Hôm nay,  

Thêm Một Lần Trở Lại Với Đồng Bào Tị Nạn Vn Tại Phi

25/03/200400:00:00(Xem: 5003)
Chiếc phi cơ 747 đưa phái đoàn chúng tôi trở lại Manila, Phi Luật Tân lúc 12 giờ 30 trưa ngày 23 tháng 3 năm 2004. Làn này trở lại với đồng bào tại tị nạn còn kẹt lại tại Phi Luật Tân chỉ hơn 12 người khác với lần tháng 10 năm 2003 vì không có anh chị em nghệ sĩ.
Giữa cơn nóng bên ngoài tới gần 36 độ C chúng tôi và nhà báo Du Miên phải vừa cãi vừa năn nỉ mấy người Hải Quan Phi cứ một hai đòi đóng thuế mấy trăm cuốn tuyển tập "Tiếng Vọng Từ Đất Phi" sau khi vận dụng hết mọi ngôn ngữ để kể khổ hai anh chị Hải quan cũng có vẻ nghe ra đây là số sách chúng tôi mang sang tặng đồng bào người Việt tại Phi họ mới chịu bớt từø 360 Mỹ kim xuống còn 650 Peso nghĩa là chưa tới 15 Mỹ kim. Vậy mà ông Du Miên còn muốn tranh đấu thêm để được miễn giảm 100%. Trời nóng quá nên tôi giựt tờ giấy trên tay anh, đem qua chỗ thu tiền để nộp thuế nhập cảnh cho xong.
Ra đến ngoài, mọi người gần như muốn dội ngược lại bên trong vì cơn nóng thổi tạt vào mặt. Một số đồng bào mang ra vài bó hoa tươi nay đã rủ héo vì phải đứng chờ quá lâu, tuy nhiên hoa héo nhưng trên khuôn mặt mọi người đều tươi cười, la hét, vỗ vai, ôm chầm lấy nhau vì đa phần trong số người này đã cùng chúng tôi sống với nhau gần 10 ngày hôm tháng 10 năm 2003.
Vì thời gian dự tính sang Phi quá gấp rút nên không thể mua vé một lần mà phải chia ra 4 chuyến đi, toàn bộ nhóm phóng viên của phía Bắc Cali không một ai lên đường kịp vì vô phương kiếm ra vé, nhóm chúng tôi tương đối là đông nhất gồm có 6 người. Cá nhân chúng tôi, anh Vũ Đạm của Little Saigon TV, vợ chồng anh Du Miên, Nha sĩ Đỗ Trọng Di và con gái là SV Nhãn Khoa cư trú tại San Diego.
Sau khi đến được khách sạn để lấy phòng rồi vội vàng chạy qua văn phòng của Luật sư Trịnh Hội thì cũng đã gần 4 giờ, nghĩa là chậm hết hơn 3 giờ so với dự tính, khiến mấy chục người đại diện đồng bào các vùng Đảo về tham dự buổi họp phải chờ đợi khá lâu. Nơi đây thì chúng tôi thấy có thêm Luật sư Từ Huy Hoàng, nhóm quay phim của cô Micheal Trần của TV Mỹ đã chờ sẵn.
Sau khi nghe Luật sư Trịnh Hội nói về lịch trình làm việc của nhóm phóng viên cũng như chương trình của ban Đại Diện với các viên chức Dân cử Phi Luật Tân và quan trọng hơn hết là cuộc đón tiếp bà Phó Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ dự trù sẽ đến thăm văn phòng Luật Sư Trịnh Hội vào ngày 25 tháng 3- 2004.
