Hôm nay,  

Hội Thảo: Nối Kết Các Thế Hệ Người Mỹ Gốc Việt

22/08/200200:00:00(Xem: 4663)
PHOTO: Trong buổi hội thảo về tương quan giữa các thế hệ người VN tại Mỹ.

"Cộng đồng tị nạn Việt Nam hải ngoại sau gần ba thập niên xa quê mẹ đang đối diện với một vấn đề bức xúc: đó là nhân diện (identity) của cộng đồng và của các thế hệ tương lai." Cô Trần Nguyễn Trang Đài, giám đốc Dự Án Nghiên Cứu Việt Mỹ, thuộc Trung Tâm Lịch Sử Cộng Đồng và Truyền Khẩu của đại học Fullerton (CSU, Fullerton) đã mở đầu như trên trong bài nói chuyện với đề tài "Nối Kết Các Thế Hệ Người Mỹ Gốc Việt" vào chiều thứ bảy 17 tháng 8 vừa qua tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Viễn Đông. Đây là buổi sinh hoạt đầu tiên trong loạt diễn đàn mang tên "Diễn Đàn Việt Nam Hải Ngoại" do Trung Tâm Thông Tin Việt Nam (Vietnamese Information Center - VIC) tổ chức nhằm giới thiệu đến với cộng đồng Việt Nam những công trình nghiên cứu về cộng đồng của các chuyên viên hiện nay đang làm việc trong các đại học hoặc cơ quan nghiên cứu.
Được biết Trung Tâm Thông Tin Việt Nam là một tổ chức bất vụ lợi do một số sinh viên và chuyên viên nghiên cứu người Việt thành lập trong một năm qua với mục tiêu thành lập một trung tâm lưu trữ và phân phối thông tin cũng như vận động sự quan tâm của giới chuyên gia về Việt Nam và về người Việt hải ngoại. Để đạt các mục tiêu kể trên, một phần hoạt động của trung tâm là việc tổ chức những diễn đàn, hội thảo, mạng lưới trao đổi thông tin giữa những người có quan tâm. Riêng "Diễn Đàn Việt Nam Hải Ngoại" còn có mục đích nối kết giới nghiên cứu và giới hoạt động cộng đồng.
Trong phần đầu của bài nói chuyện, sau khi so sánh những điểm thuận lợi của cộng đồng Việt với các cộng đồng Á Mỹ khác, cô Trang Đài đã giới thiệu sơ lược về phương pháp nghiên cứu của bộ môn lịch sử truyền khẩu. Khác với phương pháp nghiên cứu định lượng (quantitative), ngành lịch sử truyền khẩu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính (qualitative), tuy đánh mất tính chất biểu trưng đại diện nhưng ngược lại đi sâu vào dược những suy tư tình cảm của đối tượng nghiên cứu. "Phương pháp lịch sử truyền khẩu có tính chất dân chủ và phổ quát vì nó cho phép mỗi cá nhân đóng góp từ kinh nghiệm sống riêng vào một đề tài chung. Hơn nữa phương pháp này rất gần gũi với văn hóa Việt Nam vì nền văn học bất thành văn của chúng ta cũng là nền văn học truyền khẩu," theo lời của cô Trang Đài. Trong hơn bốn năm qua cô Trang Đài đã phỏng vấn trên 50 người từ độ tuổi 18 đến 80 thuộc đủ mọi ngành nghề của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Công trình này vẫn đang được tiến hành và những gì được trình bày trong buổi hội thảo chỉ là một phần kết quả của việc nghiên cứu.
