Hôm nay,  

Bùi Duy Tâm: Ông "mít Giao Chỉ" Đầu Tiên Tới Bắc Cực

19/08/200600:00:00(Xem: 4351)

LTS. Trong bài du ký này, có chỗ người viết  tự gọi mình là "Mít Giao Chỉ." Trên máy bay từ Oslo trở về San Francisco ngày 26 tháng Tư năm 2006, ông Mít Giao Chỉ viết khoe với các bạn: "Tôi đã đeo cái bảng VIỆT NAM bước chân lên Bắc Cực (Geographic North Pole 90 degrees N.) và được Cơ Quan Quản Lý Bắc Cực của Nga chứng nhận: “BÙI DUY TÂM was the first VIETNAMESE at the NORTH POLE.”

  Xin thêm một ghi chú: Ông Mít Giao Chỉ  của chúng ta đã 72 tuổi khi tới Bắc Cực.  Cám ơn Bác sĩ Bùi Duy Tâm cho phép phổ biến bút ký này. Tựa đề lớn nhỏ trong bài do toà báo đặt thêm.


Bắc Cực không phải là đất liền như Nam Cực. Bắc Cực ở trên mặt biển Bắc Băng Dương (Artic Ocean). Trước kia tầu bè của các nhà thám hiểm đều bị vỡ nát bởi băng tuyết. Chiếc tầu lịch sử FRAM của Nansen được đóng thật chắc thật nhẹ để trôi theo băng thạch lên Bắc Cực (theo dự tính của Nansen). Nhưng sau 3 năm 1893-1895 bị kẹt trong đá băng, chiếc tàu FRAM chỉ tới vĩ tuyến 85 độ 57 phút Bắc. Nansen cùng một bạn đồng hành Johansen bỏ tàu lại cho thủy thủ đoàn. Hai người đi bằng xe chó kéo (dog-drawn sledge) cố lên Bắc Cực nhưng sau gần một tháng cũng chỉ tới được 86 độ 16 phút Bắc rồi phải bỏ về. Tôi đã đến thăm chiếc tàu FRAM lịch sử đó trong Viện Bảo Tàng tại Oslo.

Hiện nay người Nga dùng ICEBREAKER là tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử phá băng lên Bắc Cực trong vòng  30 ngày khoảng tháng Bảy, tháng Tám là lúc băng tuyết mềm nhất. Đi kiểu này như đi du thuyền (cruise) ăn nhậu phè phỡn trong những cabin sang trọng, đầy đủ tiện nghi trong hai tuần lễ rồi nhảy xuống mặt đá băng, mở champagne nâng ly chúc mừng nhau đã tới Bắc Cực. Thật là vô duyên! Không phải phong cách của người thật sự muốn cảm nhận sự sống ở nơi mình tìm tới.

Ngược lại trong khoảng 30 ngày từ cuối tháng Ba đến cuối tháng Tư là lúc băng cứng nhất, người ta có thể đi máy bay đặc biệt lên Ice Camp BARNEO (89 degree N), rồi từ đó lên Bắc Cực (90 degree N) hoặc bằng Ski Cross-Country trong 9 ngày 9 đêm  (rất chán và rất mệt) hoặc bằng Helicopter trong vài giờ (không mệt nhưng không hào hứng).

Xe tăng tuyết, Snowmobil

Tháng Tư 2006. Chuyến đi lên Bắc Cực của tôi bắt đầu từ Longyearbyen (78 độ Bắc) trên đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard trên biển Barents Sea, sát với Bắc Băng Dương (Artic Ocean).

Trước hết bằng một xe tăng trượt tuyết tôi đến một hang băng thạch (glacier) ngầm dưới lòng đất. Lên xuống bằng một lỗ nhỏ vừa vặn cho một người bám dây thừng để leo lên leo xuống chừng 10 thước sâu. Thật dễ sợ! Đường đi dưới hang rất hẹp nhiều khi phải nằm trườn người ra để chui qua. Thỉnh thoảng mới đứng thẳng lên được. Nhưng bù lại, thật kỳ ảo chưa từng thấy trên thế giới này. Đây là băng thạch (glacier) chứ không phải nhũ thạch (stalactite, stalagmite) như mọi hang động khác.

