Hôm nay,  

Khúc Quanh Của ‘người Việt Còn Lại’ Tại Phi Luật Tân

26/12/200300:00:00(Xem: 5438)
Khúc Quanh Của ‘Người Việt Còn Lại’ Tại Phi Luật Tân

PHOTO: Theo thứ tự từ hình trên, (1) Anh Hà Thế Thành, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt tại PLT đang trình bầy nguyện vọng trước mặt Đức Giám Mục Arguelles và Sơ Pascal. (2) Nam Lộc, Trịnh Hội và bà Khúc Minh Thơ cùng đồng bào trên đảo Palawan. (3) Đức Giám Mục Arguelles đang phát biểu, đứng bên trái là Đức Ông Nguyễn Văn Tài. (4) Giáo hội Phi và đồng bào tham dự.

Tường trình của Nam Lộc
"Giữa tin vui, có niềm tuyệt vọng", đó là lời tâm sự của anh Lý Hải, một thuyền nhân tị nạn sống trên đảo Palawan từ hơn 14 năm qua đã nói với tôi trong chuyến viếng thăm "Người Việt Còn Lại" (NVCL) tại Phi Luật Tân (PLT) mà tôi vừa thực hiện vào giữa Tháng 12, 2003.
Thật ra cũng vì có quá nhiều "tin vui", cùng những đề nghị thuận lợi đang dồn dập xẩy đến với NVCL, khiến cho vấn đề chọn lựa trở nên phức tạp và tế nhị. Từ việc chính phủ Úc Đại Lợi đã và đang nhận một số thuyền nhân tị nạn qua chương trình "Nhân Đạo Đặc Biệt" (Special Humanitarian Program), rồi việc Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush vừa ký ban hành "Dự Trình Thu Nhận Người Tị Nạn Tài Khóa 2004" vào cuối Tháng Mười qua, bao gồm việc tái cứu xét cho NVCL có cơ hội định cư tại Hoa Kỳ (HK). Cho đến tin quốc hội lưỡng viện PLT rất gần kề thông qua để chấp thuận đạo luật cấp quy chế "Thường Trú Nhân" (Permanent Resident) cho NVCL đang tạm trú tại Phi sau bao năm trời sống vất vưởng và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống hàng ngày khi luôn luôn bị đối xử như kẻ nhập cư bất hợp pháp.
Điều oái oăm là những "tin vui" vừa kể lại diễn ra cùng một lúc, làm cho họ rất phân vân, không biết phải chọn lựa thế nào cho đúng và có lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình, mà không làm hại đến quyền lợi của kẻ khác. Vấn đề khúc mắc và trớ trêu ở chỗ là nếu chọn lựa giải pháp định cư tại nước thứ ba, thì phải tìm cách trì hoãn tiến trình cứu xét dự luật trường trú đang nằm tại Thượng viện PLT ngay từ bây giờ, bởi nếu đạo luật này được ban hành thì xem như cơ hội định cư tại nước thứ ba sẽ vuột mất. Vì cả hai chính sách định cư của các nước HK cũng như Úc đều hầu như đã nói rõ như vậy. Khổ một nỗi, nếu chống dự luật trường trú mà không khéo léo, dễ có thể chạm tự ái nước chủ nhà, hoặc giáo hội PLT, là tổ chức đã tranh đấu để cho những NVCL không bị cưỡng bách hồi hương, cũng như cưu mang họ trong nhiều năm qua. Mặt khác, nếu các quốc gia thứ ba mà biết được, họ có thể cho rằng NVCL là những kẻ "đi tìm cơ hội" thay vì tìm một đời sống tự do, bởi vì PLT đang là một nước thuộc khối Tự Do.
Chính những ưu tư, băn khoăn và trăn trở kể trên đã làm NVCL tại Phi sống trong một tâm trạng hoang mang, khắc khoải, bán tín, bán nghi. Mặc dù bên cạnh họ luôn luôn có sự cố vấn của luật sư Trịnh Hội, một thiện nguyện viên nhiệt huyết đã hướng dẫn, giúp đỡ và tranh đấu cho họ từ nhiều năm qua. Đặc biệt là chuyến viếng thăm gần đây nhất của phái đoàn luật sư cố vấn, cùng các nghệ sĩ và đại diện truyền thông từ California, mà tôi là một người trong ban tổ chức gây quỹ để đài thọ chi phí cho hầu hết các thành viên tham dự trong chuyến đi nói trên.