Qua bài nói chuyện, diễn giả đã trình bày những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai thế hệ di dân người Việt 1 và 1.5. Cách phân loại này do các học giả nghiên cứu di dân và sắc tộc học sử dụng trong hơn một thập niên qua: trong khi thế hệ thứ nhất chỉ cảm thấy thoải mái trong ngôn ngữ và sinh hoạt văn hóa của sắc tộc mình thì thế hệ được gọi là 1.5 còn hội nhập được vào nền văn hóa chủ lưu và sử dụng thoải mái tiếng Anh. Bàn về sự tương đồng, theo diễn giả, thế hệ 1 và 1.5 vẫn còn chia xẻ một lịch sử dân tộc và lịch sử di dân tị nạn; chia xẻ những giá trị tinh thần qua các lãnh vực văn hóa, tín ngưỡng, tri thức, nhân bản; và đều phải vật lộn mưu sinh chu cấp cho thế hệ cha mẹ và con cái. Tuy vậy, giữa hai thế hệ này vẫn có những dị biệt sâu sắc. Trong khi thế hệ thứ nhất nỗ lực duy trì nề nếp truyền thống thì thế hệ sau xông xáo vào môi trường mới thử nghiệm mọi cơ hội, đặc biệt là những môi trường có tính thử thách cho cá nhân thuộc các cộng đồng thiểu số sắc tộc. Thế hệ thứ nhất vẫn còn quen thuộc với hình thức tổ chức làng xã và cộng đồng biểu hiện qua những sinh hoạt trong cộng đồng Việt thì thế hệ 1.5 tuy vẫn vận động khu vực nhưng đặt công việc vận động đó trong tương quan toàn cầu. Nhân diện của thế hệ sau là nhân diện người Mỹ gốc Việt trong khi thế hệ trước vẫn còn là nhân diện Việt Nam.
Phần gây nhiều thắc mắc và ý kiến nhất cho cử tọa là phần diễn giả trình bày về sự phê bình của thế hệ này với thế hệ kia. Theo ghi nhận của diễn giả qua những người được phỏng vấn, thế hệ thứ nhất cho rằng thế hệ sau đã đánh mất tri thức văn hóa và dân tộc. quá bàng quan về những sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là những sinh hoạt chính trị, và cảm thấy bị thế hệ sau coi thường và ngược đãi. Thứ hệ thứ 1.5 thì lại cho thế hệ thứ nhất "câu nệ, thủ cựu, lỗi thời," cũng như mỏi mệt và xem những tranh chấp ý thức hệ của thế hệ thứ nhất không phải của mình. Thái độ này thậm chí tiến tới mức cực đoan trong phát biểu của một người được phỏng vấn mà diễn giả đã trình bày lại qua câu "nợ ai người nấy trả."
Kết thúc bài nói chuyện, cô Trang Đài dùng một hình ảnh so sánh: "Di sản của những thế hệ người Mỹ gốc Việt cũng giống như những toa tàu. Nếu thế hệ thứ nhất vẫn còn đang cân nhắc và bận rộn gom góp những vốn liếng quí giá nhất để chất lên toa, mà thế hệ thứ hai đã bắt đầu khởi hành, thì e rằng cái mấu nối sẽ bị văng đi và thế hệ thứ hai sẽ đi vào tuyến đường đa chủng của dòng chính với một toa tàu rỗng không." Do đó vai trò của thế hệ 1.5 trở nên cực kỳ quan trọng vì phải làm mấu nối để hai toa tàu di dân thứ nhất và thứ hai di chuyển nhịp nhàng với nhau cùng hướng tới một cộng đồng Việt Mỹ phát triển.


Nhiều câu hỏi đã được đăët ra trong phần thảo luận về phương thức nghiên cứu và tính chất đại diện của đối tượng phỏng vấn. Có sự khác biệt rõ trong cách đánh giá vấn đề và phương cách đóng góp ý kiến giữa hai thế hệ di dân ngay trong phòng thảo luận. Một vài tham dự viên thuộc thế hệ di dân thứ nhất đã cho rằng kết quả của cuộc nghiên cứu trên không đại diện được cho ba triệu người Việt tỵ nạn trên thế giới. Những tham dự viên trẻ hơn thì lại cám ơn diễn giả trong nỗ lực của cô qua việc nghiên cứu về cộng đồng Việt Mỹ và khuyến khích việc mở rộng công trình nghiên cứu tới những cộng đồng Việt Nam tại các quốc gia khác để có đầy đủ dữ kiện về nhân diện và đặc tính của cộng đồng Việt hải ngoại. Một bác lớn tuổi lại đề nghị phải nghiên cứu cả những vấn đề hiện nay ở trong nước trong các lãnh vực giáo dục, kinh tế và chính trị chứ không chỉ giới hạn nghiên cứu về người Việt ngoài nước.
