Hôm nay,  

18-8, Tang Lễ Tướng Dương Văn Minh: Lời Tiễn Biệt Sau Cùng

18/08/200100:00:00(Xem: 8377)
Bài viết thêm của Giao Chỉ
Gửi niên trưởng Dương Văn Minh và tang quyến.

LTS. Đại tướng Dương Văn Minh, nguyên quốc trưởng VNCH 1964, đồng thời cũng là vị Tổng Thống 2 ngày cuối cùng của VNCH tháng Tư 1975, đã tạ thế ngày 6 tháng 8 năm 2001 tại bệnh viện Huntington Memorial, California, hưởng thọ 86 tuổi.
Khi loan tin Tướng Minh qua đời, Việt Báo có trân trọng giới thiệu bài viết “Một Vòng Hoa Gửi Niên Trưởng Dương Văn Minh” do nhà văn Giao Chỉ, tức cựu đại tá Vũ Văn Lộc viết.
Hôm nay, Thứ Bảy 18 tháng 8 năm 2001, là tang lễ Tướng Minh. Di hài vị tướng niên trưởng của quân lực VNCH sẽ được hoả táng vào lúc 12 giờ trưa tại Rose Hills Memorial Park (Skyrose Chapel), số 6888S. Workman Mill Rd., Whittier, CA 90608.
Việt Báo trân trọng giới thiệu thêm “Lời Tiễn Biệt Sau Cùng” của nhà văn Giao Chỉ:

““Nếu anh không nói! Ai nói"
Bây giờ không nói! Bao giờ"
Được tin vị niên trưởng của tôi trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa một thời, vừa nằm xuống, chúng tôi viết bài "Một vòng hoa..."
Đã từ lâu tôi muốn đưa lên một ý kiến riêng tư về hoàn cảnh đại tướng Dương Văn Minh, tuy nhiên không muốn mở ra một cuộc tranh luận mới. Vì vậy nên ý kiến của chúng tôi nếu không được chấp nhận, xin quý độc giả vui lòng lượng thứ.
Ngoài ra, trong bài viết đầu tiên chúng tôi có trích dẫn lời đại tướng Nguyễn Khánh nói rằng trong tình thế đó đại tướng Minh không thể làm gì hơn được. Sau khi nghe lại bài phỏng vấn trên radio, tôi ghi nhận điều trích dẫn về niên trưởng Nguyễn Khánh không đúng. Đại tướng Khánh thực ra đã không đồng ý với ý kiến đó. Ngược lại, ông Khánh nói rằng "Nếu cần đầu hàng thì ai làm chẳng được, cần gì mà phải là đại tướng."
Và sau đây là đôi lời tiễn biệt sau cùng.

Trong số các niên trưởng trong quân đội, tôi nghĩ rằng tướng Dương Văn Minh là người đã gặp nhiều oan trái nhất. Có thể do lỗi của chính ông. Tuy nhiên nguyên nhân thực ra đến từ nhiều phía. Trong một niềm riêng, tôi viết những ý kiến về đại tướng, một cấp bậc mà ông không chấp nhận mà ông cũng không bao giờ đeo lon đại tướng từ lúc được thăng cấp cho đến khi ông qua đời. Bài viết không phải là một vòng hoa rực rỡ cho người anh hùng mà chỉ là một vòng hoa tang lạnh lẽo cho niên trưởng đã ra đi lần cuối.
Hơn 30 năm qua, ông Dương Văn Minh là người bị phê bình và oán trách khá nhiều, nhưng ông lại là người ít lên tiếng để biện minh. Trong chỗ riêng tư và qua người con rể của ông là đại tá Nguyễn Hồng Đài, ông đã nói như sau: "Viết để bào chữa cho mình thì tôi không làm, viết để kể xấu người khác thì tôi càng không muốn." Khi ông nhận chức trong hai ngày cuối cùng, ông rất cô đơn giữa một nội các khập khiễng và hoàn toàn không nắm vững tình thế. Các tướng lãnh và cấp chỉ huy quân đội thực sự hiểu rõ tình thế đều không có mặt. Vì vậy giới chức lãnh đạo Hải Quân VNCH trước khi lên đường có ngỏ ý sẵn sàng chở tướng Dương Văn Minh đi vào đêm 29 tháng 4-1975.


