Hôm nay,  

Họa Sĩ Đằng Giao Nói Về Nghệ Thuật Sơn Mài Việt Nam

22/09/200300:00:00(Xem: 5573)
PHOTO: Từ Trái : Họa sĩ Đằng Giao, Nhà văn Phan Nhật Nam, Nhà văn Hoàng Khởi Phong.

Westminster (Nguyễn Ngân) -- Cuộc triển lãm những họa phẩm sơn mài của Họa sĩ Đằng Giao được xem như thành công nhất từ trước tới nay, suốt một tuần lễ. Sau khi khai mạc ngày 14 tháng 9 vừa qua đến giờ này, không ngày nào là không có người tới xem và mua tranh. Họa sĩ Đằng Giao đã có một cuộc gặp mặt với khoảng gần 50 người yêu thích nghệ thuật sơn mài để nói về tranh sơn mài Việt Nam vào lúc 4:00 chiều ngày thứ sáu 19 tháng 9 năm 2003 tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt.
Tù những tác phẩm hoành tráng khổ lớn cho đến những tác phẩm nhỏ tất cả được trưng bày khiến người xem đã tự hỏi: Có phải đây là một bức sơn mài" Hay là một họa phẩm sơn dầu được vẽ trên gỗ, được phủ dầu bóng..v..v.. vì màu sắc lung linh, đa dạng, không phải chỉ là một nền đen với ốc , vỏ trứng và sa cừ, nét họa lại mềm mại, linh động.
Sự ngạc nhiên này với những thắc mắc quá nhiều của người xem, nên Đằng Giao đã tổ chức một buổi gặp mặt người yêu tranh để trình bày về: "Sơn Mài Việt Nam" tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt như nói trên.
Sau khi nhà văn Hoàng Khởi Phong lên nói lý do buổi gặp gỡ, đã giới thiệu Nhà văn quân đội Phan Nhật Nam một người đã có thời gian cùng sống với Đằng Giao khi ông làm sơn mài. Phan Nhật Nam đã lên trình bày ý kiến của mình về tranh sơn mài. Ông nói đến sự hiểu biết của ông về tranh sơn mài qua phần cảm nhận tranh cũng như vài công việc cực nhọc của nghề làm sơn mài mà ông có dịp nhìn thấy trong thời gian gần gũi với Đằng Giao.
Sau đó chính họa sĩ Đằng Giao đã nói về Tranh sơn mài. Một kỹ thuật, nghệ thuật mà ông đã có thời gian sống chết với nó trên 20 năm cũng như chính sơn mài đã nuôi sống ông hơn 20 năm qua sau khi ở tù cải tạo về tại sàigòn. Ông thú nhận rằng đã rất nhiều lần ông muốn bỏ nghề vì nó quá cực nhọc. Sau đó với sự khuyến khích của nhà báo Lê Như Tiến, ông lại quay về và từ khi gặp Họa sư Nguyễn Gia Trí thì ông biết rằng mình phải sống chết với tranh sơn mài. Ông còn nhớ Cụ Trí từng nói: "Tranh sơn mài như một khu rừng nguyên sinh, tôi khai phá một phần, các bạn tiếp tục khai phá thêm, có thể nhìn mảnh đất của tôi làm tiêu chuẩn, nhưng nếu vào đó mà lại chỉ biết xử dụng mãnh đất của tôi mà thôi thì không nên." Do đó họa sĩ Đằng Giao đã dựa trên căn bản của Nguyễn Gia Trí. Anh đã tạo cho mình một phong cách mới: "Phong cách sơn mài Đằng Giao". Theo họa sĩ Đằng Giao chính sự nhầm lẫn "nghệ thuật sơn mài" với "mỹ nghệ sơn mài" đã vô tình đưa đẩy ngành sơn mài vào con đường bế tắc. Nếu chỉ nhìn tranh sơn mài như là chúng ta thường thấy bán trên lề đường Sài gòn được sản xuất phần lớn ở Bình Dương có toàn một màu đen, trên đó cẩn xa cừ, vỏ ốc, trứng..v..v.. và sau này thêm vài sự cải tiến như có vài màu xanh, nâu, nhưng màu đen vẫn là chính thì quả thật đã đẩy "tranh sơn mài" đi vào ngành thủ công mỹ nghệ.
