Hôm nay,  

Tấm Gương Tranh Đấu, Trao Giải Truman-reagan Medal Of Freedom: Tòa Đại Sứ Ba Lan Gây Quỹ Xây Tượng Đài Nạn Nhân Cs

20/12/200500:00:00(Xem: 7956)
(Hoa Thịnh Đốn-VATV) Chiều thứ Ba, 13 tháng 12, 2005, Sáng Hội Thiết Lập Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản (Victims of Communism Memorial Foundation) đã tổ chức buổi lễ trao giải Truman-Reagan Medal of Freedom Awards năm thứ Bẩy. Năm nay, sáng hội chú trọng đến những nhân vật người gốc Ba Lan đã có những đóng góp vô lượng trong cuộc tranh đấu chống cộng sản. Và Toà Đại Sứ Ba Lan đã thiết đãi một buổi tiếp tân long trọng nhằm tuyên dương những cá nhân được chọn cho giải Truman-Reagan Freedom Awards và gây quỹ trợ giúp Sáng Hội sớm thành lập Tượng Đài Kỷ Niệm Nạn Nhân Cộng Sản.

Trong buổi chiều mùa Đông lạnh giá buốt, đã có khoảng hơn 100 quan khách đến tham dự. Phần đông là đại diện của hội đoàn trong các cộng đồng Ba Lan và Đông Âu, nhưng cũng không thể thiếu sự góp mặt của đại diện phái Luân Công và các hội đoàn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Năm nay, giải thưởng Truman-Reagan Freedom Awards được trao cho 3 nhân vật rất ưu ái và đã góp sức trong nỗ lực mang lại tự do cho dân chúng xứ Ba Lan.

Dù mang bất cứ tôn giáo nào, hầu như cả thế giới đều yêu quý, tôn kính Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Nhị, người vừa nhập đất thánh vào tháng 4 vừa qua. Tên tục của ngài là Carol Wojtyla, sanh ngày 18 tháng 5, 1920, tại thành phố Wodowice thuộc miền Nam Ba Lan. Năm 1946, ngài nhậm chức thừa hành mục sự cho đến năm 1967 thì được phong chức Hồng Y Giáo Chủ. Vào tháng 5 năm 1977, ngài đã cống hiến một thánh đường tại thành phố lịch sử Nowa Huta trên mảnh đất Ba Lan đánh dấu một sự đấu tranh với chính quyền cộng sản trong gần 2 thập niên.

Ngôi thánh đường này chứng tỏ sức mạnh và ảnh hưởng của ngài trên phương diện chính trị và cũng là biểu tượng cho sự chống đối chế độ Cộng Sản tại Ba Lan. Một năm sau khi ngài được thăng chức Giáo Hoàng năm 1978, Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Nhị đã làm một chuyến đi lịch sử, trở về thăm quê hương. Diễn giảng về giá trị phẩm cách con người và tự do, ngài thúc dục giáo dân cùng hạ quyết tâm và chớ rụt rè dưới ách cộng sản.

Tổng thống xứ Czech Republic, Vaclav Havel, đã vinh danh ngài là “một phép nhiệm mầu” vì chuyến hoằng pháp của ngài đã khơi lại ngọn lửa hồng cho phong trào đấu tranh cho tự do tại Ba Lan. Cựu Tổng Thống Ba Lan, Lech Walesa, cũng là người sáng lập ra phong trào liên hợp “Solidarity Movement” xác nhận rằng “Đức Giáo Hoàng đã khơi nguồn cho hàng loạt những biến sự về sau để đưa đến ngày tàn của chế độ Cộng Sản.” Cựu Tổng Thống Nga Mikhail Gorbachev cũng ca tụng ngài rằng “những sự kiện xẩy ra cho Đông Âu trong những năm gần đây không thể thực hiện được nếu không có sự xuất hiện của ngài.”

Năm 1991, ngài công bố bản sắc lệnh mang tựa đề “Centesimus Annus” dưới thể dạng Thiên Chúa Giáo để giải thích tại sao chế đệ cộng sản bị thất bại. Sau một thời gian bị bệnh Parkinson, Đức Giáo Hoàng đã trở lại Thiên Đường vào ngày mùng 2 tháng 4 vừa qua; ngài hưởng thọ 84 tuổi. Đức Tổng Giám Mục Gabriel Mantalvo cho biết ngài rất hân hạnh được đại diện để nhận huy chương tự do này.

Nhân vật thứ hai nhận lãnh giải thưởng Truman-Reagan Freedom Award là cưụ Đại Tướng Edward Rowny. Ông đã được cố Tổng Thống Ronald Reagan mệnh danh là “một trong những người kiến tạo ra chính sách hòa bình qua sức mạnh của Hoa Kỳ khi ông nhận lãnh huy chương Presidential Citizens Medal năm 1989.

Trong đời binh nghiệp của ông, ông đã trải qua 4 cuộc chiến, rồi thêm 6 năm đại diện cho Joint Chiefs of Staff tại các cuộc bàn thảo về Strategic Arm Limitation Talks (SALT II) tại Geneva. Dưới thời cố Tổng Thống Reagan và cựu Tổng Thống Bush, ông cũng lãnh nhận vai trò Chief U.S. Strategic Arm Negotiator.

