Hôm nay,  

Trao Truyền Cho Thế Hệ Sau Võ Đạo Văn Hóa Đông Phương

25/12/200600:00:00(Xem: 3423)

Trao Truyền Cho Thế Hệ Sau Võ Đạo Văn Hóa Đông Phương

Võ sư  Hùynh Minh Châu trong võ đừơng Daishinkan.

Mỗi ngày, thầy đều mong đợi tới giờ để gặp các học trò của mình. Và ngày nào cũng thế, súôt nhiều năm rồi. Đời thầy không còn có gì vui hơn là thấy mình còn có cơ hội để truyền lại cho các thế hệ sau những tinh hoa võ thuật mà thầy may mắn học được. Đó là võ sư Hùynh Minh Châu, người chủ trì võ đường  Vietnam Shaolin Kungfu nơi còn có tên gọi tắt là Daishinkan và là nơi thầy dạy môn võ Thiếu Lâm và Judo.
Là người ham mê võ thuật từ nhỏ, thầy Hùynh Minh Châu đã miệt mài tầm sư học võ từ những ngày mới lớn ở Sài Gòn, nhưng vẫn là một mẫu người trầm tỉnh, điềm đạm ít nói. Trầm tới mức, có nhiều lúc thầy có thể ngồi cả giờ lặng lẽ, không nói một lời. Thầy Hùynh Minh Châu còn là một thiền giả - đó là những lúc, thầy ngồi thở theo pháp khí công, lặng lẽ để tâm mình cảm nhận về hơi thở lặng lẽ, dịu dàng.
Thầy giải thích, thiền hay khí công thực ra không phải là của tôn giáo nào, mà chỉ là một cách cảm nhận về thế giới quanh mình. Người nào quan sát hòai các cảm nhận của toàn thân mình với thế giới chung quanh, người đó trở thành một với thế giới chung quanh. Đó là lý do giải thích tại sao, có nhiều võ sư đang đi trên đường mà đột nhiên cảm thấy bị tấn công từ phía sau. Đơn giản là khi sát khí của một người nào đó tới gần, thì người đã quen tập thiền sẽ cảm nhận được. Và thiền hay khí công chỉ đơn giản là đi, đứng, nằm, ngồi mà giữ một cảm nhận về hơi thở và toàn thân.
Võ phái của thầy có tên thật dài là Việt Nam Thất Sơn Thiếu Lâm Nam Bắc Tông Nhu Cương Quyền, một võ phái xuất phát từ Miền Nam VN. Nhưng thầy chọn tên võ đường là Daishinkan cho gọn, cho dễ nhớ, và để làm giấy tờ viết cho dễ.
Tên Daishinkan của võ đường cũng là một bất ngờ. Nguyên khởi, vì khi ghi danh vào một hiệp hội các võ đường Hoa Kỳ, thì máy điện tóan của hiệp hội này bèn cắt ngắn cái tên dài dòng của võ phái, thế là khi nhìn vào máy thì không ai nhận ra căn cước võ phái độc đáo này. Võ sư Hùynh Minh Châu giải thích, bấy giờ võ sư mới cùng lão võ sư Phan Văn Quang, cựu chủ tịch Tổng Cụộc Nhu Đạo Việt Nam và bây giờ đã trên 90 tuổi, ngồi suy nghĩ, tìm tên cho gọn lại, dễ ghi cho máy điện tóan và dễ nhớ cho mọi người. Võ sư lật ra một cuốn sách Thiền Nhật Bản, đọc tới đọc lui và thấy chữ Daishin - Đại Tín, tức là lòng tin lớn lao… và thế là chọn ngay chữ này làm tên võ đường.
Daishinkan là Đại Tín Quán. Chữ "quán" đây là "võ quán" hay "đạo quán"… tức là nếu dịch ra Việt ngữ thì là Võ Đường Đại Tín.
Hiện thời võ đường chia hai lớp. Lớp thiếu niên khỏang 40 em, học từ 4:00PM tới 6:00PM mỗi ngày; lớp người lớn hiện có khỏang 18-20 người, học từ 7:00PM tới 8:30PM mỗi ngày. Vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, học từ 10:30AM tới 12:30PM.
Nơi đây, ngòai Thiếu Lâm võ sinh sẽ học thêm Nhu Đạo (Judo) và Nhu Thuật (Jujitsu) để có thể đa dạng hóa các chiêu thức và sử dụng trong mọi tình huống, phản kích cả cận chiến hay từ ngoài xa. Cho nên, đây cũng là nơi mà các đòn té và vật được dạy kỹ càng… và võ sinh đều phải học tới tóat mồ hôi.

