Hôm nay,  

Tâm Tình Người Tị Nạn Tại Phi Luật Tân

30/10/200300:00:00(Xem: 4988)
PHOTO: Hình trên, phái đoàn nghệ sĩ, truyền thông và luật sư. Hình dưới, từ trái, anh Huyên Nguyễn, LS Nguyễn Quốc Lân... đi xe ôm.

Phái đoàn nghệ sĩ, luật sư và phóng viên từ California vừa đáp máy bay xuống phi trường Manila tại Phi Luật Tân trong sự đón chào rất náo nhiệt nhưng không kém phần cảm động của những người tỵ nạn gần như đã bị cộng đồng Việt nam tại khắp nơi bỏ quên. Trong chuyến xe bus do Ban Đại Diện Cộng Đồng Người Việt tại Phi Luật Tân sắp xếp để đưa phái đoàn về khách sạn, tôi được ngồi chung với một thuyền nhân tên Nguyễn Văn Huyên, năm nay 43 tuổi. Anh là Phó Chủ Tịch của Ban Đại Diện và anh đã đến Manila từ thành phố đảo Dumaguete, một hòn đảo cách Manila khoảng một tiếng đồng hồ đường máy bay và 26 tiếng đồng hồ đường biển. Tại thành phố bé nhỏ này, có khoảng 30 đồng bào Việt nam hiện đang sinh sống tạm thời, cũng những hàng ngàn đồng bào Việt nam khác hiện đang sống rải rác khắp nơi trên khắp các nẻo đường Phi Luật Tân (PLT).
Cũng như đa số các thuyền nhân khác, Huyên đến PLT, hơn 14 năm trước đây, vào tháng 3 năm 1989 sau hơn 7 ngày lênh đênh trên biển cả và không thực phẩm hay nước uống. Huyên bị rớt thanh lọc và đơn kháng cáo lên Cao Ủy Tỵ Nạn cũng đã bị từ chối. Năm 1996, khi chính phủ PLT cho phép các thuyền nhân được lưu lại xứ này và không bị cưỡng bách hồi hương, anh rời trại tỵ nạn tại Palawan và đi bươn trải khắp nơi để buôn bán tự kiếm ăn. Anh chưa bao giờ trở lại Palawan để thăm lại trại tỵ nạn cũ hay Làng Việt Nam cho tới khi thời gian gần đây khi chuẩn bị đón tiếp phái đoàn hải ngoại.
Nghe anh nhắc đến Làng Việt Nam tại Palawan, tôi hỏi ngay tại sao anh không sống tạm ở đó, anh trả lời một cách ngắn gọn, "Làm sao mà sống ở đó được" Bao nhiêu người đã cố gắng chịu đựng để ở đó nhưng rồi cũng không chịu nỗi. Đã bao nhiêu năm rồi họ cũng chẳng có bao nhiêu người còn tiếp tục sống ở trong làng." Vì cá nhân tôi đã biết nhiều về thực tế của Làng Việt Nam, tôi cảm thấy không nên đi sâu vào vấn đề này trong lần gặp gỡ đầu tiên. Nhưng đây là bản sơ khai lý lịch rất thông thường của khoảng 2,000 thuyền nhân Việt nam hiện đang còn kẹt lại tại PLT.
Trong vài câu trao đổi đầu tiên, Huyên cho tôi biết rằng anh có vợ và 3 con, và tất cả còn ở lại Việt nam, đứa lớn nhất bây giờ 21 tuổi, đứa thứ nhì 19 tuổi, và đứa cuối cùng bây giờ 18 tuổi rồi. Tôi bật hỏi anh trong sự ngạc nhiên, "Như vậy anh đã chưa gặp lại gia đình trong hơn 14 năm rồi"" Anh trả lời một cách thản nhiên, "Đúng rồi, lúc ra đi chúng nó mới 4 tuổi, 5 tuổi và đứa lớn nhất lúc đó 7 tuổi, bây giờ nó vào đại học năm thư hai rồi."
Và tôi nghĩ ngay đến đứa con 3 tuổi rưỡi của tôi, chỉ đi chưa tới một ngày mà tôi đã bắt đầu nhớ nó rồi. Tôi không cầm được xúc động khi nghĩ đến không biết tôi sẽ ra sao nếu tôi không được gần con tôi lâu như vậy. Tôi quay mặt qua cửa sổ xe bus để che dấu những giọt nước mắt đang chực chảy ra. Tự nhiên tôi cảm thấy Huyên như một người bạn mà tôi đã biết rõ từ lâu nhưng nay mới gặp được.


