Hôm nay,  

Mãn Khóa Thầy Giáo Việt Ngữ Nghe Thuyết Về Trống Đồng

15/08/200600:00:00(Xem: 3224)

- Giáo sư Khảo: Tiếng Việt là chất keo gắn liền các tập thể người Việt

Bs Kiều quang Chẩn thuyết trình về các truyền thuyết trong lịch sử VN qua các bằng chứng khảo cổ, di truyền học. Dưới màn hình lớn rộng, là 5 chiếc trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, và 2 chiếc khảm đồng thau chế tạo từ  trên 4 ngàn năm trước.

Costa Mesa (VB) . - Đã có thêm 126 tân Thầy Cô giáo dạy Việt ngữ thuộc các trung tâm Việt Ngữ Nam Cali và vài tiểu bang khác, sau 3 ngày dự khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm Việt Ngữ kỳ thứ 18 mở ra ở đại học Orange Coast College. Năm mươi người khác là thầy cô cũ, được cấp chứng chỉ tu nghiệp.

"Khóa học khởi sự vào chiều Thứ Sáu và kết thúc chiều Chủ Nhật 13 tháng 8, đã gặt hái kết quả đáng mừng, chỉ có một số ít học viên không theo đủ chương trình nên không đyoc tốt nghiệp", theo nhận xét của trưởng ban tổ chức khóa học, ông Nguyễn việt Linh, cũng là phó chủ tịch của Ban Đại diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali.

Các học viên tham dự đã có 2 ngày để học tập, nghe thuyết trình,hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm và học cách xử dụng bộ sách giáo khoa,thi đua văn nghệ, bích báo,.v.v.

Trong số tân giáo viên vừa tốt nghiệp, có một học sinh sinh viên 17 và 18 tuổi, hơn hai mươi tu sĩ thuộc các chùa Giác Tâm, Phổ Hiền, Huệ Quang, Khánh Hỷ, Liên Hoa, .v.v cùng một số khác là  tín hữu thuộc Cộng đoàn Westminster và Hội Thánh Tin Lành.

Toàn Nam Cali có 94 trung tâm dạy tiếng Việt. Lớn nhất là Hồng Bàng, TT Văn hóa VN, Van Lang, Westminster,...

Đây là khóa thường niên nhằm đào tạo Thầy cô giáo mới dạy Việt ngữ cho con em VN lớn lên ở hải ngoại. "Mỗi người giảng dạy tiếng Việt là một chiến sĩ đoàn quân  bảo vệ chữ Việt tồn tại ở hải ngoại, bởi chữ Việt là chất keo gắn liền các tập thể người VN thành một khối ở hải ngoại", theo lời giáo sư Lưu Trung Khảo đánh giá lúc khai mạc vào tối Thứ Sáu.

Giáo sư Quyên Di nói với các học viên đến dự khóa huấn luyện để thành người giảng dạy tiếng Việt: "qua cả ngàn năm lệ thuộc Tàu, nước ta không hề mất tiếng nói. Không có ngôn ngữ, làm sao chuyên chở được văn hóa, bởi trong tiếng Việt có hồn tính Việt Nam, con người VN. Cho nên có thể khẳng định Tiếng Việt chưa bao giờ thua cuộc !"

Thay mặt cho đại học O.C.C. là trường đại học bảo trợ khóa huấn luyện tu nghiệp qua việc cho mượn chỗ hội họp thoải mái suốt 3 ngày, Giáo sư Phạm thị Huê đã nói đến sự cần thiết của tiếng Việt trong các trường đại học có cộng đồng VN phát triển mạnh, nên từ lâu, đại học O.C.C. đã có môn học tiếng Việt, và tương lai nhắm tới thành lập một phân khoa Việt ngữ."

Giáo sư Nguyễn văn Khoa sau khi giới thiệu hai giáo sư Lưu trung Khảo và Phan Ngô là hai người tiên phong khi thành lập trung tâm Việt Ngữ hứa hẹn sẽ nêu nguyện vọng với học khu Garden Grove, để việc dạy Việt ngữ như ngoại ngữ, được đưa vào các trường khác, thay vì hiện mới chỉ có 2 trường trung học thôi.

