Hôm nay,  

Virginia: Phật Tử Việt Dự Lễ Vu Lan Tại Chùa Hoa Nghiêm

16/08/200600:00:00(Xem: 3037)

Virginia.-       “Thật đau xót nỗi bâng khuâng chiều vắng lặng

Nào vào ra còn đâu nữa bóng mẹ hiền!”

“Có những cõi lòng lạnh tái tê

Bơ vơ lạc lõng lối đi về

 Song đường khuất bóng từ thơ ấu

Hai tiếng yêu thương mãi gọi về.”

Trong văn hóa, văn chương Việt Nam có không biết bao nhiêu ca dao, thi ca, âm nhạc ca ngợi tình mẹ thiêng liêng. Trên thế gian này tình cảm nào rồi cũng nhạt phai với thời gian, chỉ có tình mẹ thương con là thiêng thu bật tận. Mẹ thương con dù con bao nhiêu tuổi già đi nữa  và Mẹ thương con cho đến giây phút cuối cùng của  đời mẹ.

Chữ “Hiếu” trong đạo Phật vô cùng quan trọng. Đạo Phật cũng được gọi là Đạo  “Hiếu”, cho nên hằng năm vào dịp Rằm Tháng Bảy Âm Lịch  hầu hết các chùa VN đều tổ chức Lễ Vu Lan để Phật tử có dịp cầu nguyện cho hương linh Cửu Huyền Thất Tổ được siêu sinh tịnh độ và phụ mẫu hiện tiền có được đời  sống an lành, phước lộc. 

Chùa Hoa Nghiêm đã trang trọng cử hành Đại  Lễ Vu Lan Phật Lịch  năm 2550 vào lúc 12 giờ trưa ngày 12 tháng 8, 2006 trong khuôn viên chùa ở Fort Belvoir, VA. 

Sau ba hồi chiêng trống bát nhã, Quý Thầy Thích Kiến Khai, Thầy Minh Điền,  Sư Cô Diệu Đạo..  quang lâm đến Phật Đài. Các em  trong Gia Đình Phật Tử Hoa Nghiêm  đã thành kính dâng hoa cúng Phật. Sau đó quý Chư Tôn Đức cùng phật tử khai kinh cầu nguyện.

Sau lễ Thầy Thích Minh Điền giảng một thời pháp về  Lễ Vu Lan.

Thầy  nói,  trong vạn pháp trùng duyên: Cây cho hoa và cho trái, mặt trời cho diệp lục xanh tươi, cha mẹ cho ta bằng cả đời người. Nhìn về quá khứ với bao đời tổ tiên hiện hữu ở  trong ta. Nhìn về tương lai ta và bao đời tổ tiên trải dài vô tận. Vì vậy biết ơn và đền ơn là tri thức đi vào lẽ sống của tình đời.

Đời mất mẹ là mất cả bầu trời  êm ấm, nhờ vào bầu trời tình thương của mẹ mà chúng ta được lớn khôn. Một người sớm mất mẹ sẽ trống vắng  tình người. Giá trị nhân bản bắt nguồn từ tình cảm thiêng liêng của mẹ và cha. Có những người may mắn còn mẹ cha  thì hãy thấp sáng hiện hữu.

Được biết hai chữ Vu Lan dịch âm từ tiếng Phạn: ”Vu Lan Bồn”, có nghĩa là cứu tội người đang bị đọa trong địa ngục. Theo truyền thống VN trong Lễ Vu Lan , sau khi cúng kiến ông bà cha mẹ ,  có tục lệ  “Mông sơn thí thực” , có nghĩa là cúng cô hồn, bố thí thức ăn cho những oan hồn, uổng tử.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ chuyện Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử của Đức Phật Thích Ca, có mẹ là Bà Mục Liên Thanh Đề đã gây nhiều tội ác thuở sinh thời, nên khi chết bị đọa vào địa ngục, làm ngạ quỷ đói khổ. 

Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, chứng quả A La Hán đã vận dụng thiên nhãn để tìm mẹ, rất xót thương thấy mẹ bị đọa đày trong địa ngục. Phật dạy,  sau ngày Tự Tứ, sau ba tháng an cư kiết hạ, quý Chư Tăng có tâm thanh tịnh, có năng lực giải trừ tội lỗi, ách nạn. Vì vậy vào ngày Rằm Tháng Bảy  nên đem lễ vật cúng dường và xin Chư Tăng, hiền thánh cầu nguyện cho mẹ, thì cha mẹ quá vãng cũng như hiện tiền đều được nhiều phước đức.

Ngài Mục Kiền Liên vâng lời, làm như lời Phật dạy. Mẹ Ngài, Bà Mục Liên Thanh Đề  được thoát kiếp ngạ quỷ và sinh lên cõi Trời. Từ đó Phật Tử theo gương Ngài Mục Kiền Liên tổ chức Đại Lễ Vu Lan  vào ngày Rằm Tháng Bảy để cầu nguyện cho cha mẹ.

