Hôm nay,  

Điều Trần Trước Hạ Viện Hoa Kỳ Khui Việc Hà Nội Xuất Cảng Thợ Vn: Hối Lộ 6 Ngàn Đô Để Đi Samoa, Thợ Nữ Vn Bị Chủ Hàn Ép Sex

05/12/200100:00:00(Xem: 6561)
PHOTO: Phóng viên Lữ Anh Thư, đứng giữa, chụp chung với các anh chị lao động xuất cảng ở Samoa đang lưu trú tại Virginia. Hình chụp hôm Thanksgiving do Liên Đoàn Hướng Đạo Hùng Vương và Tráng Đoàn Nguyen To phối hợp cùng Trưởng Mục Sư Huỳnh Trang Tỉnh tổ chức (VANN Photo, chụp bởi Võ Thành Nhân ngày 22/11/2001)

WASHINGTON (VB) - Ông chủ Nam Hàn đã tự do sờ nắn và, thậm chí, còn dùng cường lực để vui sex với các thợ nữ lao động xuất cảng của Việt Nam tại đảo Samoa, mà nhà nước CSVN hoàn toàn làm ngơ, không bênh vực gì, nhằm để giữ mối làm ăn. Đó là lời khai của các nữ công nhân VN trong buổi điều trần trước Hạ Viện Hoa Kỳ, được tường trình dưới ngòi bút của Lữ Anh Thư từ Washington DC như sau.

Phòng họp 2172 của trụ sở Hạ Viện chật kín người. Từ cuối phòng, tôi cố đảo mắt tìm một chỗ trống và tìm những mái tóc đen của những người tôi muốn gặp. Hàng ghế trên bục trước mắt tôi là các vị dân biểu trong Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện. Buổi điều trần hôm nay liên quan đến vấn đề Áp Dụng của Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Nạn Buôn Người (Implementation of the Trafficking Victims Protection Act). Một trong những nhân chứng điều trần hôm nay là một nữ công nhân Việt Nam bị ngược đãi tại một công ty may trên đảo Samoa, một đảo chủ quyền của Hoa Kỳ.

Cách đây gần một năm, tôi có theo dõi vụ công nhân Việt Nam bị hiếp đáp tại một hãng may do người Đại Hàn làm chủ trên mạng lưới internet. Họ bị đánh đập, hành hung đến độ có người bị mù một mắt. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi sự dã man của sự việc tường thuật trên internet. Vì thế tôi tìm đến trụ sở Hạ Viện để có thể mắt thấy tai nghe lời kể của nhân chứng.

Có tiếng chuông reo lên báo hiệu các dân biểu phải tề tựu về phòng họp chính để biểu quyết một đạo luật nào đó. Tham dự viên cũng rời phòng họp ra ngoài. Lúc phòng chỉ còn lại ít người tôi mới nhìn thấy các người nữ nhân công Việt Nam, rất nhỏ bé bên cạnh những người bạn Hoa Kỳ. Các cô đang ngơ ngác, thấy tôi tìm đến, họ vừa vui vừa có vẻ ngại ngùng. Nói chuyện một lúc họ thấy thoải mái hơn, kể cho tôi nghe rất nhiều. Cô Vi, người sẽ điều trần hôm nay, là một thiếu nữ trẻ, tuổi mới chừng hai mươi mấy. Bằng một giọng Bắc nhỏ nhẹ, cô kể rằng có người cho gia đình cô biết hãng may Hàn quốc, Daewoosa, đang tuyển nhân viên sang Mỹ làm nghề may. Nhờ có hơn 8 năm kinh nghiệm ngành may, cô đăng ký đi tuyển thi. Cô cho biết khi đi thi, để có cơ hội được chọn lựa, cô đã phải 'đóng lệ phí' 2 nghìn đô cho Công Ty 12 "nếu không bài may đẹp của em sẽ mang tên của các con ông cháu cha, hay những người có đóng tiền, chị ạ!" Chưa kể là Vi còn phải 'biếu' bà phó giám đốc công ty 4 nghìn đô nữa. Để có những số tiền này, bố mẹ Vi đã phải mang nhà ra cầm cho ngân hàng và chồng Vi phải bán đi chiếc xe gắn máy anh dùng để kiếm sống "chỉ mong sao đi vài năm về có tí vốn làm ăn, chị ạ". Thế là cô gái trẻ ký hợp đồng 3 năm với công ty Daewoosa và lên đường sang Mỹ, không biết rằng cô đang trở thành nạn nhân của phong trào 'xuất khẩu lao động' của nhà nước.