Phần cuối của chương trình được giành cho việc thảo luận nhóm và mỗi nhóm sẽ trình bày bản tổng hợp ý kiến của mình. Tuy còn xa lạ với sinh hoạt của cộng đồng người Việt, hình thức này rất phổ thông trong các buổi học hội của Hoa kỳ nhằm tạo một môi trường thân mật cho mọi thành viên của nhóm đều có cơ hội đóng góp ý kiến. Ngoài những thành viên của Trung Tâm, hai người khác được mời đề điều hợp các nhóm thảo luận là anh Vũ Mạnh Hùng và chị Matsuda Đông Xuyến. Đề nghị thảo luận được tập trung vào những yếu tố phương hại đến việc đoàn kết của cộng đồng Việt Mỹ và những gì cá nhân, tập thể và các cơ quan truyền thông Việt Ngữ có thể làm được để tăng gia sự đoàn kết. Một trong những yếu tố phương hại tới sự đoàn kết của giữa các thế hệ di dân người Viêt đã được các tham dự viên đưa ra là việc thiếu khả năng và thời gian đối thoại giữa các thế hệ. Điều này một phần là do hàng rào ngôn ngữ, phần khác là do những áp lực mưu sinh mà các thế hệ di dân phải chịu đựng. Thứ nhất, mặc dù có thể còn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hay Anh trong những sinh hoạt thường ngày, cả hai thế hệ đều bất lực không thể truyền thông được những ý nghĩ sâu sắc, những tâm tình tế nhị, hay những cái đẹp của nền văn hóa chính của mình khi vốn ngôn ngữ thứ hai của họ còn bị giới hạn. Một số tham dự viên cho rằng thế hệ thứ nhất một mặt giữ thái độ gia trưởng trong việc giáo dục tuổi trẻ, một mặt nghĩ tuổi trẻ không muốn nghe lời khuyên của mình mà chỉ lắng nghe bạn bè. Thế hệ 1.5 thì cho rằng họ không muốn chia xẻ suy nghĩ với thế hệ lớn hơn vì họ nghĩ thế hệ này sẽ không hiểu và thông cảm được với họ. Thứ hai, việc tồn tại và sống còn là ưu tiên hàng đầu cho hầu hết gia đình Việt Nam tại xứ người nên thời gian để các thế hệ trao đổi với nhau thậm chí trong một gia đình trở nên quá ít ỏi. Nói tới những yếu tố chia rẽ các thế hệ di dân cũng không thể không kể đến sự dị biệt sâu sắc giữa các thế hệ về mưu cầu, quan điểm, mục đích và ưu tiên trong cuộc sống. Nếu thế hệ thứ nhất xem mục tiêu quan trọng nhất là chống cộng giải phóng Việt Nam thì thế hệ 1.5 và thế hệ thứ hai lại chú tâm vào việc ổn định và tiến thân trong xã hội Hoa Kỳ.
