Hôm nay,  

Lễ Lương Hoàng Sám: Pháp Sám Hối Đầy Uy Lực

22/10/200500:00:00(Xem: 8487)
Lễ lạy Lương Hoàng Sám, bắt đầu từ tối thứ Năm, ngày 29 tháng 9 năm 2005, tổ chức tại Hoa Nghiêm giảng đường, thuộc thành phố City of Industry, đã chấm dứt vào chiều chủ nhật 9 tháng 10 năm 2005 vừa qua. Đây là năm thứ nhì, lễ lạy Lương Hoàng Sám, được hai thầy Hằng Trường và Hằng Đức hướng dẫn quý Phật tử về kinh văn và ý nghĩa của sự lễ lạy. Chủ sám là một nhóm bốn vị sư người Tàu, đã hướng dẫn đại chúng về phần nghi lễ và tụng đọc sám.

Đại chúng tham dự khoảng từ hai trăm đến ba trăm người, có nhiều người theo cả khóa lễ, gồm 3 buổi tối và 4 ngày vừa thứ Bảy vừa Chủ Nhật, và cũng có một số người không dự nguyên khóa, mà chỉ dự được vài ngày. Giữa chương trình lạy Lương Hòang Sám, vào ngày thứ Bảy, mồng 1 tháng 9 năm 2005, thầy Hằng Trường đã giảng một bài pháp về ý nghĩa của sự lễ lạy Lương Hoàng Sám tại hội trường của nhật báo Viễn Đông. Và trong chương trình khai tâm trên TV, đài SBTN vào ngày thứ Bảy 15 tháng 10 năm 2005, thầy Hằng Trường tiếp tục giảng về Lương Hoàng Sám .

Bài tường trình sau đây là một tổng hợp của bài giảng ở hội trường nhật báo Viễn Đông, và hai ngày cuối của buổi lễ ngày thứ Bảy 8 tây và ngày Chủ Nhật 9 tây tháng10.

Xuyên suốt chương trình lễ lạy Lương Hoàng Sám, có 3 điểm đặc biệt, nòng cốt rõ ràng, ai cũng cảm nhận được đó là: Lễ lạy xá lợi của Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa, sự hài hòa của suốt buổi lễ và sự thành tâm của người lạy Lương Hoàng Sám.

1/ Lễ Lạy Xá Lợi của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
Hòa thượng Tuyên Hóa đã để lại một số Xá Lợi khi ngày thị tịch năm 1995. Một lễ cung nghinh Xá Lợi của ngài để Phật tử có cơ hội chiêm ngữơng, đảnh lễ để tạo thêm tín tâm, trong buổi lễ lạy Lương Hoàng Sám. Hòa Thượng Tuyên Hóa lúc con sanh tiền, ngày hay dạy dỗ tăng chúng và Phật tử về hạnh độ tha, hay cầu nguyện cho người khác và giúp đỡ mọi người với tâm không phân biệt. Nhiều người mắc bệnh nan y thường hay đến cầu Hoà Thượng Tuyên Hoá cầu nguyện cho họ. Do tâm từ bi, hòa thượng đã cầu nguyện cho và độ cho nhiều người. Ai đảnh lễ xá lợi của ngài cũng như đảnh lễ và cầu nguyện với chính ngài vậy. Điều quan trọng là phải có sự thành tâm. Nếu mình cầu nguyện điều gì cho người khác, không phải cho mình, với thành tâm, điều cầu nguyện có thể được mãn nguyện.

Nói chung một cách tổng quát về xá lợi, hay còn gọi là ngọc Như Ý, hay ngọc Mani, thường tròn như hòn bi, không có góc cạnh, có thể lớn hay bé, cứng chắc, đập khó vỡ, và có màu trắng. Xá lợi cũng có thể có màu ngũ sắc ẩn ngay trong xá lợi, Khi chiêm ngưỡng xá lợi, thái độ cần nên có là sự cung kính đối với cuộc đời tu hành của vị sa môn đó vì xá lợi là kết quá của định lực tu tập đuợc để lại cho hậu thế. Quan trọng hơn nữa là lòng thành tâm phát tâm bồ đề cầu nguyện cho người khác, không vị kỷ chỉ nghĩ đến mình. Sự thành tâm giúp ta dễ nhập vào từ bi lục của chư bồ tát, chư tổ, giúp chúng ta không thối chuyển tâm bồ đề.

