Hôm nay,  

Lễ Kỷ Niệm ‘ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam’ Lần Thứ Chín

14/05/200300:00:00(Xem: 4783)
PHOTO: Một hình ảnh trong ngày lễ nhân quyền VN lần thứ chín (ảnh Mai Vàng).

HOA THỊNH ĐỐN (Tin Đỗ Hồng) - "Chúng ta cần có nhân quyền ở Việt Nam ngay bây giờ". Đó là câu xác quyết mạnh mẽ cho nhu cầu về những quyền tự do căn bản của hơn 80 triệu người đang sống khổ sở dưới chế độ cộng sản độc tài tại Việt Nam hiện nay của nữ Nghị Sĩ Leslie Byrne của tiểu bang Virginia, tác giả dự luật về Ngày Nhân Quyền, trong buổi lễ kỷ niệm năm thứ chín "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam" tại hội trường Caucus thuộc trụ sở Thượng Viện Hoa Kỳ Russell vào sáng thứ sáu 9/5/2003.
Buổi lễ đầy ý nghĩa này qui tụ khoảng 300 tham dự viên, trong đó có một số các vị dân cử Hoa Kỳ, các đại diện của những tổ chức quốc tế và Mỹ, các nhà tranh đấu nhân quyền thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cùng các phái đoàn người Việt về từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, Âu Châu và Canada cũng như tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Vị quan khách sốt sắng lên tiếng phát biểu ngay từ trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu là Dân Biểu Thomas Davis (đảng Cộng Hòa, VA), đã tạo nên bầu không khí sôi động cho suốt cả chương trình.
Sau phần chào cờ Việt-Mỹ và mặc niệm do một số thành viên trẻ trong Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản (QTYTCTNB) đảm trách, Bác Sĩ Đỗ Thiệu, thay mặt Ban Tổ Chức, đã ngỏ lời chào mừng quan khách. Ông nhắc lại cách nay 9 năm, lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Nghị Quyết chung SJ-168 để qui định ngày 5/11 là "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam". Từ đó đến nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn không ngừng hỗ trợ công cuộc tranh đấu cho nhân quyền. Qua bài diễn văn khai mạc này, BS Thiệu đã đưa ra 4 điểm gồm: 1/ Đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải ngưng bắt bớ và phóng thích ngay các nhà bất đồng chính kiến và nhà tranh đấu nhân quyền; 2/ Cùng với thế giới, lên án Hà Nội đã buộc tội những nhà đối lập là những người chẳng phạm tội gì mà chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận và thông tin của họ; 3/ Đòi hỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng và ngưng đàn áp các tổ chức tôn giáo cũng như chấm dứt đề cao việc sử dụng tôn giáo nhà nước đối với Phật giáo và Thiên Chúa giáo; 4/ Đòi hỏi Hà Nội phải chấm dứt chính sách đồng hóa và tiêu diệt các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Tiếp theo đó, BS Nguyễn Quốc Quân, Chủ Tịch Chấp Hành Tổ Chức QTYTCTNB, trân trọng giới thiệu trước cử tọa Nghị Sĩ George Allen (đảng Cộng Hòa, VA), người bảo trợ chính cho buổi lễ kỷ niệm "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam" năm 2003. NS Allen nhấn mạnh rằng "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam" năm nay phản ảnh điều hứa hẹn chưa thực hiện được trong khi Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vẫn tiếp tục đàn áp các tôn giáo và coi thường mọi sự phản đối. Do đó, theo NS Allen, cộng đồng người Việt cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc tranh đấu để toàn dân VN sớm có nhân quyền.
Vị quan khách đặc biệt lần đầu tiên đến với "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam" là Bác Sĩ Torsten Wiesel - giải thưởng Nobel về Y Khoa cũng là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền của Hàn Lâm Viện Khoa Học, Hàn Lâm Viện Kỹ Thuật và Viện Y Học. Ông Wiesel nhắc lại quá trình tranh đấu cho nhân quyền của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, người đã công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền vào năm 1990 và cho đến nay đã bị CSVN bắt giam đến 3 lần. Ông so sánh BS Quế với ông Andrei Sakharov, nhà vật lý đối lập nổi tiếng tại Nga Xô.
Riêng Dân Biểu James Moran (đảng Dân Chủ, VA) đã đề cập đến giới trẻ ở Việt Nam. Ông hy vọng vào một ngày không xa, tuổi trẻ VN sẽ được hưởng đầy đủ mọi quyền tự do căn bản.
Trong khi đó, Dân Biểu Frank Wolf (đảng Cộng Hòa, VA) cho rằng giao thương chẳng thay đổi gì về nhân quyền tại Việt Nam. Ông nói thêm rằng dưới chế độ CSVN hiện nay, quyền diễn đạt tư tưởng và quyền tự do tôn giáo đều bị giới hạn thật khắt khe. DB Wolf đề nghị chính phủ Bush nên gây áp lực nhiều hơn nữa và ông Raymond Burghardt, Đại Sứ Mỹ tại VN, nên lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa với nhà cầm quyền CSVN về các vi phạm nhân quyền vừa kể.