Đoạn đường kế tiếp bằng SNOWMOBILE hơn 200 cây số đường đồi núi với 6 tay Na Uy to như voi lại quen với thủy thổ núi non khí hậu lạnh giá.  Mấy lần tôi mệt quá lỏng tay lái nên đâm xuống hố tuyết.  Cả bọn xúm lại kéo mãi mới lôi được xe và người lên.  Đã vậy thằng trưởng đoàn còn doạ dẫm: "Anh không chạy nổi 50km/giờ thì chúng tôi bắt buộc phải bỏ anh lại cho gấu Bắc Cực (Polar Bear)" và còn dạy dỗ: "Trên sườn núi dốc nghiêng, anh phải đứng lên nghiêng người về bên này, ngả người về bên kia để giữ thăng bằng như ta đây." Nhưng "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ" rút cuộc chính thằng đó cũng húc vào hốc núi gần chết.  Còn thằng Mít già yếu bé nhỏ này vẫn tới điểm hẹn vào nửa đêm chẳng gãy cái xương nào.  (À, nên nhớ ở trên đó lúc này đêm cũng sáng như ban ngày).  Tuy mệt và nguy hiểm nhưng phong cảnh sơn thủy đẹp tuyệt vời, lác đác vài ba con hươu reindeer ngơ ngác trên mặt tuyết trắng phau.

Phi đạo bằng đá băng

Ngày hôm sau nhẹ nhàng hơn nhiều.  Lên máy bay đặc biệt vượt biển Barent Sea qua Bắc Băng Dương (Artic Ocean).  Ngồi trên máy bay ngắm bức thành băng (Ice Edge), ranh giới giữa biển nước và biển băng và mặt Bắc Băng Dương lồi lõm lởm chởm đẹp vô cùng.  Đương say sưa đắc chí với hiện tại so với nỗi vất vả hôm qua thì thằng trưởng đoàn người Nga ra lệnh cởi bỏ một nửa số quần áo bên ngoài ra cho quen với lạnh.  Khi máy bay gầy đáp xuống mới được qua mặt lại, nếu không chút nữa ra khỏi máy bay là chết liền vì lạnh đột ngột.

Phát khóc lên được.  May quá có cô em người Ý, dung nhan thường thường bậc trung nhưng rất tốt bụng, giúp tôi lột quần áo ra rồi lát nữa lại mặc hộ vào.  Tôi không hiểu tại sao bọn da trắng nó cởi ra mặc vào nhanh thế.  Còn tôi thì lúng túng vụng về, nội việc dút chân vào đôi ủng cũng bở hơi tai. 

Máy bay là là hạ cánh xuống phi đạo đá băng… Nhưng sao lại ngoi lên rồi chúc xuống ba bốn lần mới đáp  hẳn xuống được.  Thì ra hôm nay trời nắng phi đạo đá băng chảy mềm nhũn bố nó ra rồi.  Phải kiếm chỗ cứng hơn mới đáp được.  Mẹ ơi.

Thêm một độ N, 10,000 đô

Đây là Ice Camp của Nga có tên là Barmeo, 89 độ N cách Bắc Cực có một độ thôi.  Mọi người đều vào lều co ro ngồi ăn súp borsch của Nga và nhận diện nhau: 8 ông người Ý, 2 cô người Ý (1 cô vừa giúp tôi mặc quần áo và một cô khá đẹp ăn mặc điệu như tài tử xi-nê, 1 ông người Mỹ và 1 cô Nhật Bản.  Kể cả anh chàng trưởng đoàn người Nga và tôi nữa là mười bốn.

