Hôm nay,  

Thư Viện Bảo Tàng Viện VN Ra Mắt Bách Việt Tiên Hiền...

13/09/200600:00:00(Xem: 3744)
Trong buổi lễ ra mắt sách Bách Việt Tiên Hiền Chí.
LITTLE SÀIGÒN.- Đông đảo giới trẻ và người quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt Nam đã đứng chật cả phòng hội Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam chiều ngày 10 tháng 9 năm 2006 để đón nhận tác phẩm Bách Việt Tiên Hiền Chí - Lĩnh Nam Di Thư.
Trong số quan khách dân cử, người ta nhận thấy có sự hiện diện của ÔB Dân biểu Trần Thái Văn, Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Luật sư Nguyễn Quang Trung, Nghị viên Andy Quách. Điểm gây chú ý là mặc dù quý dân cử này phải đứng mà dự buổi sinh hoạt, vì không còn đủ chỗ ngồi, nhưng không thấy ai buồn lòng mà trái lại còn vui vẻ hân hoan trước thành tựu văn hóa to lớn mà Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam dày công thực hiện.
NÓI CÓ SÁCH, MÁCH CÓ CHỨNG
"Tôi đọc trên Internet, khoái Thái Luân truyện quá. Người Việt mình mà, người Việt mình ngon. Mới qua Mỹ có mấy chục năm mà biết bao nhiêu nhà khoa học siêu đẳng như cô Dương Nguyệt Ánh, các kỹ sư trong NASA, trong Boeing. Tôi luôn tin tưởng dân Việt mình văn hóa cao, thông minh nhất trên đời này... Hôm nay tôi và các bạn đến đây để cùng vui với ban tổ chức để đón chào món quà quý giá. Đây là bộ sách giúp cho mọi người có bằng chứng bằng sử liệu về cha ông người Việt của mình...", Nguyễn Tấn, sinh viên Cal State Long Beach cho biết cảm tưởng khi tham dự buổi ra mắt sách Bách Việt Tiên Hiền Chí - Lĩnh Nam Di Thư tại Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam.
Nhân vật Thái Luân mà sinh viên Tấn vừa nhắc, là một trong 106 tiên hiền Bách Việt được đề cập trong sử liệu Bách Việt Tiên Hiền Chí - Lĩnh Nam Di Thư được viết từ thời nhà Minh bên Tầu hơn 500 năm trước.
Người Trung Hoa tự hào về ông Thái Luân vì ông là người đầu tiên trên thế giới phát minh ra giấy viết cho nhân loại. Người Trung Hoa cho rằng họ đã đóng góp vĩ đại vào văn minh thế giới. Kỳ thật nhà khoa học Thái Luân này là người Việt.
Về mặt lịch sử, xưa nay ai cũng biết chuyện vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn và vua Thuấn nhường ngôi cho vua Vũ. Vua Vũ với đại công trị thủy cứu dân thoát cảnh lũ lụt triền miên nên được nhân gian kính cẩn gọi là vua Đại Vũ. Sách Bách Việt Tiên Hiền Chí - Lĩnh Nam Di Thư của sử gia Âu Đại Nhậm viết: "Vua Vũ đi khắp thiên hạ, nhận định địa lý hình thể, địa lý nhân văn, rồi trở về nước Việt, họp chư hầu bàn định kế hoạch hưng quốc an dân". Vua Đại Vũ là người Việt, lập nên triều Hạ rồi sau đó mới tới nhà Thương và nhà Chu. Tới thời nhà Chu về sau, người Tầu xua quân tiêu diệt các dân tộc khác, chiếm lấy đất đai để mở rộng biên cương thành một nước Tầu to lớn như ngày nay.
Theo sử liệu, toàn vùng châu thổ sông Dương Tử (Trường Giang - Chang Jiang River) mênh mông, ước chừng gần 1/2 lãnh thổ Tầu ngày nay, là đất của nòi Bách Việt. Từ thời nhà Chu tới thời nhà Hán, người Tầu liên tục xâm lăng, tiêu diệt giống Việt. Cho đến ngày nay Việt tộc còn bảo chủng được ở cõi Việt Nam, một phần ở Cao Ly, một phần ở xứ Phù Tang (Nhật Bản), một phần ở Đài Loan (thổ dân nguyên thủy) và trên 17 triệu người tộc Tráng tồn tại tại Trung Hoa.
Sử liệu do National Geographic Magazine (Hoa Kỳ) công bố ghi rõ: "History of China: 5000 B.C. Farmers along the Chang Jiang (Yangtze River) are the first to grow rice."
Lúa gạo ngày nay cả nhân loại ăn hàng ngày do tổ tiên người Việt truyền lại.
