Hôm nay,  

Lễ Trà Tỳ HT Thích Mãn Giác

26/10/200600:00:00(Xem: 8222)

Lễ Trà Tỳ HT Thích Mãn Giác: Nhiều Xá Lợi Đa Sắc Rực Rỡ

Hình ảnh về xá lợi cố Đaị Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác.

Sau lễ trà tỳ cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác, nhiều xá lợi đã được tìm thấy với nhiều màu sắc khác nhau. Và trong đó, có một chiếc răng của Ngài để lại còn y nguyên, không hề sứt mẻ gì.

Các điềm lành tương tự như thế trong tang lễ hôm Thứ Bảy 21-10-2006 đã làm nhiều người xúc động.

Các hình ảnh chư Tăng rước xá lợi về Chùa Việt Nam Los Angeles, trân trọng trên các khay quý và được đặt vào lồng kính đã cho thấy hình ảnh vị sư học giả quá cố không chỉ là một nhà giáo dục khi còn tại thế, mà cũng vẫn còn là một tấm gương để hậu thế soi chiếu khi ngài đã ra đi.

Chị Kim Chi, trong Hội Phật Học Đuốc Tuệ và là người thông dịch sang Việt ngữ nhiều buổi thuyết pháp cho quý Thầy Tây Tạng, đã xúc động khóc hôm Thứ Ba, khi được tin Thiền Sư Thi Sĩ Huyền Không Thích Mãn Giác để lại nhiều mảnh xá lợi để khuyến tấn đời sau.

Nhiếp ảnh gia Lê Phúc, chồng của chị Kim Chi, ngay trong ngày đã tìm tài liệu về xá lợi để giúp phóng viên thực hiện bài tường thuật.

Cư sĩ nhà báo Châu Văn Thọ, người nhiều năm giữ cương vị Tổng Thư Ký tập san Phật Giáo Việt Nam và cũng là người gánh vác nhiều Phật sự cho Chùa Việt Nam Los Angeles, kể rằng Ôn Mãn Giác sau lễ hỏa thiêu đã để lại khoảng 14 hay 15 miếng xá lợi, trong đó có một răng còn nguyên, có thể là răng cửa, rất đẹp, nguyên vẹn, không sứt mẻ gì.

Theo lời kể này, và cũng theo các hình ảnh kèm theo, các xá lợi của Thầy Mãn Giác có những màu khác nhau, lấp lánh hồng, xanh, vàng…

Cư sĩ Châu Văn Thọ nói qua điện thọai với phóng viên, "… có một số xương trắng đẹp lắm nữa. Cốt rất đẹp."

Nhà báo Châu Văn Thọ cho biết, xá lợi sẽ chia làm hai phần, một phần đưa về Việt Nam để nhập tháp ở chùa môn phái tại Huế, và phân nửa còn lại sẽ tôn trí ở tháp tại Los Angeles, hiện xá lợi đặt trong lồng kính, thờ ngay tại Chùa Phật Giáo Việt Nam,

863 South Berendo Street, Los Angeles, California 90005, Telephone: (213) 384-9638

"Xá lợi" là chữ phiên âm từ tiếng Phạn cổ. Gốc tiếng Pali là "Sarira," dịch sang tiếng Anh là "Relic," phiên âm sang tiếng Trung Hoa là "Thất lỵ la," có khi phiên âm là "Thiết lỵ la," là chỉ phần còn lại của xương cốt Phật và các vị tu hành sau khi viên tịch và hỏa thiêu.

Một số truyền thống Phật Giáo tin rằng xá lợi là công đức, là sự huân tu của giới định huệ kết tinh, hình thành.

