Hôm nay,  

Ngày Cúng Kỳ Yên Xuân 2006 Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt

18/02/200600:00:00(Xem: 5632)
Để cầu nguyện cho quốc thái dân an, lễ cúng Kỳ Yên thường được tổ chức hằng năm tại Lăng Ông Bà Chiểu (Gia Định). Để lưu giữ truyền thống cao đẹp này, Lê Văn Duyệt Foundation tại Nam Cali đã tổ chức buổi lễ Kỳ Yên đầu tiên tại hải ngoại vào sáng ngày Chủ Nhật 12 Tháng Hai, 2006 tại Phòng Sinh Hoạt của Nhật Báo Người Việt. Số quan khách đến tham dự trên 300 người. Một hình ảnh thật đẹp nhắc nhở đồng hương nhiều qua lễ dâng hương trước bàn thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt và hàng người dài đến thắp hương, xin xăm, cầu xin những điều tốt đẹp nhất cho mình.

Ba mươi năm trước đây khi miền nam Việt Nam chẳng may bị sa vào tay người CSVN tạo ra làn sóng tị nạn tại vùng đất tự do này, những người đặt chân đến Mỹ vì cuộc sống khó khăn của thuở ban đầu, có lẽ ít ai dám nghĩ đến ước mơ có được những phong trào cổ xúy gìn giữ phong tục văn hóa cổ truyền được phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay, có những công trình văn hóa đầy ý nghĩa như Nhà Văn Hóa Việt Nam tại thành phố Pomona hay Đền Quốc Tổ Hùng Vương tại phố Bolsa, Orange county, hay nhiều ngôi giáo đường, chùa chiềng, hay thánh thất mang bản sắc của văn hóa Việt Nam tại đất Mỹ này. Đó là những ước mơ đã thành sự thật của một nền văn hóa mang theo hay một sự tái xác nhận bản sắc của những người Việt Nam không CS, đã phải ly hương vì hoàn cảnh không chấp nhận nhà cầm quyền CSVN. Cộng đồng Người Việt dù lưu vong, nhưng vẫn ôm ấp những điểm son của tiền nhân ban cho họ, từ sự nhớ nhung dải đất quê hương do vua Hùng khai sáng đến tinh thần chống ngoại xâm của Hưng Đạo Vương, Hai Bà Trưng, Vua Quang Trung đại thắng quân nhà Thanh,..., và Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt với công lao bình định đất đai trong diễn trình nam tiến hình thành miền nam. Điểm son trong lịch sử Việt Nam khi ông cha chúng ta khi mở mang bờ cõi về phương nam, đưa dân Việt đến định cư ở vùng đất mới là một công tác vĩ đại đầy khó khăn vì thiên nhiên hay vì phải bảo vệ an ninh bờ cõi, và người kiến trúc sư có công lớn trong diễn trình bình định phương nam chính là Đức Khâm sai Chưởng Tả Quân Lê Văn Duyệt. Theo tài liệu của Lê Văn Duyệt Foundation thì Ngài sinh năm Giáp Thân (1764) tại Cù Lao Hổ, cạnh Vàm Trà Lọt nay thuộc làng Hòa Khánh, tĩnh Định Tường. Nội tổ là Lê Văn Hiếu từ Quảng Nghĩa thiên cư vào Nam. Thân phụ là Lê Văn Toại và thân mẫu là Phúc Thị Hào, sau này rời Vàm Trà Lọt đến cư trú bên Rạch Ông Hổ (vùng Rạch Gầm) nay thuộc làng Long Hưng Tây tĩnh Định Tường. Đến sau này khi Ngài lâm trọng bệnh và mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 8 năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi. Miếu mộ của Ngài được xây cất tại Bình Hòa Xả (Gia Định), nơi người dân Đồng Nai kính cẩn gọi là "Lăng Ông", "Lăng Ông Thượng hay đền thờ Đức Thượng Công.

Trong bài nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, sáng lập viên cũng là đương kiêm hội trưởng Lê Văn Duyệt Foundation đã phát biểu về mục tiêu cho ra đời tổ chức văn hóa này, bài nói chuyện nhắc lại công đức của vị được triều đình thụ phong tước hiệu là Khai quốc Công thần và cũng như sự linh hiển của ông để lại cho nếp dân sinh hậu thế, mà người đời rất tin tưởng. Tiến sĩ Liêm nói:

"Lúc sinh tiền Đức Ông hết lòng lo cho dân Đồng Nai Cửu Long, nơi Ngài làm Tổng Trấn hai lần (tổng cộng 15 năm). Ngài thương dân như con đẻ, để hết tâm huyết làm cho quốc thái dân an. Chết đi Ngài trỡ nên vô cùng linh hiển, lúc nào cũng phù hộ cho người dân lành, cho bá tánh trong vùng Ngài cai trị. Theo chân Ngài cũng có nhiều anh hùng liệt sĩ, hết lòng vì dân vì nước, hy sinh tính mệnh để bảo vệ non sông. Gần đây nhất là năm vị tướng lãnh của Việt Nam Cộng Hòa đã tử tiết khi được lệnh đầu hàng Cộng Sản. Những vị đó cũng là những phúc thần bên cạnh Đức Tả Quân sẽ hiển linh để phù hộ cho người dân lành của quê hương xứ sở. Thành ra bên cạnh Đức Ông chúng ta cũng thờ cúng tất cả những anh hùng liệt sĩ đã có công với đất nước với nhân dân.