Mặc dù được lời mời chính thức của Tổ Chức QTYTCTNB, Đại Sứ Burghardt vì bận công vụ nên không thể đến với buổi lễ, nhưng ông đã gửi cho Ban Tổ Chức một bức thư chúc mừng. Trong đoạn mở đầu, bức thư do ông Charles Zess (Trưởng Ban Việt-Miên-Lào của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) tuyên đọc, nhấn mạnh: "Vấn đề nhân quyền đã và đang là trọng tâm đối với mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và VN. Sự khác biệt của chúng tôi về vấn đề nhân quyền gây trở ngại cho việc phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ hơn, và sự tiến triển chậm chạp về nhân quyền của VN đã ngăn trở việc phát triển của chính nước họ". Bức thư cũng đã nêu rõ rằng mặc dù đã có những cuộc gặp gỡ trong nhiều dịp giữa các viên chức của Tòa Đại Sứ và Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn với các viên chức CSVN để thảo luận về nhân quyền và tự do tôn giáo nhưng nhà cầm quyền CSVN trong khi có những bước tiến, họ đồng thời cũng có những bước thụt lùi. Sau cùng, bức thư kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hãy cho phép các nhà ngoại giao và các tổ chức quốc tế được đến các vùng Cao Nguyên Trung Phần và Tây Bắc để gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương và những nhà thờ tại gia.
Cùng đến tham dự buổi lễ kỷ niệm "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam" lần thứ chín tại Thượng Viện Hoa Kỳ, còn có Dân Biểu Chris Smith (đảng Cộng Hòa, NJ). DB Smith trong dịp này đã bày tỏ niềm hy vọng rằng dự luật về nhân quyền HR-1587 do ông đệ nạp tại Quốc Hội năm nay sẽ được thông qua chứ không bị giữ lại ở Thượng Viện như dự luật HR-2833 hồi năm ngoái nữa.


Ngoài các vị dân cử kể trên, cử tọa còn được nghe nhiều bài phát biểu giá trị khác của các ông Charles Goolsby (trưởng ban biên tập đài VOA), Keir Jorgensen (đại diện Chủ Tịch Sweeny của Tổng Liên Đoàn Lao Công Hoa Kỳ AFL-CIO), giáo sư Đoàn Viết Hoạt (nhà tranh dấu nhân quyền, giải thưởng nhân quyền Robert F. Kennedy), Abdelilah Kadili (đại diện Robert Kennedy Center), Marco Perduca (đại diện Transnational Radical Party tại Liên Hiệp Quốc), Harry Wu (nhà tranh đấu nhân quyền Trung Hoa thuộc Laogai Research Institute), Stephen Moe (đại diện Thủ Tướng Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia Miến Điện), Daniel Snyder (nghị viên thành phố Falls Church, VA), Y Hin Nie (mục sư của International Bible Church), Kok Ksor (Chủ Tịch Montagnard Foundation), BS Trần Duy Tôn (Chủ Tịch Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ), BS Nguyễn Đức Liên (Tổng Thư Ký Hội Y Sĩ Việt Nam Trên Thế Giới Tự Do), BS Đỗ Văn Hội (Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo), Nguyễn Hoài Châu (đại diện Cộng Đồng Việt Nam tại Fort Worth, TX), Hòa Thượng Thích Thanh Đạm (trụ trì chùa Giác Hoàng, Washington D.C.), giáo sư Lại Thế Hùng (Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Âu Châu), Trần Quốc Sỹ (đại diện giáo hội Phật giáo Hòa Hảo), Duợc Sĩ Trần Văn Tuấn (Tổ Chức Nhân Quyền tại Boston, MA), Vũ Bảo Kỳ (thuộc Toà Bạch Ốc)...
Tất cả đã lên án sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà cầm quyền CSVN và mặt khác kêu gọi mọi người tiếp tục công cuộc đấu tranh cho nhân quyền đến thắng lợi cuối cùng.
Khí thế đấu tranh cho nhân quyền được tiếp tục vươn cao trong buổi dạ tiệc nhân dịp kỷ niệm "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam" lần thứ chín, được tổ chức vào lúc 7 giờ 30 tối cùng ngày tại nhà hàng Maxim Palace (Falls Church, VA) với sự hiện diện của hầu hết cử tọa của buổi lễ lúc ban sáng tại Thượng Viện hợp cùng một số quan khách khác không có điều kiện tham dự buổi lễ đó.
Đại diện Ban Tổ Chức, giáo sư Trần Văn Kiện đã nồng nhiệt chào mừng toàn thể thực khách. Trong thành phần quan khách danh dự được BS Nguyễn Quốc Quân giới thiệu ngay sau đó, người ta ghi nhận có sự hiện diện của DB Tom Davis, DB Chris Smith, TNS Leslie Byrne của VA, bà Kate Hanley (Chủ tịch Hội Đồng quận Fairfax, VA), ông Daniel Snyder (nghị viện thành phố Falls Church, VA), ông Charles Zess, ông bà Jerome Karle (giải thưởng Nobel Hóa Học), ông Torsten Wiesel (giải thưởng Nobel Y Khoa, diễn giả chính), các DB tiểu bang VA Bob Hull, Adam Ebbin và Andres Tobar, Nghị Viên Andy Quách của Westminster, CA, Phó Thị Trưởng Trần Thái Văn của Garden Grove, CA, bà Cathy Better (Springfield District School Board), Kay Kory (Mason District School Board), Janet Oleszak (Fairfax School Board), và đại diện các phái đoàn người Việt về từ Dallas (TX), Fort Worth (TX), Florida, Boston (MA), New Jersey, New York, Georgia, Connecticut, Montreal (Canada), Pháp...
