Hôm nay,  

Pháp Lãnh Đạo… Một Mình

02/06/200500:00:00(Xem: 5575)
Tổng thống Chirac lủi thủi lãnh đạo một mình, khi bổ nhiệm de Villepin làm Thủ tướng
Đáng lẽ, nước Pháp có thể đưa Quốc hội phê chuẩn bản dự thảo Hiến pháp  châu.
Tổng thống Jacques Chirac không chọn giải pháp ấy như chín quốc gia đã phê duyệt văn kiện này, dù phe và đảng của ông có một đa số vững chắc trong Quốc hội. Đằng này, ông tổ chức trưng cầu dân ý để lấy quan điểm của toàn dân. Toàn dân đã trả lời: gần 55% chống, tỷ lệ đáng buồn cho Chirac vì ông đích thân vận động dân chúng ủng hộ văn kiện do chính quyền ông chuẩn bị kỹ lưỡng việc soạn thảo (Xin tham khảo lại bài "Pháp gẫy đòn bẩy" trên cột báo này, ngày 23 tháng Năm).
Sau thất bại mà báo chí Pháp gọi là địa chấn, nhục nhã, Tổng thống Pháp phải cải tổ chính phủ và thay thế Thủ tướng.
Nội các mới
Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin là nhân vật an toàn cho Chirac vì không có phe phái trong đảng, một cái cầu chì không đuôi nên dù có bị nổ cũng không gây tai họa cho tổng thống. Raffarin cũng là khuôn mặt mờ nhạt và đáng lẽ phải cho ra về từ năm ngoái sau thất bại bầu cử cấp địa phương, nhưng vẫn được Chirac lưu dung vì lý do an toàn cho mình. Chính sự kiện ấy cũng khiến dân Pháp phật ý và càng bỏ phiếu chống Hiến pháp, vì cho rằng chính quyền coi thường quan điểm của họ.
Ngay sau khi kết quả được ngã ngũ, Tổng thống Chirac lên truyền hình Pháp ghi nhận ý dân và hứa hẹn một cái trớn mới, mật ngữ Paris của "một chính phủ mới". Khi ấy, ông có ba giải pháp nhân sự.
Một là giải pháp an toàn nơi Bộ trưởng Quốc phòng Michèle Alliot-Marie, một khuôn mặt phụ nữ khả ái, đáng tin cậy và có dày kinh nghiệm nghị trường vì đã từng lãnh đạo đảng RPR (tiền thân của đảng UMP của Chirac). Bà là người chung thủy với Chirac và không có tham vọng ra ứng cử Tổng thống vào năm 2007 để có thể trở thành một đối thủ của ông.
Hai là giải pháp cách mạng nơi cựu Bộ trưởng Tài chánh và đương kim chủ tịch đảng UMP là Nicolas Sarkozy.
Con nhà di dân từ Đông Âu, ông được lòng quần chúng trong đảng và có chủ trương kinh tế tự do hơn, với những giải pháp rốt ráo hơn nhằm chấm dứt hoặc ít ra hạn chế hệ thống kinh tế xã hội bao cấp hiện nay của Pháp. Nhưng, dù được lòng quần chúng khi từng là Bộ trưởng Nội vụ rồi Tài chánh, Sarkozy lại không được lòng Chirac vì đã ngả theo phe cựu Thủ tướng Edouard Balladur mươi năm về trước, và phạm tội "khi quân: Balladur dám ra tranh cử chống lại thượng cấp Chirac.
Sarkozy còn có tội nặng hơn nữa vì ngỏ ý muốn ra tranh cử Tổng thống vào kỳ tới, nghĩa là trở thành đối thủ của Chirac. Vì vậy, khi muốn ra ứng cử chức vụ Chủ tịch UMP, ông được Chirac ra điều kiện khó, là phải rời chính phủ.
Nếu Sarkozy ra làm Thủ tướng, phe và đảng của Chirac có hy vọng hàn gắn được những tổn thất của cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật 29, và nếu ông ta lại vấp ngã thì Chirac cũng loại được một đối thủ tiềm thế. Nói chung, doanh giới và dân Pháp ưa Sarkozy hơn cả vì ông ta quả đoán, dám lấy quyết định táo bạo lại không thuộc thành phần ưu tú Paris, tốt nghiệp ở một trường lớn của Pháp như đại đa số các chính khách hay cộng sự viên của Chirac.
Sau một ngày suy nghĩ, Chirac chọn giải pháp còn an toàn hơn nữa cho bản thân, đó là đề cử đương kim Bộ trưởng Nội vụ Dominique de Villepin làm Thủ tướng nhưng lại cài Sarkozy vào làm siêu Bộ trưởng - thực tế là Phó thủ tướng - trong khi Sarkozy vẫn nắm đảng UMP.
