Hôm nay,  

Buổi Lễ Tôn Sư Trọng Đạo

29/11/200600:00:00(Xem: 4750)

Buổi Lễ Tôn Sư Trọng Đạo, Hay Ngày Nhớ Ơn Thầy

Hội Lăng Ông tức  Lê Văn Duyệt Foundation, dưới sự bảo trợ của Viện Việt Học, cùng một số hội đoàn và báo chí, đã tổ chức Lễ Tôn Sư Trọng Đạo hay Ngày Nhớ Ơn Thầy thật trang trọng tại Emerald Bay Restaurant hồi trưa Chủ Nhựt 26-11-2006. Có hơn 250 quan khách tham dự trong đó phần đông là các giáo sư và cựu học sinh các trường ở Miền Nam tự do trước 1975.

Trong phần mở đầu, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu hiệu trưởng Petrus Ký và cựu Thứ Trưởng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, thay mặt ban tổ chức, chào mừng quan khách và trân trọng cám ơn nhiều vị giáo sư thanh tra, hiệu trưởng, các vị hội trưởng hội đồng hương, các anh em cựu học sinh các trường cùng các cơ quan truyền thông báo chí tham dự buổi lễ. Người ta thấy có sự hiện diện của giáo sư Trần Ngọc Ninh, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục và đương kim Viện trưởng Viện Việt Học, giáo sư Tiến sĩ Lê Thành Việt chủ tịch Câu Lạc Bộ Giáo Chức Sacramento, giáo sư Nguyễn Thái Long cựu Tổng Thanh Tra Bộ Gáo Dục đến từ Sacramento, giáo sư Đào Khánh Thọ cựu Trưởng Khu Học Chánh Vùng IV, giáo sư Nguyễn Quang Minh cựu Chánh Sở Học Chánh Gia Định, giáo sư Nguyễn Thanh Tùng cựu Chánh Sở Học Chánh Bình Thuận, giáo sư Thái Doãn Ngà cựu Chánh Sở Học Chánh Quảng Nam-Đà Nẵng, các cựu hiệu trưởng các trường Trung Học lớn như Petrus Ký (giáo sư Liêm), Chu Văn An (giáo sư Dương Minh Kính), Tống Phước Hiệp (giáo sư Võ Thị Ngọc Dung), Thủ Khoa Nghĩa (giáo sư Nguyễn Văn Ngàn), Chưởng Binh Lễ (giáo sư Nguyễn Thành Long), Phan Bội Châu (giáo sư Nguyễn Thanh Tùng), Phan Châu Trinh (giáo sư Thái Doãn Ngà), Nguyễn Trãi (giáo sư Nguyễn Quang Minh), Trịnh Hoài Đức (giáo sư Nguyễn Trí Lục), Mạc Đỉnh Chi (giáo sư Lý Di), Châu Văn Tiếp (giáo sư Nguyễn Ánh Dương), Phan Thanh Giản (giáo sư Nguyễn Trung Quân), Dĩ An (giáo sư Lê Hữu Hiền), đốc sự Ngô Ngọc Vĩnh hội trưởng hội Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân, cô Ngọc Long hội trưởng hội Gia Long, kỹ sư Nguyễn Mai Tổng Thơ Ký hội Liên Trường, ông Phan Tấn Ngưu hội trưởng hội Cảnh Sát Quốc Gia Nam Cali, ông Trần Quan An hội trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, ông Ngành Mai hội trưởng hội Cổ Nhạc Nam Phần, các vị hội trưởng các hội đồng hương Gia Định, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bạc Liêu, v v . . . Phía các cơ quan truyền thông, có sự hiện diện của đốc sự Đỗ Tiến Đức, chủ nhiệm tờ Thời Luận, nhà báo Vi Anh của tờ tuần Báo Việt Nam- US Today, ký giả Anh Thành của Viễn Đông và Nguyên Huy của Người Việt và KBC Hải Ngoại.

Sau phần chào mừng quan khách, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nói qua về mục đích của buổi lễ đặc biệt hôm nay. Đây là một trong những buổi lễ nêu cao tinh thần và tình cảm "Nhớ Ơn" trong truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam mà hội Lăng Ông cố gắng bảo tồn. Những ơn lớn đó là Ơn Cha Mẹ, Ơn Thầy, Ơn Quê Hương Đất Nước, Ơn Anh Hùnh Liệt Nữ từng xây dựng, phát triển và bảo vệ giang san. Hội Lăng Ông (Lê Văn Duyệt Foundation) và Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đòng Nai Cửu Long sẽ tổ chức hằng năm 4 ngày Lễ Nhớ Ơn nói trên. Ngày lễ Tôn Sư Trọng Đạo hay Ngày Nhớ Ơn Thầy được tổ chức vào dịp Thanksgiving của Mỹ. Ngày này sẽ là ngày Thầy Trò, Ngày Sư Phụ - Đệ Tử, nhưng cũng là dịp hội ngộ của những nhà giáo, những nhà Mô Phạm, đã từng nhiều năm dâng hiến cuộc đời phụng sự cho nền giáo dục chân chính của nước nhà.