"Đọc Hán Sở Tranh Hùng ai mà không mê nhân vật Hàn Tín. Sử liệu Bách Việt Tiên Hiền Chí ghi rõ Hàn Tín là người Việt. Bên cạnh Hàn Tín còn những Tào Tham, Tiêu Hà và hầu hết các khai quốc công thần cùng Lưu Bang dựng nên triều Hán, đều là người Việt... Tôi phải đến mua ngay cuốn sách quý giá này, vì nó đã được dịch sang tiếng Việt mà còn đăng nguyên bản gốc bằng chữ Nho, tài liệu chính thức, rõ ràng không ai chối vào đâu được...", cô Thúy Vân, một chuyên gia luật pháp đến từ Los Angeles phát biểu.
Hầu hết những người tham dự buổi ra mắt sách hôm nay đều cùng niềm nô nức đón chào một báu vật "nói có sách, mách có chứng" để mạnh dạn trưng ra hầu chứng minh cho niềm tự hào dân tộc.
"Lâu nay các con tôi phân vân và đòi chứng minh niềm tự hào dân tộc. Tôi bối rối. Cuốn sách Bách Việt Tiên  Hiền Chí này là một báu vật thiêng liêng và vô cùng quý báu để tôi cho các con tôi, cháu tôi: Đây là bằng chứng về tổ tiên Việt tộc mình, các con thấy không, ngài Thái Luân là tiên hiền Việt tộc đã phát minh ra giấy viết mà ngày nay cả thế giới đều dùng. Sự phát minh ra giấy viết đã góp phần to lớn, vĩ đại biết bao cho nền văn hóa nhân loại! Đấy, tổ tiên ta đấy!...", ông Trần Đình Bảo, trong bộ veston tề chỉnh (dù Thư Viện không có máy lạnh, rất nực nội), phấn khởi phát biểu.
Nữ tài tử Kiều Chinh, nhà văn Nhã Ca cùng ca sĩ Quỳnh Dao chăm chú nghe các diễn giả, các chuyên gia Hán Nôm như tiến sĩ Trần Văn Lương, ông Hoàng Đình Khuê, giáo sư Lưu Trung Khảo, giáo sư Phạm Cao Dương, nhà văn Nguyễn Đức Lập nói về nội dung Bách Việt Tiên Hiền Chí.
"Đây là một sự đóng góp quan trọng trên lãnh vực tài liệu lịch sử...", Kiều Chinh phát biểu.
10 NĂM TRỜI MÀI MIỆT

Roxanne Chow, một trong 2 điều hợp chương trình buổi ra mắt sách Bách Việt Tiên Hiền Chí tại Thư Viện Việt Nam cho biết: "Các Bác, các Chú, các Anh, Chị trong Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN đã làm việc mài miệt suốt 10 năm trời để hình thành việc dịch thuật sang tiếng Việt và nhất là chú thích tỉ mỉ về cuốn sách quan trọng này..."
Là một thiếu nữ trẻ thành công vượt bực trên thương trường, dù bận với công việc nhưng Roxanne Chow luôn sát cánh cùng thế hệ cha anh để góp một bàn tay chung lo việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Văn Lương hết lời ca ngợi công trình dịch thuật và chú thích của dịch giả Trần Lam Giang, chẳng những lột tả trọn vẹn nguyên tác mà còn hiểu thấu những ẩn ý mà sử gia tác giả khéo léo gởi gấm vào trong tác phẩm. Vì sao" Theo nhà văn Nguyễn Đức Lập tiết lậu: "Để sách được lưu truyền cho hậu thế, Âu Đại Nhậm tiên sinh đã phải xử dụng nghệ thuật "lách" (viết lách) đến mức thượng thừa, nội dung nhiều tiên hiền có đại công với nhà Hán Trung Hoa, không thiếu đại Việt gian hại dân bán nước..."
Chuyên gia Hán Nôm Hoàng Đình Khuê thì trưng ra nhiều tài liệu chứng minh những đóng góp vĩ đại của người Việt vào cái mà ngày nay người ta gọi là văn minh Trung Hoa như: Công trình xây thành Bắc Kinh (còn tồn tại cho đến ngày nay như quảng trường Thiên An Môn, Tử Cấm Thành...) do thái giám Nguyễn An người Việt mình vẽ kiểu và xây dựng; kỹ thuật làm súng đại bác người Tầu học từ người Việt từ thời nhà Minh và mỗi lần dân Tầu tế thần súng đều phải tế Lê Trừng (tức Hồ Nguyên Trừng, người nộp phương pháp làm súng của nhà Trần, được nhà Minh phong cho làm bộ trưởng 2 bộ quốc phòng và xây dựng). Trước triều Minh, thời nhà Tống, người Tầu cũng phải học trộm cách tổ chức quân sự của người Việt Nam...
