Hôm nay,  

Hành Trình Khoa Nguyễn: Đại Diện Mỹ Đi Thế Vận

07/08/200400:00:00(Xem: 4901)
Ping…Pong…Ping…Pong…Ping…Pong…
Ngày 2 lần, Khoa đều ghé sang nhà bố mẹ, thuộc thành phố San Jose, tiểu bang California, cách nhà anh nửa dặm đường để tập dợt bóng bàn trước khi về nhà với vợ con. Sau khu vườn yên tịnh, bố mẹ anh đã xây riêng cho anh một căn phòng nhỏ rộng 40ft X 40ft và đặt tên là “Phòng Bóng” (“Pong Room”) để anh dùng làm nơi tập luyện bóng bàn.
Đối với cuộc hành trình vượt ngàn dặm đại dương trong suốt quãng đời 37 năm của anh, việc di chuyển hằng ngày trong khoảng cách ngắn ngủi giữa 2 căn nhà này để huấn luyện quả không đáng lưu tâm tới. Gia đình anh là biểu tượng cho những người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ đã góp công lao và vươn vai tạo cho mình một thế đứng vững trong cộng đồng bản xứ.
Khoa sanh ra tại thành phố Nha Trang trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Tháng 4 năm 1975, khi Cộng Sản Việt Nam tiến vào thành phố, cha mẹ đưa gia đình vào Sài gòn lánh nạn. Tưởng chỉ phải tránh đi chừng vài tuần nên 2 chị của Khoa ở lại Nha Trang. Tình hình căng thẳng, Sài Gòn cũng sắp bị lâm nguỵ Ông John Nguyễn, bố của Khoa, là một nhân viên cao cấp cho đài kiểm sóat hàng không phi lộ và có liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ nên buộc lòng phải bỏ nước ra đi. Nếu ông ở lại chắc chắn không tránh khỏi vào trại tù cải tạo. Gia đình họ Nguyễn ra đi bỏ lại 2 người con gái lớn ở Nha Trang. Mãi đến năm 1980, cả gia đình mới được đoàn tựu. Gia đình họ Nguyễn nay đã trở thành công dân Mỹ.
Sau khi ghé vào Guam làm thủ tục, gia đình Khoa được đưa sang trại tỵ nạn Texarkana, tiểu bang Arkansas. Rồi được bảo lãnh và định cư tại Stockton, tiểu bang California. Các anh em họ Nguyễn tìm giải trí qua trò thể thao bóng bàn, nhưng hiển nhiên nổi bật nhất là tài nghệ của Khoa.
Theo Khoa cho biết, “Tôi đấu với các bạn cùng lứa tuổi lúc ấy và thắng giải đầu tiên tại Junior Olympics tại thành phố Oklahoma vào năm 1980. Từ đó, tôi nhận thức được khả năng của mình.”
Tại Hoa Kỳ, bộ môn bóng bàn vẫn chưa phát triển mạnh như Tennis nên phương tiện tài chánh rất eo hẹp. Việc mạnh thường quân hoặc chính phủ hỗ trợ tài chánh cho sinh hoạt của các lực sĩ trẻ trong bộ môn này hầu như không có. Khoa tiêp tục tự luyện trong khi vừa theo học đại học tại San Jose State ngành CIS (computer information systems) và ngay cả sau khi ra trường, làm việc 90 tiếng một tuần tại Silicon Valley cho các hãng điện tử mới lập nghiệp như Netscapes, Cisco… Quả Là một thử thách cho anh trong việc trau dồi và huấn luyện.

Với thời gian eo hẹp, anh cố luyện tập nhưng vẫn bị hụt hỗng trong các kỳ thi tuyển vào Thế Vận Hội. Trong 2 năm 1992 và 1996, anh chỉ được liệt vào hạng “first alternate” (dự khuyết hàng đầu). Trong trận đấu tay đôi, anh và David Zhuang chỉ thiếu 4 điểm là có thể được nhận vào Thế Vận Hội tại Atlanta. Đang dẫn đầu 17-13 trong trận thứ 5 và cũng là hồi quyết liệt nhất thì đội anh thua với tỉ số 21-17. Trong đợt thi đấu cá nhân, lần đầu tiên anh bị Todd Sweeris hạ. Nản lòng, anh quyết định giải nghệ.
Năm 1998, vợ của anh, Pauline, rất đỗi ngạc nhiên khi thấy anh cầm lại cây vợt. Kỳ thi tuyển kế tiếp, anh được nhận vào Thế Vận Hội chuẩn bị cho trận đấu tay đôi tại Sydney, Úc Châu năm 2000. Thế nhưng, anh và bạn đồng đội, Cheng Yinghua, thua trận luân chuyển và một lần nữa, anh quyết định giải nghệ.
Gần 2 năm trời, chiếc vợt bóng bàn nằm co ro, hít bụi trong góc; Phòng Bóng ủ rũ thiếu người thăm. Công ty Neoforma, nơi Khoa mới nhận việc, khuyến khích và đề nghị bảo trợ tất cả các chi phí huấn luyện cho anh trở lại với bóng bàn. Và một lần nữa, Khoa trở lại thao trường. Anh hy vọng sẽ có cơ hội tham dự bộ môn đánh bóng đơn. “Kỳ này khác hơn,” Khoa cho biết, “vì tôi sẽ là người lép vế.”
Trong đợt thi luân chuyển với 3 người Mỹ và 3 người Gia Nã Đại, tay bóng nào đạt được 3 thành tích cao nhất có thể mua vé đi Athens.
“Tôi đã từng mang thành tích thua kém những bàn tay lão luyện này. Ít ra 3 người trong nhóm này đã từng hạ tôi. Đối với tay bóng cao thủ hạng Nhì trong nước, David Zhuang, tôi chỉ có cơ hội 1-9 mà thôi. Từ năm 1995, tôi đã không có cơ hội hạ anh ta .” Thế nhưng, trong kỳ đấu tuyển này, Khoa đã hạ David với thành quả 3-2. David mất cả cơ hội sang Athens dự thi. Khoa nghĩ rằng việc thắng lợi ở Athens có thể giống như mò kim đáy biển, nhưng anh rất sung sướng được cơ hội tham dư.. “Được hân hạnh sinh hoạt và tiếp xúc với các lực sĩ quốc tế là niềm vinh dự và kỷ niệm đẹp nhất trong các môn chơi”.
Sau cuộc chơi, anh sẽ làm gì" Khoa cho biết, “gia đình tôi rất mong tôi giải nghệ. Hai con tôi (Khamille, 7 tuổi và Khassidy, 5 tuổi) không muốn tôi tham dự Thế Vận Hội, nhưng tôi sẽ đem cả gia đình tôi sang viếng Athens.”
Theo dự đoán của những thể tháo gia nhà nghề, Trung Hoa sẽ chiếm ưu thế trên những bàn Ping Pong tại Thế Vận Hội và Werner Schlager của Áo sẽ gây ảnh hưởng không kém. Riêng đối với cộng đồng Việt Nam, Khoa Nguyễn cũng đã có một ưu thế vẻ vang dân tộc rồi.
Ping…Pong…Ping…Pong…Ping…Pong…
(Lê Thùy Lan/VATV-- Trích và dựa theo bài viết của John Walters, NBCOlympics.com, 5 tháng 8, 2004)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.