Tiếp theo phần mở đầu, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm giới thiệu giáo sư Dương Minh Kính, cựu hiệu trưởng Chu Văn An và cựu dân biểu Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, nói về ý nghĩa của Ngày Tôn Sư Trọng Đạo. Trong bài nói chuyện, Giáo sư Kính trình bày chi tiết, từ ca dao tục ngữ đến thơ văn, tinh thần hiếu học, trọng thầy cô cũng như địa vị cao cả cùng lương tâm chức nghiệp của ông Thầy đúng nghĩa của nước mình từ xưa đến giờ. Tiếp theo bài nói chuyện của giáo sư Kính là bài thuyết trình của giáo sư Nguyễn Trung Quân về Dòng Văn Hóa Việt Nam liên quan tới tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của người Việt. Dòng văn hóa tốt đẹp của người Việt liên tục từ xưa không bao giờ dứt khi nó đi vào Miền Nam tự do sau 1954. Văn hóa truyền thống tốt đẹp đó thể hiện trong những những liên hệ gia đình, xã hội, làm nền tảng tốt đẹp cho luân lý của người Việt ngay cả khi hòa hợp vào nền khoa học tân tiến Tây phương như người ta thấy trong hai câu đối trước cổng trường Petrus Ký: "Khổng Mạnh Cương Thường tu khắc cốt, Âu Tây khoa học yếu minh tâm." Tinh thần Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng trong nền giáo dục ở Miền Nam tự do đã thưà hưởng di sản tốt đẹp trong truyền thống văn hóa đó. Giáo sư Quân cho chiếu trên màn ảnh, những bài vị thờ các vị giáo sư Tiền Vãng của các trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và Phan Thanh Giản Cần Thơ cho thấy tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của người học trò ở Miền Nam tự do từ xưa đến giờ, điều mà xã hội cộng sản ở trong vùng kiểm soát của cộng sản không còn cho phép tiếp nối nữa. Theo giáo sư Quân Văn Hóa Việt Nam, văn hóa truyền thống tốt đẹp, chỉ còn ở người Việt ở Miền Nam tự do mà thôi. Sau phần thuyết trình của giáo sư Quân là phần nói chuyện của giáo sư Phạm Cao Dương về quan niệm đặc biệt của người dân Miền Nam về nhà giáo, nhà mô phạm. Người dân hiền hòa lúc nào cũng nghĩ trong đầu óc là ông thầy giáo phải có cái gì cao cả khác biệt hơn người thường ngay cả trong những sinh hoạt hằng ngày cũng vậy. Giáo sư Dương kể lại một cách thích thú về những trường hợp giáo sư từng chứng kiến như khi người dân bắt gặp ông giáo sư đi ăn phở ngoài chợ chẳng hạn. Họ thắc mắc một cách ngộ nghĩnh: "Giáo sư mà cũng ăn phở nữa"" Những sự việc nho nhỏ như vậy cũng nói lên địa vị đặc biệt của người thầy giáo trong xã hội mình. Vai trò và địa vị của nhà giáo không cho phép họ sống thiếu đạo đức, thiếu khuôn mẫu mô phạm mà họ đã mang trong người. Từ cách ăn mặc đến cử chỉ lời nói, thầy cô luôn luôn phải là người mẫu mực đối với đời. Dù phải sống cuộc đời rất khiêm nhường về vật chất, thầy cô phải luôn luôn giữ vũng giá trị đạo đức, giá trị tinh thần của bậc lương sư.

Sau phần thuyết trình của các giáo sư diễn giả, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm giới thiệu quyển "Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975". Sách dài gân 400 trang ghi lại đầy đủ triết lý, mục đích, chương trình, sự đào tạo giáo chức, tổ chức học đường, đại học bách khoa, đại học cộng đồng, trung học tổng hợp, trung học tỉnh hạt, thi cử, các nhà lãnh đạo giáo dục và tư tưởng của họ, các Khu Học Chánh, Các Sở và Ty Giáo Dục, một số trường tiêu biểu, cùng với những cảm nghĩ vui buồn của một số nhà giáo, tình thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo, với tiểu sử và hình ảnh của nhiều người trong giới nhà giáo thời Việt Nam Cộng Hòa. Sách được tặng cho các quan khách tham dự. Ấn phí quyển sách là 20 mỹ kim. Thành ra nếu quý vị nào muốn có quyển sách thì xin liên lạc với giáo sư Nguyễn Thanh Liêm ở địa chỉ và điện thoại (419 Bali Street, Santa Ana, CA 92704, đt: 714-775-1522, hoặc email liemthanhnguyen@yahoo.com)  

Sau hết ban tổ chức buổi lễ còn trao tặng các ân nhân một bức bút họa treo tường với hai câu đối do Ngọc Mai và Nguyễn Thanh Liêm đồng sáng tác:

"Việt sĩ Tôn Sư văn hóa thịnh

Nam nhân Trọng Đạo quốc gia hưng"

với nét bút họa đặc sắc tài hoa của một họa sĩ triết gia đương thời.

Bưổi lễ chấm dứt với bửa cơm trưa thân mật và chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn do Phương Tiến phụ trách với sự tiếp tay của Phương Dung, Lan Ngọc, và nhiều ca sĩ khác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.