Theo sự nhận xét của cá nhân tôi, thì đây là một chuyến đi ý nghĩa và cần thiết để chuẩn bị tinh thần cũng như cố vấn pháp lý cho đồng bào, hầu biết cách trả lời cùng trình bầy sự kiện một cách trung thực, dựa vào chi tiết và quá khứ của mình, để chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn sắp tới của Sở Di Trú HK. Tuy nhiên, vấn đề đã trở nên phức tạp hơn khi phái đoàn thăm viếng trở về, và dựa vào những dữ kiện thu nhận được qua các lần tiếp xúc trực tiếp với NVCL tại PLT, họ đã tường trình đầy đủ, cùng đưa ra những phán xét và nhận định về phương cách điều hành, cai quản cùng sự đối xử mà họ cho là bất công với người Việt tị nạn tại đây. Các bản tường trình qua báo chí, truyền thanh và truyền hình còn tập trung sự chỉ trích vào nữ tu Pascale Lê Thị Tríu, giám đốc cơ quan Center for Assistance to Displaced Person, Inc. (CADP), và cũng là cơ sở được giáo hội Công giáo PLT trao cho nhiệm vụ cai quản Làng Việt Nam, thành lập từ năm 1996, mà phần lớn do sự tài trợ từ ngân quỹ đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại. Nghiêm trọng hơn cả là có một số luật sư, ký giả cùng đại diện cộng đồng còn cho rằng dự luật trường trú mà giáo hội PLT đang "thúc đẩy khẩn cấp" để được Thượng viện PLT thông qua, là do kế hoạch của Sơ Pascale chủ ý để "giữ chân người Việt ở lại đất Phi".
Trong khi đó thì tại PLT, chính Sơ Pascale cùng các nhân viên của cơ quan CADP, ngoài việc tích cực vận động cho dự luật thường trú, họ còn thường lên tiếng chỉ trích một số các hoạt động liên quan đến kế hoạch định cư NVCL tại các nước thứ ba của LS Trịnh Hội là có tính cách thiếu trung thực hoặc "hứa hẹn hão huyền", bởi vì chính Bộ Ngoại Giao cũng như Tòa Đại Sứ Mỹ tại Phi đều trả lời giáo hội là chưa có quyết định rõ rệt nào liên quan đến dự trình định cư NVCL mỗi lần cơ quan CADP hỏi đến.
Chính vì những lý do trên mà công cuộc vận động cũng như những điều tranh luận của cả hai nhóm đều tự nhận là "nhân danh cho quyền lợi tối hậu của NVCL", càng ngày càng trở nên mâu thuẫn lẫn nhau, chỉ trích mạnh mẽ hơn và có chiều hướng tiêu cực cùng mang tính cách hoặc chi tiết cá nhân. Hậu quả là sự hoang mang của NVCL tại Phi càng ngày càng rộng lớn, vì họ đều có thể theo dõi những diễn biến kể trên qua hệ thống Internet dù của bên bênh, hay bên chống. Tất cả những bài viết, các chương trình phát thanh cùng các lời đối thoại đều được họ theo dõi rất kỹ và rất sát. Nhưng có lẽ hậu quả trầm trọng nhất theo tôi là những lá thư chỉ trích, ít nhiều liên quan đến các tu sĩ của giáo hội Công giáo PLT, cùng lời tố cáo giữa những người Việt hải ngoại đã được gởi đến cho các viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao HK cùng các chuyên gia định cư người Mỹ, đặc biệt là các cơ quan thiện nguyện, đại diện cho nhiều tôn giáo khác nhau, đã và đang hỗ trợ chúng ta trong cuộc tranh đấu cho NVCL có cơ hội định cư tại HK. Những dữ kiện vừa kể đã đưa đến các tín hiệu bất lợi cho tiến trình định cư NVCL. Điều này được chính một nhân vật rất khả tín trong nhóm các chuyên gia và luật sư cố vấn pháp lý xác nhận trong một buổi họp chung mà tôi đã tham dự trước khi tôi quyết định lên đường sang PLT để cố tìm một giải pháp dung hòa.
