Hôm nay,  

Kỷ Niệm Bồ Tát Quảng Đức 43 Năm Vị Pháp Hy Sinh

27/06/200600:00:00(Xem: 2165)

Chư vị Tăng Ni các hàng giáo phẩm chụp hình lưu niệm với một số Phật tử. Người mặc bộ trang phục màu xám sậm phía phải là cựu trung tướng, cựu nghị sĩ Tôn thất Đính.

CHÙA HUỆ QUANG (Garden Grove) . - 43 năm sau khi "tự thiêu thân giả tạm để cúng dường Chư Phật và hồi hướng công đức bảo tồn Phật Giáo" (căn cứ theo Lời Tâm Huyết viết trước khi xả thân), Bồ tát Thích QUẢNG ĐỨC đã được quí Thầy cùng Cư sĩ hậu bối của Ngài nguyện noi theo tinh thần Từ Bi-Trí Huệ, giải quyết mọi vấn đề trên sự hòa hợp, quán chiếu Như Lai Thiền của Ngài để tu tập, tạo sức mạnh, niềm tin cho dân tộc Việt Nam.

Quí Thầy nói, "Hôm nay, bốn mươi ba năm sau, ngọn lửa từ bi vẫn sáng rực nơi người Phật tử VN. Lửa từ bi đã đốt cháy độc tài gia đình trị, nay đang và sẽ tiếp tục đốt cháy độc tài chuyên chế để giành lại cho VN tự do và hạnh phúc."

Các ý tưởng trên được bày tỏ bởi Hòa Thượng Thích Thắng Hoan và Thượng Tọa Thích Nguyên Trí, trong buổi đại lễ tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức do một số tự viện lớn Nam Cali tổ chức ở chùa Huệ Quang chiều Chủ Nhật 25-6. Lễ qui tụ ngót 130 Tăng Ni các hàng giáo phẩm thuộc nhiều tông phái và Giáo hội Phật Giáo VN Thống Nhất tại hải ngoại, cùng nhiều trăm cư sĩ, các huynh trưởng cùng đoàn viên  GĐPT. Trong số cư sĩ, có mặt cựu trung tướng Tôn thất Đính.

Trưởng ban tổ chức buổi lễ tưởng niệm, Thượng Tọa Thích Nguyên Trí nói trong diễn văn khai mạc: "Hành động vị pháp xả thân của Bồ tát Thích Quảng Đức vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 và chư Tăng Ni Phật tử, đã đánh dấu một thời kỳ tôn giáo bị đàn áp và đã viết lên trang sử giáo tràn đầy bi trí dũng của Phật Giáo VN. Ngọn lửa đại hùng, đại lực, đại từ bi của Bồ tát Thích Quảng Đức và chư Tăng Ni Phật tử đã nêu cao lý tưởng chánh pháp, để lại một bài học cho lịch sử và tạo sự khâm phục cũng như ngưỡng mộ của toàn thế giới."

"Bồ tát Thích Quảng Đức đã gửi lời nhắn nhủ cuối cùng đến Tổng Thống Ngô đình Diệm, "Ông nên lấy lòng từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở".

Bài diễn văn dẫn chứng nhiều sự kiện lịch sử cho thấy chế độ độc tài Ngô đình Diệm đã bức hại nhiều tôn giáo khác nữa, lời cảnh báo của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam "một chế độ gia đình trị thiếu dân chủ như chế độ Ngô đình Diệm sẽ làm cho đất nước mất về tay Cộng sản".

Thầy Nguyên Trí nói nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng "chính chế độ Ngô đình Diệm phải chịu trách nhiệm là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ ngày 30-4-1975. Sau khi lật đổ quốc trưởng Bảo Đại để lên làm Tổng Thống, thay vì xây đựng một chính quyền dân chủ tự do để lôi cuốn lòng dân, ông Ngô đình Diệm cho thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị tại miền Nam để tương xứng với chế độ độc tài đảng trị ở Miền Bắc. Chính sách cai trị độc tài, chế độ công an mật vụ theo dõi khủng bố thành phần quốc gia đối lập, đã khiến quần chúng bất mãn,không ủng hộ chính quyền như những năm từ 1955 đến 1958 nũa!"

Ngoài việc tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, TT Nguyên Trí nhắc tới các vị khác xả thân vì Đạo trong cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng năm 1963: Thượng tọa Thích Tiêu Diêu, Thích Thiện Lai, chư Đại đức Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương, Thiện Mỹ, Thiện Huệ, Như Hải, Huệ Hồng, Hạnh Đức, Sa Di Giác Thành, chư Ni Diệu Quang, Diệu Tri, Thanh Quang, Trí Túc, Trí Chơn, Huệ Lạc, Thông Tuệ, Liên Tập,.v.v. Hàng Phật tử có các cư sĩ: Hồng Thể, Yến Phi, Nguyên Sanh, Thị Văn, Ngọc Tuyền, Tâm Bạch, Thị Huê, Nhất Chi Mai, Tâm Mậu,.v.v.

