Hôm nay,  

Sinh Hoạt Văn Hĩa Miền Đơng: Phạm Duy, Quỳnh Giao, N.đ. Hịa

24/04/199900:00:00(Xem: 18042)
Hoa thịnh đốn (QGTTX) — Có lẽ tại mùa Xuân nên những sinh hoạt văn hóa của người Việt ở Miền Đông xem chừng khởi sắc hẳn. Người ta tấp nập rủ nhau đi nghe nói về thơ trong nước so với thơ hải ngoại ở Câu Lạc Bộ Văn Học, người ta đón nhận Cỏ Thơm mùa Xuân (đã ra đến số 10), và cuối tuần vừa qua người thích văn nghệ lại có dịp đi xem hoạ sĩ Đinh Cường trưng tranh ở Café Montmartre, một Đinh Cường rất mới, tươi vui, màu sắc sáng hơn xưa rất nhiều. Ở Philadelphia, cuối tuần Huỳnh Văn Phú cũng ra mắt tập truyện mới nhất của ông.
Phạm Duy và Quỳnh Giao
Ngay cả những sinh hoạt tổ chức trong chớp nhoáng như buổi “Phạm Duy minh họa Kiều” ở Trường Luật Viện Đại Học George Mason (vào chủ nhật 4 IV 99), thu xếp gần như vào phút chót vì ông có mặt ở đám cưới con gái ca sĩ Quỳnh Giao (trước đó có tin là ông đau sợ không qua được), cũng đã thu hút được một số không nhỏ khán thính giả chọn lọc đến để nghe ông nói chuyện về sáng tác (và CD) mới nhất của ông, “Minh Họa Kiều.”
Emcee hôm đó là Đinh Quang Anh Thái, giới thiệu Nguyễn Xuân Nghĩa lên có mấy lời nhân danh Ban Tổ chức. Tưởng cũng nên biết Nguyễn Xuân Nghĩa là người đang giới thiệu và giải thích Truyện Kiều của Nguyễn Du trên đài Little Saigon (ở Quận Cam, Houston, và San Jose), nay đã đến buổi 60 hơn. Dẫn vào chương trình, ký giả Lê Văn giới thiệu “một người không cần giới thiệu” là ca sĩ Quỳnh Giao, người mới tung ra CD “Hành Trình Phạm Duy” trong đó cô và một số giọng ca khác (kể cả Bảo Cơ là con gái cô, làm đám cưới đêm hôm trước) hát 10 bài nổi tiếng của “ca nhân dân tộc.” Nghệ thuật Quỳnh Giao đã sẵn vững nhưng hôm đó, phải nói là Quỳnh Giao xuất thần trong bài “Về Miền Trung” và nhất là bài “Đạo Ca số 1” thơ Thích Nhất Hạnh, Phạm Duy phổ nhạc (“Sáng nay, vừa thức dậy, Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường...”).
Buổi sinh hoạt nhờ đó đã có không khí rất ấm áp, gần gũi với tinh thần Phạm Duy nên khi Nguyễn Ngọc Bích lên nói về tiến trình nhạc Phạm Duy qua gần 50 năm, mọi người đã sẵn sàng để nghe chính nhạc sĩ lên nói về một giai đoạn mới nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Sau khi đã bỏ ra hàng thập kỷ để làm tân dân ca (nhất là trong thời kháng chiến) rồi nhạc cho xã hội (kể cả những đại tác phẩm như “Trường Ca Con Đường Cái Quan” và “Trường Ca Mẹ Việt Nam,” “Tâm Ca,” “Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ”), nhạc tình (cho hai người) và nhạc tâm linh (trong đó phải kể “Đạo Ca,” “Thiền Ca,” “Trường Ca Hàn Mặc Tử”), Phạm Duy giờ đây gom tất cả những dòng nhạc kia vào trong một dòng độc nhất và cao đỉnh, Hát cho Tâm Thức Việt Nam trong “Minh Hoạ Kiều.”

