Hôm nay,  

Sách Mới Nhã Ca: Đường Tự Do, Saigon (34)

19/06/200600:00:00(Xem: 1778)

Bìa sách “Đường Tự Do, Saigon”

Lần đầu tiên, ‘Đường Tự Do, Saigon’ trường thiên tiểu thuyết của Nhã Ca được ấn hành thành sách. Sau hơn 40 tác phẩm đã xuất bản, đây là bộ sách “nặng ký” nhất của Nhã Ca: 4 cuốn, 2, 560 trang.

Tiểu thuyết ‘Đường Tự Do, Saigon’  đã đăng tải trên Việt Báo liên tục hơn 10 năm, từ 1993 tới 2003. Sau hai năm sửa chữa, thêm bớt, tác phẩm được sắp xếp thành bộ truyện gồm 4 cuốn.  mỗi cuốn 640 trang, có cốt truyện riêng, nhân vật riêng,  tình tiết riêng.  Tất cả hợp lại thành một trường thiên tiểu thuyết viết về những nhân vật và khung cảnh khác thường của Saigon đổi đời sau 1975. 

Sách ‘Đường Tự Do Saigon’ cuốn đầu tiên 640 trang, ấn phí 24 mỹ kim, hiện đã phát hành khắp nơi. Xin hỏi tại các hiệu sách địa phương. Bạn đọc ở xa có thể liên lac với Việt Báo đặt sách gửi tận nhà, trả bằng chi phiếu, lệnh phiếu hay thẻ tín dụng, 24 mỹ kim kể cả cước phí.  Sau đây, Việt Báo trân trọng giới thiệu mỗi ngày một đọan tiêu biểu trích từ  tác phẩm của Nhã Ca. 

Đường Tự Do Saigon:

34. Bu nghĩ không ra!

Cái loa cuối xóm bắt đầu kêu đánh thức thiếu nhi thôn quê dậy tập họp, tập thể dục trước khi ra đồng hét tướng tới muốn rách màn nhĩ con người ta. Bà Muội bừng tỉnh. Sáng chói như đang trưa mùa hè ở quê nhà. Dụi mắt. Không phải, cái thứ ánh sáng đèn điện trắng sữa bệnh hoạn ghê ghê, và bà như đang bồng bềnh trên mặt nước.

Nhớ ra rồi, lưng bà êm ái trên nệm, bà đang ở trung tâm thành phố mang tên bác. Đêm qua thao thức làm bà dậy muộn. Thường bà dậy sớm lắm, khối việc ra mà làm, làm đến tối mịt vẫn chưa hết việc. Còn hôm nay, tay chân rảnh rang cũng làm bà khó chịu. Bà vào phòng tắm rửa mặt súc miệng. Súc miệng thôi, chớ cái bàn chải đánh răng chị Mùi hướng dẫn để sẵn, bà dùng không quen. Gớm, trong Nam này rắc rối thật, mỗi người có bàn chải đánh răng, khăn mặt riêng. Ở quê, bà chỉ súc miệng, vỗ nước lên mặt, xoa xoa mấy cái bằng bàn tay rồi kéo vạt áo lên quệt cái là xong. Bữa nay bà mới có thì giờ nhìn kỹ cái phòng tắm. Lạ quá, tắm phải đứng trong cái bồn bằng sứ. Còn cái cầu tiêu cao chênh vênh vậy, làm sao ngồi. Bỏ hai chân lên mà ngồi cao quá, mà trắng bóc, láng trơn, có mà ngã bưu đầu ra chứ lỵ.

“Mẹ dậy rồi hả mẹ"”

Bà vừa ló đầu ra đã đụng mặt Bảnh.

“Sao mẹ dậy sớm thế.”

“Thế “lày” mà còn sớm “lỗi lào”. Anh không nhớ à, ở ngoài quê mình, bu dậy từ lúc gà gáy kia.”

“Mẹ đừng so sánh vậy. Trong này người ta sống sướng lắm. Ngủ phải tới chín mười giờ sáng.”

“Giờ mấy giờ rồi"”

“Có tám giờ sáng, mẹ.”

“Chết chửa, ngủ tới tám giờ cơ à...”

“Hay mẹ đói bụng rồi. Con kêu con Mùi hâm cháo nóng cho mẹ nhé.”

“Gượm, đợi chị ấy dậy rồi cùng ăn luôn thể.”

“Mẹ đói cứ ăn trước, nhà con mười giờ mới dậy.”

Bà mẹ ngớ cả người, trố mắt nhìn con. Chưa đời thủa nào bà thấy con dâu ngủ tới mười giờ sáng. Từ lúc tỉnh dậy tới giờ, bà thấy nhà cửa lặng thinh lặng ngắt. Một lát mới thấy chị Mùi mở cửa sau đi vào. Hỏi, chị bảo đưa hai cô đi đến trường. Chị Mùi cho biết hai cô là con của bà chủ. Trời cao đất dầy ơi, con bà là trai tân, sao lại lấy đàn bà có hai con" Mấy chuyện này anh Cả dấu biệt, bà chẳng hay biết gì.

Chị ở dọn cháo, đang đói, bà ăn lấy no, chớ thật tình, trong lòng bà trăm mối ngổn ngang, chẳng biết ngon hay dở nữa.