Mục đích chuyến đi của tôi cùng những tham dự viên khác chỉ mang một hy vọng nhỏ bé là tạo cơ hội để NVCL có dịp hiểu rõ mọi khía cạnh tế nhị và phức tạp của vấn đề, đồng thời cung cấp cho họ các tin tức xác thực cũng như cập nhật, để họ tự quyết định cho số phận của mình. Cạnh đó theo dõi và tìm hiểu thêm về tiến trình vận động dự luật thường trú tại PLT mà giáo hội cùng một số cơ quan thuộc chính quyền của quốc gia này đang thúc đẩy. Sau cùng sẽ tổ chức một cuộc họp mặt và đối thoại trực tiếp giữa cộng đồng NVCL cùng Đức Giám mục Ramon C. Arguelles, thuộc giáo hội PLT, người đã và đang trách nhiệm về cuộc sống của NVCL tại Phi từ nhiều năm qua, để ngài thông cảm và giải quyết theo ý dân tị nạn.
Cùng tham dự với tôi trong chuyến đi này còn có bà Khúc Minh Thơ, Chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị, trụ sở tại Virginia. Bà Khúc Minh Thơ là một tên tuổi không xa lạ gì trong các cuộc vận động bảo vệ cho quyền lợi của người tị nạn VN từ nhiều năm qua, nhất là thành tích của bà trong việc tranh đấu cho các chương trình HO và diện McCain. Đặc điểm khác là bà Thơ rất quen biết với các giới chức thuộc Bộ Ngoại Giao HK, đồng thời còn là một người bạn rất được Sơ Pascale Lê Thị Tríu tin tưởng và quý mến. Ngoài ra, tôi cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông báo đến một số cơ sở truyền thông người Việt ở nhiều nơi trên đất Mỹ để họ có thể tháp tùng hầu tìm hiểu sự thật cùng tường trình trung thực cũng như gặp gỡ và tiếp xúc cả đôi bên. Rất tiếc là tất cả chi phí đều phải tự túc, cho nên giờ chót chỉ có hai cơ sở truyền thông hiện diện. Một là cô Thanh Trúc thuộc đài phát thanh Á Châu Tự Do (Radio Free Asia), từ Hoa Thịnh Đốn, và nhóm kia là các anh Trúc Hồ và Phạm Hợp, đại diện cho hệ thống truyền hình SBTN (Saigon Broadcasting Television Network) trụ sở tại Nam California.
Riêng cá nhân tôi, tuy xem đây là một công tác, nhưng cũng như bà Khúc Minh Thơ, anh Trúc Hồ, anh Phạm Hợp, chúng tôi đều hoàn toàn đi với tính cách tình nguyện và tự đài thọ mọi phí tổn. Trước khi lên đường, tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của cả hai phía, từ Hội Đồng Liên Tôn của người Việt tại HK, Đức Giám mục Mai Thanh Lương, Sơ Pascale Lê Thị Tríu, các luật sư cố vấn pháp lý cùng một số ký giả đã có mặt trong chuyến đi lần trước, cho đến luật sư Trịnh Hội cùng ban đại diện đồng bào Việt tại Phi (Vietnamese Community in the Philippines) đang sống rải rác trên hàng ngàn hòn đảo thuộc PLT cũng như ngay tại Làng Việt Nam ở Palawan. Ngoài ra tôi cũng nhận được sự khuyến khích và giới thiệu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đến với Đức Giám mục Ramon Arguelles.