Kế đó, BS Quân đã giới thiệu sơ lược về tiểu sử của diễn giả chính, BS Torsten Wiesel. Ngoài chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền của Hàn Lâm Viện Khoa Học, Hàn Lâm Viện Kỹ Thuật và Viện Y Học, nhà bác học Wiesel còn là Viện Trưởng Danh Dự của Viện Đại Học Rockefeller.
Đề tài được diễn giả này trình bày trong buổi dạ tiệc là: "Cuộc Tranh Đấu Nhân Quyền Dưới Một Chế Độ Độc Tài". Qua đề tài này, BS Wiesel đã nói về quan điểm chính trị của BS Nguyễn Đan Quế qua cuộc tranh đấu can đảm và trường kỳ của ông cho nhân quyền tại Việt Nam. BS Wiesel nhắc lại thông cáo ngày 13/3 của BS Quế về Hiệp Thương Song Phương (BTA) khiến ông bị CSVN bắt lại lần thứ ba vào ngày 17/3 vừa qua, trong đó BS Quế cho rằng Hiệp Thương này đã mở ra những cơ hội cho nhân dân Việt Nam dấn thân vào thị trường tự do, từ đó giải phóng họ khỏi sự áp bức kinh tế của chế độ qua hệ thống xí nghiệp quốc doanh. Trong phần cuối bài nói chuyện, BS Wiesel cho biết nếu được sự cho phép của nhà cầm quyền CSVN và được yểm trợ tài chính, Ủy Ban Nhân Quyền do ông làm Chủ Tịch sẽ xem xét đến việc thăm viếng BS Quế và các tù nhân lương tâm khác cùng gặp gỡ viên chức cầm quyền ở Việt Nam.
Sau bài nói chuyện của diễn giả chính Torsten Wiesel, một số diễn giả khác cũng đã được mời lên phát biểu trước cử tọa gồm có: DB Tom Davis, DB Chris Smith, TNS Leslie Byrne của tiểu bang VA, bà Kate Hanley, Phó Thị Trưởng Trần Thái Văn của Garden Grove, CA, Nghị Viên Andy Quách của Westminster, CA, Luật Sư Đinh Thúy Uyên (Cố Vấn Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Hoa Kỳ), Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng (Giám Đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển), BS Trương Ngọc Tích (Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ), GS Lại Thế Hùng. Trong dịp này, ông Charles Zess đã tuyên đọc lại bức thư của ông Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt gửi cho Ban Tổ Chức và đã được Tiến Sĩ Trần Văn Hải chuyển dịch ra tiếng Việt ngay tại chỗ.
Đặc biệt, ông Daniel Snyder cũng đã tuyên đọc lại nguyên văn bản Nghị Quyết của thành phố Falls Church công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng chính thức của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thành phố này, và chính nghị viên Snyder đã trao bản Nghị Quyết đó cho BS Quân để ngay sau đó ông này trao lại cho ông Lý Văn Phước, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam tại Washington D.C., Maryland và Virginia, trong vỗ tay vang dội của cử tọa.
Cũng trong bầu không khí sống động của buổi dạ tiệc, BS Trương Ngọc Tích đã trao tặng cho ông Giáp Ngọc Phúc, cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn, một số hiện kim để bảo quản kỳ đài và trang bị thêm cờ quốc gia cho những dịp lễ lớn hay trong các sinh hoạt đấu tranh.
Xen kẽ trong các bài phát biểu là phần trình diễn của ca sĩ Kiều Nga với bài "Tình Ca" và đôi nghệ sĩ Nga Mi - Trần Lãng Minh trong những bài hát mang âm hưởng dân ca, trong đó có một bản nhạc phổ từ bài thơ của nhà bất đồng chính kiến Bùi Minh Quốc ở trong nước.
Sau cùng, buổi dạ tiệc nhân dịp kỷ niệm "Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam" lần thứ chín được kết thúc bằng bài phát biểu thật hùng hồn với lý luận thật đanh thép của GS Lại Thế Hùng (Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Âu Châu). Những bài phát biểu hùng hồn như thế thường cho thấy quyết tâm sắt đá của cộng đồng người Việt hải ngoại trong công cuộc đấu tranh giành lại nhân quyền cho đồng bào ruột thịt đang sống khổ sở từng ngày dưới ách thống trị của chế độ cộng sản độc tài trong nước. Với quyết tâm sắt đá ấy, cuộc đấu tranh cho nhân quyền của toàn dân Việt Nam chắc chắn không bao lâu nữa sẽ đạt đến thắng lợi cuối cùng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.