Hôm nay,  

Không Thẻ Xanh Vẫn Bảo Lãnh Được Vợ Con Theo Diện Tị Nạn

02/06/199900:00:00(Xem: 9047)
Dưới đây là Thông Cáo Về Bảo Lãnh Theo Diện Tị Nạn do Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển phổ biến ngày 31 tháng 5, 1999.
Trong thời gian qua chúng tôi gặp nhiều trường hợp tị nạn còn kẹt vợ và con cái vị thành niên ở Việt Nam. Số trường hợp này có thể bảo lãnh vợ con theo diện tị nạn phụ thuộc (derivative refugee status) mà không cần phải đợi cho đến khi có thẻ xanh. Tuy nhiên nhiều người đã không biết về điều luật di trú này nên đã không bảo lãnh, hoặc đã bảo lãnh vợ con theo diện di dân vừa tốn kém vừa phải chờ đợi rất lâu. Dưới đây là những hướng dẫn chi tiết về thể thức bảo lãnh theo diện tị nạn để quý vị nào trong trường hợp kể trên thì có thể tự làm lấy, vừa đúng luật vừa không phải tốn tiền cho dịch vụ.
Theo luật di trú Hoa Kỳ, những ai được nhận định cư là tị nạn có quyền bảo lãnh cho vợ, chồng, và con cái vị thành niên (dưới 21 tuổi và độc thân) theo diện tị nạn phụ thuộc, với điều kiện là quan hệ vợ chồng và cha con (hay mẹ con) phải hiện hữu trước ngày người tị nạn đặt chân vào Hoa Kỳ. Những người con trong bụng mẹ nhưng sinh ra sau ngày người cha định cư tại Hoa Kỳ cũng được tính kể. Nếu vợ (hay chồng) của người tị nạn đã có con riêng với đời chồng (hay vợ) trước, thì người con cũng được tính kể với điều kiện người tị nạn và vợ (hay chồng) đã phải lập hôn thú trước khi người con riêng tròn 18 tuổi.
Để bảo lãnh, người tị nạn cần điền đơn I-730 (chứ không phải I-130 là đơn để bảo lãnh theo diện di dân) để xin chiếu khán tị nạn phụ thuộc, còn gọi là Visa 93. Mẫu đơn I-730 có thể xin ở bất cứ văn phòng địa phương nào của Sở Di Trú và Nhập Tịch (INS). Người nộp đơn I-730 không phải đóng lệ phí, không phải bảo đảm về tài chánh, và đơn được cứu xét nhanh hơn rất nhiều so với đơn I-130.
Ngày 26 tháng 2, 1998 Sở Di Trú và Nhập Tịch ban hành luật mới với một số tu chính về thể thức bảo lãnh theo diện tị nạn. Sau đây là các điểm khác biệt giữa luật mới và luật cũ.
(1) Theo luật mới ban hành ngày 26 tháng 2, 1998 thì người tị nạn phải thực hiện việc bảo lãnh nội trong vòng 2 năm kể từ ngày đặt chân đến Hoa Kỳ. Trước đây không hề có thời hạn, miễn sao đơn bảo lãnh được thực hiện và hoàn tất trước khi người tị nạn nhập tịch; đã xẩy ra tình trạng có người cả chục năm sau mới nộp đơn bảo lãnh cho vợ con. Luật mới được ban hành để chấm dứt tình trạng này. Đối với những người tị nạn đến Hoa Kỳ trước ngày ban hành luật mới, họ có thời gian từ nay đến ngày 26 tháng 2, 2000 để thực hiện việc bảo lãnh.
(2) Với luật mới, quan hệ gia đình tính kể từ trước ngày đặt chân vào Hoa Kỳ thay vì trước ngày vào phỏng vấn. Theo luật cũ một người được nhận là tị nạn tại bàn phỏng vấn rồi sau đó mới lập hôn thú thì sau khi qua Mỹ sẽ không được làm đơn bảo lãnh theo diện tị nạn cho người hôn thê (hay hôn phu). Luật mới cho phép trường hợp này bảo lãnh cho hôn thê (hay hôn phu) với điều kiện là hôn thú phải được thực hiện trước ngày người tị nạn lên đường sang Mỹ. (Một điểm cần lưu tâm là luật cũ cũng như luật mới không cho phép những người tị nạn phụ thuộc kéo theo những người phụ thuộc khác. Chẳng hạn một người con độc thân dưới 21 tuổi được nhận định cư theo diện tị nạn phụ thuộc, trước ngày lên đường lập hôn thú thì chính người con này cũng sẽ mất tư cách tị nạn phụ thuộc và cả hai vợ chồng sẽ bị loại trừ.)

