Hôm nay,  

Chi Tiết Chuyến Đi Thái Dự Phiên Tòa Ngày 24-7-2006 Xét Xử Việc Cộng Sản Hà Nội Yêu Cầu Dẫn Độ Lý Tống Về Việt Nam

29/07/200600:00:00(Xem: 3694)

(Bài viết do NguyễnTường Thược, thuộc hệ thống Phát Thanh và Truyền Hình  VN  Hải Ngoại, thực hiện tại Thái Lan.)

KHỞI HÀNH

Xe “VAN” của hãng hàng không Korean Air  chở chúng tôi rời Philadelphia lúc 6:00 giờ chiều ngày 19-7-2006 trực chỉ phi trường JFK/New York. Tới nơi vào lúc 9:30 tối, sau hơn 1 tiếng đồng hồ đợi “check in” và kiểm soát an-ninh, chúng tôi vào khu “chờ riêng biệt” lúc 10:40. Trước khi rời nhà, anh Lê-Ngoạn từ Bắc Cali đã điện thoại nhờ mua hộ Lý-Tống một quần Jean cỡ lưng 36”. Lợi dụng thời gian đợi lên máy bay, tôi lùng sục khắp nơi trong khu bán đồ “Duty Free” và rất may đã kiếm được cái quần đúng như Lý-Tống muốn.

Phi cơ cất cánh đi Nam Hàn lúc 1 giờ 10 phút khuya. Sau 14 giờ bay, đến phi-trường quốc-tế Incheon/Seoul  lúc 4 giờ 20 sáng thứ Sáu 21-7-06 (chênh lệch múi giờ). Sau 15 tiếng đồng hồ chờ đợi,  máy bay khởi hành qua Thái lúc 5 giờ 35 phút chiều và tới phi-trường quốc-tế Bangkok  8 giờ 55  tối  (Đại-Hàn sai biệt Thái Lan 2 múi giờ). Chờ lấy hành lý và làm thủ-tục nhập cảnh, tôi về đến hotel thì đã quá nửa đêm.

Sáng dậy gặp 7 thành viên phái-đoàn Úc Châu đã đến từ hôm trước gồm quý anh chị: Lê-thành-Long đại-diện hội Ái-Hữu Không-Quân Uùc Châu, họa-sĩ Vi-Phát ký-giả, Trần-đăng-Vĩnh bạn đồng môn khóa 65 C với Lý-Tống, Lê-Hiền thủ-quỹ hội cựu quân-nhân New-South-Wealth, Nguyễn-hồng-Diệm cựu sĩ-quan Hải-Quân và phu-nhân.  Đến từ bắc Cali (San Francisco)  có chị  Ngọc-Thanh, và cá nhân chúng tôi Nguyễn-tường-Thược đại-diện Tổng-Hội Cựu Tù Nhân Chính-Trị Việt-Nam và Hệ-thống Phát-Thanh và Truyền-Hình Việt-Nam Hải-Ngoại. Ngoài ra còn có chị Saijit người Thái, hoạt-động xã-hội với một linh-mục người Pháp. Chị đã liên tục thăm nuôi giúp đỡ Lý-Tống nhiều năm qua,và hầu hết các phái-đoàn người Việt khắp nơi sang thăm Lý-Tống đều nhờ chị hướng dẫn. Trước kia chị từng làm việc nhiều năm trong cơ-quan Cao-Uy Liên-Hiệp Quốc giúp bà con người Việt ở các trại tị nạn Cộng-Sản tại Thái-Lan. Là người Thái nhưng chị nói tiếng Anh và tiếng Việt rất thông thạo. Tại tòa-án chúng tôi gặp chị Thanh-Trúc phóng viên đài Á Châu Tự-Do. Như vậy tham dự phiên tòa yểm-trợ tinh-thần Lý-Tống lần này có 10 người, 7 đến từ Úc Đại-Lợi, và 3 từ Hoa-Kỳ.

Cũng xin ghi thêm rằng, phái đoàn Úc Châu lẽ ra là 8 người, nhưng 1 thành viên trong phái-đoàn là anh Đặng-quốc-Vinh khi đến phi-trường Bangkok đã bị từ chối không cho nhập cảnh và phải quay trở lại Úc sau 10 tiếng đồng hồ chờ đợi tại phi-trường. Theo sự tiết lộ của anh Đặng-quốc-Vinh thì lý do anh bị từ chối không cho nhập cảnh Thái Lan là do sự can thiệp của Cộng-Sản Hà-Nội. Anh đã liên lạc cơ-quan hữu-trách Úc Đại-Lợi để tìm hiểu lý-do, và được xác nhận anh là một công dân tốt, không sai phạm bất cứ điều gì và họ cũng không biết lý do tại sao anh bị nhà cầm quyền Thái-Lan không cho nhập cảnh. Theo anh nội vụ chắc chắn sẽ được sự can thiệp của pháp-luật, có nghĩa là anh sẽ khiếu kiện về vụ này. Chúng tôi mời và được anh nhận lời sẽ trực tiếp tường trình chi-tiết nội vụ đến quý vị thính giả của hệ-thống phát-thanh Việt-Nam Hải-Ngoại trong tương lai không xa.