Ông con xuống hỏi thăm bà mấy câu cho có lệ, rồi loay hoay nấu nước, pha cà phê.

“Anh Cả “nàm” gì thế"” Bà hỏi.

“Con nấu nước pha cà phê. Mẹ uống thử nhé.”

“Trên tàu bu có uống thử, đắng đắng là...”

“Mấy thứ cà phê bắp rang cháy đâu có ngon gì mà mẹ uống. Để con pha mẹ uống thử, bảo đảm nghiện luôn.”

Bà để ý giọng nói thằng Cả, tiếng Bắc lai Nam nghe không có vẻ lịch sự cho lắm. Nhưng coi tướng tá thằng con càng nhìn càng ưa. Những nét giống ông ấy đâu hết rồi" Thằng Cả vẫn giống cha, nhưng ông ấy cục mịch quê mùa, không so bì được. Bảnh thấy mẹ nhìn mình rồi cười cười, hơi ngượng.

“Bu nghĩ không ra, hẳn là anh Cả giống thày như tạc, nhưng bu thấy anh Cả giống mà vẫn khang khác..."”

“Lại bu nữa, phải xưng mẹ cho quen. Con giống thày mà lại khác thày, mẹ nói con không hiểu...”

“Ừ, lạ nhỉ" Có giống mà có khác, anh Cả trông bảnh hơn.”

“Thì con là Bảnh mà.”

Bà ngoác miệng ra cười. Nhưng lưng chừng, nụ cười khựng lại. Thằng Bảnh thì như vậy, coi đã Bảnh lắm, còn thằng Bao, sao lại lủi vô bóng đêm và sống ở cái ga tầu hỏa"

“Này anh Cả...”

“Gì, mẹ"”

Đang băn khoăn trong lòng, nghe thằng Cả gọi tiếng “mẹ”, bà cảm thấy như được rửa bớt một lớp bùn quê mùa. Cẩn thận nhá. Đừng xưng là bu nữa. Bà tự nhủ:

“Mẹ lo chuyện thằng Bao, hai anh em sao không đùm bọc nhau" Mẹ muốn biết hiện giờ nó ra nàm sao"”

Bà đã sửa được tiếng “bu” cứ chực ở miệng.

“Chuyện không nói xong một lúc, rồi mẹ sẽ hiểu thôi. Thằng Bao tuy chưa có nhà cửa nhưng dầu sao đã vô tới miền Nam, dù nó có phải đi ăn mày trong này cũng không đến nỗi chết đói.”

“Mẹ biết, anh Cả thương em, thương gia đình. Bu...à mẹ, một đời cực khổ nuôi các anh chị...”

Ly cà phê đã xong, Bảnh khui hộp sữa đặc.

“Mẹ uống cà phê với sữa không đắng đâu.”

“Ừ, anh để đó. Bu...à mẹ muốn nói tới con Hợp. Lấy chồng có hai năm nách hai đứa con, thằng chồng bị tai nạn nao động, gãy cột xương sống nằm một chỗ... Gì cơ" Anh nói trợ cấp" Trợ cấp là cái gì" Tiền nhà nước bồi thường... bu chưa nghe qua bao giờ. Em nó vất vả lắm, năm ngoái không nhờ số tiền anh gửi về, bu... à mẹ chia cho thì đã chết đói cả nũ.”

Bảnh nhăn mặt. Để có số tiền năm ngoái gửi về cứu nguy gia đình, hắn đã phải làm đủ chuyện, từ phỉnh chị Mùi tới “đi khách” nát nước với bọn bê-đê khu Tự Do này. Nhớ lại còn muốn nổi gai ốc.

“Chị ấy ra sao, con nhà thế nào"”

Bà không dừng được, lại hỏi.

“Mẹ à, sao mẹ lắm thắc mắc thế. Nhà con hiền lắm, chỉ có cái thẳng tính, nói trước để mẹ đừng có chấp.”

“Bu thích người thật thà chứ... nhưng con cái nhà ai"”

Bảnh lại nhăn mặt:

“Mẹ à, mẹ không thể tưởng tượng nổi đâu. Người ta là cành vàng lá ngọc. Con một nhà đại cách mạng, rồi con ghẻ của một ông tướng, rồi con nuôi của chủ tịch nước. Không phải thứ lơ mơ đâu.”

“Lạ chưa. Con nhà đàng hoàng sao cha này cha nọ nhiều thế" Có một mẹ sao nắm cha...”

“Mẹ không hiểu. Thôi, mẹ nhỏ giọng chứ.”

Bảnh lơ láo dòm chừng phía cầu thang, mặc dù hắn biết giờ này bà vợ quí còn trong giấc mơ màng, tỉnh giấc đôi khi qua giờ cơm trưa là chuyện rất thường.

. . .

 

Kỳ tới, trích đoạn 35:  Chị Mùi giảng bài!

NHÃ CA

(Trích Đường Tự Do Saigon)

-------------------------------------

Đường Tự Do Saigon *

Tiểu thuyết Nhã Ca, 640 trang
Đặt sách gửi tận nhà, trả bằng lệnh phiếu hay thẻ tín dụng:
24 mỹ kim kể cả cước phí

 

Liên lạc phát hành: Việt Báo
14841 Moran St.
Westminster, CA 92683
(714) 894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.