Được hỏi về cảm nghĩ chung, sư sĩ Châu Văn Thọ nói với phóng viên rằng, "Điều đáng nói thì đều nằm trong bản Di Thư do Ôn Mãn Giác để lại, nhìn chung tang lễ tốt đẹp, ai cũng vui sướng hòa hài… Các ngài Tâm Châu, ngài Hộ Giác đều chia sẻ rất bùi ngùi… Tôi sung sướng nhất là được chứng kiến trong những tháng cuối đời ngài, Ôn đã giải tỏa hết mọi chuyện, vui cười hoài, trông mặt Ôn rất dịu dàng thảnh thơi, ra đi nhẹ nhàng, an ổn… Đám tang cũng là một cơ hội cho thấy tinh thần lục hòa, mọi ngài đều trên thuận dưới hòa, từ các ngài lớn tới các vị trẻ…"

Có một điểm cần ghi chú: Trong một tấm ảnh tường thuật tang lễ cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác đăng trên Việt Báo hôm Thứ Hai, có một sơ sót khi chú thích một tấm ảnh là xe hoa do tổ chức từ thiện ICAN thực hiện; đúng ra, xe hoa là do Ban Tang Lễ thực hiện. Việt Báo trân trọng cáo lỗi và xin nói lại cho đúng.

Tuy nhiên, Thầy Thích Nguyên Hạnh đã nói bằng ngôn ngữ dè dặt -- rằng theo Thầy, một cách chính xác, thì các phần xương cốt còn lại của Thầy Mãn Giác rất đẹp đẽ, trong đó rõ rệt nhất có một chiếc răng là xá lợi còn nguyên vẹn, màu sắc rực rỡ và ai cũng xem đó như kỷ niệm do Thầy Mãn Giác để lại.

Sau đây là bản Di Thư của Thầy Thích Mãn Giác:

“Mấy Lời Gởi Lại

Tôi biết mình bệnh hoạn nhiều nên chắc là không còn sống bao nhiêu nữa. Trên 25 năm nay, tôi sống ở đất khách mà lòng cứ canh cánh bao nỗi niềm không nói ra được. Cho nên, hôm  nay mới vừa khỏe lại sau một cơn bệnh nặng, tôi gắng viết mấy dòng sau đây gởi lại.

Trước là với các bậc Thầy, các Pháp hữu và những người đã từng giúp đỡ cho tôi nhiều hay ít trong suốt cuộc đời này, tôi lúc nào cũng một lòng nhớ ơn, mong đem sức làm được cái gì cho Đạo Pháp để đền đáp. Chỉ vì lắm lúc, lòng thì có lòng mà sức thì không, hoàn cảnh lại có nhiều chướng duyên nên đành chịu.

Mỗi khi nghĩ đến Đạo Pháp, tôi thật xót xa cho hoàn cảnh của chúng ta ngày nay. Ở đâu cũng có ngang trái; ở đâu cũng có chia cách, từ bên ngoài đến lòng người. Tôi không còn sức để nghĩ nhiều. Tôi cũng không nghĩ đến sự phải trái của một ai nữa. Tôi chỉ thầm nguyện mong sao cho mọi ngang trái được vượt qua, mọi ngăn cách được san bằng để người Phật Tử chúng ta chung lòng chung sức hàn gắn lại những gì đã vỡ, gây dựng lại những gì đã mất để trên không phụ ơn thầy Tổ, dưới mở đường cho thế hệ tương lai. Được như thế thì Phật Giáo mới vững bền và tiền đồ mới sáng lạn. Còn không được thì chúng ta còn biết lấy gì để trông đợi nữa đâu! Sống nếu tôi không thỏa mãn được tâm nguyện này thì cũng xin mong chờ ở sau này nơi các anh em hậu học.

Riêng tôi lúc này nhìn lại đời mình, tự thấy chỉ được một điều an ủi. Đó là từ trước đến sau, tôi chỉ có một tấm lòng với Đạo, với quê hương. Tấm lòng với Đạo cho tôi nguyện dù sống hay chết cũng chỉ ở trong Đạo; phước hay họa thế nào cũng không bao giờ bỏ Đạo, còn có gì chân thật như đạo của Phật nữa đâu! Danh lợi hảo huyền, một đời cũng đủ cho tôi chứng nghiệm.

Còn tấm lòng với quê hương thì tôi xin ước nguyện cho quê hương được thanh bình, cho mọi người sống trên quê hương được an lành, tự do, ấm no, không còn bị tai trời, ách nước, họa người làm cho điêu đứng.

Đó là tấm lòng, là tâm nguyện một đời tôi xin gởi lại cho những người đã và sẽ còn có duyên cùng tôi trong cuộc đời này.

Los Angeles, ngày 15 tháng 4 năm 2006

Sa Môn Thích Mãn Giác.”