2/ Sự hài hòa của lễ Lạy Lương Hoàng Sám.
Chủ sám là một nhóm bốn vị tăng người Tàu. Cách thầy tụng sám theo bản văn tiếng Trung Hoa và nghi lễ là theo nghi lễ của Phật giáo Trung Hoa. Đại chúng tham dự có người vừa là Trung Hoa nói tiếng Tàu, người Việt và những người chỉ nói được tiếng Mỹ. Sự hài hòa ở chỗ, suốt buổi lễ, các thày đọc tụng sám bằng tiếng TRung Hoa đến chươn g nào, quyển nào thì trên tường có bản sám bằng tiếng Việt, được phóng ra từ computer xách tay. Thầy Hằng Trường nói mỗi quyển Lương Hoàng Sám đều được đưa vào computer, cả thảy 10 quyển. Khi tụng đến đâu, thầy phóng bản văn sám tiếng Việt lên tường, và thầy ghi chú thêm phần xướng âm bằng tiếng Việt, trước danh hiệu của vị Phật, Bồ Tát, để Phật tử Việt Nam vừa có thể tụng đọc theo âm, vừa hiểu là mình đang lạy vị Phật hay Bồ Tát nào. Thí dụ:
Namo Mei Lei Pho
Nam Mô Di Lặc Phật
Namo Gwan Shr Yin Pu SA
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát

Nhờ sự gia công đó, và điều này đòi hỏi sự tham dự xuyên suốt cả buổi lễ qua nhiều ngày, Phật tử người Việt, tuy lạy theo nghi thức Lương Hoàng Sám của người Tàu, mà vẫn tụng và lạy theo danh hiệu các vị Phật, Bồ tát, bằng tiếng Việt Nam.

Đây là một thiện duyên gây tín tâm cho người lạy rất là lớn. Bởi lẽ, lạy Lương Hoàng Sám là để phục nghiệp, chuyển nghiệp và diệt nghiệp (sẽ nói thêm ở phần tổng quát về Lương Hoàng Sám) và nhất là để cởi oán, thì cần tâm thành. Sự hiểu biết về bản văn Lương Hoàng Sám và sự tụng đọc bản sám, tạo cơ hội mở tâm chân thành của người lạy.

3/ Sự thành tâm của người lạy.
Xuyên suốt buổi lễ lạy Lương Hoàng Sám qua nhiều ngày khác nhau, sự thành tâm của người lạy là một điều có thể thấy được, có thể cảm nhận được và không ai có thể chối cãi được điều đó. Nhiều người vừa lạy vừa khóc, nhiều người khi chia xẻ cảm nghĩ của mình vào cuối buổi lễ, vẫn không dấu được sự xúc động trong giọng nói.

Lạy Lương Hoàng Sám, ngoài mục đích cho mọi người sám hối tội nghiệp riêng, còn có mục đích hồi hướng năng lực tu tập của đạo tràng đến sự cầu nguyện cho một thế giới bớt hận thù, chiến tranh, chết chóc, bệnh tật. Thật không ngờ rằng trận đất lỡ ở Guatamela hôm thứ tư ngày 5 vừa, làm chết hơn ngàn người, và trận động đất ở Parkistan hôm thứ Bảy 8 tây vừa qua, giết chết hơn 30 ngàn người, đó là những thiên tai lơn không ngờ được, đã xảy ra trong hai tuần lạy Lương Hoàng Sám

Các hình ảnh của nạn nhân đất lở và động đất, được đưa từ internet, chiếu thẳng lên tường của giảng đường, để mọi người cùng hối hướng công đức cho các nạn nhân.