Ở Nhật, trong ngày  nhớ ơn mẹ có phong tục cài hoa hồng lên áo. Người nào còn mẹ thì được cài hoa  hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì cài hoa hồng trắng. Nhà Sư Thích Nhất Hạnh đi Nhật thấy phong tục này có ý nghĩa nên đã du phập vào VN. Phong trào “Bông Hồng Cài Áo” trong ngày Lễ Vu Lan được Phật Tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó. Bản nhạc “Bông Hồng Cài Áo” thơ  của Nhà Sư  Nhất Hạnh  được  Phạm Thế Mỹ phổ nhạc được hát rất nhiều trong dịp Lễ Vu Lan.

Trở lại chương trình  Lễ Vu Lan ở Hoa Nghiêm, các em trong Gia Đình Phật Tử Hoa Nghiêm đã đến cài hoa hồng trắng hay đỏ trên ngực áo các phật tử, cùng lúc  Chân Minh Giới hát hai bản nhạc về  thiền do Chân Minh Tuệ sáng tác. Tuyết Mai diễn ngâm bài thơ “Võng Mẹ” của Nữ sĩ Vi Khuê..

Thầy Kiến Khai, trụ trì chùa Hoa Nghiêm viết trong Đặc San Vu Lan, Đạo Phật chủ trương chết chưa phải là hết, mà phải luân hồi trong nghiệp báo mà mình đã gieo trong kiếp này. Nếu con cái chỉ đem  vật chất ra đền đáp công ơn cha mẹ, thì không thể nào đền đáp đầy đủ công ơn trời biển của mẹ cha. Phật dạy,  cách trả ơn quý báu nhất là giúp cha mẹ có lòng tin nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Con cái nên đền đáp công ơn cha mẹ bằng càch giúp cha mẹ hiểu và có lòng tin ở luật “Nhân - Quả”, làm lành, tránh dữ. Giúp cha mẹ nuôi dưỡng và phát triển tứ vô lượng tâm: Từ, Bi,  Hỷ,  Xả .

Được nhu vậy cha mẹ sẽ có đời sống an lành, yên vui trong hiện tại, nên khi  ra đi sẽ  được thanh thản vãng sanh về cõi Trời. Chỉ có cách này mới đền đáp được trọn vẹn công ơn dưỡng dục sinh thành của mẹ cha.

Từ Việt Nam,  ngục tù Cộng Sản,  nhân lễ Vu Lan,  Hoà Thượng Thích Quảng Độ có lần nói về địa ngục trần gian như sau:  Ở đâu có khổ đau ở đó có địa ngục; ở đâu có ác tâm, ở đấy có địa ngục; ở đâu có đàn áp, nhục hình ở đó  có địa ngục, ở đâu  ý chí và ngưỡng vọng con người bị vùi dập, ở đấy có địa ngục. Trong ý nghĩa về địa ngục như thế, người Phật tử phải biết rằng nếu không có tâm Đại Bi thì không thể nào giải thoát  ra khỏi  địa ngục.

Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng nói về xã hội đầy tệ đoan hiện nay ở VN. Đơn  vị gia đình bị hủy hoại. Lòng hiếu thuận biến thành niềm tham luyến,  hiếu lợi. Tiền tài, danh vọng là thước đo cảnh sống trăm năm hư ảo. Cha mẹ, tổ tiên, tổ quốc.. đang là những chiếc bóng mờ  đi ra khỏi trái tim và trí não con người. Đây chính là địa ngục thường trực vây kín con người trong xã hội ngày nay. Và cũng chính ngày nay đây hình bóng Tôn giả Mục Kiền  Liên đi cứu Mẹ là tiếng kêu cảnh tỉnh, để con người thôi là những đứa con hoang, côi cút, dù đang sống phủ phê trong danh lợi, bạc tiền.  Một tiếng kêu cảnh tỉnh để trả lại mẹ cha, tổ tiên, tổ quốc cho con người.

Phải sống và chết trong Hiếu Hạnh thì mới thánh hoá những kiếp đời và tịnh hóa nhân gian. Bằng Hiếu Hạnh  Phật tử VN đang góp phần tích cực đòi lại Nhân Quyền cho người sống và linh quyền cho người chết.

Thực  hiện Hiếu Hạnh  là đem tâm Đại Bi mà che chở, đem Đại Từ mà  làm lợi ích, đem tâm vô uý mà bảo vệ con người và chúng sinh trong thời đại hiếu sát, bức hiếp ngày nay. Được như vậy Mùa Vu Lan báo hiếu trở thành ngày Tết hiếu thuận với tổ tiên và hòa lạc nhân loại. Cũng do hạnh lợi tha mà các vọng tưởng tan biến, nghi ngại không còn, khủng bố  chấm dứt, quê hương thành tịnh độ, thế giới địa ngục, trần gian họp hội Long hoa.

Trong nắng ấm và gió nhẹ các Phật tử chùa Hoa Nghiêm vừa theo dõi văn nghệ vừa thưởng thức những thức ăn chay ngon miệng, trong niềm vui mừng Vu Lan Thắng Hội.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.