Bên phải tôi là David Hoffman người Mỹ ở Washington, DC.  Bên trái tôi là ông già người Ý 70 tuổi mặt mũi nhăn nheo. Trừ tôi ra ông là người nhiều tuổi nhất trong đám.  Cô Nhật Bản thấy có mình tôi là dân Da Vàng đồng chủng với cô nên lại làm quen xưng tên là Tami, rủ tôi ra ngoài chụp ảnh.  Thật gãi đúng chỗ ngứa, tôi đương lo không có ai chụp ảnh cho mình. Thế là đôi chim Đông Phương tung tăng đi chụp ảnh ngoài trời băng giá -25 độ C trong khi bọn mũi lõ mắt xanh ngồi ru rú trong lều ăn cheese uống rượu vang hâm nóng, nói chuyện ồn ào.  Tôi biết người Nhật có tính tự hào dân tộc rất cao nên đọc cho cô ta nghe một bài thơ Haikj của Basho, một thi sĩ Nhật rất nổi tiếng, nhân trời hôm nay có nắng tuyết đương tan:

"Xuân gần tàn

Chim tràn lệ

Con cá mắt rưng rưng"

Em Nhật cảm động quá, cao hứng hát tặng lại tôi một bài dân ca Nhật và tôi cũng ề à phụ họa theo:

"À Shì ta há ma à bê ề ô.."

(Hãy ra ngoài biển ngắm sóng xô bờ

Biết bao chuyện xưa dấu ở đó, bạn nhỉ)

Bắc Cực Tuyến (Arctic Circle) ở vĩ tuyến 66 độ N. Phía trên Bắc Cực Tuyến là miền Bắc Cực (arctic zone). Longyearbyen ở 78 độ N và Ice Camp Barneo, chỗ chúng tôi đương ở bây giờ là 89 độ N. Chỉ còn 1 độ nữa là lên tới Geographic North Pole 90độ N (Bắc Cực 90 độ Bắc hay nôm na là Bắc Cực thật sự). Chỉ một đoạn đường này để lên 1 độ cuối cùng, tôi phải trả thêm 10 ngàn đô la.

Lái xe chó kéo

Và bây giờ một số trong chúng tôi sẽ lên đường bằng Ski Cross Country. Ở xứ tuyết băng, không cuốc bộ được vì trơn (icy snow) hay lún (powder snow) nên phải dùng ski (2 miếng ván dài) để đi trên băng tuyết. Vậy Ski Cross Country chỉ là đi bộ thôi. Chẳng có gì hấp dẫn cả. Chán lắm các bạn ạ!

Theo kế hoạch của tôi, chỉ đi cross country ski 10 cây số thôi để nếm cho đủ mùi.

Sau đó, chúng tôi tới trạm xe chó kéo (dog sledging hay dog drawn sledge).

Lũ chó huskies này được nuôi bằng một thứ đồ ăn đặc biệt cao năng lượng. Mỗi con nhốt trong một chuồng gỗ rất nhỏ ngoài trời. Chúng tôi được chỉ cách buộc chó vào xe. Sáu con chó kéo một cái xe. Lòng xe đựng hành lý. Mỗi người chúng tôi đứng sau lái xe. Thật ra có cần lèo lái gì đâu. Người hướng dẫn lái xe số 1. Sau khi dặn dò gì với lũ chó bằng ngôn ngữ chó (") rồi nó hô lên một tiếng, thế là lũ chó thi nhau sủa gâu gâu rồi ào ào nối đuôi chạy theo. Lái xe chó kéo khá thú vị và ít mệt nhưng lạnh lắm. 

Đi chừng 30 cây số đến chỗ băng cứng, đã có trực thăng chờ sẵn để đưa chúng tôi lên Bắc Cực 90 độ N.

Bắc Cực thật sự: 90 dộ N

Trên trực thăng có sẵn một đoàn khác gồm có 5 người Nga. Trực thăng bay chừng một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Phải lượn qua lượn lại một lúc lâu mới tìm ra được chỗ có băng đủ cứng để trực thăng từ từ đáp xuống.

