Hôm nay,  

Lễ Cầu Siêu Và Tưởng Niệm Cố Gs Nguyễn Đăng Thục

19/06/199900:00:00(Xem: 7796)
Vào lúc 6 giờ chiều ngày Chủ Nhật 13/6/1999, chùa A Di Đà (Westminster) đã làm lễ Cầu Siêu và Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, nguyên Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sàigòn, nguyên Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân-Văn Thuộc Viện Đại Học Vạn-Hạnh (Sàigòn). Giáo sư Nguyễn Đăng Thục cũng là bậc thầy của nhiều thế hệ Sinh Viên (trước năm 1975). Cụ Thục cũng là tác giả nhiều sách viết về nền văn hóa Việt Nam, Triết học Đông Phương, v.v...
Buổi lễ được đặt dưới sự Chứng Minh của Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng sự tham dự của Thượng Tọa Thích Phước Thuận nguyên Viện Chủ Chùa Vạn Hạnh (San Diego). Thượng Tọa Thích Ân Liên, Viện Chủ Thiền Viện Hawai, Thầy Thích Phước Toàn, Viện Chủ Chùa Phước Huệ (Tacoma, Seattle). Thầy Thích Giải Ngộ và Thích Nguyên Chơn, Chùa Việt Nam Los Angeles.
Về phía Quan khách, chúng tôi thấy có sự hiện diện của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, nguyên Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục Sàigòn, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nguyên Khoa Trưởng Đại học Văn Khoa Sàigòn, Giáo sư Nghiêm Xuân Hồng, Giáo sư Phạm Cao Dương, Cụ Lê Liêm, nhân sĩ Phật Giáo, Giáo sư Lưu Trung Khảo, Chủ Tịch Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại, Quý Giáo sư Phạm Quân Hồng, Nguyễn Trung Quân, Nguyễn Ngọc Kỳ, Nghiêm Xuân Khuyến, Nguyễn Đình Cường, Ông Bà Bác sĩ Nguyễn Duy Chương, Ông Bà Chu Đức Nhuận, và số đông quý thân hữu trong vùng.
Về phía cơ quan Truyền Thông Báo Chí, chúng tôi thấy Nhà Văn Nhã Ca, Chủ Nhiệm kiêm chủ bút Việt Báo Kinh Tế, Ông Đỗ Ngọc Yến, Giám đốc Công Ty Báo Người Việt, Nhà văn Phạm Quốc Bảo, nhà báo Phạm Phú Minh, Ông Bà Bùi Hồng Sĩ...
Chúng tôi cũng thấy Huynh Trưởng Tâm Hòa Lê Quang Dật, đại diện các gia đình Phật tử miền Quảng Đức.
Quý vị thân nhân Giáo sư Nguyễn Đăng Thục có nhạc sĩ Nam Lộc, Nha sĩ và Bà Phạm Tiếp Hỉ, Gia đình Ông Nguyễn Đăng Thanh...
Số quan khách và thân hữu hơn trăm người có mặt trong Lễ Tưởng Niệm Giáo sư Nguyễn Đăng Thục tại chùa A-Di Đà quá đông, ngồi chật cả chánh điện và phòng khách của chùa.
Mở đầu buổi lễ, Ni-sư Thích Nữ Như Ngọc, Viện Chủ chùa A-Di Đà, ngỏ lời cám ơn HT Hội chủ Thích Mãn Giác và Chư Tôn Đức cùng Quý quan khách và thân nhân đã đến tham dự Lễ tưởng niệm Cụ Thục hôm nay. Ni sư Như Ngọc là môn sinh của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục ngày xưa dưới mái trường Đại Học Vạn Hạnh thuộc Ban Cử nhân và Cao học tại phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn. Ni sư có thuật lại cuộc điện đàm của Ni sư với Cụ Bà Nguyễn Đăng Thục ở Việt Nam. Cụ Bà Thục kính lời cám ơn Hòa Thượng Hội Chủ, Chư Tôn Đức và quý quan khách đã có lòng thương mến Giáo Sư Nguyễn đăng Thục. Theo lời NS Như Ngọc, cụ Bà có thuật lại giờ phút cuối cùng của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Cụ Thục đã “dự tri thời chí” (biết trước giờ ra đi). Ngày 2/6/99, buổi sáng Cụ Thục còn đọc sách. Đến trưa, Cụ cảm thấy khó ở trong người nên để sách xuống và nằm nghỉ ngơi. Đến 3 giờ trưa cảm đã dến giờ Cụ ra đi, nên Cụ gọi Cụ Bà và con cái ra để nói lời tạ từ. Cụ nắm tay Cụ Bà - người vợ hiền của Cụ - lần cuối và bình an ra đi. Cụ đã về với Phật trong niềm an lạc.