Năm 1990, ông về hưu và 2 năm sau đã cho xuất bản cuốn sách “It Takes One to Tango” lược kể lại vai trò của ông trong thời gian phục vụ 5 vị tổng thống Hoa Kỳ. Phần lớn trong thời gian hưu trí, ông dồn hết công sức vào việc phát huy di tích lịch sử oai hùng của các nhà ái quốc Ba Lan và đặc biệt cố nhạc sĩ Ignacy Jan Paderewski.

Năm 1992, thi hài của cố nhạc sĩ đã được đem vể và an táng trên mảnh đất quê hương tự do như cố Tổng Thống Frankling Roosevelt đã hứa hẹn tại đám tang của nhạc sĩ năm 1941. Tướng Rowney cũng góp phần trong việc vận động cho Ba Lan được gia nhập khối NATO năm 1996. Năm ngoái, cũng tại sứ quán này, Ba Lan đã tuyên dương và trao cho ông Thập Tự Tổng Tư Lệnh với Ngôi Sao Bắc Đẩu (Commander’s Cross with a Star of the Order of Merit).

Hiện tại, ông giữ chức Phó Tổng Giám Đốc cho cơ quan American Polish Advisory Council (APAC) nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích đồng bào người Mỹ gốc Ba Lan tích cực tham gia vào cơ cấu chính quyền để mang tiếng nói và phổ biến mối liên hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Ba Lan.

Solidarity Trade Union là cơ quan được trao giải Truman-Reagan Freedom Award. Trở lại lịch sử Ba Lan, vào tháng 7 năm 1980, chính quyền cộng sản Ba Lan thời bấy giờ thông báo tăng giá thực phẩm khiến dân chúng khắp nơi phẫn nộ và cùng nhau đình công phản đối.

Vào ngày 14 tháng 8 cùng năm, nhân công tại Lenin Shipyard thuộc thành phố Gdansk, dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa đồng loạt đình công. Cuộc biểu tình bất bạo động của họ đã đưa đến kết quả chính quyền Cộng Sản phải ngồi xuống thương lượng và đồng thỏa hiệp ngày 30 tháng 8. Hiệp ước này đòi hỏi chính quyền Cộng sản phải thả các tù nhân chính trị, cho phép dân chúng được tự do phát thanh những chương trình tôn giáo, và ban quyền lợi cho dân chúng được thông thương, kinh doanh độc lập. Từ phong trào tranh đấu cho tự do này mà công đoàn Solidarity Free Trade Union được thành lập.

Nhận thấy lý tưởng Liên Hợp “Solidarity” ngày càng mạnh, chính quyền Cộng Sản lo sợ sẽ thúc đẩy đến một cuộc cách mạng nên ngày 13 tháng 12 năm 1981, họ dùng hình luật đình chỉ các sinh hoạt của liên đoàn lao công.

Trong 8 năm trời hoạt động bí mật, thầm lặng, Solidarity cuối cùng đã chiến thắng qua kỳ bầu cử tự do ngày 4 tháng 6 năm 1989 mở màn cho hàng loạt các cuộc đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản từ Ba Lan xuyên khắp Đông Âu để đưa đến sự tan rã của khối Cộng Sản Đông Âu và kết thúc cuộc chiến tranh lạnh giữa Sô Viết và Hoa Kỳ.

Gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã công nhận ngày 31 tháng 8 là Ngày Liên Hợp (Solidarity Day) để kỷ niệm 25 năm của phong trào và “ghi nhớ công lao và sự hy sinh của người dân Ba Lan … đã góp công lật đổ chế độ Cộng Sản.” Người đại diện để nhận lãnh giải thưởng này là bà Anna Walentynowicz. Bà Walentynowicz sanh ngày 15 tháng 8 năm 1929 tại Rowny, Volynia, ngày nay đã thuộc vào địa phận của Ukraine.

Việc bà bị sa thải vào ngày 7 tháng 8, 1980 và lập tức phải rời Lenin Shipyard ngày 9 tháng 8 đã khơi ngòi cho cuộc đình công tại Gdansk. Bạn đồng nghiệp của bà ngày xưa đề cử bà đến nhận lãnh giải thưởng coi như là món quà mừng sinh nhật cho bà. Năm 1993, bà đã ấn bản tập bút ký của bà mang tựa đề “the Shadow of the Past”.

Qua phần chuyển dịch của người bạn, bà cho biết “Cuộc đấu tranh của chúng tôi nhờ vào công lao hỗ trợ mạnh mẽ của Giáo hội Cơ đốc.” Câu nói này đã gợi cảm hứng cho mọi người đồng hợp ca bài “May You Live a Thousand Years” bằng tiếng Ba Lan. Bài hát này đã được các thánh cha thuộc các Giáo phận Ba Lan ca tụng Đức Giáo Hoàng khi ngài trở về thăm viếng quê hương.