Để cho chuyến đi đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, ngay trong ngày đầu tiên, thứ Hai 15 tháng 12, tôi và bà K.M.Thơ đã tiếp xúc cùng gặp gỡ phái đoàn đại diện đồng bào về Manila từ nhiều quần đảo, họ đồng thời cũng là những thành viên trong tổ chức Cộng Đồng Người Việt tại PLT tức VCP. Trước sự hiện diện của luật sư Trịnh Hội, chúng tôi đã khẳng định cùng đồng bào về mục đích về chuyến đi của phái đoàn là hoàn toàn tìm hiểu cùng dựa theo nguyện vọng của họ hầu trình lên Đức Giám mục Arguelles, cũng như giáo hội PLT để tìm ra một giải pháp tốt đẹp nhất do chính tập thể NVCL tự lựa chọn và quyết định. Tôi và bà K.M.Thơ đã thay phiên nhau trình bầy chi tiết về dự trình định cư của chính phủ HK cùng các tin tức cập nhật thu nhận được trước khi lên đường. Theo bà Thơ thì Bộ Ngoại Giao HK, nếu không có gì trở ngại hoặc thay đổi họ sẽ có mặt tại Phi Luật Tân vào cuối tháng Một, hoặc trễ lắm là đầu tháng Hai, 2004 để thông báo thủ tục phỏng vấn NVCL tại PLT. Tuy nhiên những trường hợp nào sẽ được phỏng vấn, áp dụng theo tiêu chuẩn nào hoặc bao nhiêu người sẽ được chấp thuận thì không ai có thể nói được trong lúc này. Sau đó là phần giải đáp các thắc mắc cho quý vị đồng hương tham dự. Tôi cũng đã nhấn mạnh là đồng bào phải nắm vững mọi vấn đề trước khi đưa ra quyết định và nhớ là không nên giao phó cuộc đời của mình cho một cá nhân hay hội đoàn nào cả.
Nhận xét chung thì chúng tôi thấy đồng bào rất thấu hiểu tình hình, và mặc dù có nhiều người khá nôn nóng tưởng như sắp được đi định cư ở nước thứ ba, hay người Mỹ sẽ nhận tất cả v..v.., điều đó là do óc tưởng tượng hoặc suy diễn cá nhân chứ hoàn toàn không thể đổ lỗi cho các nhóm vận động, đặc biệt là luật sư Trịnh Hội. Nhìn thấy sự hy sinh và tốn kém của đồng bào phải bỏ công ăn, chuyện làm về chầu chực mấy ngày ở Manila, cộng với tinh thần đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, tôi cùng chị K.M.Thơ rất lấy làm cảm động và tự hứa là sẽ đem hết khả năng dàn xếp và vận động để cho mọi việc được thành công.


Qua ngày hôm sau, thứ Ba 16 tháng 12, lịch trình làm việc của chúng tôi bao gồm những cuộc gặp gỡ riêng rẽ với các luật sư Sedfrey M. Candelaria, thuộc Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền, cùng luật sư Ruben Fondevilla, đại diện Bộ Tư Pháp PLT. Sau đó là cuộc họp tổng quát với Đức Giám mục Ramon Arguelles, Đức ông Nguyễn Văn Tài, Sơ Pascale Lê Thị Tríu, cùng các nữ tu quản trị Làng Việt Nam và các viên chức phục vụ tại cơ quan CADP. Mục đích của chúng tôi trước hết là tìm hiểu rõ lý do cùng tiến trình vận động của dự luật thường trú. Theo sự nhận xét của tôi và bà K.M.Thơ qua phần trình bầy của những người trong cuộc, thì chúng tôi có thể khẳng định là dự luật thường trú không phải do Sơ Pascale một mình đưa ra với chủ đích để "giữ chân người Việt ở lại đất Phi", như một số lời tố cáo. Bởi vì hầu hết người hiểu chuyện đều phải biết rằng đây là giải pháp lâu bền và tốt đẹp nhất cho NVCL trước khi có tin những nước thứ ba để ý đến họ. Bao nhiêu những lời than thở, oán trách về đời sống bấp bênh và đầy trở ngại pháp lý ở PLT từ bấy lâu nay đều có thể giải quyết nếu dự luật thường trú được thông qua và trở thành đạo luật.
Ông Ruben Fondevilla, luật sư cố vấn của Bộ Tư Pháp PLT, cùng luật sư Sedfrey M. Candelaria đều là những thành viên của Ủy Ban Liên Bộ gồm đại thuộc nhiều cơ quan thiện nguyện cũng như chính phủ, được thành lập để tìm một giải pháp lâu dài và tốt đẹp cho NVCL được định cư ngay trên đất nước PLT. Cả hai ông đã tỏ ra vô cùng thất vọng khi biết rằng dự luật thường trú sẽ có thể cản trở cơ hội định cư nước thứ ba của NVCL. Họ cũng lấy làm tiếc cho bao công trình vận động dự luật thường trú mà Ủy Ban Liên Bộ hợp cùng giáo hội PLT đã bỏ ra từ nhiều năm nay, đến bây giờ sắp thành công mà nếu ngưng lại hoặc bỏ lỡ dịp này thì thật đáng tiếc, không biết bao giờ mới có cơ hội thực hiện lại, và nếu có sẽ còn ai hăng say vận động như trước đây, cũng như còn bao nhiêu dân biểu, nghị sĩ quen biết có thiện cảm với cộng đồng người Việt sẽ còn ngồi lại tòa nhà quốc hội sau cuộc bầu cử tại Phi vào tháng Năm, 2004 tới đây. Phái đoàn chúng tôi đã chia sẻ cùng ghi nhận sự bối rối và khó xử trên của họ và hứa sẽ trình bầy một cách rõ ràng với NVCL.
