Hôm nay,  

Hội Tết San Jose 23 Năm Nhìn Lại

11/02/200600:00:00(Xem: 5828)
- Giao Chỉ -- San Jose tháng 2-2006

Còn công tác dọn dẹp Viện Bảo Tàng phải dùng xe Van kéo con tàu trên móc hậu dài 30 Feet. Chuyên chở các tấm tranh ngang dọc 12 và 16 Feet. Xe kéo tàu. Tàu lại chở đầy hàng. Làm ban đêm và làm ban ngày. Tính ra hết cả 100 công nhật mà chỉ khoe ra có mấy giờ đồng hồ phù du.

Gặp ông khách du Xuân khó tính, tay ôm hộp bánh lớn của chợ Safe Way trao tặng, miệng ông nói rằng Hội Tết năm nay chẳng có gì. Chán bỏ mẹ.

Hội Tết tổ chức tại Fairgrounds của quận hạt Santa Clara vừa chấm dứt vào đầu tháng 2-2006. Chúng tôi là một trong nhiều thành viên của ban tổ chức, lúc thì tham dự thật nhiều, lúc thì đóng góp vừa phải nhưng suốt 23 năm qua, chẳng lần nào vắng mặt. Năm nay là kỳ thứ 24. Những năm sau này, công việc chính phần lớn trong tay hai vị nòng cốt là ông Lại Đức Hùng và ông Hồ Quang Nhựt. Coi như lực lượng chủ lực chân cứng đá mềm, bền bỉ vô cùng.

Xem ra trên toàn thế giới hải ngoại chưa có ở đâu tổ chức Hội Tết liên tục, lâu dài như San Jose. Qua năm 2007 là bước vào năm thứ 25, kỷ niệm một phần tư thế kỷ đi dựng lại mùa Xuân, nên hôm nay có bài nhìn lại, con đường đã đi gọi là Tình Ca Hội Tết.

Đêm thứ Sáu vừa qua, sau khi chuẩn bị cho khu triển lãm Viện Bảo Tàng tạm xong thì đã quá nửa khuya, tôi nằm trên cái ghế bố nhà binh, nhớ về thủa xưa hơn 30 năm trước. Và xa hơn nữa, gần 50 năm trước. Nhớ lúc anh sĩ quan trẻ, nằm trên một chiếc ghế bố gãy chân phải kê một cục pin thật lớn. Nhìn lên mái tôn thủng của trại gia binh, thấy cả một trời quê hương.

Quê hương khi ta còn ở tuổi thanh niên, mới vào đời năm 20 tuổi. Rồi đến ngày ở tuổi 30, trong cư xá sĩ quan bắt đầu đã nằm giường sắt trải đệm Quân Nhu. Cái tuổi ba mươi mới đẹp đẽ biết chừng nào. “Lòng người trai ba mươi, vui như trẻ lên mười, yêu như trai mười bảy và buồn như sắc 50.”

Bây giờ trở thành anh lính già, nằm trên ghế bố, tuổi buồn 50 cũng đã xa cách lâu rồi. Giữa khu triển lãm với ba lô áo trận. Bên tấm hình dựng cờ ở Cổ Thành Huế. Trong khu Hội Chợ vắng lặng mênh mông của Fairgrounds 158 mẫu với diện tích lợp 35 ngàn Square Feet. Tất cả các gian hàng khác dù đã chuẩn bị xong hay còn dở dang thì anh em cũng đã về hết. Đèn tắt ngấm, một mình giữa một khu nhà mênh mông.

Trên chiếc ghế bố vẫn như thủa xưa, ký ức đưa dần về với kỳ tổ chức Hội Tết đầu tiên tại San Jose High vào mùa Xuân năm 1983.

Thời kỳ đó, chúng tôi tổ chức hai năm liên tiếp tại một trường trung học kỳ cựu của San Jose. Năm 1985 Liên Hội mới liều lĩnh vào thuê Fairgrounds.

Suốt 23 năm với 23 kỳ tổ chức, biết bao nhiêu người không còn nữa. Có các bạn đến rồi đi. Có bạn đi rồi trở lại. Có bạn đi luôn. Những năm không có bầu cử thì quan viên Mỹ không thèm đến. Năm nào bầu cử như năm nay, cả 3 ông bà ứng cử viên Hoa Kỳ đều mặc áo dài khăn đóng lên phát biểu dăm ba câu tiếng Việt.

Đúng theo luật tạo hóa, các vị tiền bối ra đi. Cụ Đào Đăng Vỹ, cụ Trần Hữu Phúc. Các tay trung niên hảo hán thì lưu lạc giang hồ như Đỗ Văn Hội ở Florida, Nguyễn Bá Trạc về Phần Lan ở miền quê vợ. Chẳng còn lo Hội Tết nắng hay mưa.