Tôi cố gắng cầm lại sự xúc động để hỏi Huyên, "Sao anh không trở về Việt nam, dẫu sao anh vẫn được đoàn tụ với gia đình cho dầu sống giàu hay nghèo vẫn hơn sao"" Huyên trả lời ngay, "Làm sao mà về được" Khi đã trốn ra khỏi Việt nam được rồi thì không ai nghĩ có thể trở lại được. Vấn đề không phải là sống giàu hay nghèo, nhưng là mình có sống được với chế độ Cộng sản hay không"" Lý luận này tôi đã nghe nhiều sau hơn 10 năm làm việc với người tỵ nạn, nhưng cho tới giờ này tôi vẫn không thể nào hiểu được tại sao người ta lại có thể kéo dài cuộc sống đày đọa như thế này chỉ vì họ sợ hai chữ 'cộng sản."
Như cố ý muốn thuyết phục tôi, Huyên tiếp tục nói thêm, "Có bao nhiêu người ở đây họ vẫn có thể sống đầm âám và sung túc ở Việt nam nhưng họ vẫn nhất định không về. Có bác kia, sáu mươi mấy tuổi rồi, có cơ ngơi và vợ con ở Việt nam. Bác đã già rồi và bác đó có thể về Việt nam để sống vài năm còn lại của cuộc đời, nhưng rồi bác lại nhất định không về và bác đã chết tại Phi Luật Tân. Anh thấy không, người Việt nam của mình ra đi đâu có phải là chỉ vì đi tìm cuộc sống no ấm đâu."
Đã nhiều năm làm việc với thuyền nhân, tôi đã nghe nhiều về lập luận này, nhưng mỗi người là mỗi một hoàn cảnh kinh hoàng khác nhau. Cũng giống như trong những năm cuối cùng cuả kế hoạch CPA, một chương trình nhằm dứt điểm tình trạng thuyền nhân Việt nam vào đầu thập niên 1990s, hầu hết các tổ chức quốc tế đều cho rằng các trẻ em Việt nam không có thân nhân đi kèm đều cần phải được gởi trả về Việt nam, cho dầu phải sử dụng tới hình thức cưỡng bách hồi hương. Họ cho rằng các trẻ em cần phải được gửi trả về Việt nam để sống với bố mẹ, rằng nếu sống xa bố mẹ cho dầu là bất cử ở nơi đâu cũng cũng không có lợi cho các em, và rằng các phụ huynh này có thể bị truy tố hình sự vì đã đưa đẩy các em ra biển khơi trong một hoàn cảnh nguy hiểm như vậy.
Đối với người Việt nam hay những người thông cảm được hoàn cảnh của các thuyền nhân Việt nam, việc cho con đi vượt biên như vậy là một việc làm đau đớn nhất và cũng là thương yêu con mình nhất đối với những phụ huynh này. Suy nghĩ của các phụ huynh này thật đơn giản và dễ hiểu: nếu đi vượt biên thì con mình còn hy vọng có được một chút tương lai, còn nếu ở lại Việt nam thì chắc chắn rằng chẳng có tương lai gì hết. Cuộc tranh chấp giữa các tổ chức đấu tranh cho thuyền nhân Việt nam và các tổ chức quốc tế thời bấy giờ liên quan đến hồ sơ các trẻ em không có thân nhân thời bấy giờ chỉ là sự bất đồng về ý thức hệ như vậy mà thôi.
Còn đối với các thuyền nhân Việt nam tại Phi Luật Tân, ý nguyện của họ đã được thể hiện rất rõ từ khi quốc gia này tuyên bố không tiến hành cưỡng bách hồi hương, đó là họ muốn được đi định cư ở một nước thứ ba, nếu không thà chết chứ họ không trở về Việt nam. Và họ đã đeo đuổi ước nguyện đó cho tới ngày hôm nay, cho dầu là trong những hoàn cảnh gian truân và ngiệt ngã nhất.
Ngày hôm nay, một số không biết là bao nhiêu trong số 2,000 người Việt nam bất hạnh này có thể được cứu xét đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình tỵ nạn. Đây là những tia sáng đầu tiên ở cuối đường hầm, dầu chỉ là những tia sáng mà có thể bị dập tắt bởi những thế lực ở ngoài tầm tay kháng cự của họ . Xin cộng đồng Việt nam tại hải ngoại hãy đoái thương đến hoàn cảnh của những thuyền nhân Việt nam còn xót lại tại Phi Luật Tân và hỗ trợ một ước nguyện thật đơn sơ và chính đáng của họ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.