Hôm nay,  

Thanh Trí: Tranh Và Thơ

15/03/200500:00:00(Xem: 5459)
tcd_03152005_6


Ngày 9 tháng Tư sắp tới, nữ hoạ sĩ Thanh Trí sẽ có cuộc triển lãm tranh và giới thiệu tập “Tranh và Thơ” tại cơ sở báo Người Việt. Sách “Tranh và Thơ” hiện đang được gửi tới thân hữu và bạn đọc. Sau đây, Việt Báo trân trọng giới thiệu tác giả Phương Anh Trang, người chủ trương tập san “Tiếng Sông Hương” tại Hoa Kỳ, viết về tập “Tranh và Thơ” của hoạ sĩ Thanh Trí.

Vừa viết xong T.S.H. nét đẹp áo Lemur, đang ngập ngừng vì màu trắng nữ sinh hay màu tím, tình cờ tuần lễ qua nhận được một tác phẩm nghệ thuật phảng phất chất Huế: Thanh Trí, Tranh và Thơ, do Thanh Trí xuất bản.
Khỏi phải nói ''sách trình bày đẹp'', Thanh Trí là họa sĩ, tác phẩm trình bày và ấn loát đẹp là cái chắc ! Có nói thêm cũng như khen phò mã tốt áo!
Tác phẩm Tranh và Thơ mở đầu với lời tác giả, tiếp đến lời giới thiệu của thầy học cũ Phan Xuân Sanh, nguyên giáo sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Phụ họa thêm là ý kiến một số đồng môn, đồng song và đồng nghiệp như Trương Thị Thịnh, Hoàng Hương Trang (Diệm Phương), Đinh Cường...
Vừa họa vừa thơ. Đúng hơn, tranh là chính. Thơ kèm theo như nét hoa văn diệu bút làm đẹp thêm các họa phẩm, phong phú về màu sắc, phong phú về nội dung sáng tạo.
Ru con ru cả biển khơi
Nhớ từng tiếng sóng à ơi đêm trường.
(Họa Phẩm: Tiếng Sóng Ru Con)
''Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi''. Qua gần 50 tác phẩm đủ loại, tranh lụa, tranh nước, tranh dầu, tranh sơn mài, người xem tranh chắc sẽ cùng chung nhận xét: Thanh Trí vừa làm thơ vừa vẽ, những bức tranh lóng lánh chất thơ. Tưởng tượng thêm, những vần thơ uyển chuyển như nét tranh thủy mạc trên khung lụa vàng khai bút đầu xuân.
Thơ ngây một thuở bâng khuâng nhớ
Một quảng trời xanh đọng tiếng cười.
(Họa Phẩm: Áo Trắng Trời Mưa)
Củng rất dễ dàng nhận thấy, tranh Thanh Trí tràn đầy chất thơ. Hồn thơ, ý thơ chứa chất cô đọng cùng với nguồn cảm hứng như những mãng màu sắc (masses colorées) quyện lẫn trong trong một số họa phẩm sơn dầu như Trăng và Biển, Chợ Tết Đầu Làng, Trẻ Thơ với Trung Thu.
Bóng ta hay người