(3) Với luật mới, người tị nạn khi nộp đơn phải lập hồ sơ bảo lãnh cho từng người trong gia đình. Trước đây đương đơn chỉ cần làm một đơn bảo lãnh chung cho tất cả mọi người trong gia đình. Với luật mới, việc cứu xét sẽ được nhanh chóng hơn vì hồ sơ nào hợp lệ thì được cứu xét trước trước chứ không bị dính chùm với nhau như trước kia. Vì đơn I-730 không đòi hỏi lệ phí nên luật mới sẽ không gây tốn kém gì hơn cho người nộp đơn.
(4) Luật mới đòi hỏi người làm đơn phải nộp hình ảnh của mỗi người được bảo lãnh. Trước đây thì đương đơn chỉ cần nộp giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình như hôn thú, giấy khai sanh. Luật mới đòi hỏi hình ảnh để tránh tình trạng giả mạo. (Luật di trú Hoa Kỳ rất khắt khe đối với các trường hợp giả mạo và không ít người tị nạn đã bị từ chối vào phút chót vì có ý định đưa người nhập cảnh trái phép vào Hoa Kỳ.)
Trong thời gian qua chúng tôi đã gặp một số trường hợp bị oan uổng và lỡ cơ hội bảo lãnh cho thân nhân theo diện tị nạn vì không hay biết về điều luật kể trên; nhiều trường hợp lại còn bị tiền mất tật mang vì văn phòng dịch vụ làm sai. Chẳng hạn chúng tôi đã gặp một trường hợp thuyền nhân vượt biên và đã được nhập cư Hoa Kỳ theo diện tị nạn năm 1985. Người này còn để lại một người con nhỏ ở Việt Nam. Lẽ ra người đó đã phải nộp đơn I-730 bảo lãnh ngay cho người con từ khi đặt chân lên nước Mỹ. Tuy nhiên, một văn phòng dịch vụ đã lập hồ sơ bảo lãnh theo diện di dân. Sau thời gian dài chờ đợi và tốn kém khá nhiều tiền bạc cho văn phòng dịch vụ này, đương đơn liên lạc với chúng tôi thì lúc ấy đã quá trễ vì đương đơn đã nhập tịch và do đó không còn tư cách tị nạn nữa.
Chúng tôi cũng đã gặp khá nhiều trường hợp HO đã phải để vợ con (vị thành niên) ở lại Việt Nam vì những tình huống đặc biệt, và đã hướng dẫn cho họ về thể thức bảo lãnh theo diện tị nạn như kể trên. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn rất nhiều người trong trường hợp này nhưng đến nay vẫn không hay biết gì về điều luật di trú kể trên, nhất là về thời hạn chót để nộp đơn đối với người đến Hoa Kỳ truớc ngày 26 tháng 2, 1998.
Chúng tôi kêu gọi báo chí Việt ngữ ở các nơi phổ biến thật rộng rãi tin tức này để đồng hương không bị lỡ cơ hội. Sự phổ biến tin tức rộng rãi cũng giúp cho nhiều đồng hương tránh phần nào được tình trạng bị tiền mất tật mang vì một số dịch vụ không biết việc hay thiếu lương tâm. Cuối năm 1996, chúng tôi phổ biến loạt bài hướng dẫn về thể thức đổi quy chế từ diện PIP sang thường trú nhân để giúp cho số đồng hương hội đủ điều kiện. Tuy nhiên, ở một số vùng báo chí đã không đăng tải nên tin tức đã không đến được với người dân trong khi một số văn phòng dịch vụ đã lấy được tin tức (có trường hợp chủ văn phòng dịch vụ cũng kiêm chủ báo) và đã tính bạc ngàn cho những công việc chỉ đáng vài chục Mỹ kim, chưa kể một số dịch vụ tính tiền đối với cả những trường hợp không đủ tiêu chuẩn để điều chỉnh tình trạng di trú.
Để tránh tình trạng này tái diễn, ngoài việc kêu gọi các báo chí Việt ngữ phổ biến tin tức, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã thành lập Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. để giúp đỡ cho đồng hương trong các vấn đề di dân, bảo lãnh, nhập tịch, bảo vệ quyền lợi của người tiêu thụ... Nếu quý vị nào không tự thực hiện được thể thức bảo lãnh theo diện tị nạn như đã hướng dẫn (tự làm lấy sẽ chỉ tốn 30 phút và vài chục xu tem), chúng tôi sẵn sàng giúp thực hiện đơn bảo lãnh với lệ phí tượng trưng không quá 50 Mỹ kim, trừ những trường hợp phức tạp (chẳng hạn vì quan hệ gia đình không rõ ràng); lệ phí này bao gồm cả việc dịch hôn thú và khai sanh. Quý vị có thể liên lạc với Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. qua địa chỉ: 2800 Juniper Street, # 8; Fairfax, VA 22031.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.