Những họa phẩm sơn mài chính cống ít được nhìn thấy, ít có những cuộc triễn lãm sơn mài trên thế giới. Những học phẩm sơn mài giá trị khi làm ra đều nằm ở trong tư gia các nhà giàu, hay công sở cao cấp như tòa Đại Sứ, Dinh Độc Lập..v..v..cho nên giới thưởng ngoạn ít có cơ hội so sánh giữa hai ý niệm này.
Sau đó họa sĩ Đằng Giao đã đưa ra vài ví dụ về sự khác biệt cách cấu tạo màu sắc của hai loại tranh sơn mài: Mỹ thuật và Mỹ nghệ.
Buổi họp mặt có mục đích để trình bày về kỹ thuật làm tranh sơn mài và nhất là để trả lời thắc mắc của người tham dự về tranh sơn mài. Nên Đằng Giao đã chuẩn bị một số vật liệu để biểu diễn về thực hiện 1 tác phẩm sơn mài. Nhưng họa sĩ Đằng Giao chỉ trình bày được rất ít về cách thức cấu tạo một bức sơn mài hay trả lời cho khán giả về kỷ thuật, vì thật ra những người có trình độ để đặt những câu hỏi nằm ở phần kỷ thuật không có mấy người, chúng tôi thấy có cụ Ngô Bảo, Họa sĩ Nguyễn Tường Quý (Nguyên là một kiến trúc sư), Họa sĩ Trung. Một người từng du học và có kiến thức về sơn mài của Nhật tất cả đã trao đổi với họa sĩ Đằng Giao một số ý kiến. Còn lại chỉ là những câu hỏi về đới sống và tình cảm. Ví dụ như : Về chuyện mối liên hệ của Đằng Giao với Họa sư Nguyễn Gia Trí thì phu nhân họa sĩ Đằng Giao là bà Chu Vị Thủy (con gái ông Chu Tử) cho biết: "Thật ra nếu được làm đệ tử truyền nhân của ông Nguyễn Gia Trí thì đó là một vinh dự, Tuy nhiên suốt đời cụ Trí chưa bao giờ nhận bất kỳ một ai làm học trò. Nhưng tất cả những ai làm sơn mài đều mặc nhiên thừa nhận cụ là "Bậc Thầy". Tính tình cụ Trí rất phóng khoáng, không bao giờ câu nệ danh xưng thầy-trò, sẳn sàng chỉ dẫn bất kỳ một ai muốn hiểu biết về kỹ thuật làm sơn mài. Riêng về họa sĩ Đằng Giao thì mối giao tình với cụ Trí có vẻ sâu đậm hơn người khác, chịu nhiều ảnh hưởng của cụ Trí vì có nhiều cơ hội sống gần với cụ nên trong tranh của Đằng Giao cũng phảng phất nhiều về phong cách của cụ Trí. Tuy nhiên chưa bao giờ cụ thừa nhận Đằng Giao hay bất kỳ một ai là đệ tử của mình hết". Sau đó chính họa sĩ Đằng Giao nói thêm: "Chúng tôi rất khâm phục cụ Trí chẳng những về tài nghệ mà về cả nhân cách của cụ".


Sau đó trong khi nói chuyện với 2 vợ chồng họa sĩ Đằng Giao trước khi ra về. Họa sĩ Đằng Giao nói thêm là không muốn "thấy sang bắt quàng làm họ". Đối với bất kỳ một họa sĩ sơn mài nào của Việt Nam thì cụ Nguyễn Gia Trí vẫn là ngôi sao bắc đẩu trong làng sơn mài. Một "Bậc Thầy" trong nghệ thuật "Tranh sơn mài" Việt Nam. Chúng ta phải mang ơn, nhưng ví như người học đàn có thể chơi nhạc của Chopin thật tuyệt đỉnh nhưng không thể ra ngoài tuyên bố hay tự nhận mình là "học trò của Chopin". Cụ Trí dạy tất cả những ai muốùn tìm hiểu về tranh sơn mài và theo bà Chu Vị Thủy: "Nó như một rừng kinh Phật, ai cũng nghe nhưng thu nhận và tu học được thì mỗi người một khác".