Tưởng cũng nên nhắc lại, năm 2000, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt đã được chọn trao giải Truman-Reagan Freedom Award đúng vào lúc Tổng Thống đương thời Clinton viếng thăm Việt Nam. Mỉa mai thay, Clinton cũng là người phê chuẩn Đạo Luật HR 3000 năm 1993 thừa nhận việc thành lập Sáng Hội Thiết Lập Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản do Dân Biểu Dana Rohrabacker, Thượng Nghị Sĩ Clairborne Pell, và Thượng Nghị Sĩ Jesse Helm bảo trợ.

Điều đáng hãnh diện là trong Ban Quản Trị của Sáng Hội có một hội viên người Mỹ gốc Việt. Cô Lữ Anh Thư cho biết, “Chúng ta có phần trách nhiệm góp sức trong công tác này, bởi vì cả trăm ngàn đồng bào Việt Nam chúng ta đã bị sát hại dưới bàn tay khát máu của Cộng Sản Việt Nam, và chúng ta không thể để thế giới quên lãng thảm họa biến cố Tết Mậu Thân 1968.” Trong lời phỏng vấn với phóng viên báo Washington Times, cô cho biết “khi ông sống trong chế độ cộng sản, ông mới hiểu thông được bạo lực tham tàn của chúng. Đó là tội ác khôn lường cho nhân loại.”

Cũng tại Sứ Quán Ba Lan, tờ “the Polish Embassy Post” có tường thuật bài thuyết trình của Tổng Thống Ba Lan, H.E. Aleksander Kwasniewski, tại phiên họp Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước vào ngày 16 tháng 9, 2005. Bài diễn văn của ông chú trọng đến ngày kỷ niệm 25 năm sinh hoạt của phong trào liên hợp “Solidarity Movement” nhằm kêu gọi cả thế giới đồng tâm hướng vọng đến ý nghĩa của “tự do và liên hợp.”

Điểm nổi bật trong lời diễn giải của ông là một ý tưởng rất thông dụng mà chúng ta thường nghe và thích bàn tới nhưng ít ai ý thức được. Ông nói, “…Tự do chính thực không thể xẩy ra được do áp lực và cưỡng bách từ bên ngoài. Tự do phải được cấu tạo từ bên trong và từ các hạ tầng ở lớp dưới lên. Những biến chuyển cho dân chủ không thể được cấu tạo từ nơi nào đó xa xôi mà phải đến bằng quyết tâm và sự mong muốn của chính người dân. Sức mạnh nằm ở trong bàn tay của người dân.” Ba Lan là tấm gương sáng cho mọi đấu tranh dân chủ; Ba Lan là điểm trụ đã trổi gốc lật đổ khối Cộng Sản Đông Âu, dẹp tan chiến tranh lạnh, đưa Nga và Mỹ đến một lối bang giao văn minh hơn; Ba Lan cũng là bài học mà khối Cộng Sản Á Châu lo sợ có thể tái diễn.

Theo Cô Lữ Anh Thư, “Ba Lan đã tranh đấu suốt 44 năm trời để dành lại tự do, dân chủ. Và 25 năm sau, Ba Lan trong tự do đã có thế đứng vững vàng trong cộng đồng thế giới. Trong khi Việt Nam, 30 năm sau dưới ách đồ Cộng Sản lại đi thụt lùi, làm mất đi bao nguồn lợi văn minh cho dân Việt.”

Ngày 3 tháng 11 vừa qua, Ủy Ban “National Capital Planning Commission” thuộc vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đồng chấp thuận đồ án thiết dựng đài kỷ niệm tại địa điểm nằm trên góc đường Massachusetts và New Jersey hướng Tây Bắc, cách Capitol Hill không xa.

Sáng Hội Thiết Lập Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản dự tính sẽ khởi đầu xây cất vào tháng Tư năm 2006 và hoàn tất trong vòng một năm. Trong diện tích khiêm nhường 900 square feet, tượng đài Nữ Thần Tự Do, “Goddess of Liberty”, sẽ ngự trị trên một băng đá cao; phía sau là hàng bia dài liệt danh những nạn nhân cộng sản. Tiến Sĩ Lee Edwards cho biết Sáng Hội cần tiếp tục gây nốt số quỹ còn lại để trang trải mọi chi phí. Đồng thời, Sáng Hội cũng kêu gọi những ai có thân nhân đã bị cộng sản hãm hại hãy chia sẻ tài liệu để hội có thể vinh danh những nạn nhân này trên bức tường tưởng niệm. Mọi chi tiết và đóng góp cho quỹ xây dựng tượng đài có thể liên lạc qua www.victimsofcommunism.org.

Ngẫm nghĩ lại, chưa đầy một thế kỷ, 1/5 dân số trên thế giới vẫn nghèo nàn, èo uột dưới ách cai trị của cộng sản; và trăm triệu người vô tội đã bị sát hại dã man. Tiến sĩ Edwards kết luận rằng “không một cuộc chiến tranh, một cơn bệnh dịch, hay một trận thiên tai nào có mức hủy hoại, tiêu diệt cao độ bằng chế độ cộng sản.”

(Lê Thùy Lan, VATV)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.