Đến khi nhạc sĩ lên sân khấu, trong một bộ quần áo rất nghệ sĩ (áo veston xanh lơ, quần kaki vàng lợt) và với bộ tóc trắng bềnh bồng, ông đã dẫn người nghe vào trong một thế giới huyền ảo của những âm thanh Việt Nam,vừa truyền thống như ngâm, như sa mạc... vừa mới, dùng những nhạc khí lên tới độ vũ bão. Nói say sưa, nói hóm hỉnh dí dỏm, ông đã đưa cả trăm người khi thì vào không khí “Thanh Minh trong tiết tháng Ba,” khi thì vào cảnh ảm đạm của mộ Đạm Tiên và những chỉ dấu hiển linh của người muốn hiện về báo hiệu một kiếp truân chuyên cho Kiều. Phải công nhận là trong việc thực hiện CD mới nhất của Phạm Duy này, vai trò của các con ông cũng như con rể (ca sĩ Tuấn Ngọc) và đặc biệt Duy Cường, người đã về tận Việt Nam để tìm thu thanh những nhạc cụ Việt Nam, đã tỏ ra xuất sắc. Chẳng thế mà 10 bài hát đi qua lúc nào không hay và khi Phạm Duy nói cũng như khi ngừng tiếng nhạc, mọi người vẫn còn tiếc nuối là sao chóng hết. Năm mươi CD Phạm Duy đem qua hết cái vèo cũng như mấy chục CD “Hành Trình Phạm Duy” Quỳnh Giao đem đến. Nhiều người tiếc ngẩn tiếc ngơ là không còn thêm CD để lấy chữ ký của tác giả.
RA MẮT HỒI KÝ NGUYỄN ĐÌNH HÒA
Hai tuần sau, vào thứ Bảy 17 IV, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ và một nhóm thân hữu của tác giả cũng đã tổ chức ra mắt hồi ký bằng tiếng Anh của Giáo sư Nguyễn Đình Hòa mang tên From the City Inside the Red River (“Từ thành phố trong lòng sông Hồng”), do nhà McFarland mới xuất bản. Thành phố trên đây là thành phố Hà nội nơi tác giả đã sinh ra và sống 24 năm đầu đời. Trong một giọng văn trìu mến và điêu luyện (dù như sách viết bằng tiếng Anh), tác giả Nguyễn Đình Hòa đã lồng được cuộc đời mình, của một nhà ngữ học nổi tiếng của Việt Nam, vào trong khung cảnh một đại gia vọng tộc (ông là cháu cụ Cử Tốn, quan võ từ đời Tự Đức, và gọi ông Nguyễn Đình Lai, một tác giả nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, là bác) và nhất là vào gần ba phần tư thế kỷ trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
Những người lên nói về tác giả (ký giả Vũ Thụy Hoàng của tờ Washington Post, rồi Nguyễn Ngọc Bích và Phạm Văn Hải, Tiến sĩ Ngôn ngữ học hiện phục vụ tại Georgetown University) đã cho ta thấy một con người rất yêu mến chữ nghĩa và văn chương Việt Nam, bỏ cả đời ra phục vụ cho mục tiêu giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Trong hai diễn giả nói về cuốn sách thì Tiến sĩ Phạm Trọng Lệ, cũng một môn sinh của tác giả từ Việt Nam, đã phân tích rạch ròi sự đóng góp của ông Nguyễn Đình Hòa vào ngành giáo dục đại học và ngôn ngữ học Việt Nam trong khi Luật sư Đinh Từ Bích Thúy (trình bầy bằng tiếng Anh để cho những người bạn Mỹ có mặt hôm đó dễ hiểu) đã đưa ra được một cái nhìn khá sâu sắc về cuốn sách và con người đằng sau nó.
Cuối cùng, tác giả cũng lên có những chia xẻ thật cảm động về lý do tại sao ông viết cuốn hồi ký của ông. Nhiều người góp ý với tác giả về khía cạnh này hay khía cạnh khác nhưng có lẽ đáng để ý nhất là ý kiến của bà Lê Tống Mộng Hoa ủng hộ việc dạy tiếng Việt cho các con em, dù như ở Mỹ hay ở nước khác ngoài Việt Nam. Năm mươi cuốn sách đặt hàng của nhà xuất bản McFarland cũng đi rất chóng. Ngày hôm sau, khi có party đón tiếp ông Nguyễn Đình Hòa ở một tư gia tại Chantilly, 30 cuốn nữa cũng đi cái vèo. Một cuốn hồi ký bằng tiếng Anh mà bán hết 80 cuốn trong hai ngày phải coi là một kỷ lục về ra mắt sách.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.