Hôm nay,  

Cđnvtd/uc Lên Tiếng Về Chính Nghĩa Cuộc Chiến Vn

10/08/200200:00:00(Xem: 4887)
[Bản tin CĐNVTD/UC 9/8/02] - Tuy không trực tiếp nhắc đến lời tuyên bố mới đây của Tướng Peter Cosgrove rằng đáng lẽ Úc không nên tham dự cuộc chiến Việt Nam, nhưng một bài của CĐNVTD/UC trên báo The Age Thứ Ba 6/8 đã trả lời đích đáng về chính nghĩa việc Úc tham dự cuộc chiến VN.
Bài trên, với tựa đề "Bài học Việt Nam về Iraq: cuộc chiến có chính nghĩa" của ông Đoàn Việt Trung, Chủ Tịch CĐNVTD/UC, đăng trên trang Quan Điểm trên báo này. Trong bối cảnh đề tài Úc có nên tham dự cuộc chiến đánh Saddam Hussein hay không, bài đã dẫn chứng nhiều bằng chứng và đưa ra lý luận để trực tiếp đối đầu với nhiều luận điệu tuyên truyền của giới phản chiến về cuộc chiến VN.
Chiều Thứ Sáu 9/8, trong chương trình tin tức & thời sự World View của hệ thống phát thanh SBS, ông Trung cũng thảo luận với TS. Anice Morsy, Chủ Tịch của Arab Information Bureau, về đề tài này. Ngoài việc lập lại 3 điều kiện nêu ra trong bài nói trên, ông Trung cũng nói rằng cộng dồng Việt muốn thấy các phương pháp ngoại giao được tiến hành và chỉ có chiến tranh nếu không còn cách khác.
Sau đây là nguyên văn bài này.
*
"Bài học Việt Nam về Iraq: Đánh cuộc chiến có chính nghĩa"
Khi thế giới cố gắng kéo Saddam Hussein ra khỏi Kuwait, người ta nói rằng hãy nhớ đến cuộc chiến VN. Thế rồi chế độ Taliban hứa hẹn sẽ biến Afghanistan thành một Việt Nam khác nếu bị tấn công. Nay, khi Canberra đang ủng hộ một cuộc tấn công Saddam, người ta lại nói hãy nhớ bài học VN.
Bài học đó là gì" Đối với tôi, đó là: cuộc chiến VN là cuộc chiến có chính nghĩa, nhưng nếu chúng ta tham chiến, chúng ta đừng tham chiến nửa chừng.
Có người nói là cuộc chiến VN không có chính nghĩa, vì đó chỉ là chủ nghĩa bành trướng trá hình của Mỹ. Nhưng Sô Viết và Trung Quốc đổ hàng tỉ đô la và nhiều trăm ngàn nhân sự của quân đội vào để giúp Bắc Việt xâm lăng Nam Việt.
Có người nói lý thuyết "domino" về sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trò hù dọa do Mỹ đặt ra. Nhưng ngay cả tiểu sử chính thức của Hồ Chí Minh cũng nói rằng Hồ "tự cho rằng sứ mạng của mình là bành trướng chủ nghĩa CS đến Á Châu nói chung và Đông Dương nói riêng." Những chế độ thân Hà Nội ở các nước láng giềng Lào và Cambodia là bằng chứng của tham vọng này.
Có người nói cuộc chiến VN không có chính nghĩa vì lực lượng đồng minh giết thường dân vô tội. Nhưng các nhà báo chống Sài gòn không tiết lộ là du kích cộng sản cố tình trá hình làm thường dân để đưa thường dân vào chỗ chết. Và, trong khi họ cứ nhắc đến hàng trăm nạn nhân ở Mỹ Lai, thì họ lại làm thinh về hàng ngàn người bị CS thảm sát ở Huế năm 1968.
Có người nói Hồ có quyền đánh miền Nam, vì miền Nam không chịu tổ chức cuộc bầu cử thống nhất đất nước, mà Hồ chắc chắn sẽ thắng. Nhưng nếu có bầu cử thì ở miền Bắc sẽ chỉ có ứng viên CS, vì Hồ đã thủ tiêu tất cả các vị lãnh đạo các đảng quốc gia đã cùng kháng chiến chống Pháp. Còn ở miền Nam, thì cán bộ của Hồ đã chờ để sẵn sàng thủ tiêu các ứng viên không CS.
Sự kiện Úc đã tham dự một cuộc chiến có chính nghĩa, đó là để bảo vệ tự do của miền Nam, trở nên rõ ràng vào năm 1975. Khi Sài gòn rơi vào tay CS, 1 triệu người bị tống vào các trại tập trung, nơi hàng ngàn người bị giết. Mọi báo chí, nghiệp đoàn, hội thể thao, bị dẹp tan và các cơ sở mới được lập ra dưới quyền kiểm soát của Đảng CS, đảng độc nhất mà hiến pháp cho có quyền hiện hữu.