Nhạc sĩ Nam Lộc (gọi Cụ Bà Thục bằng Dì ruột) đã đại diện thân nhân, đọc tiểu sử Cố Giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Nhạc sĩ Nam Lộc đã nói, “Sinh thời, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục là bậc thầy tận tâm với nghề nghiệp giáo dục và rất gần gũi với các thế hệ sinh viên. Phẩm chất nhà giáo Đạo Đức của Cụ đã được nhiều học trò kính mến và biết ơn. Khoảng thời gian tuổi già, Cụ sống ẩn dật, chiêm nghiệm giáo lý nhà Phật. Điều đặc biệt là Cụ rất thích đọc sách, và Cụ đã đọc sách đến ngày cuối cùng.”
Kế tiếp, Nhà văn Phạm Quốc Bảo đã thay mặt các môn sinh đọc Điếu văn bày tỏ tấm lòng thương kính của những người sinh viên Văn khoa ngày xưa của Cụ đối với vậc Giáo sư lão thành.
Sau đó là Lễ Cầu Siêu của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, do Hòa Thượng Hội Chủ Thích Mãn Giác Chứng minh và Chủ lễ. Buổi lễ thật trang trọng và thanh tịnh. Giọng tụng kinh trầm ấm và đạo vị của Hòa Thượng Hội Chủ và Chư vị Tăng ni làm mọi người bồi hồi xúc động khi nhớ đến Cố GS Nguyễn Đăng Thục.
Trong phần phát biểu cảm tưởng, Quý vị Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, BS Trần Ngọc Ninh, GS Lưu Trung Khảo, GS Phạm Cao Dương, Ông Đỗ Ngọc Yến đã lần lượt bày tỏ lòng kính mến, tiếc thương đối với bậc thầy khả kính. GS Thục đã để lại cho nền Văn học Việt Nam, những quyển sách về Văn hóa Văn học Thiền và Triết Đông thật giá trị. Bên cạnh đó đời sống đơn sơ thanh đạm của gia đình Cố GS Nguyễn Đăng Thục được lòng thương mến của mọi người. Với giọng thật xúc động, Hòa thượng Hội chủ Thích Mãn Giác, nguyên Phó Viện Trưởng Điều Hành Viện Dại Học Vạn Hạnh đã nói đến thâm tình giữa Hòa Thượng và Cố GS tại Viện Đại Học Vạn Hạnh vào đầu thập niên 70. Hội trưởng Hội chủ cũng cho rằng, GS Nguyễn Đăng Thục ngoài vai trò của nhà giáo, còn là một Phật tử thuần thành đã để tâm nghiên cứu đến Thiền học Việt Nam, và đã sống cuộc sống đầy thiền vị. Giờ cuối cùng của Cố Gs đã chứng tỏ Cụ đã dày công tu tập đạo Thiền, nên Cụ đã về với Phật trong trạng thái an lạc giải thoát.
Ông Nguyễn Đăng Thanh, cháu gọi Gs Nguyễn Đăng Thục bằng chú, đại diện gia đình GS Nguyễn Đăng Thục cám ơn Hòa thượng Hội chủ, Chư Tôn Dức và Quý Giáo sư, Quý quan khách đã đến dự Lễ Tưởng Niệm hôm nay.
Ni sư Như Ngọc,Viện Chủ Chùa A-Di Đà đã cung thỉnh HT Hội chủ, Chư Tôn Đức và Quý Quan khách cùng thân quyến Cố GS Thục, ở lại dùng bữa cơm chay thân mật và đạo tình tại chùa.
Buổi Lễ Cầu Siêu và Tưởng Niệm Cố GS Nguyễn Đăng Thục đã chấm dứt trong niềm xúc cảm chân thành của mọi người. Xin Nguyện cầu mười phương Chư Phật gia hộ Cụ Nguyễn Đăng Thục Vãng Sinh Cực Lạc Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.