Thời điểm quan trọng nhất của chuyến đi mà chúng tôi thực hiện lần này là cuộc gặp gỡ giữa Cộng Đồng Người Việt cùng giáo hội PLT mà đại dịện là Đức Giám mục Ramon Arguelles, được diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày thứ Tư 17 tháng 12, 2003 ngay tại khuôn viên trường đại học Santa Isabel, nằm trên đường Taft Ave., đây cũng là nơi mà cơ quan CADP đặt trụ sở hoạt động. Tham dự cuộc họp này, ngoài Đức Giám mục Ramon Arguelles, còn có Đức ông Nguyễn Văn Tài, Sơ Pascale Lê Thị Tríu, Sơ Bề trên dòng Nữ Tu Bác Ái, Sơ Viện trưởng đại học Santa Isabel cùng các nữ tu quản trị Làng Việt Nam và các viên chức phục vụ tại cơ quan CADP. Phía NVCL tại Phi gồm có đầy đủ các thành viên của ban chấp hành Vietnamese Community in the Philippines (VCP), đại diện đồng bào từ rất nhiều đảo với khoảng gần 200 người tham dự cùng luật sư cố vấn của họ là anh Trịnh Hội. Phái đoàn hải ngoại gồm có tôi, bà Khúc Minh Thơ, cô Thanh Trúc (RFA) cùng các anh Trúc Hồ, Phạm Hợp (SBTN).
Tôi đã được giao trọng trách điều hợp và giới thiệu chương trình. Sau những thủ tục chào đón xã giao, Đức Giám mục Arguelles đã được mời lên phát biểu đầu tiên, và qua lời dịch của Đức ông Tài, ngài đã tóm lược quá trình hoạt động của giáo hội PLT cũng như của cơ quan CADP trong việc tranh đấu bảo vệ sinh mạng và cuộc sống của NVCL tại đất nước Phi trong nhiều năm qua, kể cả nỗ lực vận động cho dự luật thường trú ở Thượng viện hiện nay. Ngài cũng xin lỗi đồng bào nếu có những sự việc đáng tiếc xẩy ra do những người bản xứ gây nên. Theo ngài thì đây chỉ là những trường hợp cá biệt, còn chính sách chung của giáo hội cũng như chính phủ PLT là bênh vực quyền lợi của người tị nạn VN mà điển hình PLT là quốc gia duy nhất đã không áp dụng chính sách cưỡng bức hồi hương. Ngài cũng trầm tĩnh khuyên bảo và dặn dò kỹ càng NVCL nên suy nghĩ chín chắn trước khi đưa ra quyết định tối hậu trong ngày hôm nay.
Phần trình bầy kế tiếp là bức tâm thư của Đức ông Nguyễn Văn Tài do chính ngài đọc và chia sẻ với đồng hương NVCL. Nội dung là mối quan tâm về những lập trường mâu thuẫn giữa dự luật thường trú cùng cơ hội định cư tại nước thứ ba. Đức ông Tài nhấn mạnh đến những trở ngại về cuộc sống bấp bênh tiếp tục tại Phi nếu không có quy chế thường trú nhân, mà chắc chắn một số người sẽ phải gánh chịu khi bị nước thứ ba từ chối tiếp nhận cho đi định cư. Đồng thời ngài cũng nhắc nhở rằng NVCL sẽ phải chịu trách nhiệm trong mọi quyết định của mình, sau này sẽ không than trách hoặc đổ lỗi cho ai.
