Hôm nay,  

Băng Nhạc Asia 52

26/10/200600:00:00(Xem: 6461)

Chúng Ta Thấy Gì Trong Băng Nhạc Asia 52 Mang Tên ‘Huyền Thoại Lê Minh Bằng’"

- Người tù "cải tạo" Minh Kỳ và "những nấm mồ hoang" trong huyền thoại "Lê-Minh-Bằng".

- Những thành phố trong kỷ niệm và những khuôn mặt ca sĩ của một thời "tiền tuyến- hậu phương".

- Càng ở thế đối nghịch, "dị ứng" với chính quyền trong nước, trung tâm Asia lại càng gần gũi thân thiết với cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại và đồng bào ở quê nhà.

*

Trong thời gian gần đây, nhật báo Người Việt ở Nam California đã có một thiên phóng sự về những nấm mồ hoang của những người tù cải tạo ở Hoàng Liên Sơn, những nấm mồ hiện nay chưa được thân nhân cải táng về gần với gia đình. Câu chuyện này gây sự thương cảm, xót xa của đồng bào dành cho những người lính miền Nam sau năm 1975 đã bị đày đoạ và bỏ mình trong các trại cải tạo đầy hận thù của Cộng Sản.

Chúng tôi không ngờ, do một sự trùng hợp, cuốn băng Asia 52 (huyền thoại Lê Minh Bằng) đã nói tới một sĩ quan ngành cảnh sát của VNCH, đã bỏ mình trong một trại tù, chỉ hai tháng sau khi ông trình diện để đi tù "học tập cải tạo", đó là nhạc sĩ Minh Kỳ. Trong ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng thì hiện nay chỉ có nhạc sĩ Anh Bằng được định cư tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Lê Dinh tại Pháp, và bất hạnh cho nhạc sĩ Minh Kỳ là ông đã nằm lại trong trại tù của Cộng Sản. Gia đình ông cho biết, mãi đến một năm sau, khi trại tù di chuyển, gia đình mới được tin để lên đem xương cốt của ông về.

Trong cuốn băng nhạc này, chúng ta có dịp nghe hai bài hát "Những Nấm Mộ Hoang" và "Trở Về Cát Bụi" của nhạc sĩ Minh Kỳ như những lời tiên tri cho số phận của tác giả trong nỗi đau chung của đất nước và nỗi bất hạnh của con người.

Không như những cuốn băng nhạc thuần tuý ca hát, văn nghệ khác, cuốn băng Asia kỳ này đã đánh đấu một đoạn đời trôi nổi, không những chỉ của đất nước mà còn của đồng bào chúng ta, nhất là sau ngày Cộng Sản thôn tính miền Nam, đưa cả dân tộc vào giai đoạn đen tối nhất của lịch sử, khiến hằng trăm nghìn người đã bỏ xác trên biển đông, hàng nghìn quân cán chính miền Nam đã chết trong các trại cải tạo. Hình ảnh ba người nghệ sĩ cùng đứng chung dưới một cái tên chung "Lê- Minh- Bằng" chính là hình ảnh của đồng bào miền Nam phải trôi giạt theo vận nước,  hoặc chết tức tưởi vì chính sách hận thù của kẻ thắng trận.

Những bản nhạc của Lê Dinh- Minh Kỳ- Anh Bằng đã phản ánh những giai đoạn vui buồn của miền Nam, ca ngợi quê hương đẹp đẽ và viết nên những chuyện tình của thời chinh chiến. Chỉ trong thời gian chưa đầy 10 năm từ 1966 dến 1975, ba nhạc sĩ này đã viết nên hằng trăm bản nhạc, mà âm thanh, lời hát đã đi vào lòng người, phổ cập đến mọi gia đình, nhiều lời trong những ca khúc do ba ông sáng tác đã trở thành những lời nói quen thuộc mà đôi khi chúng ta không còn nhớ tới tên tác giả. Những thành ngữ như "biệt kinh kỳ, "em hậu phương, anh tiền tuyến", "thôi em về đi, anh đi" đã thành những câu nói quen miệng của những người bình dân miền Nam, để chúng ta thấy âm nhạc của Lê Dinh- Minh Kỳ và Anh Bằng thực sự đã để lại những dấu ấn, và nhiều kỷ niệm đẹp đẽ không bao giờ phai lạt.