THAM DỰ PHIÊN TÒA

Theo lịch trình ấn định, phiên tòa sẽ đăng đường lúc 1:00 trưa thứ Hai, 24-7-2006, nhưng 1 giờ 35 phút 2 vị  quan tòa mới đến (tòa án Thái Lan đôi khi cùng một vụ án, cùng một phiên xử nhưng lại có đến 5 quan tòa, lý do là để chống tham nhũng). Lý-Tống được 1 đại-úy Cảnh-Sát dẫn đến trước đó mươi phút. Lợi dụng cơ hội này tôi tới gặp ngay vị sĩ-quan Cảnh-Sát phụ-trách áp giải Lý-Tống xin ông cho tôi được nói với Lý-Tống đôi điều. Lẽ dĩ nhiên tôi nói tiếng Anh, không cần biết ông có hiểu hay không, sau đó quay qua Lý-Tống khuyên anh bình-tĩnh, tránh gây gổ, nổi nóng trước tòa, và cho anh hay tôi đã mang sang vài thứ anh cần, cũng như đề nghị anh ký vào bản danh-sách các chiến-hữu và bà con đồng-hương tỵ nạn Cộng-Sản gởi tặng anh số tiền USD 2,125.00 (hai ngàn một trăm hai mươi lăm Mỹ-Kim). Tôi xin anh cho biết sẽ giao số tiền cho ai quản thủ (trong tù không được phép giữ tiền mặt, nhất là không phải tiền Bath của Thái). Anh ký liền, gởi lời cảm ơn quý chiến-hữu và bà con đồng hương, yêu cầu tôi chuyển tiền cho anh Lê-Ngoạn tại San Jose. Phái-đoàn Úc và chị Ngọc-Thanh tại San Francisco cũng làm theo cách này.

Sau ít phút xem lại hồ-sơ, 2 quan tòa bắt đầu chất vấn ủy viên Công-Tố, đại diện bộ Ngoại-Giao Thái Lan, nghe trình bày của Luật-Sư, và Lý-Tống. Kết thúc phiên tòa Chánh Án đã quyết định:

- Không truy tố Lý-Tống tội danh không tặc, nghĩa là giữ nguyên bản án như Tòa trước đã xử  (tất cả các thành viên tham dự vỗ tay). Thật sự theo sự hiểu biết của chúng tôi thì câu tuyên bố này không có gì đặc biệt vì tội danh trên đã được xử và Lý-Tống đã thọ án xong.

Trở lại vấn đề lý do Lý-Tống không được trả tự-do sau khi mãn án tù Quan Tòa xoay quanh nội dung văn kiện bộ Ngoại-Giao Thái đã nhận được từ nhà cầm quyền Hà-Nội. Căn cứ văn kiện này và qua sự trình bày của nhân-chứng (nhân viên bộ Ngoại-Giao Thái-Lan) thì sứ quán Thái- Lan tại Hà Nội đã nhận được Công-Hàm của nhà cầm quyền Cộng Sản yêu cầu chính-phủ Thái giải giao Lý-Tống cho Hà Nội với các tội danh :

1/-  Xâm phạm không phận Việt-Nam,

 2/- Rải truyền đơn tuyên-truyền, chống đối, với mục đích lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Quan Toà hỏi tiếp nhân chứng (nhân viên bộ Ngoại-Giao Thái) về hình phạt của Việt-Nam đối với các tội danh ghi trên. Đại-diện bộ Ngoại Giao Thái trả lời: Hình phạt của Hà-Nội với các tội danh này là chung thân khổ sai.

Sau khi bàn thảo giữa 2 Quan-Tòa, Công-Tố, và Luật-Sư, 2 Quan-Tòa Thái Lan nhận xét: căn cứ nội-dung Công-Hàm của Hà-Nội thì Lý-Tống đã vi-phạm các tội thuộc về  HÌNH-SỰ, nhưng theo tình tiết thì việc làm của Lý-Tống mang tính chất CHÍNH-TRỊ, Vì là lý do CHÍNH-TRỊ THÌ KHÔNG CÓ CHUYỆN GIẢI GIAO, lại nữa giữa hai chính-phủ Thái-Lan và Hà-Nội CHƯA CÓ HIỆP ĐỊNH VỀ DẪN ĐỘ. Mục đích chính của phiên tòa này là nghe lời khai của NHÂN CHỨNG và phần buộc tội của CÔNG TỐ. Sau khi thảo luận và được sự đồng ý của Quan Tòa, Luật Sư và Lý Tống, phiên tòa thứ hai sẽ được mở ngày 7 tháng 8 năm 2006 ĐỂ NGHE PHẦN BÀO CHỮA CỦA BỊ CAN VÀ LUẬT SƯ; Sau đó sẽ có một phiên xử khác để tòa ra phán quyết. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì thời gian chờ phán quyết sẽ không lâu, tối đa chỉ khoảng 1 tháng.

