Hôm nay,  

Làng Cải Lương Hải Ngoại Đón Bạch Tuyết Nồng Nhiệt

11/06/200200:00:00(Xem: 5244)
PHOTO: Từ trái qua (ngồi): Nhạc sĩ Minh Phụng, Bạch Tuyết, 3 thân hữu - (đứng) Trọng Minh, Phương Uyên, Thanh Mai, Trần Quốc Bảo, Hương.

Little Saigon (Trọng Minh) - Ngày 18 tháng 5 năm 2002 vừa qua, cải lương chi bảo Bạch Tuyết đã có mặt tại Mỹ để chuẩn bị cho lễ thành hôn của "quý tử", người con trai độc nhất của cô với ông Nguyễn văn Đức tức Charles Đức, là Bảo Giang.

Năm 12 tuổi, 1988, Bảo Giang đã đi Thụy Sĩ, học tiểu học, rồi qua Singapore, học bậc trung học, trước khi qua Hoa Kỳ để theo học chương trình đại học. Bảo Giang đã tốt nghiệp 2 bằng Cao Học (Master) về ngành Kế Toán và Kinh Tế (Accounting & Economics), hiện đang hợp tác với hãng Deloitte & Touche, tại California. Bảo Giang đẹp duyên cùng cô Carolyn Bennett, hôn lễ đã được cử hành khá trọng thể tại tư gia và tiệc mừng đã được thết đãi vào lúc 7 giờ chiều ngày Thứ Năm 6 tháng 6 năm 2002, tại nhà hàng Seafood Palace I, tọa lạc tại góc đường Beach và Chapman, quận Cam, California, Mỹ quốc.

Hiện diện trong bữa tiệc tân hôn của Bảo Giang, chúng tôi nhận thấy về phía nghệ sĩ gần như có đủ mặt nghệ sĩ tân, cổ nhạc, điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại, trong đó có minh tinh Kim Vui, tài tử Trần Quang, các ca sĩ Mai Lệ Huyền, Phương Hồng Quế, Thanh Tuyền, Ngọc Nuôi, Hương Huyền, Ngọc Đan Thanh, Phương Uyên, bà Gia Mỹ (quả phụ cố nghệ sĩ Việt Hùng), MC Trần Quốc Bảo, anh ba Thành Mỹ v.v... những nghệ sĩ đi có đôi: Bích Sơn - Phúc, Phượng Liên - Vinh, Dũng Thanh Lâm - Hà, Kim Tuyến -Vân, Thanh Mai - Sinh, Xuân Phát - Mỹ Lệ, Minh Phụng - Kiều Mỹ Loan, Linh Tuấn - Thanh Huyền.

Điểm đáng chú ý là, ngay sau khi được tin Bạch Tuyết sẽ đến Mỹ, một số thân hữu của Bạch Tuyết đã tự động đứng ra tổ chức một chương trình để Bạch Tuyết trình diễn, tại San Jose vào đêm Thứ Năm 23 tháng 5 năm 2002. Vé đã bán hết trước ngày trình diễn, vậy mà trước giờ "kéo màn" vẫn còn một số đông khán giả đến tận hội trường năn nỉ mua vé, buộc lòng ban tổ chức phải kê thêm hàng trăm ghế, vậy mà vẫn không đáp ứng thỏa đáng được nhu cầu đòi hỏi của toàn thể khách mộ điệu.

Sau thành công ở San Jose, Bạch Tuyết được các ông bà "bầu" (nhà tổ chức) show ở khắp nơi trên nước Mỹ và một số quốc gia khác mời trình diễn, nhưng vì bận lo đám cưới cho con và thời gian lưu ngụ ở Mỹ có giới hạn nên Bạch Tuyết chỉ nhận lời trình diễn thêm hai xuất, một ở San Jose vào đêm Thứ Bảy 15 tháng 6 năm 2002, với sự tăng cường của một số nghệ sĩ cư ngụ tại địa phương, và một ở San Diego vào đêm Chúa Nhật 16/6-2002, buổi hát này sẽ có sự tăng cường của kép đẹp Dũng Thanh Lâm và nữ nghệ sĩ Thu Hồng v.v...

Tưởng cũng nên ghi nhận thêm ở đây, Bạch Tuyết không chỉ thành công ở lãnh vực sân khấu cổ nhạc, mà cô còn thành công ở nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật khác nữa, cô là một diễn viên điện ảnh xuất sắc trong những phim "Như Hạt Mưa Sa", "Như Giọt Sương Khuya", "Biển Động", "Mưa Trong Bình Minh" v.v..., có biệt tài về hội họa, đã vẽ và trưng bầy tranh sơn dầu, viết nhạc, đã in thành Tuyển tập có tựa đề "Bay Qua Đỉnh Mặt Trời", ca tân nhạc cũng có nét độc đáo, nhất là bản "Tình Đời" của Lê Minh Bằng, nghe thật xót xa, nhưng đặc biệt hơn hết, cô là nữ nghệ sĩ Việt Nam duy nhất đã đậu bằng Tiến sĩ (Ph.D.) của hai Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật thuộc hai quốc gia, Luân Đôn (London), Anh quốc, và Sofia (Bulgaria), với luận án tốt nghiệp: "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21- The adaptation of the traditional theatrical art of the Southeast Asian nation to the modern living Condition of the Audience in the 21 century".

Ngoài ra nếu ai đã có dịp tiếp xúc với Bảo Giang sẽ còn phải nể phục Bạch Tuyết về nghệ thuật dạy con, Bảo Giang đi du học từ năm 12 tuổi, học tiểu học tại Lausanne, Thụy Sĩ, học trung học tại Singapore, và đại học tại Notre Dame, Indiana (một đại học danh tiếng của Hoa Kỳ), vậy mà vẫn nói và viết thông thạo Việt ngữ, không những thế cháu còn đàn "Độc Huyền Cầm" hay "Đàn Bầu", rất giỏi, và ca vọng cổ rất hay: Bảo Giang đã giữ được bản sắc "thuần túy" là người Việt Nam.

Dưới đây là một câu chuyện khá dí dỏm, nhưng cũng nhiều xúc động, được cháu Bảo Giang kể cho mẹ (Bạch Tuyết) nghe; khi cháu từ Thụy Sĩ qua Anh quốc thăm mẹ (lúc đó cả hai mẹ con cùng đang du học tại Âu châu) có mang theo một cuốn băng gồm toàn những bài vọng cổ do Bạch Tuyết ca, mở cho mẹ nghe rồi kể: Mỗi khi nhớ mẹ con mở nghe cho đỡ nhớ, có lần bạn học ở chung phòng hỏi: "Bảo Giang nghe cái gì mà buồn thế""; Bảo Giang đã nói dối với bạn: Đó là kinh Việt Nam!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.