Sau một vài ý kiến, phân công rất nhanh, Anh Du Miên và Bác sĩ Di nói đôi lời cùng với các đại diện của đồng bào từ mọi nơi trên hơn 7000 hải đảo của Phi về tham dự phiên họp mà chúng tôi hay chọc các anh là "Chúa Đảo Hết Thời." Vì người nào người nấy đen thui, bơ phờ, vì phải lo kiếm cơm nuôi gia đình, phải lo theo dõi tin tức để báo cáo lại cho đồng bào trong vùng. Trừ nhóm Palawan và nhóm Davao là đông nhất có nhóm chỉ vỏn vẹn vài người mà thôi. Nhưng cũng có một đại diện đàng hoàng nên chúng tôi gọi đây là mấy ông "Thượng Nghị Sĩ Chúa Đảo". Tuy vậy nhưng tất cả những ai nhận lời làm đại diện thì đều rất có trách nhiệm với công việc của mình.
Sau khi hai anh Du Miên và Trọng Di nói xong thì Luật sư Trịnh Hội mời tôi nói sơ qua về tuyển tập "Tiếng Vọng Từ Đất Phi" và cho biết sẽ chính thức ra mắt trong ngày 25 tháng 3 sau khi đón tiếp bà Kelly xong. Biết là đồng bào nôn nóng được xem cuốn sách viết về mình và số lượng sách mang sang cũng không nhiều nên tôi đã quyết định ngay theo yêu cầu của mọi người là ký tặng ngay cho các đại diện vùng cũng như những tác giả có bài đóng góp trong tuyển tập này.
Nhiều người muốn gặp riêng tôi để phản ảnh lại hai bài viết của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển do Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng lãnh đạo được đăng trên Việt Báo gây nên sự phẫn nộ trong những người Việt Tỵ Nạn tại Phi nên tôi xin hứa là sẽ lắng nghe vào buổi gặp mặt chiều ngày 25 tháng 3. Nhưng vẫn có một số người đứng ngoài nhao nhao phản đối và còn nặng lời là chúng tôi tiếp tay với UBCNVB để hại họ khiến cho vài anh chị em đại diện sợ mất lòng chúng tôi nên nói đồng bào phải bình tĩnh ráng chờ đến chiều ngày 25 hãy nói. Nghe vậy mấy người này mới chịu im, nhưng vẫn còn ấm ức lắm. Tôi hoàn toàn thông cảm với nổi bức xúc của những đồng bào này.

Trong những giờ đầu tiên tới đất Phi tôi cũng có dịp gặp được thân mẫu Luật sư Trịnh Hội từ Úc sang thăm con. Lần trước gặp thân phụ anh tại Palawan có nghe ông đề cập rất nhiều tới nỗi đau của bà khi phải để anh Hội sống lây lất với đồng bào tị nạn hơn 6 năm tại Phi mà ông hay dùng chữ "Khủng Hoảng" để nói, bây giờ gặp được bà thì có lẽ thời gian đã qua, bà cũng đã quen với công việc của con mình nên chúng tôi thấy bà tuy có hơi buồn một chút, nhưng giọng nói Nam Bộ của bà khiến ai ai cũng thích nghe và trong cách nói, bà chứng tỏ sự tán thành công việc mà con mình đang theo đuổi, hai mẹ con nói chuyện với nhau thật là vui và y như những người bạn thân với nhau làm cho chúng tôi rất ngưỡng mộ từ đó chúng tôi hiểu thêm rằng, chính nhờ cách giáo dục thân thương này mà luật sư Trịnh Hội có được phong cách giao tiếp khiến cho ai một lần gặp qua đều không thể không có cảm tình với anh.
Người thứ hai chúng tôi gặp lại là cô Trần Triều Giang, một người chịu sự hà khắc của CADP một cách trắng trợn nhất. Trong tháng 10- 2003 tôi và nhà văn Hoàng Khởi Phong cùng đài truyền hình Little Saigon TV mở cuộc phỏng vấn cô ngay tại làng Việt Nam khi hai vợ chồng cô đang làm việc tại nhà hàng Việt Nam trong làng. Tuy có cẩn thận hỏi cô: -Có cần dấu tên hay không. Cô cho biết đây là sự thật, không có gì phải dấu. Sau đó đoạn băng được chiếu trên đài truyền hinh và cả tôi cùng nhà văn Hoàng Khởi Phong có đề cập đến tên cô. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau thì cả hai vợ chồng đều bị đuổi việc và tệ hại hơn phải bị đẩy ra khỏi làng Việt Nam. Được tin này tôi và anh Phong lấy làm áy náy nên đã cùng với luật sư Trần Kinh Luân góp tiền gởi cho cô tạm sống qua ngày, nhưng cô dù đang bị thê thảm về kinh tế vẫn nhất định không chịu nhận số tiền này. Sau đó luật sư Lân có nhờ đến Ban Đại Diện Người Việt tại Phi nói vo,â nói ra cô mới chịu nhận một số tiền nhỏ tượng trưng gọi là: Để không phụ lòng người ờ xa mà thôi.
