Hôm nay,  

Giới Thiệu “thu Còn Vương Nắng” Của Nguyễn Lý-tưởng Tại San Jose

20/11/200000:00:00(Xem: 5934)
Vào lúc 2:30 ngày Chúa Nhật 29-10-2000, mặc dù trời mưa lạnh đột ngột từ mấy ngày qua và có nhiều buổi sinh hoạt văn hóa, chính trị cũng được tổ chức cùng thời gian này tại San Jose. Nhưng vẫn có gần 200 quan khách và thân hữu đã đến với Nguyễn Lý-Tưởng trong buổi gới thiệu tác phẩm “Thu Còn Vương Nắng” (truyện) và “Thảm Sát Mậu Thân 68” (tuyển tập của nhiều tác giả nhân chứng) đã được tổ chức tại 685 đường Singleton Rd, San Jose. Chương trình dự trù từ 2:00 PM đến 5:00 PM, nhưng Ban Tổ Chức đã phải chờ đợi đến sau 2:30 mới khai mạc vì có tai nạn lưu thông xảy ra ở góc đường Senter và Capitol Express way nên khách đã đến trễ cả tiếng đồng hồ.

Đây là một buổi sinh hoạt văn hóa khá độc đáo trong một hoàn cảnh nhiều bất đồng đã xẩy ra trong cộng đồng người Việt tại địa phương. Phòng họp rộng rãi với khoảng 200 ghế ngồi đã hết chỗ, trên sân khấu có treo lá quốc kỳ VNCH và một bandrole “GIỚI THIỆU TÁC PHẨM THU CÒN VƯƠNG NẮNG CỦA NGUYỄN LÝ-TƯỞNG TẠI SAN JOSE 29-10-2000”. Bên ngoài của vào có để một cái bàn ghi danh và một số sách, hình thức in ấn rất đẹp đập vào mắt mọi người. Hình bìa “Thu Còn Vương Nắng” là một bức tranh mùa Thu đeầy nghệ thuật, lá vàng chen lẫn màu hung hung đỏ, ánh nắng lọt qua cành lá chiếu xuống giòng suối chảy tràn qua kẻ đá. Hình bìa sách “Thảm Sát Mậu Thân 68 tại Huế” với hình ảnh một người vợ đang ngồi khóc bên chồng bị Cộng Sản chôn sống mới tìm được xác. Một bức tranh nghệ thuật bên cạnh một chứng tích tội ác dã man diệt chủng của Việt Cộng. Người mua sách đều thắc mắc vì sách không để giá bán. Ai có lòng muốn ủng hộ bao nhiêu cũng được. Tác giả chỉ mong bà con cầm về đọc, không nghĩ đến chuyện lời lỗ trong việc bán sách.

Sau phần nghi thức chào cờ và mặc niệm chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì tự do... Giáo sư Nguyễn Châu, đã thay mặt Ban Tổ Chức tuyên bố chương trình gồm hai phần chính:

1-Giới thiệu tác giả và tác phẩm 2-Văn nghệ giúp vui.
Không khí đầy trang nghiêm, không có ngâm thơ hay ca nhạc chen vào phần phát biểu giới thiệu tác giả và tác phẩm. Người lên phát biểu đầu tiên là Cựu Đại Tá Nguyễn Mâu, nguyên Phụ Tá Đặc Biệt tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia VNCH trước 1975, người đã chỉ huy ngành Cảnh Sát Đặc Biệt trên Toàn Quốc từ 1969-1975, nói rõ hơn, ông là một người phụ trách ngành tình báo của Cảnh Sát Quốc Gia, đã một thời đảm trách một vai trò rất quan trọng liên quan đến nền an ninh quốc gia. Ông đã nói về Nguyễn Lý-Tưởng dưới con mắt của một người chỉ huy ngành tình báo, cảnh sát đặc biệt, có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của Nguyễn Lý-Tưởng trong thời gian ông Tưởng là Dân Biểu Hạ Nghị Viện (1967-1971) và là một người có khuynh hướng đối lập. Cựu Đại Tá Nguyễn Mâu đã tự khẳng định mình là một người có thẩm quyền và là nhân chứng về các hoạt động của Nguyễn Lý-Tưởng trước 1975. Ông cho rằng Nguyễn Lý-Tưởng là một người chống Cộng, yêu nước và dấn thân trên con đường tranh đấu vì quốc gia dân tộc, là một người hoạt động cách mạng và hoạt động chính trị có “lý-tưởng” đúng như cái tên của mình. Đó là một cái tên “định mệnh” do cha mẹ đặt cho ông ta.