Mạc dù đề nghị phải định nghĩa nội dung và hình thức nối kết, các tham dự viên đã lạc quan và hăng hái đóng góp ý kiến về phương cách để thực hiện được sự nối kết giữa các thế hệ di dân. Hầu hết mọi người tham dự đều đồng ý phải phát triển những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng mà mọi lứa tuổi đều có thể tích cực tham gia và tương tác với nhau. Văn hóa sẽ là điểm chung, là niềm tự hào, và việc thông hiểu văn hóa sẽ dẫn đến sự cảm thông cho các thế hệ. Hiện nay đã có những sinh hoạt văn hóa như các trung tâm Việt Ngữ và những sinh hoạt của giới trẻ như Đêm Văn Hóa tại các trường trung và đại học; việc vận dụng những sinh hoạt sẵn có này cộng thêm những sinh hoạt văn nghệ, dã ngoại, thảo luận để giới trẻ có dịp tiếp xúc và tâm tình với thế hệ đi trước một cách thẳng thắn và bình đẳng là điều cần thiết. Nếu là sinh hoạt của giới trẻ phải do giới trẻ chủ động trong việc bàn thảo và thực hiện. Các cơ quan truyền thông Việt Ngữ cũng được đề nghị tạo diễn đàn để giới trẻ phát biểu quan điểm và lập trường của mình. Có ý kiến cần phải xúc tiến việc hình thành một Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên cho cộng đồng. Đặc biệt trong một nhóm, một bác lớn tuổi đã đề nghị tuổi trẻ phải mạnh dạn hơn trong việc phát biểu quan điểm của mình: kính trọng người lớn nhưng không vì thế mà phải rụt rè trong thái độ và phòng thủ khi đối đáp. Các thế hệ phải khuyến khích và nâng đỡ lẫn nhau. Khuyến khích nhau học hỏi để thông cảm lẫn nhau. Nâng đỡ nhau trong hành động để tạo dựng cộng đồng vững mạnh. Một số ý kiến đóng góp cho cá nhân diễn giả và ban tổ chức cũng được đưa ra như việc phải chú ý tới phương pháp nghiên cứu cho phù hợp với tâm lý và lịch sử đặc thù của cộng đồng người Việt và có kế hoạch phổ biến tốt hơn để có đông người tham dự.
Kết thúc ban tổ chức thông báo sẽ tiếp tục tổ chức các buổi kế tiếp trong diễn đàn, dự định hai tháng một lần, và mong đón nhận được sự ủng hộ của các tham dự viên cũng như các cơ quan truyền thông Việt Ngữ trong việc quảng bá cho diễn đàn. Chương trình hội thảo đã kết thúc vào lúc 4 giờ 30 chiều cùng ngày.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khoảng đầu tháng 04 năm 2024, Hoà thượng GIỚI ĐỨC-MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Sư Trưởng HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG HUẾ VIETNAM sẽ vân du hoằng hoá ở Hoa Kỳ và Thầy sẽ lưu trú tại miền nam California từ ngày 05 đến 12 tháng 04 nam 2024 Nhân dịp này, Thầy muốn gặp gỡ những vị thiện hữu tri thức, quý phật tử hữu duyên
Một ngày mới bắt đầu với nhiều hoài ước thật đơn sơ mong sao mình và tất cả mọi người có những giây phút thật thảnh thơi an lành trong từng tâm niệm, lời nói và hành động thật nhẹ nhàng bình an, để cho một ngày sống có tràn đầy ý nghĩa, tuy đơn sơ và dễ dàng nhưng cũng không phải dễ như mình nói hay suy nghĩ đâu bạn nhé!
Vào sáng ngày Thứ Năm 14 tháng 3 2024, chùa Hương Sen (thành phố Perris, Quận Hạt Riverside) đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm ngày Thánh Tổ Ni Giới, Đức Phật Mẫu Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di.
Điểm nổi bật nhất của chương trình là cho mượn lên tới 20% cho khoản trả trước khi mua nhà, nhưng không vượt quá 150,000 USD
Trong chuyến hoằng pháp Âu Mỹ của Hòa Thượng Thích Như Điển từ ngày 12/3/2024 đến 17/3/2024 đến Orange County, chúng tôi, Kiều Mỹ Duyên và Thu Anh, có cơ duyên được phỏng vấn Hòa Thượng tại đài Saigon Radio Hải Ngoại, thành phố Westminster, Orange County, miền Nam California, vào ngày 13/3/2024.