Sự hiện diện của Xá Lợi hòa thượng Tuyên Hóa, đầu tiên là để tạo sự thành tâm cầu nguyện cho một thế giới hòa bình hơn, bớt hận thù chết chóc, nay có thêm một lý do nữa, đó là nương nhờ từ bị lực, phổ độ lực của chư Phật, chư bồ tát và của hòa thượng, các vong linh của các nạn nhân thiên tai kể trên có được sự gia hộ, và sự cầu nguyện của đại chúng qua lễ lạy Lương Hoàng Sám.

* TỔNG QUÁT VỀ LƯƠNG HOÀNG SÁM
Bộ Lương Hoàng Sám không xa lạ gì đối với Phật giáo và Phật tử Việt Nam. Đây là một trong mấy chục bộ sám rất thịnh hành ở Trung Hoa.

Ngược dòng lịch sử Trung Hoa, hơn 1200 năm về trước, vì kinh điển ít, vì sự hiểu biết Phật pháp còn giới hạn, nên tuy Phật tử Trung Hoa đến chủa thỉ nhiều những thường bị đi lạc vào mê tín vì không thông hiểu các lý, như lý nhân quả hay lý nhân duyên. Vua Lương Võ Đế, tên là Tiêu Diển, là một vị vua tuy sống lâu trên 80 tuổi, nhưng thuở thiếu thời, tiếm ngôi vua, và làm nhiều điều thất đức khác, nên lúc lâm chung bị người phụ tá giết hại và vua chết vì đói. Vua Lương Võ Đế có một người thiếp sau phong Hoàng Hậu, tên là Hy Thị, vì tánh đố kỵ và ác độc, thường hay móc mắt và ám hại các cô thiếp trẻ đẹp khác.
Do ác tâm đó, Hoàng Hậu Hy Thị từ trần rất sớm. Sau khi Hoàng Hậu mất một thời gian, nhà vua nằm mộng thấy Hoàng Hậu trong lớp rắn, về báo mộng cầu xin vua đứng ra sám hối các việc làm ác độc của Hoàng Hậu lúc còn sống.

Bộ Lương Hoàng Sám được viết ra do một số các chư tăng ngồi lại, do sự thỉnh cầu của ông Chí Công, để vua Lương Võ Đế đứng ra sám hối thay Hoàng Hậu Hy Thị. Các vị tăng lúc đó, đã nhân việc soạn ra bộ Lương Hoàng Sám đem thuyết nhân quả vào sám để dạy dỗ chúng sanh.

Buổi lễ lạy và tụng Lương Hoàng Sám được tổ chức vào thời đó rất lớn và vì thế quy tụ được nhiều người dân đến xem. Bởi lẽ đó, bộ Lương Hoàng Sám đi vào dân gian rất nhanh và tạo tín tâm rất thành trong lòng người lúc bấy giờ. Người dân tụng và lạy Lương Hoàng Sám, cầu cho thiên tai như hạn hán, nước lụt, mùa màng thất.v..v.. Sự linh nghiệm do lòng thành cầu nguyện khiến sau đó mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đã khiến dân chúng ngày càng có lòng với Lương Hoàng Sám.

Trở lại với vua Lương Võ Đế, khi vua tụng đến quyển thứ năm, vua cảm động rớt nước mắt khóc. Sự động tâm và thành tâm của vua đã chuyển đổi được nghiệp của hoàng hậu Hy Thị. Bà đã chuyển từ thân mãng xà, thân rắn về trở lại thân người. Vua nằm mộng thấy bà hoàng hậu, với thân người đẹp đẽ, về cảm tạ vua đã thay bà sám hối, điều đó đã chuyển nghiệp cho hoàng hậu Hy thị.

Đây là điểm tinh túy cốt lõi của bộ Lương Hoàng Sám vì tế độ vong linh là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Lương Hoàng Sám. Nhưng mà cần phải có lòng thành để làm việc tế độ cho một hay nhiều người khác, vì các vị viết ra bộ Lương Hoàng Sám là dùng tâm thức vị tha, tâm thức nghĩ đến người khác, để viết ra sám.

Trong phần lạy ở mỗi phẩm, người lạy được nghe xướng danh rất nhiều vị Phật và bồ tát, nhưng ở đoạn nào cũng lạy 2 vị bồ tát và 2 vị Phật chánh là: phật Di Lặc, Phật Thích Ca, Bồ Tát Vô Biên Thân và Bồ Tát Quán Thế Âm.