Tướng Minh quyết định ở lại và dự trù gửi gấm gia đình cho Hải Quân. Nhưng bà Dương Văn Minh cũng nhất định ở lại với chồng và chỉ có gia đình con gái và con rể đi vào giờ chót. Ông Minh cho biết là Cộng Sản đã phối trí pháo chung quanh để khai hỏa đồng loạt dằn mặt Sài Gòn. Ông ở lại và chấp nhận tất cả mọi hậu quả.
Ông cũng cho biết, qua lời con rể, đại tá Nguyễn Hồng Đài là người Mỹ đã yêu cầu chính phủ của ông ra thông cáo mời họ ra đi. Cũng như ngày xưa, người Mỹ đổ bộ vào miền Trung rồi mới xin chính phủ Việt Nam mời họ đến.
Sau khi đầu hàng, ông ở nhà chờ Cộng Sản kêu đi học tập. Ông nói rằng: Khi cụ Huyền (tức phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền) và ông Mẫu (tức thủ tướng sau cùng Vũ Văn Mẫu) bị gọi đi học tập, mình ở nhà chờ đợi thật khó chịu.
Một năm sau, có một người nhận là "thủ trưởng" đem đến một thùng sách nói là để ông học tập tại nhà. Tướng Minh nói: "Tôi không có lòng dạ nào mà học tập, cũng chẳng thấy có gì cần học tập, xin anh cứ đem về." Thùng sách nằm tại phòng khách. Bốn tháng sau khi thủ trưởng đến khảo sát nhưng ông bị bệnh nên đã đem sách về.
Khi bị đau nặng chính phủ Hà Nội đề nghị ông đi Nga, sau là đi Đông Đức để chữa bệnh nhưng ông từ chối. Gia đình ông yêu cầu cho đi Pháp nhưng cứ chờ đợi mãi. Sau cùng được biết trước một ngày. Sáng hôm sau có xe chở ra phi trường Tân Sơn Nhất, đến cửa phi cơ mới thấy vé máy bay và thông hành.
Viên phi công người Pháp được lệnh chờ và dành chỗ cho 2 người khách đặc biệt lúc đó mới biết là ông bà cựu tổng thống Dương Văn Minh.
Khi phi cơ ra khỏi không phận Sài Gòn, viên phi công nói rằng dù vì lý do gì mà chính quyền Cộng Sản yêu cầu ông cũng không quay lại.
Lúc đó ông Minh mới biết chắc là ông đã rời khỏi Việt Nam.
Một vài tin tức ghi trên đã được lấy ra từ tài liệu của tác giả Nhuệ Giang tức đại tá Vũ Quang và từ đại tá Nguyễn Hồng Đài.
Bây giờ, trải qua bao nhiêu dâu bể, đại tướng Dương Văn Minh đã trở lại sống bên cạnh một cộng đồng Việt Nam đông đảo tại Hoa Kỳ. Niên trưởng đã sống những ngày cuối cùng khép kín, không phân trần, không tranh luận, không kết án và không biện hộ.
Năm trước, trên chuyến bay muộn màng ông đã rời khỏi Việt Nam. Năm nay, chuyến bay nào sẽ đưa ông về nơi vĩnh cửu.
Bài điếu văn không đọc hôm nay, viết cho niên trưởng mà cũng viết cho chính chúng tôi. Những anh em được gọi là chiến sĩ Cộng Hòa, không chọn lựa mà đến với nhau. Dù không đồng sinh đồng tử, nhưng đã từng thắng bại bên nhau. Thương nhau là bao dung, thương người mà cũng là thương chính mình. Niên trưởng ra đi mạnh giỏi.

Giao Chỉ
San Jose

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.