Hôm nay,  

Sơ Tríu Họp Báo, Trả Lời Thắc Mắc Về Làng Việt Nam

21/10/200300:00:00(Xem: 5574)
PHOTO: Từ trái: Sơ Tríu, LS Sedprey, Đức Ông Tài. Và các phóng viên trong buổâi họp báo của Sơ Tríu.

Manila, Philippines (Nguyễn Ngân) -- Trong những bài báo trước, không ít thì nhiều chúng tôi đã có đề cập đến hai vấn đề đang là điểm nóng của người dân tỵ nạn tại Phi: Làng Việt Nam và Cơ hội định cư của người Việt tại Phi mà trong đó Soeur Pascale Lê Thị Tríu Giám Đốc cơ quan CADP đã bị chỉ trích khá nhiều từ những người Việt tỵ nạn. Do đó chúng tôi đã xin một cuộc hẹn để có cơ hội nghe chính Soeur Tríu nói về các vấn đề này.
Cô Michelle Tran đã làm một cuộc hẹn vào lúc 4 giờ chiều ngày 18 tháng 10 nhưng sau đó thì Sơ Tríu dời lại lúc 7 giờ 30 với hai yêu cầu:
1/Fax danh sách các phóng viên và ký giả nào muốn tham dự.
2/Fax những câu hỏi nào muốn hỏi trước đến văn phòng CADP.
Nhưng cô Michelle chỉ thoả mãn yêu cầu thứ nhất và cho biết các Phóng viên không có thói quen đưa ra những câu hỏi trước như thế.
Dù là đoạn đường không xa nhưng tiên liệu sẽ bị kẹt xe vì đúng vào thời điểm Tổng Thống Hoa Kỳ đang thăm viếng Manila, nên mới 6:30 chúng tôi đã bắt đầu đến văn phòng CADP.
Sau khi được nhân viên an ninh của văn phòng hướng dẫn vào phòng họp, chúng tôi nhận thấy có Sơ Pascale Lê Thị Tríu, hai bên là hai luật sư người Phi làm cố vấn pháp lý cho CADP là: Sedprey Candelaria và Rene Sarmientd có hai nhân viên và cũng làm nhiệm vụ thông dịch khi cần thiết. Đức ông Nguyễn Văn Tài vì bận công việc nên đến sau đó khoảng 30 phút.
Phía phái đoàn báo chí có: Cô Christina Phung (Little Saigon TV) Hoàng Khởi Phong (Báo Người Việt), Từ Huy Hoàng (SBTN-TV), Du Miên (Thời Báo), Michelle Tran, Richard Hall (Co Produces) Heather Ross (Field Producer & Camera, M. Studio & Great Blue Productions), Huỳnh Mai (PV Tự do), Ngụy Vũ (các CT Phát thanh Nam Cali) và Nguyễn Ngân (Việt Báo). Ngoài ra còn có Phóng viên và Camera của Little Saigon TV và một người Việt tỵ nạn còn kẹt lại Phi tên Lân đi theo.
Cuộc nói chuyện diễn ra lúc bằng Anh ngữ lúc bằng Việt ngữ nhưng không phiên dịch lại.
Nội dung được nêu ra qua rất nhiều vấn đề khác nhau nhưng có thể tập trung vào 2 chủ đề "Làng Việt Nam", "Tình trạng hiện nay và tương lai của Người Việt Tỵ Nan tại Phi".
Vì 2 vấn đề trên được đảo qua, đảo lại nhiều lần, xen kẽ nhau nên chúng tôi xin tường thuật những ý kiến chính theo từng vấn đề mà không theo thứ tự câu hỏi hay trả lời.
-"Làng Việt Nam" (vt LVN).
Những câu hỏi được đặt với nhiều góc độ khác nhau nhưng có thể tóm tắt nội dung tổng quát như sau:
1/Tình trạng phá sản của LVN mà trước mắt là càng ngày càng ít người vô ở, cuộc sống khổ cực của cư dân (trong số 150 căn nhà chỉ còn chưa tới 50 gia đình, kể cả hộ gia đình độc thân), Sự xuống cấp thê thảm của những căn nhà này.
2/Những điều kiện khắt khe, sự đối xử mang tính độc tài và áp bức của ban Đại diện dựa theo chính sách của CADP.