Tại sao chúng ta lại lạy 4 vị này nhiều hơn"
Chúng ta lạy Phật Di Lặc, là một vị Phật của tương lai với hàm ý là muốn sám hối phải nhìn về quá khứ để tu sửa, để tha thứ. Khi mình có thể tự tha thì mình mới dễ tha thứ được lỗi lầm của người khác. Tuy mình đã tạo nên lỗi lầm, nhưng nếu mình thành tâm sám hối, mình có thể nhẹ bớt gánh nặng ám ảnh của tội nghiệp quá khứ, để tạo một lòng lạc quan,lòng hiền từ như Ngài Từ Thị, tức Phật Di Lặc, và từ đó ta có thể nhẹ nhàng tha thứ và bao dung người khác.

Chúng ta lạy Phật Thích Ca Mâu Ni, là vị Phật đương thời với hàm ý là khiến chúng ta có thể nhận ra khả năng tái tạo vận mạng của chính ta nằm trong tầm tay của mình. Vấn đề là mình có thành tâm muốn chuyển đổi đời mình, từ những nghiệp ác có hại cho chúng sinh, đến những nghiệp lành đem lợi lạc đến chúng sinh. Còn nếu muốn, thì có thể làm được.

Chúng ta lạy bồ tát vô biên thân với hàm ý rằng một khi chúng ta phát tâm bồ đề là có vô số phương tiện độ sinh, vô số thân, vô số tay, vô số mắt để cứu người độ đời. Các vị bồ tát phát tâm là đại biểu cho tinh thần dấn thân phục vụ tích cực, không cố chấp, không ngần ngại và biến hóa muôn mặt.
Chúng ta lạy bồ tát quán thế âm với hàm ý là chúng ta lắng nghe âm thanh của mọi giới, mọi loài với tâm vô ngại và tâm không phân biệt, là tình thương bình đẳng đến mọi người, mọi loài, là lòng hy sinh xả thân cho người khác, và sự hiến thân làm việc vì người khác.

* LỢI ÍCH CỦA VIỆC SÁM HỐI
Chúng ta lạy Lương Hoàng Sám để được lợi lạc về nhiều mặt. Như đã dẫn ở phần trên, thứ nhất là tế độ vong linh. Tuy nhiên,còn có nhiều lợi lạc về sự giải oán trong liên hệ giữa mình và người khác, và hơn thế nữa có thể giải nghiệp.

Nói về sự giải oán thì trước tiên nên nói về quan hệ giữa mình với người. Hình ảnh thiết thực và tượng trưng nhất về quan hệ giữa mình và người là hình ảnh hai bàn tay bị trói chung một sợi dây. Một bàn tay là của mình, còn bàn tay kia là của người khác. Sự liên hệ giữa mình và người càng thắt chặt thì càng nghẹt thở. Mình không thể kết oán với người mình không quen biết và không liên hệ. Mình chỉ thường kết oán với những người xung quanh mình và có liên hệ đến, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, họ hàng, thầy trò, đồng bạn, đồng sự..v..v...

Đáng lẽ ra trong liên hệ đó, mình phải thấy cái tình giữa mình và người là quan trọng, để mình nuôi dưỡng và giữ gìn cái tình, đằng này ngược lại, khi mình nổi nóng vì những lý do không quan trọng hay những lý do mà chỉ thấy có mình là đúng, thấy người có lỗi, thì mình đã coi nhẹ cái tình giữa mình và người. Điều mình cần hiểu cho tận tình là mình càng thù người nào, người đó càng ở với mình rất lâu, trong những thời gian tới hay những kiếp sau.

Cách giải oán là mình mở tâm ra, nhận lỗi, nhường nhịn, chân thành, trong lúc lạy Lương Hoàng Sám để giải oán với người. Mong rằng từ giờ trở đi mình thường thấy cái hay của người hơn là cái lỗi của họ. Chúng ta cũng có thể lạy Lương Hoàng Sám để giải oán cho một người khác.