Trong ngày thứ nhất học hỏi,  176 học viên thuộc 34 trung tâm Việt ngữ đã nghe các nhà nghiên cứu về nền văn minh VN (bác sĩ Kiều quang Chẩn + Bs Phạm gia Cổn) thuyết trình với hình ảnh và tài liệu, để thấy sự không mấy tin tưởng vào truyền thuyết "dân tộc VN từ phương Bắc tràn xuống" nghĩa là do di dân Trung Hoa đi lần về phía nam.

Năm chiếc trống đồng Đông Sơn và 2 cái khảm cũng bằng đồng thau thời tiền sử VN đã được chưng ra, trong khi hình ảnh chiếu rõ những dụng cụ tổ tiên VN dùng (như búa rìu, gươm...) và tài liệu được Bs Chẩn thuyết trình, cho thấy "các đồ tiền sử này VN hiện có hàng ngàn, trong khi ở Trung Hoa hiện nay là vật hiếm có. Hơn nữa, các hoa văn chạm trổ, là hoa văn Đồng Sơn, không phải theo các đồ cổ khác của Tàu và sắc sảo hơn họ nhiều".

Bs Chẩn nói rõ về các truyền thuyết trong lịch sử về nguồn gốc tổ tiên để các học viên sắp trở thành người giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ sau được nắm vững, kể về công phu đúc một chiếc trống đồng thời xưa khó đến độ kỹ thuật ngày nay không theo kịp, hầu minh chứng trình độ văn minh của người VN thời tiền sử, vài ngàn năm trước Thiên Chúa giáng sinh.

Cũng nhằm cho các thầy cơ mới biết về văn hóa dân gian, Bs Phạm gia Cổn dành nửa giờ nói về các loại trống VN, có từ thời trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ đến nay là loại trống bằng da thú vật. Bs Cổn kể đến đâu,  hình ảnh đượcchiếu rõ nên người nghe dễ rất phân biệt. Đấy là các loại trống kèn dùng trong trận mạc, đến lễ hội dân gian, giải trí ca hát, nghi lễ triều dình tôn giáo, nghi lễ dân gian,.v.v.

Giáo sư Nguyễn Châu, đoàn trưởng văn nghệ Lạc Hồng gửi đến khóa học bài thuyết trình về trống VN nói: "Người Việt dời đất nước mang theo nhiều thứ. Về âm nhạc mang đọc những tình khúc, bài ca nhớ quê, mà lại quên đi nét đẹp khác của văn hóa, trong đó có bộ môn trống. Các người Trung Hoa, Nhật bản, Đại Hàn,Thái Lan, Mã lai,Indonesia rất hiểu rõ sự chinh phục của tiếng trống đối với người bản xứ. Họ đầu tư nhiều dàn nhạc, dàn trống, cồng, chiêng, và..không biết chừng nào mình mới làm được vậy!"

Cũng trong buổi văn nghệ tối Thứ Bảy để học viên hiểu về văn hóa VN, giáo sư Vũ  Hoàng đã biểu diễn đàn bầu và được anh Phan Tâm đệm ghi ta thùng. Họ đàn bài Tiếng Nước Tôi của Phạm Duy. Từng nốt nhạc được khảy lên chậm rãi, nghe thánh thót, nhẹ lâng, tình tứ, lôi cuốn gần 200 đồng bào và học viên ngồi nghe say sưa, như  đang thưởng thức âm nhạc thính phòng ...

Đêm văn nghệ dân tộc còn phong phú với các tiết mục hoạt cảnh, ca, vũ, kịch của các học viên soạn và diễn, với các tựa Em di chùa Hương, Cô Thắm về làng, Nỗi buồn Châu Pha, Tình có như không, Đám cưới trên đường quê ...(tin và ảnh: Nguyễn Hiền)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.