôn giáo của nhà cầm quyền và vì tội đã đòi hỏi tôn trọng nhân quyền vào những năm 70.

“Ngài là người sáng lập Khối 8406, cha đẻ của bản thỉnh nguyện thư do 118 chiến sĩ dân chủ ký tên vào tháng 4/2006 đòi hỏi chuyển đổi chính trị cách hòa bình và sự tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng gia tăng đàn áp những người đối lập với chế độ, đồng thời gia tăng bắt bớ và sách nhiễu.

Sau mỗi lời giới thiệu về các nhà văn được vinh danh và tặng sách, từng văn sĩ tác giả được mời lên khán đài phát biểu cảm tưởng, suy tư, tâm tình về nhà văn bị cầm tù trước khi tặng sách cho nhà văn ấy. Các nhà văn được tặng sách đều vắng mặt và thường không có người đại diện nhận sách thay họ, nên trên khán đài có để một ghế trống tượng trưng cho những văn sĩ vắng mặt vì bị cầm tù ấy. Các tác giả phát biểu xong thì trịnh trọng đặt cuốn sách với lời đề tặng của mình lên chiếc ghế trống ấy.

Nói chung, nội dung hay giá trị cuốn sách không quan trọng bằng ý nghĩa việc tặng sách hay việc tổ chức buổi lễ này. Thậm chí người được tặng sách có nhận được sách hay không cũng không phải là chuyện quan trọng. Buổi lễ do các nhà văn Québec và ba tập thể đứng ra tổ chức này là một biểu hiện tượng trưng lòng khâm phục và tinh thần liên đới của họ với các văn sĩ đang bị các bạo quyền tại các nước đàn áp. Qua buổi lễ vinh danh và tặng sách này, họ muốn gửi cho thế giới một sứ điệp, đặc biệt cho các quốc gia đang coi nhẹ quyền con người. Sứ điệp của họ –  như người viết bài này hiểu qua những câu chuyện trao đổi với họ – là:

“Những người chúng tôi vinh danh và tặng sách là đại diện cho vô số những người đang bị giam giữ hay bị trù dập vì đã dùng ngòi bút, chữ viết, báo chí, hay các phương tiện truyền thông khác tranh đấu cho các quyền con người, đặc biệt quyền tự do ngôn luận. Đó là những quyền tự nhiên, cần thiết và chính đáng mà đúng ra bất kỳ chế độ nào trên thế giới cũng phải tôn trọng, vì tự do cần thiết như không khí để thở (Libre comme lair) (*2). Chúng tôi tôn vinh họ, biểu lộ lòng ngưỡng phục sự can đảm của họ. Chúng tôi muốn liên đới với họ, cùng tranh đấu với họ, đứng đằng sau họ để bảo vệ, để ủng hộ cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa của họ. Tiếng nói của họ cũng là tiếng nói của chúng tôi”.

Đến phần vinh danh linh mục Nguyễn Văn Lý, sau khi giới thiệu về người tù lương tâm này, phát ngôn viên mời nhà văn Stéphane Dompierre lên tặng sách cho linh mục Lý. Ông Nguyễn Chính Kết đã được vinh dự thay mặt linh mục Nguyễn Văn Lý nhận cuốn sách ấy. Sau đây là bài phát biểu của ông:

“Kính thưa Quý Vị,

“Thật là một vinh dự cho tôi được hiện diện nơi đây để nhận cuốn sách mà Quý Vị tặng cho linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong những người thành lập Khối 8406 cũng là điều phối viên của Khối, đồng thời là một anh hùng người Việt Nam đã tranh đấu rất can đảm nhưng cũng rất ôn hòa cho tự do và các quyền của con người.

“Chính vì tranh đấu như thế mà hiện nay ông đang bị tù. Trước vành móng ngựa tòa án, ông đã ba lần hô to: Đây là tòa án bất công của chế độ độc tài toàn trị. Mỗi lần ông mở miệng để nói câu này thì một viên công an đằng sau ông đưa tay bịt miệng ông như Quý Vị thấy trong tấm hình trên chiếc áo T-shirt kia”.

