Hôm nay,  

Lễ Tưởng Niệm Duy Khánh: Xúc Động, Trang Trọng

24/02/200300:00:00(Xem: 6759)
PHOTO: Nhạc sĩ Phạm Duy xúc động trong hơn 1 giờ 45 phút nói về cố nhạc sĩ Duy Khánh.

Westminster (Nguyễn Ngân) -- Sau khi nhà báo Hà Tường Cát tuyên bố lý do buổi tưởng niệm ca nhạc sĩ Duy Khánh lúc 8 giờ ngày 21 tháng 2 năm 2003. Nhạc sĩ Phạm Duy trong nỗi niềm xúc động đã dành gần 1 giờ 45 phút để nói về quãng đời của ca nhạc sĩ rất nổi tiếng này mà ông đã từng được biết qua từ đầu thập niên 50 khi mà chàng trai tỉnh Quảng Trị vào Sài gòn tập tểnh bước vào con đường ca nhạc và mau chóng nổi tiếng nhờ giọng ca đặc sệt miền Trung và được giải nhất tuyển lực ca sĩ ngay tức khắc trong năm 1955 của Đài Pháp Á.
Cũng như Nhật Trường, Trần Ngọc, Mai Trường và Y Vân, Duy Khánh được mời vào hát giọng chính của ban Hoa Xuân và của các chương trình phát thanh lúc bấy giờ.
Cùng với Thái Thanh, Duy Khánh đã làm cho hai trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của Phạm Duy thăng hoa.
Ngoài những ca khúc có chất dân ca của Phạm Duy như: Ngày Trở Về, Tình Nghèo, Quê Nghèo, Về Miền Trung, Duy Khánh còn diễn tả rất thành công nhiều ca khúc khác của các nhạc sĩ: Lê Thương, Trúc Phương, Nhật Ngân, Anh Việt Thu, Lam Phương , Hoàng Thi Thơ, Trầm Tử Thiêng ..v..v.. bất kỳ một tác phẩm nào dính dáng đến âm tiết dân ca, nhất là mang hơi hướng của miền Trung thì người Nam Ca sĩ này cũng làm rung động lòng người. Một trong những tác phẩm hay nhất mà Duy Khánh thể hiện lúc đó và cho đến bây giờ vẫn còn đọng trong ký ức nhiều người đó là bài: "Hương Ca Vô Tận" của Trầm Tử Thiêng.
Năm năm sau nghĩa là khoảng cuối 1959 đầu 1960 thì Duy Khánh bắt đầu viết những ca khúc cho chính mình, tất cả đều thuộc khuynh hướng dân ca biến cải mang nội dung tình từ quê hương dân tộc như: Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, Bao Giờ Em Quên, Giã Từ Đà Lạt, Trường Cũ Tình Xưa, Biết Trả Lời Sao, Mùa Chia Tay, Người Anh Giới Tuyến, Mưa Bay Trong Đời, Vùng Quê Tương Lai, Sầu Cố Đô, Tình Ca Quê Hương, Thương Về Miền Trung, Huế Đẹp Huế Thơ, Đi Từ Ruộng Đồng Bao La, Lối Về Đất Mẹ, Anh Lên Rừng Núi Cao Nguyên..v..v..
Nhưng trên hết với nỗi lòng thương nhớ quê hương miền trung và với giọng ca như đã nói phần trên rất đặc thù xứ Huế nên phần lớn những ca khúc viết về Miền Trung luôn luôn là những tác phẩm ăn khách và đi sâu vào lòng người thưởng ngoạn như là: Thương về Miền Trung, Sầu Cố Đô, Huế Đẹp Huế Thơ, Lối về Đất Mẹ..v..v.. Cũng trong phần nói về đoạn đường đi của Duy Khánh. Phạm Duy đã cho khán thính giả nghe lại một số ca khúc do Duy Khánh hát. Những ca khúc đã đưa tên tuổi của người trai xứ Quảng Trị này lên đài danh vọng và giữ vững ngôi vị hàng đầu cho đến ngày từ giã cỏi tạm này. Để kết thúc bài nói chuyện. Trong tiếng nức nở, nước mắt chan hòa người nhạc sĩ lão thành đầu tóc bạc phơ đã gục đầu mời khán thính giả nghe "Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê của chính Duy Khánh sáng tác và trình bày: "Giờ phút phân kỳ, ai lên đường ai vấn vương, mình thương nhau trong đời, thương nhau trong đời yêu nước Việt mà thôi.....


