Hôm nay,  

Đêm Nhạc Lưu Vong 30 Năm: Thành Công, Xúc Động

07/05/200500:00:00(Xem: 5453)
San Jose- Tổnghợp-Tối thứ bảy 30 tháng 4 năm 2005, tại rạp hát Le Petit Trianon khỏang 300 đồng hương đã ngồi tới cuối buổi để thưởng thức một chương trình ca nhạc đặc biệt vào cửa tự do, kỷ niệm ba mươi năm lưu vong của người Việt tị nạn.
Hai mươi mốt nhạc phẩm mang chủ đề lưu vong, tị nạn, vuợt biển, thương nhớ Sài Gòn, cải tạo, của nhiều nhạc sỹ sáng tác trong suốt ba mươi năm qua, đã được hai mươi mốt nghệ sỹ trình bày với tiếng hát tiếng đàn đầy cảm xúc làm rưng rưng nước mắt khán giả.
Nhạc sỹ Trần Chí Phúc, đại diện ban tổ chức đã nói mục đích của đêm nhạc là "để nhớ quãng đời 30 năm lưu vong của lịch sử nhọc nhằn, để vững bước đi tới xây dựng cuộc sống trên xứ người, và để chuẩn bị cho ngày đoàn viên trên quê hương tự do."
Trước đó là một đọan phim lịch sử tị nạn và cộng đồng dài 17 phút do anh Phạm Phú Nam thực hiện được trình chiếu. Có cảnh truyền hình Mỹ phỏng vấn một tù nhân cải
Tạo, ông ta đôi mắt rướm lệ, cố nuốt cơn uất nghẹn để trả lời. Đôi mắt đó làm người xem khó quên, người tù cải tạo này sau đó đã tự vẫn trong trại.
Trên sân khấu, một tấm hình lớn do Nguyễn Tâm thực hiện với con thuyền vượt biển và các thuyền nhân đang vùng vẫy trên sóng gợi nhớ chuỗi ngày tị nạn, tạo một không khí rất đặc biệt.
Nguời giới thiệu chương trình là Đỗ Vân Hà, giọng nói truyền cảm, những lời dẫn giải các bài hát ngắn gọn, đầy đủ và làm nổi bật tính cách đặc biệt của những ca khúc được lựa chọn trong dòng nhạc lưu vong 30 năm.
Từ Phạm Duy (1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước), Phạm Đình Chương( Cho Thành Phố Đã Mất Tên) , Chiều Tây Đô( Lam Phương)…,những nhạc sỹ nổi tiếng hải ngoại, cho đến những sáng tác của những nhạc sỹ Bắc Cali như Hòai Hương của Phạm Mỹ Lộc, Quê Hương Nỗi Nhớ( Ngọc Loan), Xác Em Nay Ở Phương Nào( Trần Chí Phúc). Đặc biệt trong đêm này có bài hát mới lần đầu trình diễn là Tìm Mẹ Tôi Đâu ( Tâm Nguyên).

Hai bản nhạc giá trị nhưng chưa bao giờ thu băng là Hát Đêm Dài Arya( Bình Phương) và Lá thư Tù Binh(Vô Danh). Nhạc sỹ Đặng Đình Quảng đã độc tấu guitar, reo dây réo rắt dòng nhạc u buồn của bản Xác Em Nay Ở Phương Nào là một tiết mục độc đáo của chương trình.
Ca nhạc sỹ Ngọc Trọng đến từ Nam Cali đã chinh phục khán giả qua hai bản Sài Gòn Em Ở Đó( Trần Chí Phúc) và Hát Đêm Dài Araya cùng tiếng guitar điêu luyện . Tiếng hát sinh viên Quốc Tuấn, người trẻ nhất trong bản Sài Gòn Vẫn Mãi Trong Tôi ( Trúc Hồ&Anh Bằng) để lại ấn tượng. Hồng Nga lúc hát bản Xác Em đã không cầm được nước mắt.
Các tiết mục tiếp nối một cách liên tục đúng như tờ chương trình đã ghi, hai muơi mốt nghệ sỹ lần lượt trình diễn trong thời gian đúng hai tiếng đồng hồ , quả thật là một điểm son cho ban tổ chức. Lâu lắm, người ta mới thấy các tiếng hát của Bắc Cali xuất hiện đầy đủ trong một buổi nhạc sửa sọan chu đáo. Lúc đầu âm thanh chưa kịp điều chỉnh, nhưng sau đó mọi thứ đều tốt đẹp.
Người ra sân khấu sau cùng là Trần Chí Phúc, bước đi khập khiểng vì chân bị vọp bẻ do chạy lui chạy tới lo sắp xếp. Anh hát bản Sài Gòn Một Thóang 30 Năm sáng tác nhân mùa 30 năm lưu vong, bản này đã được ba đài VOA, BBC và Á Châu Tự Do phát về VN trước đó mấy ngày, kết thúc chương trình.
Những tiếng hát của Bắc Cali nồng nàn cảm xúc, những bài ca chọn lọc trong chủ đề lưu vong 30 năm, lời giới thiệu duyên dáng của Đỗ Vân Hà, trong không khí của đêm 30 tháng 4, khán giả ngồi im thưởng thức trong một rạp hát lịch sự ấm cúng, buổi văn nghệ vào cửa miễn phí, tổ chức trôi chảy chu đáo. Tất cả đã tạo cho đêm Những Dòng Nhạc Lưu Vong 30 Năm sự thành công về nghệ thuật, về ý nghĩa và để lại trong lòng người tham dự một cảm giác lưu luyến lúc chia tay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.