Hôm nay,  

Mã Sắp Đập Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Tử Nạn

01/07/200500:00:00(Xem: 5863)
QUẬN CAM -- Tượng đài tưởng niệm thuyền nhân tử nạn ngoài biển tại Mã Lai sẽ bị đập phá vài ngày tới.
Trong khi đó, người Mỹ gốc Việt ở California đe dọa sẽ biểu tình lớn trước tòa tổng lãnh sự Mã Lai ở Los Angeles để xin ngưng hành vi đập phá tượng đài, theo tin ký giả Salmy Hashim của thông tấn Bernama.
Có ước lượng từ 2.6 tới 3 triệu người Việt ở hải ngoại, trong đó khoảng 250,000 thuyền nhân đã ở các trại tị nạn Mã Lai.
Bộ Trưởng Du Lịch Mã Lai Datuk Leo Michael Toyad, khi họp báo quảng bá Mã Lai ở Mỹ, nói trong buổi họp báo ở Los Angeles rằng chính phủ Mã Lai là “bạn tốt của chính phủ CSVN” và sẽ “tìm một giải pháp.”
Tin Bernama ghi rằng ước lượng 850,000 người đã chết ngoài biển trong khi vượt biên các thập niên 70s và 80s sau khi CSVN chiếm trọn Nam VN.
Bản tin đài VOA cũng ghi nhận hôm 30-6 rằng:
“Giới hữu trách ở Kuala Lumpur dự định phá bỏ một đài kỷ niệm mà các thuyền nhân Việt nam đã xây trên đảo Bidong để đánh dấu thời gian mà họ tới tị nạn ở hòn đảo thuộc miền bắc Malaysia này trong những năm cuối của thập niên 1970.
Tường thuật hôm thứ sáu của hãng thông tấn Pháp trích lời các viên chức chính quyền tiểu bang Terengganu nói rằng kiến trúc vừa kể được xây hồi tháng ba; và vì chưa hề nhận được giấy phép xây dựng cho nên sẽ được phá hủy.
Cũng theo các viên chức Malaysia, việc này được thực hiện dựa theo lệnh của bộ ngoại giao Malaysia sau khi họ nhận được lời than phiền từ chính quyền Cộng sản Việt Nam. Quốc vụ khanh Muhatar Abdullah cho hãng thông tấn Bermana biết rằng chính phủ phải suy xét về quan hệ giữa Malaysia và Việt nam khi quyết định về vấn đề vấn đề này.
Theo ghi nhận của phái viên hãng thông tấn Bermana, có 245133 thuyền nhân Việt nam đã tới đảo Bidong từ năm 1978 đến năm 1990. Quyết định phá hủy đài tưởng niệm vừa kể đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tị nạn.
Nhiều đoàn thể và tổ chức đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Malaysia suy xét lại. Hồi đầu tháng này, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt nam, một tổ chức nhân quyền đặt bản doanh ở Paris, đã chính thức yêu cầu chính phủ Malaysia đừng phá sập đài tưởng niệm của người tị nạn. Người đứng đầu tổ chức này, là ông Võ Văn Ái, nói rằng: ‘Đây không phải là một đài tưởng niệm có tính chất chính trị, mà là một sự bày tỏ lòng cảm kích của thuyền nhân Việt nam đối với những người đã ra tay giúp đỡ họ trong lúc họ gặp nguy khốn.’

Cũng theo ông Võ Văn Ái, đài tưởng niệm ở Bidong là một phần của ký ức chung của người Việt Nam; những gì đã xảy ra trong lịch sử cần được ghi lại và giới hữu trách Việt nam cần phải chấp nhận điều này.”
Trong khi đó, BBC ghi nhận tình hình bi đát này như sau:
“Chỉ còn vài ba ngày nữa là tấm bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam trên đảo Bidong của tiểu bang Terangganu của Malaysia sẽ bị đập bỏ. Một đài tưởng niệm tương tự đã bị phá bỏ trên đảo Galang của Indonesia...
“Ông Trần Đông, Giám đốc Văn khố Thuyền nhân Việt Nam tại Úc, người đã đồng tổ chức việc dựng đài tưởng niệm và đưa những chuyến cựu thuyền nhân về thăm hai đảo Bidong và Galang tháng Ba vừa qua giải thích về việc giấy phép xây dựng với BBC rằng đúng là không có một tờ giấy phép xây cất nhưng các quan chức địa phương đều dự lễ đón chào việc dựng đài tưởng niệm.
Theo nhà báo địa phương vừa nêu, hiệp hội các khách sạn và du lịch Terangganu tỏ ý không hài lòng về chuyện đập bỏ bia thuyền nhân Việt Nam và muốn tìm một giải pháp cứu vãn tình thế.
Ông cho biết: Họ cảm thấy rằng tấm bia tưởng niệm có ý tốt. Nó sẽ thu hút cựu thuyền nhân Việt Nam đến thăm hòn đảo. Nhưng từ khi xảy ra vụ việc, họ nghĩ là lời lẽ trong tấm bia gây ra tranh cãi nên họ muốn, hay là sửa đổi nó đi, chỉ sửa lời lẽ thôi, để cho tấm bia có thể được duy trì. Nhưng việc đập bỏ nay chỉ còn là vấn đề mấy ngày tới.
Nội dung dòng chữ trên bia ghi rằng hàng nghìn người Việt vượt biên đã bỏ mình trên biển khi đi tìm tự do.
Bản thân nhà báo địa phương nọ cho biết ông và các đồng nghiệp phóng viên và một phần dư luận dân chúng địa phương coi việc có tấm bia tưởng niệm thuyền nhân không gây ra vấn đề đối với chính phủ Việt Nam cả:
Tôi không hiểu tại sao lại phải phá bỏ bia. Họ đã chịu nhiều đau khổ, lời ghi trên bia chỉ ghi lại những gì đã xảy ra. Các thuyền đã chết trên biển, gia đình, thân nhân của họ, cả trẻ em nữa, đã chết trên con đường đi tìm tự do. Tấm bia chẳng có gì xúc phạm, chẳng có gì tấn công hay hạ thấp chính quyền ở Việt Nam hiện nay cả...”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.