Ngày xưa, năm nào thiên hạ cũng bàn chuyện thời tiết. Các gian hàng có năm lời to có năm ế nặng. Văn nghệ lúc đông đảo, lúc èo uột. Có buổi thượng kỳ rầm rộ, uy nghi, có năm thưa thớt lèo tèo.

Đã bao nhiêu ngày tháng trôi qua, hết Tết này đến Tết khác. 12 con giáp ra đi lại trở về: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Kết nạp với vòng xoay Âm lịch: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Thân, Nhâm, Quý.

Năm 1983, tổ chức Hội Tết San Jose đầu tiên là năm Quý Hợi. Năm 2006 lần này, Hội Tết Santa Clara đến lượt chào mừng Bính Tuất. Con Heo ngày xưa nay đã già. Con Chó mới đến là con Chó con.

Sau hai mươi ba mùa Xuân, nhiều bằng hữu đã ra đi thật xa, không còn đòi cấp cho được cái thẻ đem xe vào Hội Tết. Những đứa trẻ ra đời ngày xưa, nay đã trưởng thành. Những thiếu niên 20 năm trước bây giờ bắt đầu dẫn một đàn trẻ thơ mặc áo gấm đội khăn vàng. Có cậu học sinh hiền lành của San Jose High nay trở thành linh mục Phan Quang Cường của giáo xứ đường Monterey. Chú học trò Andrew Hill bây giờ thành ông trung sĩ cảnh sát San Jose có bảng tên Lưu Phạm.

Có những gì đã thay đổi và có những gì vẫn còn lại. Gian hàng của tổ chức Kháng Chiến thủa xưa không còn nữa. Sau khi nghỉ vài năm, Xuân năm lẻ sáu lại xuất hiện dưới danh hiệu đảng Việt Tân. Trước sau vẫn anh em cũ. Già dặn hơn, cứng cỏi hơn, hay là đã gian truân hơn. Trên máy điện toán vẫn nghe tiếng mắng chửi ồn ào. Lời ca của bản nhạc xưa còn vang vọng “Trách chi người đem thân giúp nước...”

Anh trưởng đoàn của Văn Lang không còn đứng trong gian hàng của các em học sinh Việt ngữ mà bây giờ ra ngoài cổng xét vé xe. Gọi là làm chút công tác gây quỹ cho đoàn. Học trò ngày một đông hơn nhưng tài chánh lại ngày một khó khăn.

Thiếu vắng các em hướng đạo, nhưng lại thấy có xe của ban an ninh Việt Nam áo trắng.

Nhìn từ bên trong mới biết có sự thay đổi hàng năm. Chúng tôi chỉ muốn ghi lại những rung cảm của một người từng quan sát diễn biến của tổ chức Hội Tết suốt 23 năm cho đến kỳ Bính Tuất vừa qua. Xin có một vài chuyện lý thú cần kể lại. Nếu quý vị muốn vào Hội Tết Fairgrounds mà không cần vé cho người, không cần thẻ cho xe, có đậu chỗ rất tốt. Thì đây là bí quyết.

Xin hãy làm như chúng tôi. Đến Hội Tết trước 6 giờ sáng và ra về sau 8 giờ tối. Lúc đó không có ai gác cổng, soát vé. Xe đi lại tự do và đậu chỗ tốt nhất. Nhưng vào sớm như vậy để làm gì nếu không phải là lao công khuân vác.

Và bây giờ để trả lời câu hỏi Hội Tết có gì lạ.

Quý vị là người đã từng mặc áo chiến binh, đã từng trải qua trại tù cải tạo hoặc là thành phần thuyền nhân vượt biển. Xin mời vào khu Bảo Tàng Viện để cho tâm tình lắng đọng, đưa ta về miền quá khứ.

Những hình ảnh Bảo Tàng sưu tầm suốt 25 năm. Với năm, bảy người vừa là nhân công, vừa là nghệ sĩ chuyên chở, sắp xếp suốt một tuần lễ để bày biện cho thiên hạ chiêm ngưỡng trong hai ngày phù du ngắn ngủi. Sau đó lại mất thêm 5 ngày mới dọn dẹp xong.

Trong suốt 2 ngày hội Xuân, công việc của riêng tôi là “đi xem những người đi xem.” Có lúc bắt gặp ông già cải tạo kéo tay cháu nhỏ chỉ vào các mô hình ngục tù. Rồi ông cụ giả vờ ho quay đi gạt chút nước mắt. Đứa bé nhìn mô hình khu trưng bày di vật cải tạo rồi lại nhìn ông nội, mắt nai tơ long lanh, ngạc nhiên như muốn hỏi han điều gì. Đối với cá nhân tôi, như thế đủ để bõ công vất vả.