Thay mặt phái đoàn hải ngoại, và để tiếp lời Đức Cha Arguelles cùng Đức ông Tài, tôi đã trình bầy cùng phân tích rõ ràng những điểm lợi và hại của việc có hoặc không có dự luật thường trú, ai là những người đứng sau lưng để hỗ trợ dự luật này và tại sao cần phải thúc đẩy khẩn cấp ở thượng viện hiện nay. Quan trọng hơn cả NVCL tại Phi từ nay trở đi sẽ phải chịu trách nhiệm cùng mọi hậu quả xẩy ra do chính mình quyết định như lời nhắn nhủ của Đức ông Tài. Nhân dịp này, với tư cách là một giám đốc chương trình di trú và định cư người tị nạn của cơ quan USCCB tại Los Angeles, tôi đã nhấn mạnh quan điểm riêng về quyết định mới đây của Tổng thống Bush trong dự trình định cư người Việt tại Phi. Theo tôi đây chính là sự tiếp tục của một "công việc dở dang" mà chính phủ HK nói riêng và các quốc gia định cư nói chung đáng lý phải giải quyết cho thuyền nhân tị nạn VN từ hơn 10 năm trước, chứ không phải mượn cớ CPA (Comprehensive Plan of Action) trục xuất người tị nạn rồi sau đó để lại gánh nặng cho quốc gia tạm dung (first asylum country), điển hình là Philippines hiện nay. Do đó quyết định tiếp nhận người Việt tại PLT vào HK hay sang Úc Đại Lợi là một sự chia sẻ trách nhiệm với đất nước Phi, chứ chẳng phải là điều gì mới mẻ cả, vì thế không nên quan niệm người tị nạn VN chỉ dùng nước Phi là "cái thảm chùi chân", như lời phát biểu tiêu cực vì sự hiểu lầm của một vài nhân vật.
Sau cùng, đề cập đến sự hiện diện và thành lập cũng như bầu ra Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại PLT tức Vietnamese Community in the Philippines (VCP), theo tôi đây là một tiến trình cần thiết và hợp thời, bởi vì cuộc sống bương chải của đồng bào ở khắp các hòn đảo xa xôi, họ cần có người đại diện để nói lên tiếng nói của mình, đồng thời đã đến lúc người Việt phải tương trợ lẫn nhau hầu tiếp tay với giáo hội Phi, chứ không thể sống dựa vào sự giúp đỡ của các tổ chức người bản xứ mãi được, dù họ rất tốt, nhưng kéo dài thì ai cũng cảm thấy mệt mỏi.
Đến đây thì vị chủ tịch VCP là anh Hà Thế Thành đã được sự xác nhận của tất cả đồng bào hiện diện để lên phát biểu và trình bầy ý nguyện của đồng bào lên Đức Giám mục Arguelles. Sau lời cám ơn về sự giúp đỡ của giáo hội cùng chính phủ PLT đối với NVCL trong những năm qua, kể cả những đóng góp lớn lao mà Đức cha Arguelles, Sơ Pascale cùng cơ quan CADP đã hy sinh để trợ giúp NVCL. Anh Thành đã nhanh chóng trình lên Đức cha nguyện vọng của VCP là xin hoãn sự vận động khẩn cấp cho dự luật thường trú mà giáo hội đang ráo riết thực hiện trong thời gian này tại Thượng viện PLT, đồng thời từ nay, mọi quyết định cùng nguyện vọng của NVCL sẽ do tổ chức VCP tự đảm nhiệm.
Đáp lại những đề nghị và yêu cầu trên của VCP, Đức Giám mục Arguelles đã hoàn toàn chấp thuận, qua lời thông dịch rất rõ ràng của Đức ông Tài. Tuy nhiên, khi Đức cha diễn tả đến lòng từ tâm cùng để nhấn mạnh sự chiều ý của mình đối vơiù NVCL, ngài có nói "... ngay cả nếu anh chị em muốn tôi viết thư xin ngưng dự luật thường trú, tôi cũng chiều lòng ...". Đến đây thì anh Hà Thế Thành cùng một số thành viên ban chấp hành VCP có ngỏ ý với tôi để cho họ lên phát biểu trở lại một lần nữa sau khi Đức cha kết thúc phần trình bầy của ngài. Lý do là bởi vì VCP muốn xin Đức cha thực hiện điều mà ngài vừa đề nghị tức là "viết thư xin ngưng dự luật thường trú". Sau khi anh Thành vừa phát biểu xong, thì ở bên dưới có nhiều tiếng xì xào bàn tán, dường như không phải tất cả mọi người đều đồng ý, nhất là những người đi theo diện "con lai ghép hộ" qua chương trình ODP, họ lo sợ rằng nếu bị phái đoàn Mỹ từ chối, phải ở lại Phi mà không có quy chế Thường Trú Nhân thì cuộc sống sẽ rất là bấp bênh và khổ cực như hiện nay.