Bóng người hay ta
... Bên ly màu nước đầy vơi
Hòa cùng lệ đắng bút mời ta say.
(Họa Phẩm Bóng Cô Đào Say)
Họa và Thơ. Hết thơ đến họa, hết họa rồi thơ ! Hình như rằng suốt cuộc đời người nghệ sĩ, tranh và thơ đã trờ thành Duyên Nghiệp.
Nghiệp và Duyên cùng đến với Thanh Trí từ khi mới nhập học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế cho đến ngày ra trường, từ đó lãng đãng luân lưu đến ngày nay, kể cả một thời gian ngừng đọng còn tại quê nhà, năm tháng ngậm ngùi, đất nước nổi trôi, dâu bể đa đoan.
Muốn có duyên để tạo nghiệp, trước hết phải là một tâm hồn nghệ sĩ, sống thật và sống đầy với thơ và họa, ít nhiều với mộng mơ lãng mạn: lãng mạn trong hồn thơ, trong suy tưởng, trong nét bút tạo hình.
Muốn sống với nghiệp dĩ, người nghệ sĩ, hội họa hay điêu khắc, phải trải qua nhiều công lao, thì giờ suy tư, hăng say và tin tường; gần gũi hơn, vừa lãng mạn vừa đam mê (passion) là cái đẹp nhất trong cuộc đời nghệ sĩ. Cũng như vậy, hạnh phúc may mắn trong cuộc đời nghệ sĩ là trước sau dống với duyên nghiệp tràn đầy.
Bay, bay theo bóng sao rơi
Theo làn tư tưởng giữa trời hư không.
(Họa Phẩm: Mộng Tưởng)
Phải là một nghệ sĩ vừa đam mê vừa lãng mạn như Thanh Trí mới có thể tạo được cho mình một thế giới màu sắc vừa lồng lộng mang mang, vừa rạt rào man dại đôi khi trước một chủ đề-đối tượng quá đổi thông thường. Những họa phẩm như Bóng Trăng, Bờ Trăng, Nắng Mới ... trong tác phẩm là thí dụ điển hình.
Duyên nghiệp, nghiệp duyên kéo dài, từ trường học đến cuộc đời, từ những kiến thức học hỏi được ở nhà trường đến kinh nghiệm sáng tác phát sinh từ cuộc sống hiện thực người họa sĩ đang trải qua.
Với vốn liếng nghệ thuật sở đắc, Thanh Trí miệt mài sáng tác, từ cổ điển đến truyền thống (tradition). Truyền thống trong đề tài sáng tác, truyền thống trong cấu trúc và màu sắc, trong vang vọng đất nước cội nguồn.
Đền xưa miếu cổ hồn văn hóa
Một cõi bao tình nhớ cố hương.
(Họa Phẩm: Đất Mẹ&Huyền Thoại)
Trong chiều hướng trên, một vài họa phẩm tiêu biểu như Giặt Lụa, Đốt Lò Hương Cũ, Nỗi Lòng Chinh Phụ, Tình Mẫu Tử ... là thoáng hương xưa, góc trời cũ còn dấu ấn trong ký ức người họa sĩ.


