Hôm nay,  

Lễ Tang Cố Nhạc Sĩ Văn Phụng

25/12/199900:00:00(Xem: 15469)
Springfield, VA (Lê Thùy Lan) - Vào lúc 8 giờ sáng ngày thứ Tư 22 tháng 12 năm 1999, thân nhân và bạn hữu của cố nhạc sĩ Văn Phụng đã tề tựu tại nhà quàn Demaine Funeral Chapel trên đường Backlick, thành phố Springfield, tiểu bang Virginia để tiễn đưa linh cửu của nhạc sĩ Văn Phụng, vị nhạc sĩ đại tài của nền âm nhạc Việt Nam, về miền nước Chúa. Trong buổi sớm mai lạnh buốt, lòng người càng ảm đạm hơn trong buổi tiễn đưa người bạn tri kỷ đã đem tiếng nhạc cung đàn tô điểm cho cuộc sống tha hương của chúng ta.
Nhạc sĩ Văn Phụng từ trần tại bệnh viện Fairfax vào lúc 6 giờ chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng 12, 1999, hưởng thọ 70 tuổi. Ông đã để lại người bạn đời của 40 năm hạnh phúc và 6 người con đã công thành danh toại. Lễ an táng của cố nhạc sĩ Văn Phụng do hai vị Mục Sư Hội Thánh Tin Lành Baptist chủ lễ, Mục Sư Nguyễn văn Nghi và Mục Sư Lê Ngọc Cẩn qua sự hướng dẫn chương trình của Ông Lê Quang Trinh. Nghi thức an táng tại nghĩa trang Pleasant Valley do các Mục Sư Nguyễn Thanh Ngà, Lê Ngọc Cẩn, và Nguyễn Thiện Trung hành lễ. Sau lời cầu nguyện khai lễ của Mục Sư Cẩn, trưởng nam của cố nhạc sĩ Văn Phụng, anh Nguyễn Anh Trang, đã nhắc lại đôi dòng tiểu sử về thân phụ mình.
Văn Phụng tên thật là Nguyễn văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, Việt Nam. Là một thiên tài, ông đã đoạt giải nhất Piano Solo với bản “La Prière d’une Vierge” tại nhà hát lớn Hà Nội năm 15 tuổi. Theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Tiểu Đoàn Danh Dự tại Hà Nội. Cùng thời với ông là các nhạc sĩ nổi tiếng như Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng, Nguyễn Túc, Nguyễn Cầu, Văn Khôi, Vũ Thành và Hoàng Trọng.
Dưới sự hướng dẫn và đào luyện của quân nhạc trưởng Schmetzler, người Pháp gốc Đức, Văn Phụng đã trở thành nhạc sĩ chuyên soạn hòa âm và phối khí xuất sắc đầu tiên điều khiển hòa tấu cho những bản nhạc Việt Nam do ban quân nhạc gồm hơn 80 nhạc sĩ đại hòa tấu năm 1948. Văn Phụng di cư vào Nam năm 1954 và hợp tác với đài phát thanh Quân Đội cùng với Nhật Bằng, Nguyễn Túc, Đan Thọ, Canh Thân. Từ đó nhạc nghệ của ông vang lên đều đặn trên khắp 3 miền đất nước xuyên cả đại dương đến cộng đồng Việt Nam ở khắp năm châu qua rất nhiều tác phẩm tiền chiến trữ tình. Đặc biệt nhất là “Ô Mê Ly” và “Suối Tóc” đã khiến tên tuổi của ông trở thành bất hủ. Năm 1978, Văn Phụng vượt biển tìm tự do cùng với cố văn sĩ Mai Thảo và định cư cùng với Châu Hà tại quận Fairfax, tiểu bang Virginia cho đến ngày ông qua đời. Ông đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam những tác phẩm giá trị lồng trong khuôn khổ của một văn hóa nghệ thuật Việt Nam đầy phong phú. Lời ca nét nhạc của ông thể hiện sức sống vui tươi, có âm hưởng Tây phương nhưng vẫn không mất đi những nét đẹp đặc thù của quê hương.

Sau khi các vị Mục Sư lần lượt tuyên giảng lời thánh kinh và ban lời yên ủi đến tang quyến, thân hữu thay phiên nhau phát lời phân ưu với tang quyến và chia tay với cố nhạc sĩ. Cảm động nhất là những lời cảm tạ của ông Nguyễn văn Dũng, bào đệ của cố nhạc sĩ, cô Nguyễn thị Phương Loan, trưởng nữ của Văn Phụng-Châu Hà, và lời vĩnh biệt chồng của Châu Hà “Cung đàn đã gẫy rồi...không bao giờ còn được nghe Văn Phụng đàn nữa chỉ còn lại tiếng hát cô đơn...” khiến mọi người ngậm ngùi phải vội vã tìm khăn chấm nước mắt. Thật vậy, từ đây trong những buổi hòa ca, chúng ta sẽ không còn thấy một đôi vợ chồng luôn luôn kề vai, nhún nhẩy những bước chân sáo vui vẻ, với nụ cười chân tình dâng bao truyền cảm, mến thương đến khán giả, chúng ta sẽ không còn thấy hình dáng vị nhạc sĩ hồn nhiên trong chiếc áo blazer màu xanh dương đậm, chiếc quần trắng thẳng nếp và đôi giầy ba ta trắng nhún nhẩy trên những nốt đạp trên đàn dương cầm.
Văn Phụng đã ra đi nhưng Không “Đi Giữa Hoàng Hôn” mà đi trong ấm cúng thương yêu của thân nhân và bạn hữu dấu ái và trong lòng những đồng bào đã có nhân duyên hấp thụ được những nốt nhạc mãi mãi tràn đầy sức sống của ông. Như ông Nguyễn văn Dũng đã nói, cuộc đời và sự nghiệp của Văn Phụng là “một bản hòa ca bất diệt, bởi vì không có giọng hát thanh cao của Châu Hà (nguồn gợi cảm sáng tác của Văn Phụng), không có nốt đô, si, la của Nhật Bằng, Nguyễn Túc, Đan Thọ, không có tấm lòng mến chuộng, giúp đỡ, ủng hộ của khán thính giả và bạn hữu, thì không có Văn Phụng”. Thế nên mỗi khi chúng ta nghe đến Bức Họa Đồng Quê, Các Anh Đi, Ghé Bến Sài Gòn, Nhớ Bến Đà Giang, v.v... thì Văn Phụng sẽ sống mãi mãi trong tâm trí của chúng ta.
Buổi sáng hôm ấy, ngày Đông Chí với lớp tuyết mỏng phủ trùm mặt đất, ngày ngắn nhất trong năm, ngày ánh mặt trời/mặt trăng soi sáng nhất sau hơn 100 năm cũng là ngày chúng ta trao lời tiễn biệt với người nhạc sĩ tài hoa trong làng âm nhạc Việt Nam. Trong tâm hồn của những người đã từng thưởng thức những nốt nhạc vui tươi do Văn Phụng sáng tác, chúng tôi kính mời tất cả quý vị cùng chúng tôi nhắm nghiền mắt lại một phút để đưa linh cửu của người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Và xin cầu nguyện cho linh hồn nhạc sĩ Văn Phụng mãi mãi hạnh phúc bên Thiên Chúa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.