Mọi người tuôn ra khỏi trực thăng. Nhiều người mang sẵn la bàn hay computer để đo lại trục vĩ độ. David Hoffman, người Mỹ độc nhất trong chuyến này, nhìn vào máy computer đặc biệt của ông ta rồi cho mọi người biết rằng còn thiếu vài giây nữa mới đủ 90 độ N. Thế là mọi người nhao nhao lên... Anh chàng lái trực thăng người Nga bấy giờ mới chỉ tay vào ụ tuyết trắng cách đó chừng vài trăm thước và nói :

"Người ta đã đánh dấu 90 độ N ở cái ụ tuyết đó"

 Tất cả 18 mạng khó nhọc trong bộ đồ Bắc Cực (polar clothes) cồng kềnh và nặng nề như phi hành gia không gian, khệnh khạng tiến tới ụ tuyết. Sau khi đo đạc kiểm soát, đúng là 90 độ N thật. Lúc đó mọi người mới líu ríu chụp ảnh cho nhau. Chẳng ai còn nhớ tới việc mở champagne ăn mừng như ban tổ chức đã hứa hẹn. Bọn Nga và bọn Ý mang theo cờ quạt đi chụp riêng với nhau. Ông bạn Mỹ David Hoffman nhờ tôi chụp hình ông ta đang cầm cái bảng tên công ty của ông. Mà ông ta có tới 2 công ty nên tôi phải chụp 2 kiểu khác nhau cho ông. Người Mỹ thật có khác. Chẳng cần cờ quạt quốc gia quốc hồn gì hết. Chỉ lo cho công việc làm ăn business của mình thôi. Cô em Nhật Bản Tami chẳng có gì để chụp ngoài cái thân thể bó chặt với bộ đồ Bắc Cực như cái bánh tét. Đến lượt tôi, nhẩn nha treo trước ngực cái bảng kẻ chữ: “Việt Nam Bùi Duy Tâm” Bản đồ đường lên Bắc Cực được làm nền (bối cảnh) cho tấm bảng.

Tấm bảng này do Bùi Công Khanh, người học trò cũ của tôi vẽ tặng Thầy và Bùi Duy Việt Hà, con gái đầu lòng của tôi, mắc dây đeo quanh cổ cho Bố.  Ôi! Đeo cái bảng đó trên ngực là mang theo biết bao Tình Quê, Tình Nhà, Tình Bạn lên cái chóp của quả đất này.

Bất cứ ai, ông đi qua, bà đi lại, tôi đều lắp bắp xin bấm dùm cho một cái. Năn nỉ, giải nghĩa các quí ông quí bà chụp hộ cho tôi như thế này, thế nọ... mỏi cả lưỡi. Rốt cục cũng chẳng được cái nào trông ra hồn... 

Còn gần 1 tiếng đồng hồ nữa ở cái nơi lạnh lẽo kinh khủng này (-35 đo C), tôi tìm một góc vắng trên ụ tuyết đúng 90 độ N để suy nghĩ vớ vẩn...

Các Ông Con Trời (Thiên Tử) bên Tàu ngày xưa thường nói: "Ta ngoảnh mặt về phương Nam mà xưng Cô, xưng Quả, xưng Hùng, xưng Bá" Sao không lên đây, chung quanh 360 độ đều là phương Nam mà xưng Cô, Quả, Hùng, Bá với  cả nhân loại trên mặt địa cầu này.

Lại nhớ đến Robert E. Perry, thuộc hải quân Hoa Kỳ, người đầu tiên đặt chân lên tới Bắc Cực vào ngày 9 tháng 4 năm 1909. Ông ta tuyên bố: "Tôi đã treo lá cờ Hoa Kỳ nơi đây mà tôi đã trắc nghiệm thấy đúng là trên trục Bắc Cực của quả đất và nhân danh Tổng Thống Hoa Kỳ, tôi xin chính thức tuyên bố chủ quyền của Hoa Kỳ trên cả vùng này."

Ôi! những kiểu tuyên bố rất  Bành Trướng thực dân đó, nghe mà phát nực. Nước Việt Nam ta, giữ mình còn chưa xong, thì giờ đâu mà lên đến cái chốn Bắc Cực lạnh lẽo này để đòi chủ quyền. Hôm này tên Mít Giao Chỉ này lặn lội lên đây để tỏ tình Hữu Nghị với các cậu và cho các cậu biết rằng: cứ tự nhiên cắm cờ quạt, tha hồ chia chác cái tảng nước đá này. Hãy để cho dân Việt Nam chúng tớ yên ổn là quí rồi.

