Hôm nay,  

Sách Mới Nhã Ca: Đường Tự Do, Saigon (9)

25/05/200600:00:00(Xem: 1713)

Bìa sách “Đường Tự Do, Saigon”: Tranh Nguyễn Trung

Lần đầu tiên, ‘Đường Tự Do, Saigon’ trường thiên tiểu thuyết của Nhã Ca được ấn hành thành sách. Sau hơn 40 tác phẩm đã xuất bản, đây là bộ sách “nặng ký” nhất của Nhã Ca: 4 cuốn, 2, 560 trang.

Tiểu thuyết ‘Đường Tự Do, Saigon’  đã đăng tải trên Việt Báo liên tục hơn 10 năm, từ 1993 tới 2003. Sau hai năm sửa chữa, thêm bớt, tác phẩm được sắp xếp thành bộ truyện gồm 4 cuốn.  mỗi cuốn 640 trang, có cốt truyện riêng, nhân vật riêng,  tình tiết riêng.  Tất cả hợp lại thành một trường thiên tiểu thuyết viết về những nhân vật và khung cảnh khác thường của Saigon đổi đời sau 1975. 

Sách ‘Đường Tự Do Saigon’ cuốn đầu tiên 640 trang, ấn phí 24 mỹ kim, hiện đã phát hành khắp nơi. Xin hỏi tại các hiệu sách địa phương. Bạn đọc ở xa có thể liên lac với Việt Báo đặt sách gửi tận nhà, trả bằng chi phiếu, lệnh phiếu hay thẻ tín dụng, 24 mỹ kim kể cả cước phí.  Sau đây, Việt Báo trân trọng giới thiệu mỗi ngày một đọan tiêu biểu trích từ  tác phẩm của Nhã Ca. 

Đường Tự Do Saigon:

9. Ca Nhạc, Nhậu Nhẹt

Hôm nay ban nhạc quán Hương Lan chơi sớm. Mới ba giờ mà khách đã chiếm gần hết những bàn sát ngoài, chỗ đắc địa để có thể nhìn ra đường.

Những món ăn như thịt bò lúc lắc, cua rang muối, ếch chiên bơ, thơm lừng mùi tỏi, làm mồi đưa bia, và cũng làm bọn ăn xin lấp ló ở bên ngoài, hoặc tì mũi vô cửa kính nhìn chăm bẳm. Bảo vệ làm việc hăng lắm, thỉnh thoảng cũng có đứa chạy vù vào, đổ vội vàng thức ăn thừa mứa vô cái lon rồi chạy vù ra. Nhanh vậy mà đôi khi còn bị xách cổ ném ra ngoài, cả người và lon thức ăn đổ lai láng.

Ban nhạc chỉ có hai người, một cô gái nhỏ nhắn, đầu tóc xù như con chó bông, khá xinh kéo đàn violon và anh nhạc sĩ người thấp thấp, nổi tiếng ngón đàn ngọt, ngồi khuất sau cây đàn piano. Họ như đàn tập với nhau, không hề lý gì tới đám khách đang nhậu nhẹt ồn ào. Mỗi buổi, bài bản đã được trình duyệt, nên bên đàn bên kéo như thói quen, từ bản đầu cho tới khi dứt.

Lúc đầu, nhà hàng được giấy phép chơi nhạc thì những bản được duyệt là nhạc Cách Mạng, như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Tiếng Chày Trên Sóc Băm-Bo, Dáng Đứng Bến Tre v..v... Hai nhạc sĩ bị buộc phải tập dượt đi tập dượt lại mấy bài nhạc cách mạng. Cứ vậy cho vừa lòng đám khách chủ lực là bọn cán bộ mới ăn lên làm ra, vô đây đãi đằng, móc ngoặc.

Kéo qua kéo lại cò cưa như kèn đám ma để so lại dây đàn, cô nhạc sĩ hỏi anh nhạc sĩ:

“Bắt đầu được chưa"”

Anh nhạc sĩ gật đầu, dạo đàn trước rồi tiếng violon mới ăn khớp sau. Ở bàn gần họ nhất có bốn anh mà hết ba anh quần ka ki, áo sơ mi trắng cánh tay, có túi “dết” bên cạnh. Cả ba cùng khe khẽ đánh nhịp và hát theo bản “Tiếng Chày Trên Sóc Băm-Bo”. Bài chưa dứt, một anh giọng oang lên:

“Hay. Đàn thế mới là đàn chứ. Tiếp đi. Tiếp bản gì đó, bản gì mà Em đái bên gốc dừa...”