Khi đề cập đến tác phẩm “Thu Vòn Vương Nắng” cũng như “Thảm sát Mậu Thân 68”, Ông Nguyễn Mâu nói rằng, Nguyễn Lý-Tưởng là một sử gia có công tâm khi luận bàn về lịch sử, mặc dầu Nguyễn Lý-Tưởng đã hình thành tác phẩm “Thu Còn Vương Nắng” dưới hình thức “truyện ngắn” nhưng tác phẩm đó mang nhiều giá trị lịch sử, những câu chuyện kể có liên quan đến sự thực lịch sử mà tác giả đã từng sống qua trong giai đoạn đó...Tuyển Tập “Thảm Sát Mậu Thân 68” do nhiều nhân chứng kể lại, nhưng Nguyễn Lý-Tưởng đã đóng vai trò phối hợp thực hiện, là một tài liệu rất chính xác và giá trị. Ông xác nhận rằng trước đây, giữa ông và Nguyễn Lý-Tưởng chưa hề giao thiệp với nhau, hai người chỉ biết nhau vì cả hai đều là những người ở trong chế độ VNCH, Nguyễ Lý-Tưởng ở bên Quốc Hội còn Nguyễn Mâu thì ở bên chính quyền. Do một sự tình cờ, ông được Giáo sư Nguyễn Châu, Trưởng Ban Tổ Chức là bạn học và đồng hương với Nguyễn Lý-Tưởng mời và đề nghị Ông phát biểu hôm nay.

Người phát biểu tiếp theo Cựu Đại Tá Nguyễn Mâu là Giáo Sư Lê Đình Cai, nguyên là Giáo sư ngành Sử học tại Đại học Đà Lạt và Huế trước 1975, qua Mỹ năm 1994, ông đã tiếp tục nghiên cứu và đã có học vị Tiến Sĩ tại Hoa Kỳ (PH.D) Giáo sư Lê Đình Cai là người cùng thời, cùng ngành học và cùng tranh đấu bên cạnh Nguyễn Lý-Tưởng trước 1975 trong những phong trào đòi tự do dân chủ, chống độc tài và chống Cộng.

Giáo sư Lê Đình Cai đã nêu lên 2 điểm chính trong tác phẩm của Nguyễn Lý-Tưởng: 1.Sự chân thực và tính nhân bản của tác phẩm 2.Sử dụng Văn để chuyển tải Sử.

Ông nói rằng:“Từ bao lâu nay, tác phẩm Sử nếu sử dụng văn phong của một nhà nghiên cứu thì tác phẩm biên khảo loại này chắc không tránh khỏi khô khan và ít người tìm đọc. Tác phẩm Sử đúng nghĩa biên khảo thường mang tính hàn lâm và ít được đại chúng đón nhận. Nhận chân được thực tế này, nhà biên khảo cũng là nhà văn Nguyễn Lý-Tưởng đã tìm cách thể nghiệm việc đưa Sử vào Văn để có thể mở rộng tác động của những bài học lịch sử, nhất là lịch sử đau thương của một đất nước.”

Giáo sư Nguyễn Châu (tức nhà thơ, nhà văn Ly Châu) đã giới thiệu Nguyễn Lý-Tưởng là người bạn mà ông đã gặp lần đầu tiên cách nay 50 năm tại Quảng Trị khi mới bước vào năm Đệ Thất (Lớp 6 Trung học). Lúc đầu ông có vẻ thắc mắc với cái tên nghe lạ tai “Nguyễn Lý-Tưởng”...Nhưng dần dần ông khám phá ra được, Nguyễn Lý-Tưởng có một hoàn cảnh rất đáng thương tâm, Tưởng đã có người cha đi làm cách mạng, ở trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng chống Pháp, chống Cộng Sản, ba lần bị Việt Minh (Cộng Sản) bắt giam và chết trong nhà giam. Tưởng có người anh đầu cũng tham gia cách mạng chống Việt Minh, bị Cộng Sản bắt giam hai lần, vượt ngục về nhà, sau đó bị chúng giết chết...Tưởng phải xa mẹ, xa quê ra thành phố, sống cuộc đời tranh đấu từ nhỏ và đã tham gia cách mạng, hoạt động chống Cộng, làm giáo sư, viết văn, viết báo, làm Dân Biểu và hai lần tù dưới chế độ Cộng Sản sau 1975...tổng cộng 14 năm!

