Pueto Princesa, Palawan, Phi Luật Tân (Nguyễn Ngân).-- Ngày 16 tháng 10 năm 2003 lúc 9 giờ 30 sáng chúng tôi đã được vào thăm viếng 42 ngư dân tàu đánh cá Việt Nam đang bị giam giữ tại Trại Tù Palawan.
Anh Trần Thanh Nhàn (một dân tỵ nạn bị kẹt lại Phi) hướng dẫn chúng tôi thăm trại tù và được bà Leticia U. Liao là một nhân vật trong ban Quản Đốc Trại Tù cho phép gặp tất cả nhóm thủy thủ này và họ đã cho biết như sau.
Đây là những ngư phủ của 4 chiếc tàu đánh cá phát xuất tỉnh Tiền Giang vào ngày 18 tháng 3 năm 2003. Sau một thời gian thả lưới ở hải phận quốc tế đã bị bão thổi dạt về giữa hai hòn đảo thuộc chủ quyền của Mã Lai và Phi Luật Tân, sâu vào hải phận Phi 20 hải lý nên bị chiến hạm HQ- 10 của Hải quân Phi bắt giữ.
Toà Đại sứ Việt Nam tại Phi có xuống một lần vào ngày 17 tháng 6 năm 2003 nhưng không nói gì và cũng không trở lại hay thông báo bất kỳ một tin tức nào khác. Các thủy thủ cũng cho biết đã ra tòa án của Phi một lần nhưng không xét xử gì.
Hiện nay những thủy thủ này được sự thăm viếng và giúp đỡ của các người Việt Tỵ nạn đang sinh sống trên đảo Palawan. Cơ quan CADP do anh Chế Nhật Giao đại diện có đến thăm một lần và tặng mỗi người vài gói mì sau đó cũng không thấy trở lại.
Hàng tuần anh Nhàn và vài bạn tỵ nạn còn kẹt lại có đến thăm viếng, mua giúp hay san sẻ vài nhu yếu phẩm mà họ có được. Trước đêm trình diễn văn nghệ của phái đoàn nghệ sĩ từ Mỹ qua, họ (ban Đại diện Người Việt Tỵ nạn tại Palwan) cũng đã vận động với vị Tướng Tư Lệnh nhưng vì có sự lộn xộn do vài kẻ xấu bụng muốn cản trở việc trình diễn nên vị Tư Lệnh này đã quyết định không cho phép các thủy thủ trên ra tham dự.
Cũng qua anh Chế Nhật Giao, vài người trong số 42 người đã nhờ điện thoại gọi về cho gia đình ở Việt Nam. Nhưng vì không rành nên họ đã không nói đúng địa chỉ để nhận thơ, họ tin là Tòa Đại Sứ Việt Nam sẽ giúp họ liên lạc được với gia đình bằng thư tín nhưng cho đến giờ phút này họ vẫn chưa có một hồi âm nào nên rất lo lắng.
Họ cũng cho biết thêm, theo luật (sic) mỗi tàu phải đóng phạt khoảng 3 ngàn 500 Mỹ kim và hy vọng chủ tàu sẽ liên lạc với giới chức thẩm quyền tại Việt Nam để có thể đưa họ trở lại với gia đình.
Khi gặp chúng tôi, họ tỏ ra rất lo âu và hy vọng tình trạng bi đát của họ sớm được chính phủ Việt Nam quan tâm vì đây chỉ là tai nạn, rủi ro. Họ không phải là thành phần bất hảo hay phạm pháp về các tội hình sự.