Có vậy mà cười đến bắn cả thức ăn đang nhai ở trong mồm ra, rồi còn gõ muỗng vào ly kêu lanh canh nữa. Cả bốn ông đều đã ngà ngà say, vỏ chai bia bày gần kín mặt bàn.

“Hiện đại, hiện đại thật. Ở ngoài ta...”

“Cho chơi bài Hà nội Thủ đô ta đi...Hà nội...”

Chưa tới thời điểm được chơi nhạc theo yêu cầu mà, cho nên hai nhạc sĩ cứ đàn theo thứ tự. Không đùa được đâu, trong đám bồi bàn bưng dọn kia, đâu biết anh nào là chỉ điểm, anh nào là phục vụ viên...

Sàigòn gần như cháy thành than sau mấy trận hỏa hoạn ”năm quản” rồi “đánh tư sản mại bản”. Cũng may, còn mỗi con đường Tự Do cũ này, như cái nơ buộc vào sợi dây xích chó. Nhà hàng ăn quốc doanh Hương Lan là cửa hàng đầu tiên có nhạc sống.

“Chơi nhạc Tây đi. Nhạc Tây đi”

Vẫn ba anh cán hay la lối yêu cầu. Thêm đồ nhậu, thêm bia, có vẻ họ còn ngồi dính cứng ở đây cho đến đêm. Nhưng vẫn chưa nhạc Tây, thường thường, phải chờ khi đường phố lên đèn, ban nhạc mới thay đổi bản. Nãy giờ, nội một bài “Giải phóng quân” đã chơi tới lần thứ ba theo tua rồi...

Cánh cửa kính được xô ra, anh bảo vệ lùi lại, nép sang một bên. Khách mới vô là một cô gái. Coi cách ăn mặc bất cần đời quá. Áo sơ mi màu cháo lòng cũ, khuya cài không đúng hàng, xốc xếch, quần jean bạc, mòn đít, cô ta một mình chiếm một bàn trong góc. Đó là Nhung Xì Ke.

Thằng Lai cũng có mặt tức thì, ngang nhiên đẩy cửa. Anh bảo vệ còn làm màu:

“Vô làm gì, mày"”

“Gặp “nữ chúa” được không" Sao bữa nay bày đặt hỏi"”

“Tại mày không biết điều...”

Thằng Lai nhìn anh bảo vệ , mắt vừa hỗn vừa khinh:

“Ăn cho lắm vào, cả cứt cũng ăn. Nè cha...”

“Ai thèm đẻ con lai căng như mày... đưa đây.”

Hất cái mặt lên, thằng Lai bỏ vô trong. Anh bảo vệ gắn điếu thuốc lên môi, nhìn ra ngoài, trợn mắt với lũ ăn mày con nít.

“Mày có đem cho tao đó không"”

“Sao không" Này bà...”

Thằng Lai đặt lên bàn bao thuốc lá ba số còn nguyên si. Nhung “xì ke” đặt tay lên bao thuốc:

“Đúng thứ mọi bữa không, cha"”

“Bà cứ thử đi. Sợ bà luôn, đa nghi quá...”

“Sao không đa nghi, mày biết con mụ Huê nổi tiếng tráo hàng mà...”

“Biết. Đù má, dám tráo với tui không" Thằng này dám nói là dám làm...phặc...”

Nó đưa tay, chém nhứ lên cổ.

“Thôi cha, cha tí tuổi đầu mà đã cô hồn các đảng. Phạm giờ thiêng là dính nghe cha...”

“Cứt. Tao sợ cứt. Thôi bà làm ơn đưa tiền, đừng cà riềng nữa. Tiền trao cháo múc...”

Nhung thò tay vào ngực, rút từ trong xú chiêng ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Thằng Lai bỏ ngay vào túi.

“Tin bà không đếm đó nghe.”

“Ừa, xong, cút cha mày đi.”

“Cho ly bia được không" Thèm quá.”

“Mới nứt mắt mà bày đặt đủ chuyện.”

“Không nhỏ đâu nghe... Đủ hết trơn rồi, bà muốn coi bữa nào cho coi ...”

“Được, ngồi đi cha, kêu đi. Bữa nào coi đừng khóc...”

Thằng Lai búng tay, gọi hai chai bia. Nó ngồi không yên, ngó ngang ngó dọc.

“Bà thấy thằng ngồi bên kia bàn không" Bà bắt đi. Bắt được là tha hồ phê. Tui biết nè, nhà ở dưới Gia Định nhưng bữa nào cũng lên đây, bữa ngồi uống cà phê dưới Bô-đa, bữa uống rượu dưới Cửu Long. Giàu lắm, tháng nào cũng lĩnh thùng đồ bên Mỹ.”

