Hôm nay,  

'giáo Trình Dân Mỹ Gốc Vn' Giúp Trung Học Mỹ Giảng Dạy

22/04/200200:00:00(Xem: 4750)
PHOTO: Các thành viên trong nhóm soạn thảo Giáo Trình Về Người Mỹ Gốc Việt để giúp tài liệu giảng dạy cho các giáo viên trung học Mỹ.

Westminster (Nguyễn Ngân) - Sáng ngày 20 tháng 4 năm 2002 tại Hội Quán Người Việt lúc 10 giờ gần 70 người đã tham dự buổi ra mắt và tường trình về "Giáo Trình Về Người Mỹ Gốc Việt" do Cơ Quan Liên Hiệp Á Châu Thái Bình Dương (Orange County Asia Pacific Island Community Alliance OCAPICA) soạn thảo. Khách tham dự ngoài một số ít phụ huynh còn lại là các vị có liên hệ với nghành giáo dục và phóng viên các cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí Việt ngữ tại Quận Cam.

Đây là một tài liệu được soạn thảo cho các thầy cô đang giảng dạy tại các trường trung học Mỹ nhằm tạo sự cảm thông và hiểu biết về người Việt nói chung và người Việt tỵ nạn nói riêng. Cô Xuyến Đông điều hợp viên buổi họp báo đã giới thiếu một số nhân vật đã và đang tham dự vào tiến trình soạn thảo giáo trình này. Ngoài ông Michael Matsuda trưởng nhóm còn có cô Lâm Thục Trinh, Tiến sĩ, đang nghiên cứu về các vấn đề của học sinh-sinh viên, phụ nữ, người Mỹ gốc Á ..v..v.. Lâm Hồng Chung tốt nghiệp cao học tại Đại học Havard.

Ngoài ra còn có nhiều thành viên khác như: Eun Jung Bae, Mary Anne Foo , Anne Frank, Robert Hayden, Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Ngọc Tú Uyên, Trần Ngọc Diệp và Trần Đại Tường Huy, tất cả đều là những người đã lớn lên tại Mỹ và tốt nghiệp cử nhân, Cao học hay Tiến sĩ tại Mỹ.

Sau phần trình bày của thầy giáo Matsuda về tiến trình soạn thảo giáo trình mà theo ông là để tạo sự cảm thông và hiểu biết chính xác về cuộc sống của người Việt Tỵ nạn, Giáo trình cũng nhằm trả lời những câu hỏi về các cuộc tranh đấu của người Việt trong quá khứ và vẫn còn tiếp diễn đến hiện nay cũng như sự kỳ thị vì thiếu thông tin như trường hợp Lý Thiên Minh ..v..v..

Kế tiếp Nguyễn Đình Đức và Giáo Sư Huy Trần, hiện đang dạy môn lịch sử tại một trường học thuộc Quận Cam, cho biết đã sử dụng Giáo Trình này và đã thấy có kết quả rất khả quan, sự hiểu biết về người Việt của các học sinh Mỹ đã tăng cao cũng như các học sinh Mỹ gốc Việt đã tìm lại được sự tin tưởng trong quá trình hội nhập tại đây.

Bà Jane Davis Thuộc học khu Anheim (có 32ø ngàn HS) cho biết tại Học khu này đã xử dụng giáo trinh trong các lớp về lịch sử Mỹ có liên quan đến Việt Nam.

Trong lúc đó bà Connie De Capite Giáo sư đại học Cal State University Fullerton cùng nói: Trường đã mở một lớp huấn luyện về giáo trình này cho 37 giáo sư trong hai tuần, nhưng theo bà muốn tạo sự cảm thông và hiểu biết về các vấn đề Việt Nam không chỉ trong từng học khu mà phải trải rộng trên tất cả địa bàn của Hoa Kỳ, chúng ta phải nhìn được bên sau của các vấn đề vể người Mỹ gốc Á.

Tiến sĩ Kim Anh được mời phát biểu bà nói: Trong tư cách là một phụ huynh tôi vui mừng vì giáo trình đã đem lại cho các con tôi một sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, mà điều quan trọng là sự hiểu biết đứng đắn về thân phận người Việt tỵ nạn mà tôi đã và đang ôm ấp. Theo bà phổ biến giáo trình này là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người.

Nhà văn Hoàng Khởi Phong cũng nhân dịp này phát biểu tỏ lời khen ngợi những người tham gia soạn thảo giáo trình viø đề tài đã nói lên được bản chất thực sự của giáo dục đó là : Khai phóng, Nhân Bản và Độc Lập.

Trong phần phát biểu cũng như trả lời các câu hỏi của tham dự viên, người ta ghi nhận tất cả đều xoay quanh vấn đề chuyển ngữ giáo trình này ra tiếng Việt và phổ biến rộng rãi trong công đồng người Việt đặc biệt là các Trung Tâm Việt Ngữ.

Tiến Sĩ Lâm Thục Trinh cho biết đang xin một số ngân khoản ước chừng 250 ngàn Mỹ Kim đề làm công việc này, bà hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều sự ủng hộ và ý kiến để cải tiến và hoàn chỉnh giáo trình này.

Cũng cần nói thêm giáo trình ngoài phần giảng dạy về lịch sử Việt Nam còn bao gồm nhiều bài nhằm làm nổi bật các kinh nghiệm của thuyền nhân, nạn nhân sự khủng bố, các vấn đê nhân quyền tại Việt Nam và cũng có cả nhiều mẩu chuyện ngắn, văn thơ, lịch sử truyền khẩu, sự xung đột trong gia đình ..v..v..các bài giảng được cấu trúc xung quanh các chủ đề chung nói về sự mất mát, chia ly, nhân quyền, dân quyền ..v..v..sự nhập cư và hội nhập của người tỵ nạn, từ đó nhắm tới việc giải quyết các vấn đề như sự khác biệt văn hóa, kỳ thị, nâng cao kiến thức của học sinh về Việt tính , tạo nên sự cảm thông giữa cộng đồng người Việt với các cộng đồng khác.

Trong giáo trình cũng có những chương giới thiệu về các nhân vật và sự kiện liên quan đến Việt Nam kể cả danh sách các tổ chức phục vụ cộng đồng của người Việt và đặc biệt nhất theo giáo sư Huy Trần đây là giáo trình của người Việt Tỵ nạn nên những danh từ trong giáo trình đã dùng theo tình cảm của người tỵ nạn ví dụ: như Sài Gòn thì nói Sài gòn mà không dùng Thành phố HCM, hay khi nói lá cờ Việt Nam thì dùng biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ mà không nói cờ đỏ sao vàng ..v..v..

Đây là một công trình có giá trị và tốn nhiều công sức, tuy nhiên theo ban tổ chức cũng như khách tham dự cần phải cấp tốc được chuyển ngữ để công đồng người Việt tham khảo và thành hình các cuộc vận động đưa vào chương trình giảng dạy chính thức, đồng loạt trong tất cả các trường trung học Mỹ.

Buổi họp báo chấm dứt lúc 1 giờ trưa với nhiều lời khen ngợi của khách tham dự.

Cô Xuyến Đông điều hợp viên chính của chương trình đã ngỏ lời cảm tạ cũng như chính thức yêu cầu được công đồng Việt Nam hỗ trợ để sớm đưa giáo trình vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.