* Tiểu Sử

Sau đây là Vài Dòng Tiểu Sử của cố Đaị Lão Hòa Thượng, ghi theo nhiều nguồn www.quangduc.comwww.vnbc.org, www.thuvienhoasen.org.

Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không,  thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, trong một gia đình tin Phật và nhiều người trong thân quyến đã có duyên xuất gia và nổi tiếng thân danh trên đường tác thành Phật sự. Cố đô Huế chỉ là sinh quán, còn nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Sau khi học xong chương trình Tiểu Học Yếu Lược và được lên Lớp Nhì Nhứt Niên, tuổi đời mới lên 10, HT Thích Trí Thủ là người anh cô cậu ruột đã có duyên xuất gia từ trước, đã hướng dẫn người em gửi gắm đến với HT Thích Quảng Huệ, Trú trì chùa Thiên Minh Huế cho nhập đạo tu hành.

Năm 1950, Sa Môn Thích Mãn Giác giữ chức vụ Trú Trì Chùa Thiên Minh để tiếp tục nối dòng Pháp Phái.

Từ năm 1954, Sơn Môn Huế và Hội Phật Học Trung Phần công cử Sa Môn đến làm giảng sư tại Dalat, vài năm sau kiêm nhiệm Hội Trưởng Hội Phật Giáo Dalat, Đại Diện Hội Phật Giáo Cao Nguyên Trung Phần.

Năm 1960, đi du học Nhựt Bổn, được tiếp xúc miền đất Thiền học hưng thịnh và được thở hương Đạo mặn mà ủ kín nơi những bài thơ Hài Cú tài hoa và dưới những cánh hoa anh đào rực rỡ.

Cuối năm 1965, tốt nghiệp Tiến Sĩ, Bộ Giáo Dục VNCH chính thức mời về giảng dạy tại ĐH Văn Khoa Sài Gòn và Huế qua bộ môn Triết Học Ấn Độ và Trung Hoa.

Cũng năm 1965, Sa Môn Mãn Giác bắt đầu cộng tác với Viện Đại Học Vạn Hạnh. (Viện Đại Học dân lập đầu tiên của Phật giáo) do HT Thích Minh Châu làm Viện trưởng, Sa Môn Thích Mãn Giác đóng vai trò Khoa trưởng Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương. Và trong vài năm sau đó, giữ trọng nhiệm Phó Viện Trưởng Điều Hành Viện Đại Học Vạn Hạnh cho tới ngày miền Nam sụp đổ (1975).

Từ năm 1977, Sa Môn Mãn Giác chính thức định cư tại Hoa Kỳ, Viện Chủ Chùa Việt Nam Los Angeles và là Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tập hợp gồm nhiều Chùa, Hội Phật Giáo Việt Nam trải khắp đất nước Hoa Kỳ. Trong cương vị Hội Chủ, với hơn 25 năm hành đạo trên đất mới, tâm niệm và hành tác như trọn đời vẫn là hướng về chăm lo cho chùa Tổ ở quê nhà, tiếp dẫn hậu lai nơi hải ngoại. Những việc cần làm sẽ và đã làm xong, cuối đời, lòng bình an như thảnh thơi mây trắng.

Thầy Thích Mãn Giác, qua đạo hiệu Huyền Không là một hồn thơ Đạo, để lại hơn một ngàn bài thơ, gồm 5 tập.

Ngoài ra, về phương diện trước tác, sáng tác, phiên dịch, biên soạn... Sa Môn Mãn Giác còn để lại trên 20 cuốn sách giá trị cho nhiều đối tượng người đọc khác nhau.

Vào đầu tháng 8 năm 2006, Hòa Thượng cảm thấy pháp thể khiếm an, mặc dù được các hàng đệ tử, các y, bác sĩ tận tình chăm sóc chữa trị,  nhưng vì tuổi cao sức yếu, Ngài đã không qua khỏi. Ngài đã an tường xả báo thân lúc 07 giờ 55 sáng tại Chùa Việt Nam, Los Angeles, California, ngày 13 tháng 10 năm 2006. Thọ Thế 78 tuổi đời, 58 pháp lạp.

Suốt đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã nỗ lực không ngừng trong công việc xiển dương đạo pháp và văn hóa dân tộc.

(Cư sĩ Nguyên Giác tường trình.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.