 Phiên toà kết thúc lúc 5 giờ cùng ngày. Lý Tống cũng đã KÝ TÊN VÀO VĂN BẢN NÀY.

THĂM NUÔI

Ngay sau khi phiên tòa chấm dứt, mọi người trong các phái đoàn yểm-trợ tinh-thần chiến-sĩ tự-do Lý-Tống đã đồng ý sắp xếp chương trình thăm anh vào ngày hôm sau

8 giờ sáng thứ Ba, 25-7-2006, chúng tôi hiện diện tại phòng tiếp tân khách sạn Pongpetch Guesotel chờ chị Ngọc-Thanh (San Francisco, không cùng khách sạn ) và chị Saijit để cùng đi.. Sau 8 giờ ít phút, không thiếu một ai,  chiếc xe “VAN” 8 chỗ đã chở chúng tôi đến nhà tù BANGKOK REMAND PRISONS tọa lạc tại số 33 Ngamvongvan Road, Ladyao Jatujak, Bangkok 10900.. Thủ tục trình giấy tờ và xin gặp vừa xong, nhiều người trong 8 anh chị em đã vội vã đến nơi bán thức ăn mua trái cây và thực phẩm gởi cho Lý-Tống (trại không nhận bất cứ thứ gì mua ở nơi khác phòng ngừa dấu các thứ ngoài quy định và mất nhiều thì giờ khám xét). Cuộc thăm nuôi kéo dài chỉ chừng nửa giờ, một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa, và rất cảm động, chan chứa tình chiến-hữu.Với tâm tình quý mến, thân thương của các anh chị đại-diện các tổ-chức, các hội đoàn cũng như các cá nhân độc lập dành cho Lý-Tống, mặc dù phải đứng cách xa chừng 1 thước qua 2 lớp lưới và song sắt nhưng chắc chắn đã là một nguồn an ủi, một chất xúc tác đầy phấn khởi chuyển đến Người Hùng đã quên mình cho cuộc đấu tranh giành Tự-Do Dân Chủ cho hơn 80 triệu bà con ruột thịt nơi quê nhà, Những gì cần nói đã nói được hết, chúng tôi lưu-luyến tạm biệt anh. Anh không quên nhờ chúng tôi chuyển lời thăm hỏi và cảm tạ đến bà con và chiến-hữu khắp nơi đã ưu ái nghĩ đến anh và hẹn ngày hội ngộ.

Sau đó chúng tôi sang trại tù gần đấy để thăm người tù “con bà phước” anh NGUYỄN THANH PHAN HIỀN SĨ, bị tù đã hơn 3 năm. Mặc dù chờ đợi thủ tục tương đối hơi lâu ở một nơi thiếu tiện nghi và nóng nực nhưng mọi người đều “HAPPY” vì nhận thức được rằng sự chịu khó của mình chắc chắn sẽ đem lại nguồn an ủi cho người khác nhất là khi người ấy lại là đồng bào của mình. Hơn thế nữa sự tù tội của anh là hệ lụy của tinh thần trách nhiệm của một công dân trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào đói khổ. Phái đoàn Uùc đã quyên góp được 1,000.00 (một ngàn) Uùc kim tặng anh, và còn sẽ lo khoảng 20,000 Bath (hai mươi ngàn) tương đương 500 USD (năm trăm) để giúp anh chạy Luật Sư  trong tương lai không xa.

Cảm phục tinh thần quả cảm và lòng yêu nước cũng như nỗi cô đơn, tủi hận của anh trong ngục tù, ngày mai 26-7-2006 trước khi trở lại Hoa-Kỳ, chúng tôi quyết định thu xếp đến thăm lần nữa và tặng anh chút hiện kim để anh tiêu vặt.

Xin ghi thêm rằng NGUYỄN THANH PHAN HIỀN SĨ  là người đã bị bắt  khi ném hai quả bom không ngòi nổ vào tòa đại-sứ Việt-Cộng tại Thái Lan mấy năm về trước.

Cúi xin ơn trên gia hộ và an ủi những người anh em của chúng con đang trong vòng lao lý, vì sự tù tội của họ chính là do sự hy sinh và ý chí mưu cầu hạnh phúc cho người khác.

Bangkok ngày 25-7-2006

Nguyễn-Tường-Thược

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.