Nhớ lại cách đây hơn 15 năm, Mẹ tôi ở Hà Nội sang Mỹ thăm con cháu.Tôi đưa Mẹ đến tham quan Tòa Nhà Trắng tại Thủ Đô Hoa Kỳ. Mẹ tôi rất xúc động khi bước chân vào văn phòng Tổng Thống. Tôi xui Mẹ vào toilet tè một cái để trả thù dân tộc (gia đình tôi còn lại ở miền Bắc xuýt chết trong trận Mỹ đánh bom B52 vào Hà Nội hồi tháng Chạp năm 1972). Khi trở về quê nhà, đi đâu Mẹ tôi cũng kể lại câu chuyện thú vị đó. 

Định  để lại một ít DNA của mình trước khi rời Bắc Cực, tôi bèn tìm chỗ vắng người, lần lượt cởi cúc, kéo zip từ ngoài vào trong, tất cả là 7 lớp ...nhưng móc mãi mà chẳng thấy đâu... Lạnh quá teo rồi chăng" Lúc đó chợt nhớ ra cô bạn ở Hà Nội, từng du học tại Nga 12 năm đã dặn dò cẩn thận "Lên đó, anh coi chừng, hở tai ra là rụng tai, hở mũi ra là rụng mũi," Tôi sợ quá, vội vàng đóng 7 cái nắp lại.

Trên đường về

... Chiếc trực thăng đã khởi động, phun khói xám trong bầu trời tuyết trắng. Mọi người lục tục lên máy bay từ giã Bắc Cực để trở về Ice Camp Barneo cách 1 độ về phía Nam. 

Về đến trụ sở Ice Camp Barneo, ban tổ chức cũng là ban quản lý của vùng Bắc Cực, tất cả bọn họ đều là người Nga, đã chuẩn bị sẳn sàng lễ phát chứng chỉ cho những người đã DŨNG CẢM LÊN TỚI BẮC CỰC!!!

Riêng tôi được tay thủ trưởng người Nga ký chứng nhận thêm là người Việt Nam đầu tiên đến Bắc Cực. Ông ta tên là Victor gì đó (tiếng Nga khó đọc và khó nhớ quá!), khoe có bằng Tiến Sĩ về Vật Lý và Toán. Vì tôi đã tới cả Nam Cực (trước đây) và Bắc Cực nên con dấu chứng nhận có hình con gấu Bắc Cực và con penguin Nam Cực.

Đám người Ý ồn ào nâng ly mừng ông bạn Ý già nhăn nheo trên 70 tuổi (đã chụp ảnh ngồi bên trái tôi trên máy bay) là Niên Trưởng của chuyến đi này.Tôi đang định lên tiếng cải chính " Tớ đây còn hơn ông lão đó 2 tuổi. Tớ mới là Niên Trưởng." 

Nhưng vừa chợt thấy cô gái Ý rất điệu như tài tử Sylvana Mangano của ngày xưa, đang ỏng ẹo lượn qua lượn lại nên tôi đành ngậm miệng nhường cái chức vị "liệt lão" cho anh già Ý hết hơi đương run rẩy nhận lời chúc mừng của các bạn mình.

Sau gần 2 giờ đồng hồ tiệc tùng liên hoan ăn nhậu đã đời, mọi người từ giã miền Bắc Cực để trở về lại Longyearbyen trên chiếc phi cơ phản lực đặc biệt. Người đẹp Ý Đại Lợi lên sau cùng lễ phép xin người đàn ông râu xồm nhích sang một bên để ngồi bên cạnh tôi.