Trong đạo từ ôn hòa của vị chứng minh đại lễ, Hòa Thượng Thích Thắng Hoan nói: "Đạo Phật là đạo của từ bi, không hận thù. Nhờ tánh từ bi, đức Phật đã giải thể  các chế độ độc tài, nô lệ của vua thời đó. Năm 1963, trước cuộc tranh đấu tự do tín ngưỡng, Bồ tát Quảng Đức đã đem tự thân thiêu thân nhằm cảnh tỉnh, thức tỉnh lương tri chế độ. Đó là Như Lai Thiền, dùng thần lực của Như Lai hội tụ vào, tập trung vào trái tim nên ngồi giữa biển lửa mà không thấy đau đớn. Nhờ thần lực Như Lai phát tán ra toàn cầu cùng dân tộc VN, ma mọi lương tri thức tỉnh. Đó là ý nghĩa buổi lễ tưởng niệm, chớ không phải tưởng niệm chỉ là nhắc đến lịch sử sáng chói của cá nhân Bồ tát. Bồ tát tự thiêu để cúng dường và truyền bá chánh pháp, kêu gọi lương tâm mọi người (dù có là Phật tử hay không) hãy giải quyết mọi vấn đề trên sự hòa hợp, trong tinh thần Trí Huệ và Từ Bi. Chúng ta hãy quán chiếu tinh thần Ngài nêu, quán chiếu Như Lai Thiền của Ngài để tu tập, xây dựng đạo đức, xây dựng quê hương mới trên đất nước đa chủng Hoa Kỳ này. Những Phật tử trí thức càng có trách nhiệm tiên phong hơn!"...

Trong tài liệu được Tổng Hội Cư Sĩ VN phân phát tại chỗ, có phần lược sơ tiểu sử của Bồ tát Thích Quảng Đức. Tiểu sử này sau đó được Thượng Tọa Thích Quảng Thanh đọc trước buổi lễ. Tại chùa Bảo Quang hiện có pho tượng Bồ tát cùng tiểu sử của Ngài khắc trên nền đá Non Nước khu Ngũ hành Sơn, Quảng Nam, VN.

Theo tài liệu dẫn chứng lịch sử: "Trong cơn pháp nạn 1963, Phật giáo VN đã bị chế độ độc tài gia đình trị và chính sách kỳ thị tôn giáo của Tổng Thống Ngô đình Diệm dùng luật lệ bất công, xử dụng bạo lực công an, dùng quân đội đàn áp dã man. Các chùa bị tấn công, Tăng Ni bị bỏ tù. Phật tử cũng bị tù đày, mạ lỵ, đánh dập tra tấn, thủ tiêu vì đã đòi quyền hành đạo hoặc không chịu bỏ đạo để cải sang đạo Thiên Chúa.

Ngày 11 tháng 6 năm ấy, nhân cuộc diễn hành của cả ngàn Tăng Ni, khi đến ngã tư Lê văn Duyệt-Phan đình Phùng, Ngài đã ngồi kiết già giữa đường, tự đổ xăng và châm lửa đốt mình. Lửa phủ kín và Ngài vẫn ngồi yên trong 15 phút cho đến khi nhục thể ngã về phía sau. Sau đó, khi hỏa thiêu nhục thể, quả tim Ngài vẫn còn nguyên dù được đốt lại nhiều lần. Đó là quả tim Bất Hoại!"

"Tiếc rằng Tổng thống Ngô đình Diệm vẫn không cảnh tỉnh. Cho nên ngày 1-11-1963, chính quân đội dưới quyền ông đã đạp đổ chế độ độc tài, thảm sát ông và người em cố vấn".

Trong hàng ghế đông đảo cư sĩ, người ta thấy có mặt quý ông Trần văn Kha, Vĩnh Hảo, Mật Nghiêm, Huỳnh tấn Lê, Trần hiện Quán, Lê quang Dật, Kiều Dung, v.v. và ông bà cựu nghị sĩ Tôn thất Đính. Vị  nghị sĩ nguyên là trung tướng này giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền đệ nhất Cộng Hòa, trước và sau khi cuộc tự thiêu xảy ra, từng được tiếng là hỗ trợ phía Phật Giáo khi cuộc tranh đấu diễn ra. Ông vào Thượng Viện trong liên danh Hoa Sen của cố nghị sĩ Vũ văn Mẫu, từng là Bộ trưởng Ngoại Giao thời cố TT Diệm, nhưng khi ấy liền từ chức phản đối chính sách đàn áp Phật giáo.

Sau buổi lễ, quí vị Tăng Ni cùng một ít Phật tử chụp hình lưu niệm cho buổi đại lễ tưởng niệm Bồ tát QUẢNG ĐỨC cùng các vị khác xả thân vì đạo Pháp. (Tin và ảnh: Nguyễn Hiền)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.