Trong một giây phút khác, thấy có ông đứng giơ tay chỉ chỏ trên tấm bản đồ thuyền nhân vượt thoát. Ông nói oang oang với nhóm gia đình vợ con đông đảo, cả mẹ vợ và các chị em: Songkla đây này. Thuyền của ông già nhà mình được vớt ở dàn khoan rồi đưa về trại. Thuyền chú Sáu năm 82 gặp tàu Na Uy ở đây. Ồ, không phải Bidong. Ở đây chỗ này hình như Mỹ ghi nhầm. Bidong ở bên này chứ không phải bên kia. Kẹt ở Bidong 3 năm nên tôi rành chỗ này lắm.

Đúng vậy, ông thuyền nhân Bidong năm xưa thấy lại cả một vùng trời Nam Hải của những năm vượt biển. Mộ ông già chôn ở Songkla. Ông cụ đã được vớt lên mà rồi cũng chết, phải chôn ở nghĩa địa thuyền nhân bên bờ biển.Đó là một vài mẩu chuyện tại Phòng Triển Lãm Bảo Tàng. Cũng vào đêm thứ Sáu, tôi lang thang qua bên Phòng Triển Lãm Mỹ Nghệ, gặp một ông cựu chiến binh Võ Bị đang nằm trụ ở khu Bonsai. Hỏi ra mới biết sự tình. Hơn 30 cảnh được trưng bày. Mỗi cảnh có hai cây kiểng Bonsai. Hết sức trân quý, hết sức lạ lùng và hết sức linh động. Sắp xếp giản dị nhưng rất hấp dẫn. Gia đình ông Bonsai cả hai vợ chồng là chủ nhân mà cũng là nhân công. Ông bà vừa là thầy dạy môn Bonsai cho các bạn Việt Nam vừa là những người thợ sáng tạo và bảo toàn cho hàng trăm chậu cảnh trưng bày mỗi năm. Tôi đi thăm một vòng triển lãm lúc 1 giờ sáng thứ Bảy. Tâm hồn lắng đọng với cỏ cây. Chân bước đi mà tưởng như đang ngồi thiền. Tưởng tượng mình như hòn đá dưới gốc thông già thu nhỏ.

Từ giã khu Bonsai với ông chủ gian hàng bây giờ nằm lại thành người gác gian canh giữ bảo vật. Bước qua khu triển lãm của anh họa sĩ trẻ ký tên TY. Phía ngoài có một bức tranh với tựa đề là “Ác mộng.” Nửa đêm về sáng, phòng tranh kỳ dị không một bóng người. Các đường nét tác phẩm đều giống nhau. Giới thưởng ngoạn gọi là các nét vẽ nhất quán.

Hỏi ra không phải là tranh lập thể như kiểu Tạ Tỵ. Tranh có vẻ diễn tả nhiều hơn là chụp lại hiện vật. Họ gọi là “Siêu thực.” Muốn gọi thế nào cũng được, nhưng sao mà bức tranh nào cũng toát ra vẻ đau khổ cùng cực. Phần lớn là những hình ảnh gần gũi của đất nước Việt Nam. Con vịt, cái chum, con người, những chiếc nón lá. Hình ảnh những chiếc nón lá huyền diệu nhất. Như là một tiêu biểu của Việt Nam. Vẽ nón lá giống hệt như nón lá, nhưng vẽ con người thì hết sức vặn vẹo, khổ đau. Chỉ thấy toàn là những bàn tay và những bàn chân.

Sáng thứ Bảy, tôi còn dẫn đứa cháu trai vừa sinh nhật 6 tuổi trở lại xem phòng tranh. Cháu thích vẽ nên cũng thường có ý kiến. Ý kiến của đứa bé mới vào đời. Sau khi được cho biết tên gọi bức tranh Ác Mộng ở cửa vào. Nhìn khắp phòng tranh một lượt, cháu nói với ông rằng, có phải ở đây toàn là tranh Ác Mộng.

Có lẽ lời trẻ mà lại đúng. Tranh của TY phản ảnh cuộc đời của cả nhân loại với nhiều cơn mộng dữ. Chẳng phải riêng gì Việt Nam, chẳng phải bây giờ. Từ xưa đến nay khắp thế giới lúc nào nhân loại cũng đau khổ với những ray dứt dằng xé con người. Vấn đề là làm sao đưa lên thành tác phẩm gồm màu sắc và đường nét.

Một trong các kỷ niệm đáng nhớ là vào những giờ phút cuối của ngày Chủ Nhật, cô Hoa Hậu Áo Dài của năm 2006 và tất cả các Á Hậu cũng như các em vào chung kết đều đến thăm Bảo Tàng Viện.

