Hôm nay,  

Khởi Đăng Loạt Bài “đơn Vị Và Chiến Trường”: Sư Đoàn 1 Bb Trên Chiến Trường Phía Nam Bến Hải,khu Trị-thiên

04/05/199900:00:00(Xem: 18351)
Thể theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, nhất là các cựu quân nhân VNCH, muốn có những thông tin, tài liệu về chiến sử của các đại đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong suốt hơn 20 năm bảo vệ miền Nam thân yêu, Việt Báo đã khởi sự biên soạn loạt bài “Đơn vị và Chiến trường”, giới thiệu các đơn vị tinh nhuệ, những câu chuyện về chiến trường và người lính anh hùng của 11 Sư đoàn Bộ binh, hai sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù và Thủy quân Lục chiến, các binh đoàn thiện chiến của các binh chủng: Biệt động quân, Thiết giáp, Lực lượng Đặc biệt, Pháo binh, Công binh chiến đấu... một số đơn vị của hai quân chủng Không quân, Hải quân, của lực lượng an ninh diện địa Địa phương quân, Nghĩa quân và Cảnh sát Quốc gia.

Để mở đầu loạt bài này, VB trân trọng giới thiệu chiến sử của đại đơn vị đầu lòng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa: Sư đoàn 1 Bộ Binh, một trong những Sư đoàn thiện chiện nhất, đã cùng với lực lượng Tổng trừ bị giữ vững phòng tuyến phía Nam Bến Hải, và cụm tuyến phía Tây hai tỉnh Trị Thiên trong 16 năm dài từ 1955-1971, bảo vệ vững vàng Tây Nam Huế trong suốt cuộc chiến Mùa Hè 1972, chận đứng các cuộc xâm nhập của Cộng quân sau khi Hiệp định Paris ký kết (27/1/1973) cho đến ngày được lệnh triệt thoái khỏi chiến trường Trị Thiên vào những ngày cuối tháng 3/1975. Trước khi trình bày chi tiết về một số trận đánh lịch sử và một số câu chuyện về những nhân vật chiến trường của Sư đoàn anh hùng này, qua bài viết đầu, chúng tôi xin lược trình chiến sử của Sư đoàn 1 Bộ binh:
* Từ Sư đoàn Dã chiến số 21 đến Sư đoàn 1 Bộ binh: 2 lần đổi danh hiệu; 14 lần thay đổi tư lệnh; 20 năm chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên:
Là đại đơn vị đầu lòng của Quân lực VNCH, Sư đoàn 1 Bộ binh được chính thức thành lập ngày 1 tháng 1/1955, với đơn vị nòng cốt là liên đoàn 21 Bộ binh lưu động được thành lập từ ngày 1/9/1953. Đây chính là binh đoàn tiền thân của Sư đoàn.
Được hình thành theo kế hoạch phát triển Quân đội Quốc gia Việt Nam, trong giai đoạn đầu,đại đơn vị này được mang danh hiệu Sư đoàn Dã chiến số 21, gồm 3 trung đoàn: trung đoàn Bộ binh số 21 (gồm 3 tiểu đoàn 8, 28 và 56), trung đoàn Bộ binh số 22 (gồm 3 tiểu đoàn 23, 27 và 30), trung đoàn Bộ binh số 23 (gồm 3 tiểu đoàn: 7, 12 và 24), tiểu đoàn Pháo binh số 2.
* 14 vị tư lệnh của Sư đoàn 1 Bộ binh, có một vị 2 lần giữ chức tư lệnh Sư đoàn này, cách nhau 5 năm; tư lệnh đầu tiên: đại tá Lê Văn Nghiêm; tư lệnh cuối cùng: chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm.
Vị tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn là đại tá Lê Văn Nghiêm. Khi còn ở cấp trung tá, ông là một trong 4 liên đoàn trưởng Bộ binh lưu động đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam vào năm 1953, (3 liên đoàn trưởng khác là: trung tá Nguyễn Quang Hoành- đầu năm 1955 là đại tá tư lệnh Đệ nhị Quân khu; trung tá Nguyễn Khánh-năm 1964 là đại tướng; trung tá Tôn Thất Đính, năm 1963 là trung tướng). Đại tá Nghiêm người Thừa Thiên, tiến trình binh nghiệp của ông từ 1950 đến đầu năm 1955, được ghi nhận như sau: thăng cấp đại úy vào năm 1950; thăng thiếu tá: 1952, tiểu đoàn trưởng đầu tiên của tiểu đoàn 30; thăng trung tá: 1953, giữ chức vụ liên đoàn trưởng liên đoàn 21 Bộ binh lưu động; thăng đại tá đầu năm 1955, giữ chức tư lệnh Sư đoàn Dã chiến số 21 (Sư đoàn 1 Bộ binh), giữa năm 1955, kiêm nhiệm chức vụ Tư lệnh Đệ nhị Quân khu (sau này là Vùng 1), thăng thiếu tướng tháng 11/1955 cùng lần với đại tá Dương Văn Minh, sau đó lần lượt giữ các chức vụ: chỉ huy trưởng Liên trường Võ Khoa Thủ Đức (1956 đến 1960), tư lệnh Quân đoàn 3 và Vùng 3 Chiến thuật (1961-1962), tư lệnh Quân đoàn 1 và Vùng 1 chiến thuật (từ tháng 12/1962 đến tháng 9/1963); thăng trung tướng 2/11/1963 và giữ chức vụ tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt. Tháng 2/1964: chỉ huy trưởng trường Đại học Quân sự; tháng 11/1964, giữ chức giám đốc Nha Động viên Bộ Quốc phòng. Về hưu đầu năm 1965. Sau đại tá Lê Văn Nghiêm, Sư đoàn 1 Bộ binh đã được chỉ huy bởi các tư lệnh sau đây:
- Từ tháng 1/1956 đến tháng11/1963: 6 vị tư lệnh (sau này đều thăng cấp tướng và giữ chức vụ từ tư lệnh Quân đoàn đến Tổng tư lệnh Quân đội): đại tá Nguyễn Khánh (1956-1957); đại tá Tôn Thất Đính (1957-1958); đại tá Nguyễn Văn Chuân (1958-1959); đại tá Tôn Thất Xứng (1959-1960); đại tá Nguyễn Đức Thắng (1960-1961); đại tá Nguyễn Văn Thiệu (1961-1962); đại tá Đỗ Cao Trí (cuối năm 1962 đến tháng 11/1963), trong thời gian giữ chức vụ tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, đại tá Trí hai lần thăng cấp: thiếu tướng vào tháng 7/1963 (trước tháng 4/1964, cấp đại tá được thăng thẳng lên thiếu tướng), thăng trung tướng vào ngày 2/11/1963; từ tháng 9/1963 ông kiêm nhiệm chức vụ Quyền tư lệnh Quân đoàn 1 & Vùng 1 chiến thuật thay thiếu tướng Lê Văn Nghiêm.


