Hôm nay,  

TT Nguyên Tâm Ra Mắt...

31/10/200600:00:00(Xem: 4522)

TT Nguyên Tâm Ra Mắt 2 Cuốn Dịch Sử Thiền, Thơ Thiền

Thầy Nguyên Tâm tức dịch giả Tàn Mộng Tử đang giải thích cho người dự về sách và các bức thư pháp viết thơ của thiền sư Nhật, Trung Hoa.

Westminster (VB) . - Tạm gát qua chuyện thế sự cùng những sinh hoạt rộn rịp cuối tuần, hơn một trăm người từ dân giả tới trí thức, tăng lữ, hôm Chủ Nhật rồi đã tụ họp ở phòng hội Việt Báo đường Moran sống trọn vẹn suốt một  buổi chiều đầy thiền vị. Họ nghe các Thầy kể những câu chuyện nhỏ chốn thiền môn, giảng những câu thơ ứng khẩu cuả các thiền sư đời xưa ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, và ngâm thơ cố thiền sư Huyền Không, hoặc hát đôi bài nhạc đạo ...

Buổi sinh hoạt để ra mắt hai cuốn sách về Thiền học của dịch giả Tàn Mộng Tử tức nhà tiến sĩ Phật Học Thích Nguyên Tâm, do chùa A Di Đà tổ chức. Đó là cuốn MỘT NGÀY MỘT CÂU CHUYỆN THIỀN của Thu Nguyệt Long Dận (Akizuki Ryumin) và cuốn LỊCH SỬ THIỀN HỌC Tập 1 của Y Xuy Đôn (Ibuki Atsushi).

Sau phần giới thiệu sơ về dịch giả của Ni sư Thích Nữ Như Ngọc (viện chủ chùa A Di Đà) và cư sĩ Mật Nghiêm (hội trưởng Hội Đuốc Tuệ), Thượng tọa Nguyên Tâm kể về hành trạng của tác giả tức thiền sư Y Xuy Đôn, chuyện lễ hội phơi Kinh trên núi Phú Sĩ sơn để đưa người nghe vào chuyện  cơ duyên được gặp tác phẩm của thiền sư tác giả, khiến Thầy đọc và rồi dịch thành 3 tập.

Đưa cao nguyên bản sách của tác giả, Thầy Nguyên Tâm đọc những hàng chữ ở bìa trước sách, như lời khuyên của thiền sư Y Xuy Đôn: "Đây là cuốn sách cần phải đọc dành cho những người có hứng thú về Thiền. Không dẫn chứng các nguyên điển nan giải và cũng chẳng thiên về tông phái hay giáo nghĩa nào, tập sách này rất đáng chú mục, đã tường thuật lịch sử Thiền được truyền từ Trung Quốc sang Nhật bản và phát triển một cách độc đáo. Nó bàn về Thiền hiện tại, phương pháp tu hành cho đến các truyền thống, và lần đầu tiên đã làm sáng tỏ toàn thể diện mạo của Thiền."

Từ bản chính Nhật ngữ đó, Thầy Nguyên Tâm dịch, sưu giải, chú thích thành 3 tập. Thầy cho biết "đã công phu sưu tập nhiều tài liệu để chú giải những thuật ngữ, thiền ngữ. Riêng tập 1 mang nội dung đặt một số vấn đề về vai trò của lục Tổ Thiền, và nói đến các ngụy kinh được dùng trong Thiền tông thời kỳ đầu. Thầy tạo sự ngạc nhiên cho nhiều người: "sách nói Kinh Lăng Nghiêm là ngụy kinh, thể hiện tư tưởng bá quyền Trung Quốc thời xưa. Kinh này vốn được dùng và trì tụng công phu khuya trong Phật Giáo VN, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật!" Thực ra  đã có từ lâu, và như dường bất tận, về cuộc tranh luận về Kinh Lăng Nghiêm có phải đã được viết tại Ấn Độ hay tại Trung Quốc.  Độc giả có thể theo dõi cuộc tranh luận về xuất xứ Kinh Lăng Nghiêm này bằng cách vào trang www.google.comvà tìm “Shurangama Sutra” hay là tìm “Surangama Sutra.”