Đòn phép Chirac làm bật cười: khi Sarkozy muốn ra tranh cử chủ tịch đảng UMP, Chirac đòi ông ta phải từ chức Bộ trưởng Tài chính vì không muốn một người đội hai mũ. Bây giờ Chirac lại đồng ý với việc kiêm nhiệm này và còn long trọng nhắc đến Sarkozy khi giới thiệu Thủ tướng mới. Chirac chiều theo áp lực của Sarkozy để cứu lấy chính quyền" Hay Chirac muốn giàng Sarkozy vào cỗ xe của mình, để nội các lên hay xuống thì Sarkozy cũng nằm trong và chịu lây, thay vì đứng ngoài phê phán tính điểm cho trận chiến 2007" Vòng vo như vòng chính trị Pháp quốc!
Nhưng, Dominique de Villepin là ai"
Con nhà Thượng nghị sĩ dòng dõi quý tộc, de Villepin là nhân vật tiêu biểu cho thành phần ưu tú đầy tài năng mà đáng nghi của chính trường Pháp, loại người làm dân chúng phật ý vì tách rời khỏi đời sống thực tế và lại chưa hềø sinh hoạt chính trị tại cơ sở.
Ông ta chưa khi nào ra tranh cử và phải nghe cử tri than nghèo kể khổ, chỉ nắm quyền nhờ sự bổ nhiệm của Chirac. Thần tượng của ông là Napoléon và thời gian rảnh rỗi, ông viết về thơ.
Năm nay 51 tuổi, de Villepin tốt nghiệp Cử nhân Luật và Văn khoa, rồi Sciences Po (Chính trị học) và ENA (Quốc gia Hành chánh), loại "trường lớn", lò đào tạo nhân tài ưu tú của Pháp. Học xong là de Villepin đi làm công chức, trong ngành ngoại giao, từng hai lần qua làm việc tại Sứ quán Pháp ở Washington của Mỹ. Sau đó, ông phục vụ dưới trướng của cựu Thủ tướng Alain Juppe - một tay em thân tính của Chirac và nay tạm ngưng sinh hoạt chính trị vì dính dấp đến một vụ án tham nhũng.
Từ đấy, de Villepin lọt mắt xanh của Chirac, được gọi vào làm Đổng lý Văn phòng cho Tổng thống (Tổng thư ký Phủ tổng thống) trước khi được Chirac đưa ra làm Ngoại trưởng, rồi Bộ trưởng Nội vụ. Trong 10 năm qua, de Villepin là người thân tín, gần như một đứa con tinh thần của vị Tổng thống đã 72 tuổi mà chưa ngớt tham vọng tái ứng cử một nhiệm kỳ ba.

Jacques Chirac chọn giải pháp an toàn nhất cho mình, dù là giải pháp hội đủ những yếu tố làm dân Pháp thất vọng về tầng lớp ưu tú đang lãnh đạo họ. Con nhà quý tộc, đi học ra là làm quan lớn mà chẳng cần biết dân sinh dân sống thế nào, chưa hề tranh cử để chịu sự phán xét của cử tri, nay lại lên làm Thủ tướng! Chỉ vì Chirac không sợ bị de Villepin qua mặt cướp cờ.
Nước Pháp hiện do khuynh hướng trung hữu lãnh đạo, nhưng lại có chủ trương kinh tế bao cấp khiến tỷ lệ thất nghiệp luôn luôn mấp mé 10% dân số lao động và nợ ngoại quốc lên tới ngàn tỷ Euro, sức cạnh tranh bị sút kém. Nếu một số dân Pháp có than vì những trì trệ của đường lối bao cấp ấy thì lãnh đạo đã có lý do: vì Âu châu. Vả lại, chủ trương kinh tế tự do hơn bị chê là giống Mỹ, là thiếu tình người. Khác với Nicolas Sarkozy là người dám nói đến việc cải cách cho tự do hơn, Dominique de Villepin chủ trương tiếp tục đường lối bao cấp.
Như vậy, trong tương lai trước mặt, ít ra từ nay đến 2007, nước Pháp sẽ không thay đổi chủ trương nội trị, dù cả Tổng thống Chirac lẫn Thủ tướng Raffarin đã bị thảm bại trước dư luận. Ông Chirac xây chiến hào bằng "bêtông cốt sắt" và cố thủ bên trong cho đến khi mãn nhiệm kỳ hai. Đây là điều đáng tiếc cho Pháp và đáng nguy cho Chirac. Ngay sau khi tin de Villepin được Chirac bổ nhiệm làm Thủ tướng, đồng Euro đã rớt giá hôm trước lại rớt thêm một đợt! Vive la France!