Thí dụ là một người vợ lạy Lương Hoàng Sám cho người chồng đang có vợ bé. Người chồng không biết rằng vợ bé của mình là người trong kiếp trước bị mình giết, nên kiếp này hiện thân làm vợ bé để đòi nợ bị giết. Sau khoảng 4 tháng lạy Lương Hoàng Sám, người chồng bỏ người vợ bé, về nhà thú tội ngoại tình.
Bởi thế, quan hệ giữa mình với người khác rất quan trọng. Mỗi khi mở miệng, mình nên cẩn thận lời nói. Lời nói của mình có thể buộc chặt hay tháo gỡ ra mối quan hệ của mình và người. Lạy Lương Hoàng Sám với tâm thành biết được nghiệp và muốn cải sửa, có thể phục nghiệp, chuyển nghiệp và diệt nghiệp.
Khi dám để hối phục nghiệp thì tâm thức của ta vẫn ở vị trí vị ngã, nghĩa là làm vì ta, cho ta. Thí dụ, ăn rau trái không ăn thịt nữa, vì sợ bị bệnh tật do thịt cá gây ra. Khi sám hối để chuyển nghiệp thì tâm thứ ta ở vị trí vị tha, nghĩa là nghĩ đến người khác thay vì nghĩ điến ta. Thí dụ ăn chay là vì lòng hiếu sanh,không muốn sát sanh thú vật để ăn khi sám hối để diệt nghiệp là với trình độ tâm thức chân thành nhất, nhật ra mình tạo nghiệp và chân thành sám hối, lúc đó như ngọn đèn vào phòng tối. Ngọn đèn dụ cho lòng chân thành sám hối, phòng tối dụ cho nghiệp ác. Ngọn đèn sáng lên thì căn phòng hết tối.
Thầy Hằng Đức dạy thêm các điều căn bản sau đây:

Lạy sám hối là tiến trình phản ảnh tâm. Mình nhìn xem tâm thái của mình như thế nào" Mình nhìn sâu vào tâm của mình, và mình không rời xa tâm. Đừng để tâm chạy theo cảnh trần bên ngoài. Nhìn tâm rồi, buông bỏ những điều thấy quét ra ngoài những phiền não, sân hận. Nhớ đừng mang thêm sầu hận phiền não khác vào tâm.

* XUẤT SÁM
Mỗi chương của Lương Hoàng Sám đều có phần nhập sám, phán và xuất sám. Cũng như buổi lễ lạy Lương Hoàng Sám kết thúc sau quyển thứ 10.

Thầy Hằng Trường nói chính thầy rất xúc động về một câu tán, như thế này: "Lời tụng Lương Hoàng Sám đến, nghiệp bay đi".

Tâm thức của mình có chân thành có thấy mình đã tạo ra vô số nghiệp, thì lời tụng văn kinh mới làm nghiệp giải được. Còn tụng và lạy Lương Hoàng Sám không có tâm chân thành thì không có gì thay đổi cả.

Sau khi mình đã phát tâm bồ đề, lập hạnh bồ tát, làm sao trưởng dưỡng, nuôi nấng, ấp ủ tâm bồ đề về lâu về dài, đó mới là vấn đề quan trọng kế tiếp. Phát tâm bồ đề thì cũng khó nhưng cũng dễ, nuôi dưỡng tâm bồ đề mãi mãi trong suốt cuộc đời, lại là một vấn đề tu tập khác.

Ở đoạn chót bài viết hôm nay, xin được gởi đến mọi người lời dạy bảo của vị chủ sám, một vị sa môn người Trung Hoa như đã nhắc ở đoạn trên. Trước khi ra về, thầy nói rằng: Thầy rất cảm động thấy sự thành tâm của đại chúng suốt buổi lễ. Thầy thương mến nhắn nhủ rằng một ngày đi qua là một ngày mất đi, là một này mình gần thêm cái chết. Sự sanh tử đứng ngay sau lưng mình, nên tinh tấn tu tập, sám hối, để một ngày kia hội đủ duyên lành, chúng ta gặp lại nhau trong Hội Long Hoa của Đức Phật Di Lặc và được Ngài thọ ký cho tất cả chúng ta./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.