3/Vấn đề tài chánh, cụ thể là số tiền lớn mà đồng bào Hải ngoại đã quyên góp và gởi về. (Hơn 2 triệu Mỹ kim).
4/Tương lai LVN ra sao nếu không có người cư trú nữa"
Câu 1 được Sơ Tríu diễn đạt như sau: Cách đây chỉ mới 3 tháng (tháng 6) Sơ Tríu có xuống thăm LVN và thấy đâu có gì thê thảm như lời diễn tả của báo chí. Nhà nào cũng có TV, xe gắn máy, bếp gas, tủ lạnh..v..v.. Kỳ về VN vừa rồi chính Sơ cũng đã mang được 15 ngàn Mỹ kim của đồng bào trong LVN gởi chuyển cho thân nhân.
Với quan niệm "tự túc là trên hết" nên những người vào làng cư trú phải đóng một số ngày công (Ghi chú: Độc thân 42 ngày, Đàn ông 30 ngày, phụ nữ 15 ngày hay một số tiền tương đương 160 pesos= 1 ngày công).
Nhưng mà những ai CADP xét không có điều kiện thì đều được miễn giảm. Khi căn nhà xuống cấp hư hỏng thì được CADP qua Ban Đại Diện (BĐD) cho mượn tiền để sửa chữa.
Sở dĩ báo chí thấy, nghe về sự nghèo khổ đó chỉ là "Khổ nhục kế" (chữ nguyên văn của Sơ Tríu) để xin xỏ tiền trợ cấp và tiếp tế của người nước ngoài. Đó là một điều mà Sơ xác nhận là hoàn toàn không ủng hộ vì trái với tinh thần tự túc, tự cường. Những người bỏ ra ngoài ở cũng là "khổ nhục kế" để cho thấy đời sống không ổn định, hy vọng sẽ được đưa đi định cư.
- Nhưng chúng tôi nhận xét thì hầu hết những người bỏ làng ra ngoài thì đều có đời sống khá hơn nhiều người trong làng.


- Vấn đề sự xuống cấp hay không của gần 100 căn nhà trong LVN trong một vài ngày nữa, các đoạn phim TV sẽ cho thấy... Nhưng dưới con mắt của các phóng viên thì đây là một sự thật khó thể chối cãi. Nhất là những căn nhà không người ở. Chúng tôi cũng được tiếp xúc (riêng PV của Việt Báo) ít ra là trên 10 người đến phản ảnh về sự từ chối quyết liệt của BDD khi họ xin vào làng dù là lúc đó hoàn cảnh họ quá thê thảm không có chọn lựa nào khác như một người mới mổ, người khác mới sanh được 4 tuần không nơi cư trú và những người khác thì không có điều kiện để góp công như quy định. Chuyện giúp đỡ sửa chữa thì chính chúng tôi hỏi thăm hai trong số vài căn nhà được lợp tôn lại thì biết là gia đình bên Mỹ đã cho tiền lợp lại vì không có đủ điều kiện để vay mượn của CADP, giá mỗi mái tôn là 300 Mỹ kim.
Cuối cùng của vấn đề này: Sơ Tríu hứa sẽ cho mọi người vào làng ở mà sẽ không đòi hỏi gì thêm. Nếu ai có khả năng đóng góp như quy định thì tốt mà không có khả năng đóng góp thì cũng không sao, sẽ cho vô ở hết. (Nếu sau buổi họp báo này có người xin vô, CADP sẽ cấp nhà sau khi đã sửa chữa hay là ai vô ở phải tự túc sửa chữa (sic) thì chúng tôi không kịp hỏi.)
Vấn đề thứ hai thì được trả lời như sau: Sơ không có mặt thường xuyên tại làng nhất là những năm gần đây. ( Sơ Tríu cho biết là từ năm 1999 thì Sơ được Nhà Dòng cử về làm việc tại Việt Nam, mỗi năm chỉ sang lại Phi vài lần mà thôi.) Nhưng mỗi cộng đồng đều phải được điều hành bởi một luật lệ nhằm duy trì sự an ninh của nơi cư trú. Những người vi phạm thì cho là bị áp bức. Bản thân của Sơ lúc nào cũng thương yêu người tỵ nạn và lúc nào cũng muốn họ sống trong tình trạng an ninh. BĐD không hề áp bức hay hăm dọa ai. Có thể là vì luật lệ trong LVN quá chặt chẽ, BĐD đã thi hành rất đúng quy định nên họ cho là bị áp bức mà thôi. Câu chuyện điển hình là một em được LVN cấp học bổng, nhưng sau đó lại nhận được học bổng khác (thuộc nhóm bạn của LS Hội ở Úc tặng) thì CADP đã cúp học bổng này vì theo Sơ 1 người không thể nhận 1 lúc 2 học bổng được..v.. v..