Phần lớn đều là sinh viên ở tuổi 20. Có em nói tiếngViệt thành thạo, có em nói trung bình. Tất cả đều áo dài tha thướt. Vì vừa mới trả qua kỳ thi với giây phút hồi hộp và buồn vui lẫn lộn nên dường như chưa có sự bình tâm quan sát các di vật trưng bày. Viện Bảo Tàng trở thành nơi lý tưởng để chụp hình. Sau hai ngày dài trầm lặng, đắm chìm nỗi u buồn của quá khứ từ chinh chiến đến thuyền nhân, đột nhiên vào giờ phút cuối, khu triển lãm ồn ào linh hoạt với các cô Hoa Hậu như những bông hoa Việt Nam ngàn tía, muôn màu.

Tôi hỏi hai em Hoa Hậu và Á Hậu. Cả hai em đều thuộc các gia đình vượt biên đến Mỹ rồi sinh ra các em trên đất tự do.

Bức hình các em chụp trước con tàu vượt biên sẽ trở thành một kỷ niệm vô giá.

Đó là câu chuyện đẹp nhất sau hai ngày Hội Tết. Nhưng chắc hẳn không khán giả nào có cơ hội theo dõi để biết rõ các gian hàng đã dọn về như thế nào.

Khu Bonsai chuyên chở trên 12 chiếc xe Van. Có xe phải đi nhiều chuyến. Các nhà chơi cây cảnh xuống tấn, đưa bụng ra đỡ cho cây Bonsai có chỗ tựa. Hai tay thật cứng để di chuyển từ bàn triển lãm đến sàn xe. Nghề chơi cây thật lắm công phu. Ai coi cũng suýt soa khen ngợi. Ai cũng hỏi có bán không" Sao không bán" Hỏi lại là có đủ tiền không mà mua" Một cô nhỏ chanh chua đã nói rằng, sao mà khinh người quá thế. Mấy trăm ngàn một cây. Thôi ta đành chịu thua cô bé. Phải làm cây thông nhỏ đứng cheo leo câm nín một mình.

Tác giả của Bonsai thường nói rằng, có người mua thì bán đi cũng là phải đạo. Tiền ai mà chả cần. Nhưng thương cây như thương con. Gặp tay mơ, làm cây chết, tội nghiệp.

Đó là chuyện chở Bonsai về lại mái vườn xưa, sang năm sẽ gặp lại. Còn công tác dọn dẹp Viện Bảo Tàng phải dùng xe Van kéo con tàu trên móc hậu dài 30 Feet. Chuyên chở các tấm tranh ngang dọc 12 và 16 Feet. Xe kéo tàu. Tàu lại chở đầy hàng. Làm ban đêm và làm ban ngày. Tính ra hết cả 100 công nhật mà chỉ khoe ra có mấy giờ đồng hồ phù du.

Gặp ông khách du Xuân khó tính, tay ôm hộp bánh lớn của chợ Safe Way trao tặng, miệng ông nói rằng Hội Tết năm nay chẳng có gì. Chán bỏ mẹ.

Đó là một vài ghi nhận nhắc lại làm chút quà Xuân.

Theo ý của riêng tôi, kỷ niệm với Hội Tết như thế là quá đủ cho một mùa Xuân. Từ khu Bonsai, qua phòng tranh Biểu Hiện Siêu Thực, đến khu triển lãm Bảo Tàng là những món ăn tinh thần rất thanh cao cho khách du Xuân. Chẳng nên đòi hỏi nhiều hơn.

Sau cùng tôi lại muốn mời quý vị trở lại với câu chuyện Viện Bảo Tàng trong năm 2006. Đây là một dự án đầy hãnh diện và sáng tạo của San Jose.

Bốn câu thơ tứ tuyệt đã được sửa lại, đem làm châm ngôn ngõ hầu có cảm hứng tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn tất. Thơ rằng:

Với tro tàn lịch sử,

Ta xây dựng bảo tàng.

Đem quá khứ huy hoàng,

Gửi tương lai vĩnh cửu.

Vâng, xin quý vị cùng chúng tôi hãy đem tro tàn và tâm huyết để làm thành một Viện Bảo Tàng đầu tiên của người Việt trên thế giới. Hãy cùng chúng tôi đem quá khứ đến tương lai. Quá khứ của mỗi người, mỗi gia đình góp lại để sau này sẽ trở thành vĩnh cửu qua cái danh hiệu.

Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa.

Giao Chỉ - San Jose 2006

(Xin liên lạc với chúng tôi tại địa chỉ IRCC, Inc. 420 Park Ave., San Jose, CA 95110. Tel.: (408) 971-7878. Fax: (408) 971-7882. Email: amy@irccsj.com - Web-site: www.vietskyline.com or www.irccsj.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.