Ngày nay trên bước đường lưu vong, chúng tôi tin tưởng rằng Đức Tả Quân vẫn rất hiển linh, vẫn vô cùng linh ứng gia công hộ phù chúng ta khi chúng ta có việc thành khẩn cúng vái cầu xin. Chính bản thân tôi, và nhiều anh em trong ban chấp hành hội Lê Văn Duyệt Foundation, đã nghiệm thấy sự linh hiển của Ngài khi chúng tôi thành tâm cầu nguyện, khấn vái. Một số đồng hương gần đây cũng nhận thấy sự linh hiển đó sau khi đến chổ thờ tạm của Ngài để xin xâm, cầu nguyện Ngài phù hộ, giúp đở. Chúng tôi rất tin ở sự linh hiển của Ngài. Chúng tôi tin ở truyền thống tín ngưởng tốt đẹp của người Việt tự do, không cộng sản. Chúng tôi tin rằng việc thờ cúng Đức Thượng Công và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước là một sinh hoạt văn hóa rất đáng được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tổ chức lễ Cầu An (cúng Kỳ Yên) hôm nay, chúng tôi mong muốn phát huy truyền thống tín ngưỡng tốt đẹp ở Lăng Ông. Điều kiện vật chất ở đây, với tình trạng tạm thời, chưa cho phép chúng tôi lập lại đầy đủ những nghi thức cúng tế ở tại Lăng Ông. Trong điều kiện thiếu thốn hiện tại chúng tôi phải tổ chức một cách đơn giản, miễn có đủ lòng thành, đủ cung kính, đủ trang trọng và đủ tin tưởng đối với Đức Thượng Công cũng như đối với những anh hùng liệt sĩ khác đã bỏ mình để bảo vệ Miền Nam tự do cho đến phút cuối cùng. Chúng tôi tin chắc rằng nhiều vị ở đây cũng có niềm tin vững chắc như chúng tôi."

Lê Văn Duyệt Foundation là một tổ chức bất vụ lợi, được giấy phép hoạt động hợp pháp của chính quyền. Tổ chức qui tụ được một số thân hào nhân sĩ, những người lưu tâm đến sự phát triển của cộng đồng đặc biệt là phạm vi văn hóa như Giáo sư Phạm Cao Dương, Đô đốc Chung Tấn Cang, Luật sư Lưu Vĩnh Khương, Luật sư Đỗ Hiếu Liêm, Nghị sĩ Lê Châu Lộc, Thương gia Nguyễn Minh Chiêu, Hội trưởng tỉnh Bến Tre Châu Văn Để, Giáo sư Nguyễn Thành Long,... và Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Trong hoàn cảnh tương đối còn mới mẻ, vì tổ chức được hình thành vào tháng 5, năm 2004, và chính thức ra mắt ngày 4 tháng 9, 2005. Do đó còn rất nhiều công tác phải thực hiện như tiếp tục ra các đặc san biên khảo về văn hóa, lịch sử, quê hương, cũng như vận động dư luận các nơi sự hiện diện của tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation, và tiếp tục tổ chức những buổi lễ truyền thống như ngày Lễ Giổ của Đức Tả Quân vào ngày 22/08 dương lịch, rồi Lễ Kỳ Yên dịp Tân Xuân hằng năm. Tổ chức rất cần sự tiếp tay từ mọi giới, mọi sự yểm trợ và khích lệ rất cần cho ban điều hành hội.

Sau phần trình bày của GS Liêm là tiệc ăn trưa được khoản đãi miễn phí đến đồng hương tham dự buổi lễ. Phần văn nghệ giúp vui khá đặc sắc của các bộ môn như cổ nhạc có sự góp mặt của nghệ sĩ Phượng Liên, Hoàng Chí Thanh, ngâm thơ có nghệ sĩ Bích Ty, tân nhạc có giọng ca cao vút của Bác sĩ Trần Thuật, của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khi ông đã xuất sắc cất ca bài hát hướng về bàn thờ Đức Tả Quân với khói hương nghi ngút, lời ca như nguyện lời thề trung trinh với tiền đồ của dân tộc, bài "Việt Nam Minh Châu Trời Đông":

Việt Nam minh châu trời đông.

Việt Nam nước thiêng tiên rồng

Non sông như gấm hoa uy linh một phương.

Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.

Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi

Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời

Máu ai còn vương cỏ hoạ

Giục đem tấm thân trải với sơn hà.

Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước

Hy sinh xương máu mong báo đền ơn nước.

"Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.

Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam !".

(nhạc Hùng Lân)

Buổi lễ được kết thúc lúc 3 chiều cùng ngày. Lời mong ước của chúng tôi là cầu chúc cho Lê Văn Duyệt Foundation được phát triển mạnh mẽ để phục vụ cộng đồng trong các công tác phát huy văn hóa và bảo tồn những giá trị cổ truyền của dân tộc Việt Nam tại hải ngoại.

Việt Hải

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.