KẾT QUẢ RẤT TỐT
Giáo sư Lưu Trung Khảo từng nhiều lần nhấn mạnh về nỗ lực âm thầm của nhóm Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN. Ngoài việc Thư viện mở cửa hàng ngày để có chỗ cho đồng bào đọc sách, sinh viên học sinh tra cứu tài liệu sách vở VNCH, anh em còn nỗ lực biên khảo và xuất bản bộ Cổ Tích Việt Nam 1100 trang và nay là bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí, sử liệu xác đáng, để cho mọi người biết về tổ tiên người Việt.
Cô Roxanne Chow nói lên cảm nghĩ của giới trẻ trước công trình đóng góp của Giáo sư Trần Lam  Giang và Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam: "Công trình của Anh và các Anh, Chị trong Thư Viện, Roxanne tin rằng sẽ có giá trị lâu dài không phải chỉ bây giờ mà còn mãi mãi về sau. Chúng em không dám nói cám ơn Anh và các Anh, các Chị, Chú Bác nhưng chắc chắn một điều, chúng em nguyện nối gót để làm vẻ vang giòng giống Việt...
Là một người khiêm tốn, giáo sư không bằng lòng cho người khác nói về mình nhiều... Chính vì thế mà nhiều người muốn nói về giáo sư, ca ngợi, thần tượng giáo sư không có cơ hội bày tỏ. Hôm nay, mượn cơ hội này, cơ hội được làm MC trong chương trình sinh hoạt này, Roxanne xin thay mặt cho các bạn trẻ, nói một lời tâm nguyện của bọn em: Chừng nào còn những người như các Anh dấn bước, chừng ấy còn có các em của các Anh nối gót theo sau. Những công trình đóng góp, hi sinh của các Anh, những bậc Cha Anh, chính là những hạt giống tốt để bảo tồn nòi giống và làm rạng danh văn hóa Việt trên khắp thế giới. Công trình dịch thuật và chú thích mà Anh bỏ ra trên dưới mười năm trời để ngày đêm tra cứu, ghi chép và thực hiện, ngày hôm nay, chúng em trân trọng cầm trên tay và rất mạnh dạng...  Đúng vậy, từ nay, với cuốn sách Bách Việt Tiên Hiền Chí nầy, chúng em rất mạnh dạn, rất mạnh dạn để hãnh diện mình là người Việt Nam..."
CÒN NHIỀU CÔNG TRÌNH
Trước đó, một số hệ thống truyền thông cũng đã hé lộ cho biết nhóm Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN còn nhiều công trình "đang cố gắng thực hiện nhưng khi nào xong mới công bố, chưa bao giờ dám công bố những gì chưa thành..."
Chủ trương thành lập Thư Viện phục vụ miễn phí cho đồng bào từ năm 1999 đến nay, chi phí hàng năm để duy trì sinh hoạt trên dưới 30 ngàn mỹ kim, nhóm Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN được các thương gia và mạnh thường quân âm thầm đóng góp vì thấy rõ mục đích hữu ích của Thư Viện, cho cộng đồng, cho giới trẻ. Đây là cơ sở thiện nguyện hoàn toàn được tài trợ bởi chính đồng bào Việt Nam, không nhờ quỹ tài trợ liên bang hay tiểu bang, mở cửa hàng ngày phục vụ rộng rãi cho công chúng.
Ban quản trị Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN tin tưởng: "Chúng ta sắp đến giai đoạn Thư Viện tự túc chi phí được..." Một trong những hình thức đóng góp được nhiều người hưởng ứng nhất là "mỗi ngày 1 đồng cho Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam" (một năm 365 mỹ kim) và mua sách do Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN ấn hành như bộ Cổ Tích Việt Nam ($50), Bách Việt Tiên Hiền Chí $35). Mọi đóng góp đều được trừ thuế vì Thư Viện được Liên Bang và Tiểu Bang cấp phái lai hoạt động bất vụ lợi.
Cô Roxanne Chow kêu gọi: "Chúng tôi kêu gọi sự đóng góp yểm trợ của cộng đồng. Xin mời đến Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN mở cửa hàng ngày tại địa chỉ 10872 Westminster Ave., #214 - 215, Garden Grove, CA 92843 vừa để quan sát sinh hoạt của Thư Viện vừa để đóng góp tinh thần, vật chất... Quý vị ở xa có thể gửi chi phiếu đề tên Nhân Ái Foundation (VN Library) và gửi về PO Box 2051, Westminster, CA 92684, USA".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.