Sau vài phút tham khảo và hội ý lẫn nhau, VCP đã nhờ tôi giới thiệu vị cố vấn pháp lý của họ là luật sư Trịnh Hội lên trình bầy về hoàn cảnh bất ngờ này và xin Đức Giám mục cho họ một tuần lễ để suy nghĩ rồi sẽ trả lời dứt khoát. Đức Giám mục Arguelles vui vẻ chấp thuận, tuy nhiên ngài cũng cho biết tuần sau là vào đúng vào dịp Giáng Sinh nên ngài rất bận rộn, vì thế mọi liên lạc cùng quyết định tối hậu hãy gởi ngay cho Đức ông Nguyễn Văn Tài để Đức ông chuyển đến cho ngài.
Cho đến giờ phút viết bản tường trình này, thì VCP đã chính thức gởi văn thư đính kèm để trả lời dứt khoát đến vị chủ chiên nhân hậu và thương yêu người Việt tại Phi đó là Đức Giám mục Ramon C. Arguelles. Họ đã khéo léo dung hòa cả hai đề nghị trên của Đức Giám mục Arguelles để xin ngài viết thư xác nhận với Thượng viện Phi hầu tạm hoãn sự vận động khẩn cấp cho dự luật thường trú, chứ không ngưng hẳn dự luật này như lời đề nghị của ngài.
Đến giai đoạn này, tôi thiết nghĩ mình đã thực hiện xong và hoàn tất những cam kết cần thiết với những người tín cẩn: Trước hết là đồng bào tôi, những kẻ bất hạnh đã bị thế giới lãng quên từ hơn 14 mùa giáng sinh qua. Với một khúc quanh mới, ngày hôm nay, họ đã và đang có cơ hội tự quyết định và trình bầy nguyện vọng trực tiếp của mình lên giáo hội PLT. Kế đến là ông Mark Franken, tổng giám đốc di trú và tị nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, người đã giới thiệu tôi với Đức cha Arguelles, chị Khúc Minh Thơ, Sơ Pascale Lê Thị Tríu và luật sư Trịnh Hội những cá nhân đã tích cực hợp tác và cho tôi mọi dễ dàng để thực hiện các điều kiện đòi hỏi tế nhị của chuyến đi này. Cũng không quên cám ơn Thanh Trúc, Trúc Hồ và Phạm Hợp về những hy sinh thì giờ và tiền bạc cùng sự an ủi và khuyến khích cần thiết mà các bạn đã dành cho tôi. Nhưng có lẽ những người mà tôi phải chịu ơn mãi mãi chính là đồng bào tị nạn mà tôi đã gặp trong chuyến đi này, đặc biệt đã thức trắng mỗi đêm để tâm sự và chia sẻ với tôi những giọt nước mắt cùng nỗi niềm sâu thẳm. Tôi sẽ không bao giờ quên những dăn dò kín đáo ấy và xin hứa sẽ rất cố gắng. Cố gắng đế thuyết phục Lý Hải đừng sửa câu hát của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, mà tất cả chúng ta hãy làm đúng những lời ông đã dặn: "hãy mang tin vui đến cho những người tuyệt vọng!". Cố gắng để thuyết phục phía bênh, kẻ chống, xin hãy tự kiềm chế những chỉ trích hay tranh cãi không cần thiết để khỏi ảnh hưởng đến tiến trình định cư mà người Mỹ đang dự định phỏng vấn đồng bào Việt tại Phi vào thời gian sắp tới.
Rời Làng Việt Nam trong một buổi chiều mưa buồn và ảm đạm, trên chuyến bay trở lại California tôi chợt hỏi: Suốt những năm tháng qua, có rất nhiều du khách ghé thăm Làng Việt Nam để an ủi và lau nước mắt cho những người tị nạn bất hạnh; nhưng mấy ai đã cố gắng làm cho những giọt nước mắt đó ngừng rơi!
Nam Lộc (Mùa Giáng Sinh 2003)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.