Thế là kế hoạch ngáy khò khò của tôi trong 3 giờ bay tiêu ra mây khói. Cô nàng nói chuyện này chuyện nọ, còn tôi thì không biết nói chuyện gì đây... Chẳng lẽ lại khai ra là tôi có đến 12 đứa cháu Nội Ngoại và cũng có những đứa cháu đang học đại học to bằng cô hay sao. Đành khen cô một câu vô duyên:

"Cô đẹp quá ! Cô giống như nàng Lara trong phim Doctor Zhivago "

Cô ta hóm hỉnh trả lời:

"Vậy ông cũng giống bác sĩ Zhivago, nhưng ông có bao giờ bị tù đày như bác sĩ Jhivago không" "

Tôi chợt nhớ cách đây 30 năm trong trại tù (cải tạo) Trảng Lớn vùng biên giới Tây Ninh, tôi vác một cái vỉ sắt gỡ từ trên sân máy bay, dài hơn 8 thước, dưới trời mưa tầm tã, trên thân thể chỉ còn một cái quần xà lỏn rách rưới không kéo lên được mà cũng chẳng kéo xuống được. Các bạn tù trông thấy mà thương hại, gọi tôi "Khổ quá, bác sĩ Zhivago ơi!" 

Bèn khiêm tốn mà trả lời cô nàng:

"Tôi mới đi tù trước sau có 3 lần!"

Cô nàng có vẻ ân hận đã hỏi tôi câu đó và khéo léo đổi sang đề tài  ca kịch Ý.

Có lúc n ghe tôi nói thích aria "Un Bel Di, Vedremo" (Je verrai un beau jour) trong vở nhạc kịch Madame Butterfly của Puccini," cô ta thở ra nhẹ nhõm rồi cất tiếng hát rất  êm dịu: "Rồi đây em sẽ thấy một ngày..."