Chúng ta sẽ nghe lại những bản nhạc phổ thông này, thời gian sau năm 1965 cho tới ngày chung cuộc của nền tự do tại miền Nam, lúc cuộc chiến gia tăng, có nhiều chia ly, mất mát. Chúng ta sẽ tìm về kỷ niệm của những tháng ngày đã qua, tìm lại mình, bạn bè và cả những tình yêu đã khuất bóng.

Ngoài cuộc đời của ba người bạn sáng tác là các nhạc sĩ Lê Dinh- Minh Kỳ- Anh Bằng, trong Asia 52, chúng ta sẽ dược nghe câu chuyện của ba người bạn trình diễn là các ca sĩ của ban Sao Băng, một ban nhạc vui tươi sống động ngày nào của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, gồm có Thanh Phong- Phương Đại và Duy Mỹ. Hoàn cảnh ba người bạn này cũng tương tự như hoàn cảnh của nhóm Lê Minh Bằng, một người đã qua đời là Duy Mỹ, Thanh Phong thì ở tận Pháp Quốc, chỉ còn Phương Đại nơi đây, qua một thời gian bị tai biến mạch máu não, đã đi dứng khó khăn, nói năng ngọng nghịu, chỉ một câu "xin chào Quý vị khán giả", Phương Đại cũng đã phải tập nói hai ngày.

Hình như chúng ta luôn luôn tìm thấy trong những cuốn băng Asia cuộc đời của những con người, nổi trôi theo số phận của miền Nam trong suốt gần hai mươi năm từ 1954 đến năm 1975, từ những hạnh phúc có thật của miền Nam tự do, hình ảnh hùng tráng của những người lính giữ nước, cảnh trôi giạt của những người đi tìm tự do, đời sống của hải ngoại, và quê hương trong tầm nhìn của những người đã phải bỏ nước ra đi. Chúng ta sẽ tìm lại trong Asia 52 (huyền thoại Lê- Minh- Bằng) những cảnh cũ như nét đẹp của những thành phố điển hình như Nha Trang, Huế, Đà Lạt, Hà Tiên và Saigon rộn ràng những ngày vui, tất cả đều được viết nên bởi ba người nhạc sĩ tài hoa trong chín năm gặp gỡ và cùng chung một niềm vui tri kỷ, được sống và sáng tác trong niềm hạnh phúc của tự do.

Chúng ta sẽ gặp lại những khuôn mặt cũ, những ca sĩ  một thời đã đem tiếng hát tới tiền tuyến đêm đêm qua là sóng phát thanh hay trên sân khấu những phòng trà ở hậu phương, như Thanh Thuý, Hà Thanh, Trúc Mai, Thanh Tuyền, Phương Dung, Kim Loan, Thanh Lan, Mai Lệ Huyền, Trung Chỉnh, Anh Khoa, Chế Linh, TUấn Vũ, Phương Đại...Cạnh đó là những ca sĩ nổi tiếng từ năm 1975 trở lại đây như Kim Anh, Don Hồ, Vũ Khanh, Diễm Liên, Ngọc Hạ, Mạnh Đình, Phillip Huy, Lâm Nhật Tiến, Nguyên Khang, Trần Thiện Anh Toàn.. Những ca sĩ mới trên sân khấu Asia hôm nay đều mang những bản sắc riêng đi vào lòng khán thính giả khắp năm châu, kể cả những người đang sống tại quê nhà. Chúng ta phải nói tới Trish, Đặng Thế Luân, Lâm Thuý Vân, Cardin, Dạ Nhật Yến, Y Phương, Y Phụng, Duy Trường, Tường Nguyên, Tường Khuê... Đặc biệt là Doanh Doanh, giọng hát với phong cách Trung Hoa, Nay Dũng, hình ảnh của người dân tộc Gia Rai, mới định cư tìm tự do tại Hoa Kỳ hay với đôi bạn trẻ Phương Thảo-Ngọc Lễ, với câu chuyện tình đẹp đẽ của thế kỷ này.