Trong lời cám ơn quan khách và thân hữu, Nguyễn Lý-Tưởng nói rằng:“Khi mới đến Hoa Kỳ năm 1994, ông nghe nói San Jose là THUNG LŨNG HOA VÀNG, ông nghĩ rằng chắc chắn nơi đây phải có hoa, có bướm, có thơ, văn, là nơi găp gỡ của tao nhân mặc khách, nơi địa linh nhân kiệt, anh hùng tụ hội...nên vẫn ước ao đến nơi đây một lần...” Thế rồi ông đã đến đây lần nầy là lần thứ ba...Ông cho rằng cái cao quý nhất của con người là “chút tình cảm” dành cho nhau. Nếu một chút tình cảm với nhau mà không giữ được thì còn nói chi đến chuyện khác to lớn hơn. Trong một chế độ chủ trương tiêu diệt tình cảm con người, thì xã hội chỉ toàn là những con người máy, những cái xác không có tâm hồn, không biết rung động, không còn tình thương...Đó là những cảnh ngộ mà chúng ta đã trải qua từ 1945 đến nay, tại Việt Nam nhất là trong nhà tù Cộng Sản! Từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (1930) và từ khi Cộng Sản cướp được chính quyền tháng 8-1945, thì người dân Việt Nam đã phải trải qua những cảnh ngộ đau thương như thế!

Ông nói rằng:” Hai hình ảnh “Mồ Chốn Tập Thể” và “Nhà Tù Cải Tạo” đã luôn nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta chỉ có một kẻ thù chung là Cộng Sản. Vì thế tôi chỉ muốn đem tâm huyết để đối phó với kẻ thù chứ không muốn dành sức lực để đối phó với người anh em quốc gia”.

Nhiều ca sĩ nhạc sĩ đã giúp vui trong phần văn nghệ để mừng tác phẩm mới của Nguyễn Lý-Tưởng. Ban nhạc sống Happy Family Band của Nguyễn Hữu Lộc và Cẩm Châu đã giúp phần nhạc với các ca sĩ nhạc sĩ hát và ngâm thơ như: Linh Phương, Lệ Hằng, Bạch Yến (Thương Hà), Vân Phi, Lê Quốc Tấn, Yên Bình,v.v. Thi sĩ Ngọc An (trong Hội Thơ TTVN) đã đại diện anh chị em văn nghệ sĩ đã tặng hoa nhà văn, nhà thơ Nguyễn Lý-Tưởng...Buổi giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Lý-Tưởng chấm dứt lúc 5 giờ chiều như dự tính, mặc dù còn nhiều thân hữu ghi tên trình diễn mà không kịp lên sân khấu.

Vế phía quan khách, có Ông bà Lê Quốc Tấn (từ Sacramento), Cụ Hà Thượng Nhân, nhà thơ Hà Ly Mạc, Ông Nguyễn Văn, Ông Võ Cừ, Đại Tá Phan Đình Hùng, Cụ Hoàng Ngọc Trợ, Ông Hoàng Ngọc Hữu (Đại diện cựu học sinh Providence, Huế), Giáo sư Phan Mộng Hoàn và Phan Bích Hà (Đại diện Quốc Học-Đồng Khánh), Ông Bà Nguyên Trung (báo Chánh Đạo), Tiến Sĩ Trần An Bài, Ông Vũ Bình Nghi (VN Thời Báo), ông Lâm Văn Sang (báo Việt Mercury News), Ông Thư Sinh (Tin Việt), Ô. Nguyễn Vạn Bình, ông Ngô Đa Thiện, Ông Dương Quang Thừa, Ông Bà Giáo Sư Lê Đình Cai, Ông Bà Nguyễn Văn Châu (Hội GP Huế), Ông Bà Nguyễn Thái Hùng (GP Vinh), Ông Linh Phong, Ông Bà Dương Nguyễn, Các Ông Lê Đình Vọng, Lê Kiểu, Nguyễn Cảnh Công, Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, Nhà Thơ Dương Huệ Anh, Hoàng Xuyên Anh, Ý Yên, Như Liên, Trúc Giang, Cô Vân Phi và Kỹ sư Quang, Ông Nguyễn Mạnh Am, Kiến Trúc Sư Phạm Vũ, Giáo sư Lương Việt Cương (Phục Quốc), Các Ông Nguyễn Văn Hy, Nguyễn Quang Vinh, Đặng Phúc Trạch, Lê Cảnh Thâm, Ô. Hoàng Xuân Định (Hội Quảng Trị)...và nhiều vị khác mà chúng tôi không biết tên.…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.