Một vài người mà BĐD không chấp nhận cho vô làng vì là thành phần bất hảo như xì ke, ma túy hay say sưa và cũng do thỉnh cầu của cư dân trong làng với BĐD để tống xuất họ mà thôi.
-Anh Ngụy Vũ đưa ra một Email của chính Sơ Tríu gởi cho Hao Nguyen ngày 10 tháng 1 năm 2003 lúc 10:34 PM mang nội dung hăm dọa tình trạng thường trú vì đã có liên hệ với nhóm luật sư Trịnh Hội và gọi nhóm LS này bằng danh từ: Junta nguyên văn như sau: “I heard that you got "some kind of position" in the junta. I hope that you remember that the Church listened to all your appeal in the past to file and puh for the permanent residente. Pls do not do any thing folish to disturb and destroy the opportunity. You both are fine people. I hope you continue to think and act wisely...”
Câu thứ ba liên quan đến số tiền 2 triệu Mỹ kim của đồng bào hải ngoại gởi về giúp LVN thì Sơ Tríu nói là: Sơ chưa bao giờ xin tiền ai hết (sic) chưa bao giờ viết một lá thư nào kêu gọi sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại, nhưng mọi người gởi về thì nhận mà thôi. (Câu trả lời này khiến ký giả Du Miên tức giận và nói lớn: Nhưng Sơ phải công nhận là có sự vận động anh chị em hải ngoại mới kêu gọi quyên góp, đây là nghĩa cử và hành động kết hợp đẹp sao bây giờ Sơ lại nói vậy")
Sơ Tríu chuyển sang kể lại chuyện Đức Cha sang Mỹ và anh Nguyễn Đình Thắng có đề nghị nhưng Đức Cha không đồng ý, sau đó mọi người tự động quyên góp gởi về cho CADP.
Tuy nhiên khi nhận tiền thì CADP đã sử dụng rất hợp lý và có bản báo cáo tài chánh rất rõ ràng. Sơ hứa sẽ gởi bản báo cáo này đến cho mọi người sau này. Cũng như là cá nhân Sơ và Đồng bào tại Phi lúc nào cũng nhớ ơn mọi người đã giúp đỡ.
Câu hỏi thứ tư về tương lai của LVN thì Sơ Tríu cho biết: Nếu sau này LVN không ai ở nữa thì sẽ biến nó thành một công viên tặng cho dân chúng Phi để ghi nhớ công ơn đất nước Phi đã cưu mang người tỵ nạn Việt Nam.
Nói chung vấn đề Làng Việt Nam trong buổi họp báo Sơ Pascale Lê Thị Tríu đã trả lời rất chung chung. Cuối cùng bà Huỳnh Mai đã phát biểu là chính mắt bà cũng như máy quay phim đã thu hình tất cả sự tiêu điều đổ nát của những ngôi nhà này. Sơ Tríu tỏ vẻ tiếc là không thể tin được và mời mọi người cùng với Sơ trở lại thăm LVN trong vài ngày sắp tới với Sơ. Nhưng bà Mai cho biết là phái đoàn đã có lịch trình về Mỹ vào ngày 20 rồi.
Câu chuyện liên quan đến Làng Việt Nam còn rất nhiều. Nhất là sự ta thán của đồng bào, tuy nhiên qua sự tiếp xúc với Sơ Tríu chúng ta có cơ hội nghe được ý kiến của Sơ Pascale. Đồng hương chắc chắn còn nghe được rất nhiều sau chuyến đi do các phóng viên đồng nghiệp khác tường trình.
Kỳ sau: Tình trạng người Việt Tỵ nạn tại Phi: Hiện tại và Tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.