Hôm gặp lại chẳng nhưng cô Giang vốn đã ốm yếu nay lại còn ốm yếu hơn và nhất là đen thui, hỏi ra thì mới biết hiện nay cô được đồng bào ở Manila giúp đỡ để nối tiếp "Nghề truyền thống Tị Nạn tại Phi" đó là bán hàng rong và trả góp. Ngày ngày kéo tấm thân gầy gò chưa tới 35 kg dưới ánh nắng như thiêu của hải đảo Phi thì đến thép cũng phải cháy lên, nói gì đến da người.
Chuyên viên thu hình Vũ Đạm (cũng là tác giả đoạn phim trên) không dấu được vẽ xúc động khi gặp lại cô. Anh thu hình lúc tôi tặng sách cho Triều Giang mà tay run run.
Dĩ nhiên ngoài thân mẫu của Trịnh Hội và cô Trần Triều Giang chúng tôi còn gặp lại nhiều người khác, với nhiều câu chuyện khác nhau, nếu có dịp chắc chắn chúng tôi sẽ không quên đưa họ vào trang bi sử của người Việt tại đây.
Câu chuyện vui duy nhất mà tôi có được là khi gặp anh Nhuận, đang sống tại Đảo Davao. Anh một hai mời tôi qua Davao chơi để giới thiệu nhà hàng ăn của anh và hào phóng tuyên bố nếu đi, anh sẽ lo từ A đến Z từ vé máy bay cho đến chỗ ở. Nhưng rất tiếc là vé về lại Mỹ không thể nào dời đổi được cho dù mấy người ở Davao đồng ý đóng góp bù vào số tiền chênh lệch. Họ cho biết thêm:
-Để cho "ông nhà báo" thấy và trả lời cho ông-bà nào đó cứ la lên 7 tháng nay đồng bào bán hết tài sản khi nghe tin Mỹ sẽ đến phỏng vấn, họ làm như chúng tôi là con nít không bằng. Ai mà không biết khi Mỹ có phỏng vấn đi nữa và OK thì cũng phải dăm bảy tháng mới lên đường, vội vàng gì, mà đâu có chắc ai cũng đi được chứ. Mà giả thử có được đi thì sá gì chút tài sản ở đây mà tiếc nuối. Chúng tôi chưa có ai nghĩ tới chuyện không làm việc, mà ngược lại còn làm nhiều hơn và sẽ tiết kiệm nhiều hơn. Chúng tôi sẽ thôi làm khi nào đã cầm chắc giấy đi định cư với ngày giờ rõ ràng trong tay. Còn không thì "Tay vẫn cứ làm, để cho hàm được nhai".
Anh Nhuận khôi hài: -Bây giờ Mỹ cho đi, tôi xin tặng nhà hàng này lại cho...(Tự ý cắt bỏ). Khỏi bán buôn gì hết. Còn không thì "sorry" vẫn làm như thường lệ. 15 năm rồi anh oi!!! đâu phải mới 15 ngày mà "Ngu" đến như dzậy!!!.
Câu chuyện còn dài. Nhưng bên dưới đã có người gọi. Cũng như mọi người bản thân tôi rất nôn nao được gặp bà Kelly. Người sẽ đóng một dấu ấn để chấm dứt: "Trang Sử Của Những Thuyền Nhân Việt Nam".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.