Võ sư Hùynh Minh Châu tâm sự, Nhu Đạo thầy dạy nơi đây còn kỹ hơn hồi thầy học ngày xưa ở quê nhà. Hồi đó, thầy theo học Nhu Đạo với võ sư Nhật Bản Haruyoshi Watanabe từ năm 12 tuổi, đến năm 1969 thì được Tổng Cuộc Nhu Đạo VN cấp bằng giáo sư Nhu Đạo VN và sau đó được chứng nhận cấp huyền đai đệ tứ đẳng năm 1970. Nhưng các võ đường ở VN thì đông, và các võ sư không thể nhìn hết các võ sinh đứng chật võ đường nổi. Bên này thì vắng võ sinh hơn, và võ sư Hùynh Minh Châu thì không còn niềm vui nào khác hơn là dạy võ - thầy suốt một đời độc thân, và bây giờ chỉ thấy võ đường là nhà, và nhìn các võ sinh như là người thân trong nhà.
Nhưng cũng từng có người tới không phải để tập võ. Võ sư Châu kể rằng có một võ sinh trung niên, khi mới vào thì mập dềnh dàng tới gần 100 kílôgram, và anh này mỗi ngày phải uống một nắm thuốc để khỏi bị các thứ cao máu, cao mỡ… Thế nhưng, trong vòng 2 tháng thì võ sinh này đã xuống liền 10 kilôgram, và tới tháng thứ tư thì số đo cholesterol đã giảm xuống phân nửa, những con số làm các bác sĩ kinh ngạc.
Đối diện Tòa Thị Chính Westminster, võ đường Daishinkan nằm tại địa chỉ: 8121 Westminster Bl., Westminster, CA 92683 - Phone (714) 889-7022.
Theo lời võ sư Hùynh Minh Châu kể, tổ sư võ phái này là đại lão võ sư Lê Đình Trưởng, nhờ một cơ duyên từ hơn 80 năm trước đã gặp một thầy võ từ Trung Hoa lưu lạc sang VN và tu tập trong vùng núi Thất Sơn: tổ sư có tên gọi Lâm Lào Thêm xuất thân từ Chùa Thiếu Lâm, nơi khai sinh võ học Trung Quốc. Ba mẹ của võ sư Trưởng là điền chủ khá giả ở Cà Mau, thấy lòng ham mê võ thuật của con, và cũng không muốn con đi học xa, nên bỏ tiền mở tiệm thuốc bắc để thầy Lâm Lào Thêm về vừa dạy võ cho con, vừa dạy chữ Hán và nghề Đông Y. Đó là cơ may để võ sư Trưởng học cả tinh hoa hai tông phái Thiếu Lâm, Nam Tông nổi tiếng với quyền pháp và Bắc Tông nổi tiếng với cước pháp, điều rất là hiếm có.
Vào năm 1970, sau khi trải qua bao nhiêu mùa lửa khói, võ sư Trưởng lưu lạc về Sài Gòn và mở võ đường Đông Tây Hòa ở đường Nguyễn Kim, gần sân vận động Cộng Hòa. Trong những lứa môn đệ đầu tiên của tổ sư Lê Đình Trưởng, võ sư Hùynh Minh Châu đã trở thành một cao đồ để cùng thầy Trưởng, hiện trên 90 tuổi và đang ngụ ở San Diego, Nam California, và các cao đồ khác của thầy để quảng bá võ phái Thiếu Lâm Thất Sơn.
Câu chuyện của tìm học võ của võ sư Lê Đình Trưởng thực ra còn nhiều ly kỳ hơn. Hệt như trong truyện võ hiệp. Võ sư Hùynh Minh Châu kể, tuy là học nhiều binh khí nhưng thiện nghệ nhất của võ sư Trưởng là các bài về Song Tô, tức là cặp song đao ngắn có móc và to bản, dài cỡ khủy tay với nhiều chiêu thức phức tạp. Một lần, Thầy Trưởng nhìn thấy một võ sư tới giữa phố Chợ Lớn, biểu diễn một bài Song Tô… Không phải chuyện song đao này không bén, mà chỉ vì võ sư kia chỉ biết bài hoa mỹ mà không biết bài thực chiến. Nhưng võ sư giang hồ kia lại có bài đánh binh khí bằng Ghế Đẩu xuất sắc. Thế là võ sư Trưởng đề nghị, xin học bài Ghế Đẩu và bù lại sẽ dạy vị võ sư du phương kia về Song Tô.
Thầy Châu vẫn lặng lẽ mỗi ngày với công việc truyền dạy võ thuật. Thầy vẫn lặng lẽ ngồi thở khí công, quan sát tâm mình, giữ thanh thản, và hài lòng rằng do nhiều cơ duyên mà thầy ra được hải ngọai để dạy võ sau nhiều năm tù cải tạo vì một thời phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến VNCH.
Điều thầy mong múôn bây giờ là trao truyền được tinh hoa võ học Thiếu Lâm và Nhu Đạo, và cả những tình cảm huynh đệ đồng môn cho thế hệ sau. Ngồi lặng lẽ và cảm nhận hơi thở, cảm nhận thế giới chung quanh, hệt như Bồ Đề Đạt Ma ngồi trên núi, thầy Hùynh Minh Châu vui từng ngày trao truyền võ đạo văn hóa phương Đông…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.