Máy bay bắt đầu đáp xuống phi trường Longyearbyen. Sau rặng núi xa xa tận chân trời, đỏ rực lên Mặt Trời Nửa Đêm (midnite sun) của miền Bắc Cực. Đẹp vô cùng! 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
ĐẠI NHẠC HỘI BẦU CỬ Rock The Vote Chủ Nhật ngày 18 tháng 2/2024 từ 12 giờ trưa tới 5 giờ chiều tại QT Golden Marketplace & Food Court 9772 Garden Grove Blvd., Garden Grove CA 92844 tổ chức bởi TNS Janet Nguyễn Vào cửa tự do - thức ăn trưa miễn phí.
HỘI CHỢ Y TẾ hoàn toàn miễn phí tổ chức bởi Senator Janet Nguyễn ngày 17 tháng 2/2024 từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều tại Concorde Career College 12952 Euclid St, Garden Grove CA 92840 Nhãn khoa, Y khoa, Nha Khoa và nhiều nữa Hoàn toàn miễn phí
Vào năm 2021, Clever Care Health Plan Inc. (sau đây gọi là "Clever Care") đã đưa ra thị trường một Chương Trình Medicare Advantage được xây dựng dựa trên các dịch vụ nhạy cảm về văn hóa, với thiết kế nhằm duy trì các giá trị văn hóa của những người thụ hưởng chưa được phục vụ đầy đủ, bằng ngôn ngữ ưa thích của họ. Được thành lập bởi Myong Lee và Hiệp Phạm, Clever Care đã kết nối và duy trì thành công một cộng đồng chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, kết hợp y học phương Tây với chăm sóc sức khỏe phương Đông thông qua các dịch vụ toàn diện bằng ngôn ngữ mà người thụ hưởng sử dụng. Dưới sự lãnh đạo của Myong, Clever Care đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể về số lượng hội viên trong kỳ Ghi Danh Hàng Năm (AEP) vừa qua, và hiện đang được dự đoán là một trong 5 chương trình phát triển hàng đầu tại các quận hạt cốt lõi ở Miền Nam California. Chương trình này đã đạt mức tăng trưởng 112% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện đang phục vụ hơn 22,000 hội viên.
Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng đối với nhiều cộng đồng châu Á; cho dù là bạn ăn Tết với cộng đồng người Việt, Tết với người Trung Quốc, hay Seollal với cộng đồng người Hàn Quốc. Tết năm nay là năm Giáp Thìn - năm con rồng – là năm đặc biệt may mắn, nhất là với các gia đình mong chờ một năm may mắn, thành công, và những cơ hội mới. Năm nay, khi tôi suy ngẫm về kỳ nghỉ lễ và đặt ra những dự định cho cả năm; tôi đã chuẩn bị cho sự thành công của mình bằng cách hoàn thành và nộp Đơn Xin Hỗ Trợ Tài Chính Cho Sinh Viên Từ Liên Bang (không tính phí) (FAFSA) 2024-25 trước thời hạn ưu tiên ngày 2 tháng 4.
Khi nghĩ tới con số khoảng 2,000 sòng bài trên toàn nước Mỹ, gồm cả những sòng bài ở Las Vegas và New Jersey, quý vị sẽ hình dung ra được sự cạnh tranh căng thẳng tới mức nào. Và Pechanga Resort Casino, nằm ngay ngoài Temecula, Calif. lại vừa mới được mang tên sòng bài #1 ngoài Las Vegas bởi độc giả tạp chí Newsweek. Tờ báo phát hành toàn quốc này đã mời độc giả xếp hạng những sòng bài 'top 10' 'ngoài Vegas' của mình trong một cuộc thăm dò ý kiến 'online'. Cuộc tranh đua bao gồm cả những cơ sở đánh bài tại các vùng lâu đời như Reno, Nev., Miền Nam, Đông Nam, Tây Bắc Thái Bình Dương cùng những cơ sở khác ở Nam Cali. Kết thúc thời gian bầu chọn dài-nguyên-một-tháng, Pechanga đã là kẻ chiến thắng sau cùng.
Ngày 16 tháng Hai, 2024 – Năm Giáp Thìn đã đến! Để đảm bảo trái cây họ cam quýt mà quý vị tặng người thân trong dịp Tết Nguyên đán này là hiện thân của phúc lộc, may mắn và thịnh vượng, Chương Trình Phòng Chống Sâu Bệnh & Dịch Bệnh Gây Hại Giống Cây Cam Quýt (CPDPP) đề nghị các biện pháp thực hành tốt nhất sau đây để bảo vệ giống cây cam quýt quý hóa của California trong nhiều năm tới.
Hội Chợ Tết lần thứ 42 Với chủ đề “Long Vân Hội Ngộ” do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tưng bừng trong ba ngày từ thứ Sáu ngày 9 đến Chủ Nhật ngày 11 tháng 1 năm 2024 tại OC Fair & Event Center hàng chục ngàn người tham dự.
Trên Đại Lộ Bolsa (Đại Lộ Trần Hưng Đạo) vào sáng Thứ Bảy ngày 10 tháng 2 năm 2024 nhằm ngày Mùng Một Tết Giáp Thìn , hàng ngàn đồng hương về từ khắp nơi đã tham dự cuộc diễn hành Tết do Thành Phố Westminster tổ chức. Như quý đồng hương đã biết, Diễn Hành Tết là một truyền thống của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Little Sài Gòn, Nam California đã có hơn 20 năm qua nhằm mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hóa cổ truyền của dân tộc tại quê người.
Tết Giáp Thìn năm nay, theo dương lịch, nhằm ngày thứ Bảy 10/2. Cuối tuần qua có những sinh hoạt văn hóa châu Á tại các thành phố San Francisco, San Jose, Oakland ở miền bắc California, là những nơi có đông người Việt sinh sống. Sau mưa giông kéo dài đã có nắng lên nên từ đêm giao thừa và trong hai ngày đầu năm nhộn nhịp với sinh hoạt đón Tết...
Năm nay Mồng một tết Giáp Thìn là ngày 10 tháng Hai dương lịch. Trong nền văn hoá Việt Nam, rồng chiếm một vị trí đặc biệt , bởi vì theo truyền thuyết thì chúng ta là con cháu của tiên nữ Âu cơ và Lạc Long Quân, chúa tể loài rồng. Với một người mẹ tiên, dân tộc ta là một dân tộc có nhiều ước mơ. Chúng ta mơ ước gì? Chúng ta mơ ước tự do––tự do trong tư tưởng và trong cuộc sống. Vì tổ tiên ta là rồng, chúng ta là những con người tràn đầy sức mạnh và nhiệt khí. Vậy chúng ta dùng sức mạnh trong nhiệt huyết của mình để làm gì? Để cam chắc nền tự do cho chúng ta và cho mọi người khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.