Nghệ thuật là tìm kiếm và sáng tạo. Tìm kiếm chất liệu mới, đề tài mới ; sáng tạo khung trời nghệ thuật mới, mới hơn, đẹp hơn. Ý tưởng này vẫn thường quanh quẩn trong hồn trí tác giả hay thường bắt gặp trở lại trong giấc mơ huyền diệu, vũ trụ bao la - ta bà thế giới (rêve cosmique) người họa sĩ hằng ấp ủ ước mơ.
Hơn ai hết, từ những suy nghiệm, trăn trở về bản chất sự vật (nature des choses), người họa sĩ sống cận kề với sự vật, dễ dàng thông cảm và gần gũi với thiên nhiên, với sự vật - đối tượng. Ánh sáng, màu sắc chan hòa tự nhiên trở thành động lực sáng tạo, đẩy đưa người họa sĩ gần gũi hơn với sáng tạo.
Cùng với khả năng quan sát, nhận xét tinh tường (sens aigue de l'observation), họa sĩ tài ba là người biết vận dụng và khai thác màu sắc cùng ánh sáng hợp với giấc mơ nghệ thuật của mình. Về phương diện sàng tác, thuật ngữ được giới phê bình thưởng ngoạn thường dùng là: đường hướng mới, hay giản dị hơn: mới (Modernité).
Mới đây không có nghĩa là đoạn tuyệt với truyền thống mà khởi đi từ sở đắc thu thập được từ truyền thống, người họa sĩ là Thanh Trí đang trên đường tìm kiếm cái mới lạ hơn trước nay chưa nhìn thấy, cái mới hợp với cảm quan nghệ thuật của mình, thời đại mình. Thuật ngữ Modernité, (trong tiếng Pháp, xuất xứ từ moderne) có nghĩa là mới trong tổng thể sáng tạo, trong màu sắc, trong cấu trúc họa phẩm (Jean Starrobinski: Réflexion sur la Modernité. Commentaire Printing 1982. Numéro 17. P. 72).
Khởi đi từ truyền thống (tradition), cái Mới (modernité) đưọc tác giả Tranh và Thơ trình diện quần chúng khán giả - độc giả như một cảnh sắc mới, nếu không nói là một trường phái mới. Đây là thành tựu nghệ thuật đáng ghi lại trong những tranh dầu và tranh sơn mài, đặc biệt những họa phẩm như Yếm Hoa, Nguyện Cầu, Sóng Vỗ Bờ Trăng.
Yếm nàng chiếc cánh tỏa hương
Trắng trong tinh khiết nhẹ vương dưới trời.
(Họa Phẩm: Yếm Hoa)
Dù mang tính cách truyền thống hay mới, điều nhận thấy trước tiên là trong các họa phẩm của Thanh Trí, nét vẽ thường mềm mại linh động, ''liễu yếu đào tơ'' nhẹ nhàng lườt thướt. Nói rõ hơn, chất nữ tính (féminité) Thanh Trí muốn gởi gắm đến độc giả.
Không nói về tranh lụa mà tính chất féminité được dàn trãi rõ ràng và Thanh Trí chứng tỏ có biệt tài, cả về tranh dầu và tranh sơn mài cũng vậy. Nhận xét chung là tính cách féminité này trước sau vẫn là nét đặc biệt và đặc sắc trong toàn bộ tranh Thanh Trí. Dẫn chứng và giải thích là các họa phẩm Bóng Trăng, Cơn Lốc, Nữ Sinh Áo Trắng ...
Tuy rằng lãng mạn và ''nữ tính'' (féminité) là haì phương diện trước nay thường được các họa sĩ khai thác, nhưng phải nhìn nhận rằng trong tranh Thanh Trí, chất ''nữ tình'' vượt trội trên cả nếu không nói là bao trùm tất cả: féminité trong nội dung đề tài, trong chất liệu và màu sắc sáng tác, xao động và truyền cảm. Có thể nói thêm rằng tính chất féminité này đã làm nổi bật bản sách riêng rẽ và cá tính độc đáo (identité) người nghệ sĩ là Thanh Trí.
''Féminité'' trong tranh lụa, hình như Thanh Trí chịu ảnh hưởng rất nhiều các bậc thầy như Tôn Thất Đào, Lê Văn Đệ ; nét vẽ mềm mại thanh thoát, màu sắc tinh tuyền thẩm mỹ ...
Cùng một tác giả, trong cùng một tác phẩm Tranh và Thơ, độc giả lần lược nhìn thấy ba cảnh sắc, ba phương diện khác nhau: Truyền Thống (tradition), Mới (modernité) và Nữ Tính (féminité), mỗi cảnh sắc một vẽ đẹp riêng, cốt cách riêng !
Một thoáng nhẹ nhàng, phơn phớt như nguồn mỹ cảm tự nhiên chợt đến ; từng trang tranh lướt qua, nhìn ngắm và ngắm nhìn lại như một processus pictural thông thường, bạn đọc sẽ cảm nhận cái đặc sắc mỹ thuật trong khung trời hội họa Thanh Trí.
Cái đặc sắc ấy, phải chăng là cái Tâm và Trí (le coeur et l'âme) Thanh Trí muốn để lại trong toàn bộ họa phẩm của mình.
PHƯƠNG ANH TRANG

*

Hình: Hai trong số những hoạ phẩm màu nước, màu dầu, sơn mài, vải, lụa, bao gồm thế giới nghệ thuật của Thanh Trí. Một tác phẩm nghệ thuật luyến lưu kỷ niệm ''một thời để nhớ'', không phải riêng Thanh Trí, mà với các bạn đồng môn, đồng song, những thân hữu một thời quen gặp mô đó, Huế-Sài Gòn-Nha Trang-Đà Lạt-Cần Thơ... Mọi chi tiết, xin liên lạc với Thanh Trí, điện thoại 916. 393.9005.


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.