Nhiều lần, người dân miền Nam thức dậy buổi sáng thì thấy mình trắng tay, vì qua đêm nhà nước đã vô hiệu hóa đồng tiền, và họ phải đổi hết tài sản lấy số tiền mới không đủ sống.
Ngày nay, trong khi du khách tây phương thấy bộ mặt của Sài gòn có vẻ vui tươi, thì đằng sau bộ mặt đó là sự đau đớn.
Ở cao nguyên trung phần Việt Nam, những nhà đối kháng người Thượng - tức người thổ dân của VN - bị tra tấn và giết, và nhà thờ của người Thượng bị đốt.
Hàng trăm tù nhân lương thức bị giam khắp Việt Nam. Tôi có một danh sách hơn 100 tu sĩ bị giam, trong đó có nhiều người đang rục xương trong tù hơn 2 thập niên nay. Trừ khi một số đã qua đời vì bị hành hạ, còn nếu không thì danh sách này cứ tiếp tục dài lên vì các cuộc bắt bớ giam cầm mới cứ xảy ra thường xuyên.
Giống như người Việt, người dân Iraq bị cai trị bởi một chế độ độc tài tàn bạo. Thay thế Saddam bằng một chính quyền dân chủ hơn để giúp người dân nước này vốn đã chịu dựng đau khổ lâu nay, và để người ta khỏi phải chạy trốn chế độ này, là phần thứ nhất của chính nghĩa của tây phương.
Không giống như những kẻ cầm quyền ở Hà Nội, mà hiện nay đang cố trưng bày một bộ mặt hiền lành để nhận viện trợ của thế giới - trong đó có hơn nửa tỉ đô la từ Úc trong thập niên qua - Baghdad lại ngang nhiên tuyên bố ủng hộ khủng bố. Nếu Saddam có vũ khí khủng bố và các mối liên hệ với các kẻ khủng bố, thì việc tự vệ là phần thứ hai của chính nghĩa này.
Nhưng đối với tôi thì cuộc chiến VN đã cho thấy rằng chính quyền Úc cần phải làm 3 điều nếu muốn được dân chúng hỗ trợ cuộc chiến đánh Saddam.
Thứ nhất là chứng minh chính nghĩa. Tức là chứng minh rằng mối đe dọa về khủng bố là có thật, và rằng chính chế độ của Saddam là nguyên nhân đẩy người dân đi nước ngoài tầm trú (tuy nhiên, điều này có thể đi ngược lại với chính sách hiện nay của Canberra về thuyền nhân).
Thứ nhì là cho thấy là cuộc chiến có thể thắng được. Tuy tôi có thể hiểu được rằng các bí mật quân sự cần phải giữ bí mật, nhưng chính quyền phải công bố một số chi tiết cho dân chúng, và phải tiết lộ nhiều chi tiết khác cho những cơ cấu thẩm quyền trong Quốc Hội để QH có thể giám sát.
Thứ ba là cho thấy rằng hòa bình cũng có thể nằm trong tay. Cũng giống như các cán bộ CS nằm vùng đã tạo ra những chia rẽ trong xã hội và phá rối chính quyền Sài gòn, thì những kẻ trung thành với Saddam, dù đã bị thua ở chiến trường, vẫn có thể phá rối chính quyền mới ở Iraq. Một chính quyền hậu-Saddam có đầy tranh chấp nội bộ và đàn áp đối lập bằng bạo lực thì vẫn sẽ làm người dân phải tìm đường chạy, và tạo ra lớp khủng bố mới.
Nếu không có cả ba điều trên, thì bất cứ sự hỗ trợ nào của người dân Úc cũng sẽ tan dần. Và giống như cuộc chiến Việt Nam, điều đó sẽ đưa đến tình trạng tham dự nửa chừng, và có lẽ cảnh Úc rút quân trước khi cuộc chiến chấm dứt. Đối với quân nhân của chúng ta và gia đình họ, tham chiến một cách nửa chừng là điều không phải.
* Ông Trung Đoàn là chủ tịch liên bang của CĐNVTD/UC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.