Trước tiên, là xin nói lên niềm vui. Anh bạn trẻ Tâm Nhuận Phúc là học trò của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, một vị thầy từ nhiều thập niên lưu trú như một Thiền khách ở Tu Viện Lộc Uyển thuộc Làng Mai. Vì Thầy Phước Tịnh không có chùa riêng, nên bạn Tâm Nhuận Phúc có nhiều hoạt động khắp nơi, cũng không trụ nơi nào. Có khi bạn hợp tác với Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ từ Sacramento tới để tổ chức các buổi Thiền Chánh Niệm với các giáo viên, học sinh hay đoàn viên Gia Đình Phật Tử. Có khi bạn hoạt động cùng Giới Trẻ Mây Từ trong các Phật sự, mời quý Tăng Ni mở các buổi thuyết pháp hay Thiền tập ở Quận Cam. Khi thấy cần hỗ trợ Thầy Phước Tịnh giảng dạy về Thiền Tập Thập Mục Ngưu Đồ, bạn trẻ này phổ nhạc liền 10 bài ca chăn trâu cho các buổi thuyết giảng dễ nhớ. Có khi, bạn Tâm Nhuận Phúc tham gia cuộc thi viết về các đề tài Phật giáo trong Giải Hương Sen do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương tổ chức. Và có khi Tâm Nhuận Phúc cầm đàn guitar tới giúp vui cho bất kỳ nơi nào các Phật tử cần tới.
Biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đã ảnh hưởng thế nào đến bản thân, gia đình và để lại trong bạn những ảnh hưởng gì? Hãy chia xẻ bằng cách tham gia vào Cuộc triển lãm: Suy Tư Về Ngày 30 Tháng Tư Năm 1975 do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tổ chức, qua việc thể hiện những câu chuyện bằng hình họa và các bức ảnh miêu tả về những sự kiện lịch sử xoay quanh ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng những hậu quả lâu dài như tù “cải tạo”, vượt biên, kinh tế mới, đời sống tỵ nạn hải ngoại, mối quan hệ giữa những thế hệ gốc Việt. Hạn chót: Trước 11 giờ 59 phút khuya ngày 1 Tháng 4 Năm 2024. Đọc thêm để biết rõ về chi tiết, thể lệ, chủ đề...
Ông tên là LĐL (xin viết tắt vì vấn đề an ninh, nếu có người bảo trợ chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết). Ông L hiện đang sống vất vưởng ở Thái Lan từ hàng chục năm qua như hàng trăm người tị nạn Việt Nam khác đang sống tại Vương quốc này. Ông đã phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng Sản và tránh sự ngược đãi những cựu QNVNCH ở quê nhà hiện nay. Ông LĐL là quân nhân phục vụ tại Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, sau tháng Tư, 1975 ông đã trốn trình diện, sau đó lưu lạc sang Cam Bốt từ năm 1981, rồi qua Thái Lan năm 2003.
Những buổi học này không chỉ là về đường nét và màu sắc, mà còn mở ra một hành trình đáng yêu với câu chuyện, tạo ra những kí ức bền vững và xây dựng mối quan hệ ý nghĩa. Hãy đưa gia đình của bạn đến trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt này, nơi không chỉ học về nghệ thuật mà còn kết nối qua sự sáng tạo và khám phá về biểu đạt nghệ thuật.
Lời khuyên để bảo vệ khách hàng khi SCE đang chấp nhận các hình thức trả hóa đơn ngày càng phổ biến. Từ Tháng Giêng, Southern California Edison bắt đầu nhận tiền trả hóa đơn của khách hàng bằng ví kỹ thuật số từ Apple Pay, Google Pay, PayPal và Venmo. Công ty đang chấp nhận việc sử dụng một số ứng dụng trả hóa đơn trên điện thoại cầm tay vì những ứng dụng này ngày càng trở nên phổ biến với khách hàng. Mặc dù các ứng dụng ví kỹ thuật số rất tiện lợi, nhưng phương thức trả hóa đơn này cũng trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo nhằm đánh cắp tiền và thông tin cá nhân của khách hàng. Là một phần trong Tuần Lễ Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Quốc Gia từ ngày 3 đến ngày 9 tháng Ba, SCE nhắc nhở khách hàng đề cao cảnh giác và tránh các hành vi lừa đảo liên quan đến việc trả hóa đơn bằng ví kỹ thuật số.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.