"Giờ phút phân kỳ..." Bài hát vô tình nhưng trùng hợp, người nghệ sĩ như là nhà tiên tri. Họ đã nhìn thấy con đường mà họ đã đi qua và sẽ đi tới.
Gần 1 giờ 45 phút trôi qua thật mau, mọi người như vẫn còn bàng hoàng vì hình dáng người lão nghệ sĩ tóc bạc phơ khóc cho đàn em tóc vừa mới điểm sương, Trong tiếng ca còn vang vang chưa dứt, Phạm Duy lảo đảo bước xuống trao vào tay người bạn đời đã theo Duy Khánh không biết bao lâu tập giấy viết cho người em nghệ sĩ khiến cả hội trường hơn trăm người như muốn ngã theo từng bước chân của ông.
Sau Phạm Duy là Ngọc Minh, Nguyễn Hiền, Trần Quốc Bảo, Nhật Ngân, Phương Hồng Quế, Trọng Minh và một số thân hữu kể cả người em của Duy Khánh từ phương xa trở về đã lên phát biểu về những kỷ niệm hay tình cảm mà mọi người đã có với ông.
Nhưng tất cả đều bị mờ nhạt vì bài nói chuyện được soạn thảo từ tận trái tim và rất công phu. Cũng như phần thuyết minh bằng những ca khúc đã được nghe kỹ, chắc lọc và nhất là phong cách trình bày đầy ấn tượng của con chim đầu đàn trong nền âm nhạc Việt Nam đã khiến khó còn chổ trống nào trong lòng ngườì tham dự để có thể sắp thêm tình cảm dành cho người Ca Nhạc Sĩ này.
Ngày hôm sau, hàng trăm người đã tham dự hai buổi lễ tiển đưa Duy Khánh tại nhà thờ Tam Biên và chùa Huệ Quang sau đó kết thúc bằng lễ trà tỳ tại Peek Family.
Một trang đời được đóng lại, nhưng tiếng ca và tác phẩm của Duy Khánh vẫn mãi còn âm vang trong lòng mọi người yêu âm nhạc. Như Chế Linh đã thưa trước đó mấy ngày: "Phải cám ơn người nghệ sĩ trước khi quá muộn" lời kêu than của người nghệ sĩ đàn em đi sau cũng bi thiết không kém lời tâm tình của nhà nghệ sĩ lão thành Phạm Duy đã nói trong nước mắt:" Sống trong thời chiến tranh loạn ly này, ca nhân có hát to hoăït hát nhỏ đến đâu thì cũng chỉ như hát trong bãi sa mạc hoặt hát vào lòng người vốn dĩ mau quên vì cuộc đời quá nhiều huyên náo".
Nhưng quần chúng tại hội trường nhật báo Người Việt đêm 21 tháng 2 năm 2003 vưà qua đã có một thái độ tham dự khiến cho chúng ta có quyền tin tưởng vào sự trân trọng và biết ơn của người thưởng ngoạn đối với văn nghệ sĩ. Sự xúc động cũng như dư luận mấy ngày qua đã chứng minh cho thấy, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, sự ngưỡng mộ và mang ơn thầm lặng sẽ có dịp biểu lộ nếu những đóng góp cho nét đẹp đời người của văn nghệ là chính đáng. Những tác phẩm phát đi từ lòng yêu mến dân tộc, quê hương, những sáng tác được thể hiện bằng tấm lòng tử tế sẽ mãi mãi ăn sâu vào ký ức của mọi người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.