Chỉ vào những bức thư pháp bằng Hán Tự treo quanh phòng, Thầy Nguyên Tâm đã lôi cuốn mọi người qua những câu chuyện về thiền, những khẩu khí thiền được các thiền thư Nhật và Trung Hoa thể hiện thành thơ hài-cú, thơ Đường luật. Thầy dùng lối chiết tự khi chỉ vào bức thư pháp viết chữ Phật cùng những dòng chữ Hán viết bay bướm bên dưới: "Quí vị thấy không, trong chữ Phật có chữ Nhân tức là người. Nếu không làm trọn vẹn con người, không bao giờ làm Phật được!" Rồi Thầy với giọng hùng hồn giảng các bức thư pháp kế tiếp, khiến mọi người say sưa lắng nghe các bài thơ mang nội dung thiền, hoặc kể các mẫu chuyện thiền từ cuốn sách Thầy dịch MỖI NGÀY MỘT CÂU CHUYỆN THIỀN của thiền sư Thu Nguyệt Long Dận. Cuốn này từng được thiền sư Thích Mãn Giác giới thiệu là "những hương ủ lâu ngày trong thời gian. Đọc để làm đẹp, làm mới thân tâm mình", "những câu chuyện thiền trong sách là một nụ cười giải thoát lặng lẽ, là bông hoa của một thứ tâm thức tự do,..."

Thượng Tọa Thích Quảng Thanh cũng đóng góp câu chuyện thiền VN, kể chuyện thiền sư thong thả thưởng thức củ khoai lùi than hồng, không quan tâm đến chiếu chỉ triều đình , để nói dòng thiền VN cũng rất phong phú, có nhiều dặc điểm được khám phá bởi Lê mạnh Thát. Thầy Quảng Thanh nhận xét sách dịch vừa nêu, "cho tôi học được nhiều điều, như điểm kinh Lăng Nghiêm là ngụy kinh, một kinh chúng tôi tụng từ hồi nhỏ, được kể là lời Đức Phật thuyết, ngài Xá Lợi Phất đọc lên nhằm cứu Ngài A nan lúc gặp nạn."

Cuốn Lịch sử Thiền Học (tập 1 thiên Trung  Quốc) vừa được ra mắt này dày hơn 450 trang,  với 6 chương:

-Sự hình thành của Thiền.

-Sự khuếch đại và phân Phái Bắc Tông, Nam Tông, Ngưu Đầu Tông.

-Sự hình thành tư tưởng Thiền và Bách Gia Tranh Minh. Sự hưng thạnh của Thiền Mã Tổ.

-Sự phổ cập và biến chất của Thiền.

-  Thiền dưới thời đại nhà Bắc Tống.

-Sự kế thừa và duy trì của Thiền

- Thiền dưới thời đại nhà nam Tống, Kim và Nguyên.

-Thiền cáo chung - Thiền dưới thời nhà Thanh và Minh.

Còn cuốn Mỗi Ngày Một câu Chuyện Thiền, theo lời giới thiệu in đầu sách của cố thiền sư Huyền Không: "Đây là những câu chuyện về Thiền, không phải thiền, những chuyện trong nhà thiền của thiền giả. Người đọc không nhất thiết phải bận tâm với môi chuyện. Cứ lần lượt đọc với tâm trạng tự do không trói buộc, sẽ có lúc ta mĩm cười ưng ý với một lối vào Thiền gần gũi."

Trong buổi bàn về sách thiền và chuyện thiền, mọi người được nghe giọng ngâm của Diệu Vân bài Đạt Đạo của cố thiền sư Huyền Không,  giọng ca của Minh Tùng, Kim Phụng bài Con đường tu tập, .v.v.

Mọi người tỏ ra trải qua một buổi chiều thú vị. Trước khi giải tán, họ thưởng thức nước trà thơm và ăn bánh trái hương vị Việt Nam.

Cả hai cuốn sách dịch đều do nhà xuất bản VĂN MỚI ở Gardena (LA)xuất bản. Thầy dịch giả đã ngỏ lời cám ơn những Phật tử đóng góp trong việc hình thành 2 cuốn sách vừa nêu, đặc biệt là anh Chơn Thuần thuộc nhà xuất bản trên. Địa chỉ Văn Mới: P.O. Box 287 Gardena CA 90248 USA. Điện thoại: 310-366-6867. Fax: 310-366-6987

(Nguyễn Hiền thuật).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.