Hôm nay,  

Hội Thảo Chính Trị Tại Paris: Nhìn Lại Việt Nam 30 Năm

30/04/200500:00:00(Xem: 5455)
1975 - 2005: Kinh nghiệm Việt Nam: CSVN kết thúc chiến tranh như thế nào và quản trị đất nước ra sao từ 30 năm qua" Viễn cảnh tương lai"
Đây là đề tài của buổi hội luận bàn tròn do Hội Y Sĩ Việt Nam và Nhóm chủ trương báo Vietnam-Infos tổ chức nhằm đánh dấu 30 năm biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Buổi thảo luận diễn ra tại phòng Colbert trong khuôn viên quốc hội Pháp vào ngày 26/4/2005, từ 15giờ đến 18 giờ.
Buổi hội thảo được đặt dưới sự chủ tọa của Giáo sư Vũ Quốc Thúc, nhà văn Olivier Todd, Général Guy Simon, và điều hợp bởi ông Bùi Xuân Quang, chủ bút tờ Vietnam Infos.
Vì vấn đề gia đình, BS Trần Quang Lộc không đến được để khai mạc buổi hội thảo bàn tròn. Ông Bùi Xuân Quang đọc những lời của BS Lộc cám ơn ông Claude Goasguen, cựu tổng trưởng, và dân biểu Paris, và ông Bernard Accoyer, chủ tịch hội đoàn dân biểu UMP, và BS Trần Quang Lộc thành thật chúc cuộc hội thảo bàn tròn thành công.
Và ông Bùi Xuân Quang cũng nhắc lại là từ cuối thế kỷ thứ 18, người dân Pháp đã có quyền bầu cử, và từ đấy hai chữ công dân đã có cái ý nghĩa của nó. Theo ông Quang, gặp gỡ nhau ở nơi tượng trưng cho dân chủ, ở giữa kinh đô của nhân quyền và văn hóa là một sự may mắn.
Mở đầu chương trình, ông Trần Đức Tường, Ủy viên trung ương Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, đã tóm lược những biến cố quan trọng đã xảy ra trong 30 năm qua, đặc biệt vạch trần sự dã man của chế độ tù cải tạo.
Ông Bùi Tín cho rằng đây là một chính sách vô nhân mà ông rất bất mãn và phản đối, vì nó thể hiện tính dã man khi chính quyền CSVN áp dụng chính sách nô lệ với chính dân tộc mình. Theo ông Bùi Tín, Đảng cộng sản Việt-Nam đã có tội và phải xin lỗi với nhân dân.
Về phương diện kinh tế, tiến sĩ kinh tế Vũ Mộng Lan, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Chuyên Gia Việt Nam, đã cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam tuy được nhắc nhở nhiều đến những thành công như là một trong những nước đầu trên thế giới về xuất cảng gạo, cà phê, hột điều..., với những chỉ số phát triển kinh tế 7, 8% mỗi năm... nhưng thực chất nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất yếu kém. Cán cân thương mại luôn thâm thụt một cách trầm trọng và được đền bù bằng một số ít từ đầu tư ngoại quốc, viện trợ nhân đạo và quan trọng nhất là khối lượng tiền tệ đến từ khối người Việt hải ngoại gửi về trợ giúp gia đình lên đến.3,5 tỷ Mỹ kim.
Giáo sư Lâm Thanh Liêm cho thấy tiềm năng kinh tế của người Việt hải ngoại rất lớn nhưng vì tình hình đầu tư tại Việt Nam quá bất ổn nên không ai muốn đầu tư. Chủ trương của nhà cầm quyền CSVN là khai thác và thu vét nguồn lợi tức của những người đi lao động hợp tác, chiêu dụ qua các dịch vụ du lịch và gửi tiền về Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, thuộc Nghị Hội Người Việt tại Hoa Kỳ, đến từ Hoa Thịnh Đốn đã trình bày về chính sách xã hội và văn hóa của Việt Nam. Ông cho rằng hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp ngày càng sâu rộng với tình trạng tham nhũng ngày càng leo thang như hiện nay, đưa đến những tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em đường phố, v.v... Chính quyền CSVN không quan tâm đến việc phát triển giáo dục và y tế, trẻ em đi học phải đóng những món tiền thật nặng nề, người bệnh phải đút lót mới được chữa trị. Về tôn giáo thì chỉ có những giáo hội nhà nước mới được phép công khai hoạt động; về thông tin thì mọi cơ quan truyền thông truyển hình báo chí đều do nhà nước chỉ đạo.
Nhà văn Vũ thư Hiên đã trình bày tóm lược về hoàn cảnh của những người trí thức Việt Nam. Đặc biệt trong phần này, Ban Tố chức đã phát thanh lời phát biểu của ông Nguyễn Thanh Giang, nhà đối kháng đòi dân chủ từ trong nước, gửi đến hội nghị. Bộ ngoại giao Pháp sẵn sàng cấp chiếu khán cho ông nhưng chính quyền Việt Nam, đến phút cuối cùng, đã không cấp cho ông giấy thông hành.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, chúng ta phải có bổn phận nhìn về quá khứ, nhưng phải nhìn quá khứ với một đầu óc sáng suốt và với lòng nhân ái, không thù hận. Ông Nguyễn Thanh Giang cũng nhấn mạnh rằng, có ba yếu tố làm trì trệ xã hội Việt Nam: 1/ Trình độ ban lãnh đạo yếu kém đối với dân trí trong nước vì "Đảng chọn, dân bầu"; 2/ Cơ chế chính trị và hành chính lỗi thời đem đến bất công tham nhũng; 3/ "độc tài, độc quyền, độc đoán" đã làm đất nước trì trệ, không tiến được trước sự thách thức của thời đại.
Ông Nguyễn Quốc Nam, đại diện cho Liên Minh dân chủ Việt-Nam, nhắc rằng GS Nguyễn Đình Huy đã bị kết án 15 năm tù chỉ vì muốn tổ chức năm 1993, tại Sài Gòn, một cuộc hội thảo như hôm nay, để nói về dân chủ cho Việt-Nam.
Trong phần góp ý về những chỉ dấu nào cho thấy bắt đầu sự dân chủ hóa tại Việt Nam, ông Bùi Tín cho rằng một chế độ đa đảng là sự cần thiết nhất.
Ông Tôn Thất Long, trong ban sáng lập tập san Viễn Tượng Việt-Nam, thấy Đảng Cộng sản Việt-Nam chỉ có ba giải pháp: 1/ Tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý với đề tài "người dân có chấp nhận hay không huến pháp 1992"; 2/ Soạn một hiến pháp mới rồi tổ chức trưng cầu dân ý; 3/Tổ chức một cuộc bầu cử tự do với sự quan sát quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Tổng thư ký Liên Minh Việt Nam Tự Do, cho rằng những chỉ dấu đầu tiên của dân chủ là khi mọi người dân đều được quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Ngoài ra, từ những phân tích kinh tế được nêu trong cuộc hội thảo, ông cũng kêu gọi cộng đồng người Việt hài ngoại hãy ý thức sức mạnh kinh tế của mình đối với Việt Nam mà sử dụng điều này để làm áp lực buộc nhà cầm quyền CSVN phải từng bước dân chủ hóa đất nước.
Buổi hội thảo chấm dứt vào lúc 18 giờ và quan khách đã được mời tham dự phần tiếp tân do ông Trần Quang Lộc, Hội trưởng Hội Y sĩ Việt Nam khoản đãi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.