“Sao mày biết rành vậy"”

“Xời ơi, tui há, con ruồi bay ngang tui còn biết ruồi đực hay ruồi cái nữa kìa...Thằng cha này nát rượu lắm, uống vô vài ba chai là khai ra hết...Tui biết bữa nay túi nó phồng lắm, chắc đang đợi con Nết hô...Thấy chưa, nhắc là tới liền...”

Nết hô. Nết vườn bông, mới đó đã Nết bin đinh rồi. Con nhỏ này không biết từ góc biển chơn trời nào tới đây, sống bám vào thành phố từ ngày giải phóng. Ăn xin có, móc túi có, bắt mèo nhà người ta làm thịt có. Mười ba tuổi đã đủ bộ như mười sáu hai mươi là vô nghề làm gái. Thực tập trước ở mấy vườn bông, mấy công viên. Bộ đội thích nó lắm nên có dạo con Nết là chủ vựa bán đường, sữa, bột ngọt...Có tiền, bớt lam lũ, nước da của con Nết lộ dần ra, trắng bóc. Một anh Ba, trước đây đã vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Mỹ, đã thuê một phòng đầy đủ tiện nghi cho Nết. Dạo này anh Ba bận công tác miền Bắc dài dài nên Nết rổi rảnh và buồn, đi “bắt” nhiều hơn.

Thằng Lai gọi liền:

“Nết. Nết...Bữa nay mày “trúng mánh” rồi...Nhớ đãi tao chầu chót nghe mầy”.

Thằng Lai làm như không nhìn thấy mấy người ngồi gần đó nhăn mặt. Nốc cạn ly bia, nó đứng lên bỏ đi. Ngang qua con Nết, nó còn vỗ vào mông con Nết một cái, cười cười:

“Để dành bớt xài dần mày ơi.”

Thằng cha ngồi trước mặt Nết mập ù. Bụng này chứa cả thùng nước lèo còn thiếu. Ở thời buổi, lĩnh thùng đồ Mỹ xài, ăn rồi đi cà nhõng sao không ai hỏi thăm hết vậy" Ở đâu có sứ quân đó, nhà hàng chỉ có việc moi tiền, bắt bớ, tình nghi là việc của công an. Còn quản lý con người là việc của phường khóm, của tổ dân phố. Sở dĩ yên ổn được là vì thùng hàng nào ngoài thuế má cho nhà nước, về địa phương đều “chai hia” nên vui vẻ cả. Rồi còn việc đóng góp, lao động, lúc nào tên hắn cũng hàng đầu, nhà thì treo chình ình cái ảnh bác.

Con Nết cầm cổ tay anh ta, ngắm nghía cái đồng hồ:

“Vàng thiệt không anh"”

“Thiệt chớ.”

“Bên Mỹ gửi về phải hôn"”

“Không. Mua ở đây, mà tiền thì ở bển gửi về.”

“Áo quần anh mặc cũng ở bển"”

“Ừa. Em Nết, hôm nay anh bao em, lát nữa lên phòng nghe...”

“Hôm nay " Hổng được, bất thình lình ổng đi công tác về, biết đâu. Thôi mình ra vườn bông, kín mà mát mẻ. Ý, em phải trả tiền bao thuốc lá ở ngoài...”

“Em cầm tiền nè...”

Con Nết đi ra, mua thêm một bao thuốc lá ở sạp thuốc ngay trước cửa. Chị đàn bà bế con ăn xin lật đật đứng dậy, chìa tay. Đưa mớ tiền lẻ cho chị ta, Nết nói:

“Tối nay có mối, làm chỗ dùm nghe.”

Chị đàn bà gật đầu. Lúc Nết quay vào thì chị cũng bế đứa nhỏ băng qua đường, về phía công viên.

Thằng Bò cũng bò theo chân chị. Con Quê ở vườn bông, nhờ nó sang đường mua dùm khúc bánh mì. Buổi cơm chiều giản dị vậy thôi, để lấy sức mần ăn buổi tối.. . .

Kỳ tới, trích đoạn 10: Nhung Xì Ke

NHÃ CA

(Trích Đường Tự Do Saigon)

____________________

Đường Tự Do Saigon *

Tiểu thuyết Nhã Ca, 640 trang
Đặt sách gửi tận nhà, trả bằng lệnh phiếu hay thẻ tín dụng:
24 mỹ kim kể cả cước phí

Liên lạc phát hành: Việt Báo
14841 Moran St.
Westminster, CA 92683
(714) 894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.