 Với sáng kiến đổi mới của Asia, chúng ta không gặp từ đầu tới cuối chương trình một MC duy nhất, mà thay đổi từng đôi nam nữ nhiều lần để tạo không khí khác biệt, đôi khi bất ngờ, thích thú. Từ ngày có MC Leyna Nguyễn của Đài Truyền Hình CBS, K.CAL Hoa Kỳ, và Luật Sư Trịnh Hội về đứng trên sân khấu Asia, chúng ta không còn nhận thấy đây là những MC "tài tử" (vì là thế hệ 1.1/2 nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt) mà chính là những MC chuyên nghiệp đã đem lại nhiều thiện cảm của khán thính giả, với phong thái chín chắn, đối thoại thông minh, vui đùa thanh lịch. Chúng ta cũng không quên nói đến những "video clip" do Trịnh Hội mang về từ những phương trời xa, đã mang lại nhiều điều bổ ích, mới lạ, gây thích thú cho khán giả. Trong cuốn băng này, chúng ta sẽ được xem những "clip" đáng giá về những lời tâm sự cuối đời của vợ chồng nhà thơ Hữu Loan, câu chuyện của gia đình Minh Kỳ về chuyện đi bốc mộ của người nhạc sĩ này và những phát biểu của nhà thơ Yên Thao, Nhất Tuấn, Giang Tử...

Asia 52 (huyền thoại Lê-Minh-Bằng) mang 37 ca khúc của bộ ba Lê Dinh- Minh Kỳ- Anh Bằng đến với khán thính giả, 37 bản nhạc được sáng tác trong thời gian chiến tranh lên đến mức độ cao nhất, những người trai trẻ đều "biệt kinh kỳ" theo nghĩa vụ giữ nước, nên trong cuốn Asia chúng ta sẽ không ngạc nhiên gặp lại rất nhiều hình ảnh của những người lính chiến VNCH, trong các ca khúc "Những Đêm Chờ Sáng", "Biệt Kinh Kỳ", "Em Hậu Phương- Anh Tiền Tuyến", "Đám Cưới Nhà Binh", "Huynh Đệ Chi Binh"...Những hình ảnh này không những là những hình ảnh quen thuộc của đồng bào tỵ nạn CS hải ngoại, mà còn gây xúc động, tưởng nhớ cho đồng bào trong nước, nên chắc chắn không làm vừa lòng chính quyền hiện tại. Những cuốn băng nhạc Asia gần đây càng ngày càng bị ngăn cấm trong nước, và bị công khai lên án bằng những bài báo đầy hận thù và có tính cách lăng mạ được chủ trương bởi nhà nước Cộng Sản.

Càng ở thế đối nghịch, "dị ứng" với chính quyền trong nước, trung tâm Asia lại càng gần gũi thân thiết với cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại và đồng bào ở quê nhà. Chúng ta biết phát hành băng nhạc là một công việc thương mãi, nhưng Asia đã làm thương mãi với một thái độ chính trị minh bạch, được sự hỗ trợ của quần chúng.

Chúng tôi cũng hy vọng nhiều ở khả năng, sáng kiến, cố gắng và lập trường của nhóm chủ trương, tương đối trẻ trung, của Asia sẽ đem lại cho khán thính giả khắp năm châu những giờ giải trí không uổng phí giữa một xã hội bươn chải, vội vàng của thế kỷ hôm nay.

10/2006

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.