- Từ tháng 11/1963 đến tháng 3/1975: 8 vị tư lệnh: đại tá Trần Thanh Phong (tháng 11/1963 đến cuối tháng 1/1964), trong cuộc chỉnh lý ngày 31/1/1964 do trung tướng Nguyễn Khánh chỉ huy, ông bị cất chức và bị áp giải vào Sài Gòn vì tướng Khánh nghi ngờ ông thuộc nhóm trung tướng Trần Văn Đôn, sau một thời gian ngắn, ông được tướng Khánh cho tiếp tục quân vụ tại bộ Tổng tham mưu, và được thăng chuẩn tướng vào ngày 31/10/64 khi giữ chức tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, thăng thiếu tướng vào 31/10/1967 và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng như tham mưu trưởng Liên quân, tổng trưởng Xây dựng Nông Thôn, tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, tử nạn vì báy may rơi vào năm 1972 gần Phú Yên khi ông đi thanh tra với chức vụ phụ tá của trung tướng Cao Hảo Hớn, trung tâm trưởng trung tâm Bình Định-Phát triển, đặc trách văn phòng điều hành Chương trình An ninh Thị tứ; thay thế đại tá Phong là đại tá Nguyễn Chánh Thi (từ tháng 2/1964 đến đầu tháng 11/1964), cũng như đại tá Trí, đại tá Thi đã hai lần được thăng cấp khi chỉ huy Sư đoàn 1 Bộ binh: thăng chuẩn tướng vào tháng 5/1964, thăng thiếu tướng vào cuối tháng 10/1964 và sau đó được cử giữ chức tư lệnh Quân đoàn 1 & Vùng 1 Chiến thuật thay thế thiếu tướng Tôn Thất Xứng.
Các tư lệnh kế tiếp là: chuẩn tướng Nguyễn Văn Chuân (tháng 11/1964 đến tháng 3/1966), đây là lần thứ hai chuẩn tướng Chuân chỉ huy Sư đoàn 1 BB, ông được thăng thiếu tướng vào tháng 11/1965, đến ngày 13/3/1966, được cử giữ chức tư lệnh Quân đoàn 1 thay trung tướng Nguyễn Chánh Thi; chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận (tháng 3/1966 đến tháng 6/1966); đại tá Ngô Quang Trưởng (từ tháng 6/1966 đến tháng 8/1970), hai lần thăng cấp trong chức vụ tư lệnh Sư đoàn 1 BB: thăng chuẩn tướng vào tháng 2/1967, thăng thiếu tướng vào tháng 5/1968; chuẩn tướng Phạm Văn Phú (tháng 8/1970 đến tháng 9/1972), thăng thiếu tướng tại mặt trận tháng 3/1971 với chiến công chỉ huy Sư đoàn 1 Bộ binh trong cuộc hành quân Hạ Lào, đến tháng 9/1972, nghỉ dưỡng bệnh, đại tá Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh phó xử lý thường vụ trong 2 tháng; chuẩn tướng Lê Văn Thân (1/11/1972 đến cuối tháng 10/1973); đại tá Nguyễn Văn Điềm (tháng 11/1973 đến ngày 29/3/1975), đại tá Điềm được thăng chuẩn tướng vào ngày 1/4/1974, bị tử nạn vào ngày 29/3/1975.
* 2 lần thay đổi danh hiệu:
Trở lại với tiến trình hoạt động và phát triển của Sư đoàn này, ngày 17 tháng 9/1955, theo SVVT số 3975/TTM/1/1/SC, Sư đoàn Dã chiến số 21 cải danh thành Sư đoàn Dã chiến số 1, danh hiệu các trung đoàn và các tiểu đoàn cũng được thay đổi: trung đoàn Bộ binh số 21 đổi thành trung đoàn Bộ binh số 1, các tiểu đoàn 8, 28 và 56 đổi thành tiểu đoàn 1/1, 2/1, 3/1; trung đoàn Bộ binh số 22 đổi thành trung đoàn Bộ binh số 2, các tiểu đoàn 23, 27 và 30 đổi thành tiểu đoàn 1/2, 2/2 và 3/2; trung đoàn Bộ binh số 23 đổi thành trung đoàn Bộ binh số 3, các tiểu đoàn 7, 12 và 24 đổi thành 1/3, 2/3 và 3/3; tiểu đoàn Pháo binh số 2 thống thuộc Sư đoàn đổi thành tiểu đoàn Pháo binh số 1. Cuối năm 1958, theo quyết định cải tổ các sư đoàn dã chiến và sư đoàn khinh chiến, Sư đoàn dã chiến số 1 đổi thành Sư đoàn 1 Bộ binh, các trung đoàn Bộ binh số 1, 2 và 3 đổi thành trung đoàn 1, 2 và 3 Bộ binh.
Ngày 1 tháng 6/1965, theo kế hoạch phát triển Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, các trung đoàn Bộ binh có thêm tiểu đoàn thứ 4. Ba năm sau, ngày 1 tháng 6/1968, Sư đoàn 1 Bộ binh thành lập thêm trung đoàn 54 Bộ binh với trung đoàn trưởng đầu tiên là trung tá Ngô Văn Chung (thăng đại tá 1/1/1970, cuối cùng là tư lệnh phó Sư đoàn 3 Bộ binh; tự sát trong lao tù CS sau 1975); cũng trong thời gian này, trung đoàn 2 Bộ binh có thêm tiểu đoàn 5/2. Cuối năm 1968, Sư đoàn 1 Bộ binh có 4 trung đoàn Bộ binh: 1, 2, 3 và 54, 1 thiết đoàn Kỵ Binh (thiết đoàn 7), 3 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, 1 tiểu đoàn Pháo binh 155 ly, tiểu đoàn 1 Công Binh. Từ năm 1969, theo tổ chức mới của các sư đoàn Bộ binh, Sư đoàn 1 Bộ binh có thêm 3 tiểu đoàn yểm trợ: tiểu đoàn 1 Truyền tin, tiểu đoàn 1 Tiếp vận, tiểu đoàn 1 Quân Y. Đến tháng 10/1971, trung đoàn 2 Bộ binh được chọn làm trung đoàn nòng cốt để thành lập Sư đoàn 3 Bộ binh.
Từ ngày thành lập cho đến tháng 3/1975, trong hơn 20 năm, Sư đoàn 1 Bộ binh đã 9 lần được tuyên dương công trạng trước Quân đội. Đầu năm 1969, quân kỳ của Sư đoàn 1 Bộ binh đã được gắn Bảo Quốc Huân Chương, và toàn quân nhân của Sư đoàn 1 được mang giây biểu chương màu tam hợp. Từ năm 1960 đến 1975, trên chiến trường Trị Thiên, Sư đoàn đã lập nhiều chiến công lớn qua các cuộc hành quân mang tên Lam Sơn, những thành tích lẫy lừng nhất là 5 lần đánh bại cuộc tấn công quy mô của sư đoàn 324 B CSBV, lần đầu tiên tại mặt trận phía Nam sông Bến Hải vào tháng 4/1967, lần cuối cùng tại mặt trận Tây Nam Huế trong cuộc chiến Mùa Hè 1972. Riêng trong tháng 2/1971, Sư đoàn 1 Bộ binh đã cùng với Sư đoàn Nhảy Dù, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh, lực lượng Biệt động quân Quân khu 1 tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào.

Kỳ sau: Trận chiến giữa Sư đoàn 1 BB và Sư đoàn 324 B CSBV tại mặt trận giới tuyến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.