Vùng đất cô đặt chân đến là đảo Samoa, và công ty may 'nhà tù' Daewoosa 'chỉ là dãy nhà nhỏ, chật hẹp, dơ bẩn sau hàng rào cao. "Lối đi chỉ có ngần này thôi chị" cô đưa tay làm dấu cho tôi xem. "Chúng em ở 36 người một phòng, chật chội, nóng nực. Làm việc thì ngồi san sát nhau thế này. Chúng em làm từ 7 giờ sáng đến 2 giờ khuya. Có khi phải làm đến 7giờ sáng hôm sau cơ!"

Tôi ngạc nhiên, "Bắt làm 24 giờ liền à" Không cho nghỉ phút nào sao" Rồi buồn ngủ thì sao""

"Không chị, kể cả đi toa lét mà quá 2 lần là bị gọi lên ngay, đôi khi còn bị cấm làm nữa. Như thế thì không có tiền nên chúng em không dám. Họ có người canh mình mà chị, ngủ gật chúng đánh chết!"

Tôi thắc mắc "Thế thì họ có trả phụ trội cho em không""

Một cô trong đám nhanh nhẩu nói: "Có đâu chị, không được giả đồng nào. Khi ký hợp đồng thì họ bảo chỉ làm 8 giờ một ngày và thứ bẩy, chủ nhật thì được lương gấp đôi."

Cô buồn bã nói thêm "Sang ấy tháng đầu còn có trả lương, về sau nầy thì không có gì. Lại còn phải giả tiền ăn ở. Mà ăn thì chỉ có cơm với rau và khoai tây nấu với nước lã. Nhanh tay thì còn có ít rau, đến chậm thì chỉ còn cơm với nước lã. Chúng em đói quá, trồng rau để ăn thêm mà ông Lee (chủ nhân ngườI Đại Hàn) phá đi tất cả. Có lần chúng em đình công thì bị đánh. Có 2 chị em đình công bị chúng đem đi mất tích đấy chị. Thế là hãi quá, không ai dám nói gì!"

Chưa kể đến những sách nhiễu mà các cô gái trẻ này phải chịu đựng. Tại nơi làm việc, các cô thường bị ông chủ sờ nắn lung tung. Ban đêm thì ông vào phòng nằm cạnh bất cứ cô nào ông muốn. Cô nào xinh đẹp thì ông bắt ngủ với ông. Thậm chí khi có khách mua hàng đến Samoa, ông bắt các cô đi 'tiếp khách'. Không những ông Lee mà cả những tên 'công an' người Samoa cũng lục sóat, sờ nắn các cô mỗi khi đi ra ngoài. Chống cự thì bị chúng lột hết quần áo ra. Kể đến đây, các cô cúi đầu buồn bã, mắt rươm rướm lệ.

Nghe Vi và các bạn kể đến đây, tôi nghe se thắt cả lòng. Tôi thấy xót xa cho thân phận người dân Việt Nam. Họ cũng có quê hương, sao phải chịu cảnh đọa đày, nhục nhằn đến thế" Vậy thì đảng và nhà nước đâu" Những tên 'đầy tớ của nhân dân' như chúng vẫn thường rêu rao đâu" "Nhà nước có làm gì cho ai bao giờ đâu chị! Có người của nhà nước ở đấy đấy chứ, nhưng họ làm cho ông Lee mà. Than phiền gì là chết đấy. Nên chúng em không dám nói gì!" Nghe Vi nói, tôi nhớ tới ống loa tuyên truyền của Hà Nội khi sự thật được phơi bày cứ leo lẻo chối.

Khi Vi bước lên bàn điều trần của nhân chứng tôi mới được biết thêm về những sự thật đau lòng mà hơn 300 nhân công Việt Nam đã chịu trong suốt gần 2 năm ròng. Trong một cuộc dằng co giữa ông quản đốc và một nữ công nhân, người nữ công nhân Việt Nam đã bị những tên 'công an' của Daewoosa đâm thủng mắt, một thanh niên bị đánh vào hàm gãy cả răng, máu phun tung tóe, một thanh niên khác bị đè xuống nền nhà đánh xồng xộc vào mặt. Giữa lúc xô xát ấy, cảnh sát Samoa, đại diện của nhà nước Việt Nam quay mặt làm ngơ, không mảy may một hành động bênh vực nào.