“DDây là lần thứ bốn ông bị kết án tù. Những lần trước, ông đã được thả nhờ sự tranh đấu của hội Ân Xá Quốc tế, hội Văn Bút Quốc tế, và các hội văn sĩ trên toàn thế giới. Tôi hy vọng rằng lần này Quý Vị cũng sẽ tiếp tục can thiệp để ông được thả càng sớm càng tốt.

“Là người thay mặt cho linh mục Nguyễn Văn Lý và Khối 8406, tôi xin chân thành cám ơn Quý Vị. Và để đáp lại tấm lòng tốt của tác giả cuốn sách, chúng tôi xin tặng tác giả một món quà, đó là chiếc áo T-Shirt với hình cha Lý bị bịt miệng” (*3).

Tác giả cuốn sách là Stéphane Dompierre rất vui và cảm động nhận chiếc áo có hình cha Lý bị bịt miệng và ông đáp từ bằng cách đọc lời đề tặng ông đã viết sẵn trên trang đầu cuốn sách (*4):

“Kính thưa Cha Nguyễn Văn Lý,

“Im lặng bao giờ cũng dễ hơn (lên tiếng). Dẫu ở Québec, nơi mà quyền tự do tư tưởng của mọi người được tôn trọng, đôi khi người ta vẫn thích im lặng hơn. Vì sợ làm phiền, làm mếch lòng người khác, hay chỉ để tránh làm phật ý đa số. Nhưng nhờ những người dám lên tiếng đặt lại vấn đề về những trật tự đang hiện hành ấy mà một số ít người từ lâu phải im lặng giờ đây đã có được tiếng nói của mình.

“Ngài đã vô hình chung trở nên một biểu tượng cho quyền tự do ngôn luận không chỉ trong chế độ cộng sản Việt Nam, mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Tôi biết rằng dù ngài có bị tù nhiều lần hay bị sách nhiễu đến đâu, ngài vẫn không ngừng lên tiếng đòi hỏi quyền tự do tư tưởng. Và chính vì chấp nhận những nguy hiểm khi lên tiếng bảo vệ quyền ấy mà người được người ta tôn quý.

“Tôi cũng cám ơn ngài đã giúp tôi hiểu ra rằng thời nào cũng vậy, im lặng không bao giờ làm cho sự việc tiến triển được”.

Các văn sĩ và những nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Québec đến tham dự buổi lễ đã nhận được mỗi người một tập tài liệu về Khối 8406 với nội dung gồm: bản Tuyên Ngôn 8406, đường hướng hoạt động của Khối, danh sách các tù nhân chính trị và tôn giáo tại Việt Nam, bài tường trình của đại diện Khối 8406 tại hải ngoại với chính phủ Canada về Khối và về các hành động của Khối với những đề nghị cụ thể với chính phủ Canada…

Một số người tham dự được tặng bức hình cha Lý bị bịt miệng trước tòa án, hoặc những áo T-shirt có bức hình ấy. Nhìn tấm hình, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên về mức độ man rợ, thiếu tự do ngôn luận và bất công trong các tòa án của chế độ độc tài tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều người đã ký tên vào những tấm bưu thiếp in hình cha Lý bị bịt miệng dán tem sẵn để gửi đến chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hà Nội, và ông Nguyễn Đức Hùng, đại sứ Việt Nam tại Ottawa (*5).

Đây quả là một dịp bằng vàng để tấm hình cha Lý bị bịt miệng được phổ biến trong giới tranh đấu cho nhân quyền tại Québec. Bức hình này đã nói lên một cách hùng hồn việc đàn áp tự do ngôn luận và nền công lý tồi tệ của Việt Nam.

Chú thích

(*1) (*2) (*3) (*4) Các văn bản này đều bằng tiếng Pháp.

(*5) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (số 1, đường Bách Thảo, Hà Nội, Việt Nam), thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (số 1, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, Việt Nam) và đại sứ Việt Nam tại Ottawa là Nguyễn Đức Hưng (470 Avenue de Wilbrod, Ottawa, Ontario K1N 6M8, Canada).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.