Sau đó Đằng Giao đã trình bày một số kỹ thuật căn bản về cấu tạo phần nền của tranh sơn mài. Họa sĩ Đằng Giao cũng đưa ra vài kỹ thuật khác với các tạo nền cổ điển của cụ Trí vì ông cho biết hiện nay kỹ thuật làm ván đã tiến bộ hơn thời cụ Trí nhiều lắm. Nên không cần phủ vải để tạo mặt phẳng như phương pháp của cụ Trí trước đây. Trả lời câu hỏi về cách thức làm sao có đuợc màu sắc thật và sáng khi phải vẽ lên nền màu đen, Họa sĩ Đằng Giao cho biết: Đó là trước khi vẽ chúng ta phủ trước một lớp bạc, cũng như muốn tạo những đường khe trên tranh lung linh chúng ta có thể cẩn vàng bột vào giữa ...v..v..
Nói chung buổi họp mặt cởi mở đã đem lại nhiều ý kiến, làm sáng tỏ hơn về sơn mài Việt Nam về mặt nhận thức, nhưng về kỹ thuật thì không có mấy, thật ra vài mươi phút chỉ vừa đủ để người nghe phân biệt được vài chi tiết ví dụ như tại sao võ trứng cẩn trên tranh lại có được nhiều sắc độ đậm lợt khác nhau" ..v..v.. Ngoài ra cũng không thể giải thích hay thực hiện biểu diễn cho người đến dự gì nhiều vì nó quá rắc rối, cầu kỳ.
Trước khi chia tay Họa sĩ Đằng Giao rất tâm đắc với dược sĩ Tuân. Ông có một ước mong, làm sao tranh sơn mài Việt Nam được phổ biến hơn, được quần chúng thưởng thức rộng rãi hơn. Sự gia nhập và đầu tư cho ngành về vật chất và nhân sự thật là cần thiết. Nhất là có thêm những họa sĩ sơn mài biết thể hiện tinh hoa nghệ thuật Việt Nam cho thế giới thưởng lãm. Tránh được sự ngộ nhận về "sơn mài Mỹ nghệ" và "Tranh sơn mài".
Ngoài ra cũng qua buổi gặp gỡ với họa sĩ Đằng Giao sau đó. Chúng tôi được biết là những vật dụng như: Án Thờ, đồ dùng gia dụng, bàn ghế, tủ giường được phủ sơn mài cũng là một mặt hàng rất đặc biệt của người Việt Nam, đòi hỏi nhiều công phu, rất được ưa chuộng trên thế giới. Hiện nay những "Công Ty Mỹ Nghệ" làm công việc này rất phát đạt.
Theo dự trù cho chuyến đi triển lãm này. Nơi kế tiếp để trưng bày của họa sĩ Đằng Giao là vùng San Jose. Nếu thuận tiện sẽ đến những nơi có người Việt Nam như Houston và Miền Đông Hoa Kỳ hầu phổ biến thêm về "Nghệ Thuật Sơn Mài".
Qua hơn một tuần triển lãm. Sơn mài Đằng Giao đã đem lại một cái nhìn rất mới cho người thưởng ngoạn, sự hãnh diện về một nghệ thuật mang tính dân tộc rất cao mà trong buổi nói chuyện. Họa sĩ Đằng Giao đã kể một giai thoại vui về "Sơn Mài: khi mà bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh cho tất cả tòa đại sứ Việt Nam khắp thế giới phải trưng bày tại phòng khách một họa phẩm sơn mài, biểu trưng cho văn hóa và mỹ thuật Việt Nam.”
Số lượng tranh sơn mài, trái với dự đoán của vài người trước ngày khai mạc, đã được bán rất nhanh so với bất kỳ một cuộc trưng bày tranh nào từ trước tới nay tại Quận Cam. Phòng tranh dự trù đóng cửa ngày 21 tháng 9, nhưng theo tin hành lang phòng tranh sẽ được kéo dài thêm đến ngày 24 tháng 9 mới chính thức đóng cửa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.