Kể chỉ có mấy lời, Vi đã lạc giọng và mặt dàn dụa nước mắt. Các vị dân biểu ngồi nghe cũng thấy đau lòng và phẫn nộ. Tôi cảm thấy được sự nghẹn ngào của những người có mặt trong phòng họp. Khi Vi dứt lời, nữ dân biểu Watson đã bày tỏ sự phẫn nộ của bà. Bà lên án gắt gao hành động man rợ của tên Lee và sự vô trách nhiệm của sở cảnh sát Samoa. Bà hứa với Vi sẽ làm tất cả trong phạm vi quyền hạn của bà để đòi hỏi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải áp dụng thích đáng đạo luật bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người và có thái độ đối với các quốc gia chủ trương buôn bán nô lệ. Dân biểu Faleaveaga của Samoa trong vài lời bào chữa, cũng đã thay mặt cho dân Samoa ngỏ lời xin lỗi Vi và các nhân công Vìệt Nam có mặt. Dân biểu Chris Smith, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện đã ngỏ lời khen ngợi cũng như cảm ơn lòng can đảm của Vi và hứa sẽ làm tất cả để đem công lý đến cho vụ án của tên Lee, cũng như giúp đỡ cho những công nhân Việt Nam hiện đang tạm trú tại Hoa Kỳ theo diện nhân chứng. Cô gái Việt Nam nhỏ bé, mặt còn đầy nét xúc động, đã có lời cảm ơn các vị dân biểu đã cho cơ hội nói lên sự thật. Cô cho biết cô cảm thấy nhẹ nhỏm là ông chủ Lee không còn hãm hại được ai. Cô mong những gì xảy ra cho cô và các bạn đồng nghiệp sẽ không còn xảy ra cho ai khác.

Khi Vi bước xuống khỏi bàn nhân chứng, những người cử tọa trong phòng đã đến vỗ về, an ủi cô. Họ là những người xa lạ, những người không cùng màu da, không cùng tiếng nói mà vẫn có thể cảm thông được nỗi đau thương của Vi. Nhưng đảng và nhà nước Việt Nam thì sẵn sàng bán dân đi làm nô lệ, không một chút xót xa nào.

Vi và những người bạn của cô đều còn nhỏ tuổi. Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, cô chỉ vừa 2 tuổi. Cô chẳng biết gì về những người Việt quốc gia hải ngoại. Có chăng cũng chỉ qua lời tuyên truyền của cộng sản Hà Nội. Thế nhưng khi sống trong nỗi khốn cùng, cô và các bạn chỉ nghĩ đến việc cầu cứu cộng đồng người Việt quốc gia. Điều đó đủ nói lên những gì người dân Việt Nam nghĩ về thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Tôi hỏi Vi sao không về Việt Nam như một số nhân công khác. "Về thì chỉ có mà chết thôi chị ạ. Tiền đâu mà trả nợ. Chưa kể là liên quan đến vụ kiện này thì nhà nước sẽ trù dập mà chết. Các người kia họ bị áp lực, họ sợ đấy chị. Em còn con nhỏ ở nhà, nhớ lắm chứ, nhưng về thì chỉ có chết thôi". Còn chua xót nào hơn, dân mà không muốn về nước! Dân mà sợ về sẽ chết dưới tay đảng!

Buổi điều trần của Vi hôm nay trước Ủy Ban Đối Ngoại của Hạ Viện là trách nhiệm của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển. Vì lý do nào đó, tôi lại được giao trách nhiệm đưa Vi và các bạn về. Đoạn đường từ Capitol Hill về, tôi đã đi bao lần, chưa lần nào lê thê như hôm nay. Tôi nghỉ miên man đến những lời Vi và các bạn vừa kể. Tôi mường tượng những hình ảnh đàn áp dã man mà Vi và các bạn đã chịu trong bao tháng ngày. Tôi rợn người nghỉ đến cuộc sống trong đe dọa, trong nơm nớp lo sợ đêm ngày, từ tháng này sang năm nọ. Tôi nhìn Vi, tự hỏi vì đâu ra nông nỗi này. Và tôi tự hỏi còn có bao nhiêu cô gái Việt Nam như Vi đang bị nhà nước buôn đi làm nô lệ lao động trên thế giới" Tôi không biết nên oán trách tên chủ nhân Đại Hàn nhiều hơn hay Công Ty 12 của nhà nước cộng sản nhiều hơn. Tôi nên hận tên chủ nhân ông bóc lột hay cái chính phủ đã buôn dân mình cho tên Đại Hàn hành hạ. Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Bính

Cô Gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khó nhọc
Cho Lòng Cô Gái Việt NamVui

Lữ Anh Thư, 12/01/01

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.