Âu châu cũ
Về đối ngoại, de Villepin nổi tiếng là cái loa cho Chirac ở hai điểm, vừa thay mặt cho cả Âu châu vừa hung hãn chống Mỹ. Lập trường chống Mỹ trong vụ Iraq khiến Pháp được nhiều nước Á Phi và Hồi giáo ngưỡng mộ nhưng lại bị các nước Âu châu khác nghi ngờ. Liên hiệp Âu châu không thoải mái với quan điểm của Pháp, một quan điểm được Liên bang Nga và Đức ủng hộ nhưng gặp sự chống đối của đa số còn lại. Cái lối trình bày quan điểm của mình như là quan điểm của cả Âu châu khiến de Villepin phải dời qua bộ Nội vụ, nay ông lại lên làm Thủ tướng, vì vậy Âu châu mới ngạc nhiên. Chirac cương quyết lãnh đạo Âu châu, nhưng lủi thủi lãnh đạo một mình.
Chẳng những Pháp mất hết thế lực hay uy tín trong khuôn khổ Âu châu mà còn mất dần các đồng minh còn lại.
Liên bang Nga hiện đang bị cả Âu châu lẫn thế giới nghi ngờ vì lề lối cai trị độc đoán của Tổng thống Vladimir Putin, trong khi biên cương bị sóng gió vì làn sóng dân chủ đang lan rộng. Ông không còn là tiếng nói chống Mỹ có thế giá và cũng chẳng có lý do gì song ca đồng diễn với Tổng thống Chirac.
Tại Cộng hòa Liên bang Đức, đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Gerhard Schroeder vừa bị thảm bại ngay tại một bang được coi là thành lũy của mình khiến Schroeder phải quyết định tổ chức bầu cử sớm. Điều đó có nghĩa là ông phải giải tán chính phủ và chuẩn bị một cuộc tranh cử mà đa số cho là đảng của ông sẽ thất cử, bản thân ông sẽ ra về. Nước Đức sẽ có Thủ tướng mới, một phụ nữ, lãnh tụ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU. Trong hoàn cảnh nguy kịch ấy, Schroeder không dại gì chuốc họa để lập ra một liên minh Pháp-Đức trong khuôn khổ Liên hiệp Âu châu"
Trong ba tay "ngự lâm pháo thủ" Âu châu, chỉ còn Jacques Chirac là đòi rút cây gươm gẫy ra lệnh tiến quân, với de Villepin - mà báo chí Pháp gọi là một tay "khinh kỵ binh - hussard- hung hãn".
Tuy nhiên, như trong "truyện Tái ông thất mã", trong cái rủi vẫn có cái may.
Trong dân số 42 triệu người ở tuổi đi bầu, có chừng 30 triệu dân Pháp đã bỏ phiếu hôm Chủ Nhật và 5% trong số này - chừng triệu rưởi - đã bỏ phiếu chống. Nếu một triệu rưởi người ấy đổi ý, tình hình tất nhiên đã đổi khác, một trường hợp không có gì là hoang đường.
Đa số dân Pháp đã chống Hiến pháp Âu châu vì rất nhiều lý do mâu thuẫn với nhau: nói chung, họ phân vân về một tương lai không sáng tỏ vì bị vùi lấp trong một văn kiện quá phức tạp, dài đến 70.000 chữ và họ bực bội vì một thực tại còn u ám hơn dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Chirac và Thủ tướng Raffarin. Cả hai phe cực tả và cực hữu đều chống, và trong từng đảng cũng có hai phe đối nghịch. Hãy tưởng tượng là nếu dân Pháp ủng hộ Hiến pháp cũng như vậy và sau này sẽ lại đổi ý, ào ạt xuống đường biểu tình như truyền thống của họ thì sao"
Giả thuyết này không mơ hồ khi ta xét tới bao mâu thuẫn chồng chất trong xã hội Pháp vì cái gì cũng muốn mà lại không muốn trả giá; không ai muốn bị thiệt và sẵn sàng đổ lỗi cho ai khác vì những khó khăn của mình. "Bọn thợ ống nước Ba Lan đã cướp việc làm của tôi vì họ lãnh đồng lương rẻ mạt"; "dân Hồi giáo hay Thổ Nhĩ Kỳ làm xã hội của tôi mất dần bản sắc", "xu hướng kinh tế tự do kiểu Mỹ trong khuôn khổ Âu châu làm tôi bị giảm trợ cấp, mất lương nghỉ hè", v.v… là những lý do liên hệ tới Âu châu nhưng phản ảnh một nỗi bất an chung của dân Pháp. May là họ bác bỏ Hiến pháp trước khi nhập cuộc.
Nhờ vậy mà các nước Âu châu kia có cơ hội tái duyệt xét tất cả. Họ sẽ để mặc cho Chirac chèo chống ở nhà mà lo tìm ra một giải pháp khác. Nếu có thì chỉ đếm ngày tồn tại của Gerhard Schroeder… Cuộc khủng hoảng của Âu châu bắt đầu, nhưng trong việc tìm lối thoát, sẽ không có hai nước sáng lập Âu châu là Pháp và Đức!
Bỗng nhiên, Thủ tướng Tony Blair của Anh thấy bài mình sáng hẳn! Hèn chi mà Hoa Kỳ nín thinh!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.